Phân tích câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim.Thử hỏi, trong cuộc đời này có ai không muốn thành công, thành đạt, dù ít, dù nhiều. Nhưng con đường dẫn đến vinh quang, đến thành công không chỉ đi qua những cánh đồng hoa hồng thơm ngan ngát
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý 1. Mở bài Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. 2. Thân bài a) Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ (nghĩa đen, nghĩa bóng) - Như một lời nói thông thường, giản dị, dễ hiểu câu tục ngữ đưa ra một hình ảnh cụ thể mang tính nguyên nhân, hệ quả: thỏi sắt thô cứng kia nếu ra sức mài giũa lâu ngày thì nó sẽ trở thành một cây kim sáng bóng, hữu dụng, phải có nghị lực, kiên trì thì mới đi đến thành công trong công việc. => Khẳng định ý nghĩa câu tục ngữ. b) Phân tích, chứng minh, bình luận - Là một đức tính không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Bởi lẽ bất cứ công việc gì muốn thành công đều phải trải qua một quá trình lao động một thời gian rèn luyện lâu dài. Có khi thành công đó lại được đúc rút kinh nghiệm từ những thất bại. Không cứ chỉ qua một lần làm việc mà dễ dàng mang lại kết quả tốt đẹp mà chính nghị lực, lòng trì, nhẫn nại mới là sức mạnh vô hình giúp ta đi đến thành công. Càng gian nan, chịu đựng càng dài thì sự thành công đó mới càng vinh quang và đáng tự hào. - Nếu chỉ mới thất bại mà vội nản lòng, nhụt chí, bỏ cuộc thì ta khó đạt tới đích. Phải nên nhớ rằng "Thất bại là mẹ thành công". Dẫn chứng: - Một học sinh yếu môn Toán, cứ miệt mài chăm chỉ rèn luyện... chắc chắn có ngày sẽ khá lên. - Thầy Nguyễn Ngọc Kí tuy bị liệt cả hai tay nhưng với lòng quyết tâm cao, thầy đã kiên trì rèn luyện viết được bằng đôi chân. Đó chẳng phải là những tấm gương về lòng kiên trì, nhẫn nại đó sao. - Những nhà bác học đã giam mình trong phòng thí nghiệm hết ngày này ngày khác để tìm ra được những chất hóa học phục vụ cho nhân dân. c) Mở rộng vấn đề - Trong xã hội ngày nay vẫn còn những kẻ "thấy sóng cả vội ngã tay chèo", để thụt lùi trước khó khăn, trở ngại, những kẻ đó dễ thất bại trên đường đáng phê phán. - Vận dụng ý chí, nghị lực, lòng kiên trì vào công việc phục vụ cho con người, cho xã hội là điều tốt. Ngược lại dồn sức để thực hiện cho một ý đồ xấu làm hại người khác thì đó là điều nên tránh. - Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, mỗi người cần ý thức để rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại khi bắt tay vào việc đi đến thành công. Đó cũng là góp một phần nhỏ vào việc xây dựng cho xã hội ngày càng tiến lên. - Với người trẻ tuổi, việc học tập và rèn luyện đòi hỏi người ta phải nỗ lực không ngừng mới đạt được kết quả. Bởi vậy, không thể không "mài sắt" để "thành kim". 3. Kết bài - Câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim" là một bài học giáo dục lòng kiên trì, nhẫn nại không dành cho riêng ai và mãi mãi được thực hiện bất kì thời đại nào. - Đây là một đức tính không thể thiếu được ở mỗi người chúng ta lúc còn nhỏ đến lúc trưởng thành và khi vào đời. Bài mẫu 1 Thử hỏi, trong cuộc đời này có ai không muốn thành công, thành đạt, dù ít, dù nhiều. Nhưng con đường dẫn đến vinh quang, đến thành công không chỉ đi qua những cánh đồng hoa hồng thơm ngan ngát. Con đường ấy có khi quanh co, có khi qua rừng già, suối sâu… Có nghĩa là đường đến vinh quang không phải là con đường dễ. Bởi vậy, mỗi khi đi trên con đường ấy lòng ta sẽ chẳng thể nào quên được lời nhắc nhở ân cần mà chứa chan tin yêu và hi vọng của ông cha: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” Thực tế cuộc sống và gương danh nhân là những bằng chứng rất xác thực cho lời dạy trên. Chúng ta chắc đã từng xem bác thợ rèn rèn dao, rèn búa. Nay ta thử tưởng tượng thanh sắt to, là kim loại rắn mà ta phải cố công mài từ ngày này sang ngày khác để thanh sắt to trở thành một cây kim bé nhỏ… Đó là một thời gian dài với biết bao công sức khó nhọc, đòi hỏi sự kiên trì liên tục, sự cố gắng không ngừng. Từ chuyện mài nên một cây kim bé nhỏ, câu tục ngữ mở ra cho chúng ta biết bao điều suy nghĩ về sự kiên trì ở đời. Ta không thể quên một người rất nghèo, đi ở chăn trâu cho phú ông. Phú ông nuôi riêng thầy dạy học cho các con mình. Người chăn trâu ấy nhìn mà thèm cái chữ nghĩa nhưng chỉ dám học vụng, học trộm mà thôi. Đó chính là Nguyễn Hiền, người làng Dương Miện, tỉnh Hà Nam, sống vào đời vua Trần Thái Tông, khoảng thế kỉ XIII. Ông đã kiên nhẫn, chịu khó học tập không lúc nào ngừng nghỉ: học trên lưng trâu, học bên cối xay lúa trong lúc giã gạo cho chủ... Hiền thường nói với mẹ: “Mặt đất dưới chân con là giấy, cành cây trên đầu là bút của con!”. Nhờ chăm chỉ, kiên trì học tập, Nguyễn Hiền đã đỗ Trạng nguyên ngay lúc còn là một chủ bé tóc để trái đào. Rồi ông trạng “Văn hay chữ tốt” Cao Bá Quát từng là một người “gieo vạ” cho dân khi ông được nhờ viết đơn gửi quan mà chữ không đọc nổi. Kiên trì rèn luyện, từ chỗ không ai đọc nổi chữ ông viết, ông đã trở thành người nối tiếp đời đời về tấm gương khổ luyện thành tài. Sau mỗi mùa thi, bạn có thấy những cái tên, những con người được nhắc đến với lòng ngưỡng mộ khi họ trở thành thủ khoa sau mười hai năm miệt mài đèn sách không? Mỗi tuần, bạn có thấy một người bước lên bục vinh quang nhận vòng nguyệt quế trong chương trình Đường lên đỉnh Olimpia không? Rồi những kì thi quốc tế các môn khoa học tự nhiên, Robocom châu Á... học sinh Việt Nam được vinh danh, được nhắc đến không phải chỉ một lần. Những con người ấy đã gặp nhau trên đỉnh cao vinh quang và đã cùng đi trên những con đường đầy chông gai, thử thách, những con đường rất dài. Đấy chẳng phải họ đã mài sắt để nên kim sao? Bên cạnh những tấm gương học tập xuất sắc ấy, còn có tấm gương lao động của Lương Định Của kiên trì trong việc nghiên cứu, tìm tòi để lai tạo một giống lúa mới có năng suất cao, kháng sâu rầy mạnh. Ông phải làm việc rất khó nhọc, từ sáng sớm, ông đã ra ruộng lội bì bõm khi để quan sát, thử nghiệm đến chiều tối mới về. Ông theo dõi công việc ấy liên tục ba vụ mới hoàn thành một đợt. Hết đợt này đến đợt khác. Công sức của nhà tiến sĩ nông học ấy đã đem lại no ấm cho người đời bằng sự kiên trì không mệt mỏi của ông. Trên thế giới, ai lại không biết hai nhà bác học người Pháp Pierre Curie và Marie Curie. Để khám phá ra nguyên tố phóng xạ ra-đi-um, hai ông bà đã lao động vất vả bốn năm trời, sàng lọc đến tám tấn quặng mới thu được một phần mười gam chất phóng xạ. Quả là một công việc mài sắt nên kim vĩ đại vậy! Trước bao tấm gương kim cổ ngời sáng ấy, ngày nay chúng ta còn trong tuổi học trò, càng nên rèn luyện đức tính kiên trì nhẫn nại, coi lời dạy trên như kim chỉ nam trong ý chí và hành động. Có như vậy, ta mới có thể vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công những ước mơ của tuổi trẻ. Có kiên nhẫn học tập, lao động và rèn luyện đạo đức từ lúc ấu thơ thì khi lớn lên, chúng ta mới trở thành người có đủ nghị lực và ý chí vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc đời, để trở thành người công dân tốt của xã hội. Tóm lại Có công mài sắt, có ngày nên kim quả là một kinh nghiệm có giá trị, một bài học quý báu cho chúng ta. Có kiên trì và nhẫn nại thì mài sắt mới nên kim. Chúng ta hãy quyết tâm trong học tập và rèn luyện vì người xưa cũng từng nói nước chảy đá mòn hoặc chân cứng đá mềm. Bài mẫu 2 Cuộc đời mỗi cá nhân là hành trình kiếm tìm những chân giá trị. Tôi còn nhớ, có ai đó đã từng nói rằng: đường đi khó không phải vì bản thân nó khó mà khó vì lòng người ngại núi, e sông. Thế mới biết, chỉ khi con người cần cù, siêng năng, kiên trì thì mới có thể tìm kiếm những giá trị mà bản thân hằng mong muốn và mới có thể vươn tới những thành công, những đỉnh cao trong cuộc sống. Bởi vậy, ông cha ta mới khuyên rằng “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Nói đến “sắt” là ta nói đến một vật dụng bằng kim loại, được sử dụng để làm nhiều vật liệu khác nhau trong đời sống. Còn nói đến “kim” là nói đến một vật dụng vô cùng nhỏ bé, thường được sử dụng trong may vá. Nhờ hành động “mài” mà “sắt” mới có thể thành “kim”. Trong tương quan giữa hai vật dụng, câu tục ngữ muốn nói với chúng ta rằng: kiên trì thì con người sẽ làm được nhiều điều có ích, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Đó là một điều hoàn toàn đúng đắn. Bởi kiên trì thể hiện sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của con người. “Sắt” không thể tự biến thành “kim” được mà phải nhờ vào sự cố gắng tác động của con người. Triết học của Marx- Lenin cho rằng mọi sự biến đổi về lượng sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất. Vì vậy, khi sự cố gắng, nỗ lực được tích lũy ngày càng tăng thì con người ta sẽ dần thay đổi, gặt hái được nhiều thành công hơn. Nhờ những tháng ngày không ngừng tích lũy bao bài học sau khi rời bỏ đại học mà Bill Gates mới có thể trở thành một trong những người giàu nhất thế giới đó thôi. Sự nỗ lực, kiên trì còn cho thấy ít nhất một điều rằng: trong quá trình theo đuổi thành công, những chân giá trị của cuộc sống, chúng ta không bao giờ biết từ bỏ. Quá trình từ “sắt” biến thành “kim” là một quá trình kéo dài, có khi liên tục mà nếu con người bỏ dở giữa chừng thì “sắt” vĩnh viễn không thể biến thành “kim”. Nhà thám hiểm muốn thám hiểm ra những vùng đất mới mà giữa đường anh ta lại bỏ chừng thì sao có thể tìm thấy điều mình đang kiếm tìm? Một nhà leo núi muốn chinh phục được những đỉnh núi cao mà giữa đường anh ta bỏ chừng thì sao có thể đạt được mong muốn của đời mình? Cũng bởi vậy mà Thomas Edison mới có thể phát minh ra nhiều thứ phục vụ cuộc sống, đưa tên tuổi của ông còn mãi đến ngày hôm nay Tất nhiên không trong cuộc sống, cứ kiên trì là con người sẽ có được thành công. Để đạt được những thành công còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng có thể nói sự kiên trì, nỗ lực chiếm một tỉ trọng rất lớn. Nó cho ta hiểu ra một điều rằng sau những lần thất bại, đừng vì thế mà nản chí, thay vào đó, hãy biết vươn lên không ngừng, như loài xương rồng sống ở sa mạc vậy. Vẫn biết rằng, có những lúc, dù ta đã cố gắng, nỗ lực đến không ngừng nhưng vẫn không thể nào gặt hái được thành công. Nhưng ta vẫn phải luôn kiên trì hết mình bởi khi một cánh cửa đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra và rồi dù thất bại, khi ngoảnh đầu nhìn lại ta vẫn sẽ mãi nở nụ cười bởi ta đã làm hết mình, đã cháy mình. Thất bại của ngày hôm nay nhưng luôn kiên trì, luôn nỗ lực không ngừng thì chiến thắng của ngày mai còn ngọt ngào và đáng trân trọng hơn bội phần. Câu tục ngữ đã cho chúng ta một bài học quý giá về sự nỗ lực và kiên trì. Nó cho ta hiểu sâu sắc và thấm thía một điều rằng mọi thành công trong cuộc sống không thể tự nhiên mà có, nó chỉ có thể có nhờ những nội lực của bản thân ta. Bởi vậy, ngay từ ngày hôm nay, ta phải nỗ lực và kiên trì không ngừng! Bài mẫu 3 Nền văn học nước ta rất phong phú với nhiều câu ca dao, tục ngữ của ông cha ta để lại cho con cháu nhằm dạy cho các thế hệ sau nhiều bài học quý giá, kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Từ lâu, chúng ta đã hiểu, làm việc gì cũng cần sự kiên trì không thể ngày một ngày hai là thành công được nên các cụ có câu “có công mài sắt có ngày nên kim” thể hiện lòng kiên nhẫn của mọi người. Trong cuộc sống không phải mọi thứ tự nhiên mà có, tất cả đều phải có lao động mới làm ra, khi mỗi người có mục đích và cách sống riêng không ai giống ai cả, vì thế cần phải cố gắng và kiên trì để thực hiện những mục đích và ước mơ của mình đã đặt ra, hoàn thành tốt nhất theo cách của mình. Từ xa xưa đức tính ấy vẫn luôn được mọi người giữ gìn, và phát huy, như đã thấy, bao nhiêu năm kháng chiến, kháng chiến chống Pháp hàng nghìn năm đô hộ, vậy mà nhân dân ta vẫn kiên trì, vẫn tiếp tục đấu tranh để giành lại độc lập, giúp cho đất nước hòa bình như ngày hôm nay, không một thắng lợi nào mà không gặp những khó khăn, thử thách, không một thành công nào mà không phải bước qua bom đạn, chông gai. Cái chính là con người có kiên trì, có quyết tâm vượt qua hay không? Hiểu được điều đó, từ ngàn xưa nhân dân ta nhắc nhở nhau: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, cho thấy tầm quan trọng của câu tục ngữ, đến bây giờ câu nói đó, là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đều phải trải qua thời gian miệt mài học tập suốt mười mấy năm mới có thể đủ trí thức bước vào cuộc sống, qua quá trình học tập được thầy cô trang bị cho những kiến thức, giá trị trong cuộc sống với nhiều châm ngôn triết lý để giúp ta có hành trang bước vào đời như một nền tảng vững chắc, khi học mỗi chúng ta cần ra sức, chăm học hỏi để có thể tiếp thu những bài học hay, và đầy ý nghĩa. Trong cuộc sống chúng ta cũng vậy phải không ngừng rèn luyện, tự học thì mới thành tài, các thầy cô cũng chỉ giúp ta một phần nào đó để hiểu hết, chủ yếu là bản thân mỗi người có cách tiếp thu khác nhau. Một người phải rèn luyện trong khó khăn, lao động chăm chỉ, cần cù mới có được tay nghề cao và làm ra được những sản phẩm tốt, làm giàu cho xã hội, có câu “thất bại là mẹ thành công”, chúng ta không biết trước được chúng ta sẽ gặp những vất vả, gian nan trong công việc, học tập, không có cái gì thành công luôn, qua những lần thất bại thì chúng ta mới lấy được những kinh nghiệm cho chính mình. Nhưng sự rèn luyện ấy không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi hoàn toàn, cái chính là chúng ta phải biết làm chủ ý chí, nghị lực của mình để vượt qua những khó khăn ấy. Không phải chúng ta cứ phấn đấu mà không đặt ra mục tiêu, sẽ khiến chúng ta sai lệch trong quá trình rèn luyện, phải tự đề ra phương pháp hợp lý, phù hợp cho bản thân từng người. Hơn nữa, trong cuộc sống chúng ta, tương lai luôn ở phía trước, hiện tại luôn cận kề bên ta nhắc ta không chỉ lúc nào cũng mơ đến một ngày mai tốt đẹp mà phải chịu rèn từ hôm nay. Nói tóm lại, muốn gặt hái được kết quả mỹ mãn, chúng ta phải kiên nhẫn đi từng bước một, mỗi một bước là một trải nghiệm, cuộc sống rất nhiều điều hay cần mỗi chúng ta kiên trì khám phá những điều tốt đẹp đó. Câu tục ngữ là một bài học ý nghĩa sâu sắc đối với tất cả mọi người. Những bài học rất quý giá cần con cháu lưu giữ và phát huy hết sức có thể. Đó là một lời khuyên rất chân tình, sâu sắc với những mọi người trong công việc và tăng thêm quyết tâm cho những người có ý chí muốn phấn đấu vươn lên. Vì vậy mỗi người cần kiên trì cố gắng từng ngày để đạt những ước mơ của mình, để không phụ kì vọng của ông bà cha mẹ đối với mình, hãy luôn coi câu tục ngữ là phương châm là tấm gương để tự rèn luyện bản thân trở thành con người có ích cho chính mình và cho xã hội, để xã hội trở nên tươi đẹp hơn. Bài mẫu 4 Câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim” được hợp thành từ những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng bổ ích và cần thiết cho con người. Về mặt nghĩa đen, câu tục ngữ muốn nói, nếu một người chịu bỏ công sức ra cố gắng mài khối “sắt” thì một ngày nào đó nó sẽ trở thành một cây “kim”. Song không chỉ đơn giản như vậy , khối “sắt” ấy còn được hiểu như những công việc to lớn, khó khăn nhất mà gần như không thể thực hiện được.Và hình tượng cây “kim” chính là kết quả, sự thành công mà ta đạt được sau một quá trình dài chăm chỉ, quyết tâm với thử thách. Từ đó ta thấy được, nếu biết cố gắng, chăm chỉ, kiên trì thực hiện thỉ dù là công việc hay thử thách gian nan nhất ta cũng có thể vượt qua được một cách dễ dàng. Vì thế, nói tính chăm chỉ là thành phần không thể thiếu của sự thành công thật đúng đắn. Mặt khác, đức tính chăm chỉ không những tạo ra sự thành công, mà còn tô đậm thêm được đức tính tốt đẹp, cần thiết của một con người và đặc biệt là đối với một người học sinh. Ta có thể nhận thấy, nếu một người học sinh có sự thông minh, óc tư duy nhạy bén nhưng lại thiếu sự chăm chỉ thì sẽ không bao giờ đạt được thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. Trong đời sống có rất nhiều tấm gương về sự chăm chỉ và tiêu biểu nhất đó là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta – Bác Hồ. Năm 1941, Bác ra đi tìm đường cứu nước chì với đôi bàn tay trắng, không hề thành thạo về ngôn ngữ của nước bạn nhưng cùng với sự chăm chỉ, Bác đã cố gắng học tiếng của họ. Bác tranh thủ học mọi lúc rảnh rỗi của mình. Từng ngày như thế đều đặn trôi qua, Bác đã rất thông thạo tiếng nước bạn, có thể giao tiếp, nói chuyện một cách thật dễ dàng và thậm chí Bác còn viết báo khi ở nước ngoài nữa. Quả thật là đáng nể đối với một người bình thường, không hề được học qua một trường lớp ngoại ngữ nào mà vẫn có thể sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng, chỉ với một sự trợ giúp đó là đức tính chăm chỉ của Bác. Câu tục ngữ đã cho ta thấy quan niệm, kinh nghiệm của ông cha ta ngày xưa, chăm chỉ thật sự rất cần thiết cho con người. Ngoài ra vẫn có rất nhiều người không hề coi trọng tính chăm chỉ, đặc biệt là đối với một số học sinh khá giỏi, hay có tính tự cao về khả năng của mình và những học sinh ấy sẽ không thể nào nhận thức được cái hậu quả nghiêm trọng của việc lười biếng, thiếu chăm chỉ, cần cù gây nên. Thật dễ nhận thấy một điều, đó là nếu trong lớp ta không chép bài, làm bài đầy đủ, chỉ nghe cô giáo giảng bài một cách qua loa thì sẽ có một lỗ hổng của kiến thức hiện ra và ngày càng lớn dần. Cho đến một ngày nào đó, kết quả học tập sẽ tồi tệ và khiến ta nản chí trong học tập. Vậy, chỉ vì không chịu khó chăm chỉ mà từ một học sinh khá giỏi có thể dễ dàng trở thành một học sinh yếu kém, và ngược lại. Qua đó, ta thấy tính chăm chỉ quyết định nhiều điều quan trọng mà ta không thể nào nhìn thấy ngay lập tức như sự thành công, vinh quang trong học tập, công việc và cuộc sống. Là một người học sinh, em sẽ cố gắng phát huy hơn nữa tính chăm chỉ của bản thân thông qua những việc dù là nhỏ nhoi như: học bài, làm bài tập, ghi chép bài học thật đầy đủ và cẩn thận…ngoài ra, tham khảo thêm trong sách cũng có thể phát huy được đức tính này. Có như thế, việc học hành của em mới ngày càng tiến bộ hơn và mong muốn vào Đại Học dù có khó khăn như việc mài sắt thành kim thì cũng sẽ thành công. Câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim” là một lời khuyên dạy của ông cha ta về tính quan trọng của sự chăm chỉ, cần cù cho con cháu đời sau. Để chúng ta biết được rằng, muốn đạt được kết quả hoàn mỹ nhất thì phải có tính chăm chỉ và chỉ có tính chăm chỉ mà thôi. Bài mẫu 5 Tục ngữ ca dao là kho tàng kinh nghiệm quý báu của nền văn học Việt Nam. Ông cha ta từ xa xưa đã khuyên dạy chúng ta rất nhiều điều qua những câu tục ngữ đó. Câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” là lời khuyên đúng đắn về sự kiên trì nhẫn nại được cha ông ta gửi gắm tới thế hệ sau. Trước hết ta cần hiểu “sắt” là vật liệu cứng, khó mài mòn. Còn “kim” là vật dụng nhỏ, làm bằng sắt, thường dùng để may vá. Để có thể “mài sắt” thành “kim” là một công việc vô cùng khó khăn, thậm chí khó có thể làm được. Do đó, câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” có ý nghĩa nếu như chúng ta kiên trì, cần mẫn mài sắt thì sẽ có thể tạo thành kim. Từ đó khuyên chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại khi làm việc thì nhất định sẽ đạt được thành công. Ngay từ xa xưa, sự kiên trì nhẫn lại luôn là truyền thống tốt đẹp mà nhân dân ta quý trọng, hướng tới. Trong cuộc sống, có rất nhiều tấm gương gặp khó khăn nhưng vẫn kiên trì nhẫn nại và đã đạt được thành công. Tiêu biểu là tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký- một nhà giáo ưu tú được rất nhiều người quý mến, kính trọng. Khi còn nhỏ, thầy đã bị liệt cả hai tay sau một trận sốt cao. Thế nhưng thầy vẫn mong muốn có thể đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Bởi vậy, thầy đã cần mẫn luyện viết bằng chân. Đó là một việc vô cùng khó khăn, rất nhiều lần thầy bị chuột rút đau đớn, bao lần muốn bỏ cuộc. Nhưng với tinh thần kiên trì nhẫn nại, ý chí quyết tâm đã giúp thầy tiếp tục chăm chỉ học tập, thầy đã thi đỗ Đại học, trở thành một giáo viên xuất sắc dìu dắt bao thế hệ học sinh. Tại sao chúng ta phải có lòng kiên trì nhẫn nại? Bởi vì thành công được tạo nên từ muôn vàn khó khăn. Đó là quá trình gian khó cần đánh đổi từ mồ hôi, nước mắt, là sự cố gắng không ngừng nghỉ. Để đến với thành công, chắc chắn ai cũng phải trải qua những thất bại. Chính vì thế, chúng ta cần sự kiên trì nhẫn nại để có thể vượt qua những vấp ngã đó. Ví dụ như nhà bác học Thomas Edison để sáng tạo ra dây tóc bóng đèn cũng đã phải trải qua hơn 1000 thí nghiệm thất bại. Từ đó, ta có thể thấy được ý nghĩa to lớn của tinh thần kiên trì nhẫn nại. Giống như Bác Hồ cũng từng nói: Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bền Đào núi và lấp biển Quyết chí ắt làm nên. Kiên trì nhẫn nại là một đức tính tốt đẹp của con người, đặc biệt là đối với các bạn trẻ, tinh thần kiên trì nhẫn nại càng cần thiết hơn. Nó giúp chúng ta có trách nhiệm hơn đối với mỗi việc đang làm, giúp chúng ta có thêm ý chí nghị lực để hoàn thành công việc của mình. Ví như đứng trước một bài toán khó, một bài văn chưa biết hướng làm, sự nhẫn nại sẽ giúp chúng ta có quyết tâm tìm hiểu cách làm nó và giúp chúng ta cải thiện trình độ học tập của mình. Đó sẽ là tiền đề tốt đẹp cho thành công sau này. Người có tinh thần nhẫn nại chắc chắn sẽ có thể gây được thiện cảm cho những người xung quanh, được mọi người kính trọng, quý mến. Câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” là lời khuyên sâu sắc, đúng đắn về tinh thần kiên trì nhẫn nại trong cuộc sống. Từ đó chúng ta phải rèn luyện cho mình sự kiên trì, nhẫn nại khi làm bất cứ công việc nào. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể vượt qua những rào cản và đạt được thành công trong cuộc sống. Bài mẫu 6 Con người Việt Nam ta từ xưa đến nay được biết đến với nhiều truyền thống quý báu, luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ người khác. Một trong những đức tính, truyền thống tốt đẹp mà ta phải nhắc đến đó chính là sự kiên trì, nhẫn nại được thể hiện qua câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Để hiểu rõ về câu tục ngữ này, trước hết chúng ta cần cắt nghĩa từng chi tiết. Sắt được biết đến là thanh kim loại to, có độ cứng rất cao dùng để làm vật liệu xây dựng, phục vụ cuộc sống, chế tác thành nhiều đồ vật khác nhau. Còn kim là vật dụng rất nhỏ, một đầu nhọn, một đầu đục lỗ siêu nhỏ để xỏ chỉ được làm từ chất liệu sắt dùng để khâu vá. Từ một thỏi sắt to làm thành một cây kim nhỏ phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại giống như để trở thành một con người có ích cho xã hội mỗi chúng ta phải cố gắng rèn luyện bản thân rất cực khổ. Thật vậy! Mỗi con người không ai tự nhiên mà nên người, thành tài, tất cả những thứ đó chúng ta có được là do quá trình học tập rèn luyện, tích lũy kiến thức. Người nào càng chăm chỉ, kiên nhẫn, chịu khó, tích cực trau dồi kiến thức thì càng thu về được những quả ngọt, mở mang tầm hiểu biết và có được thành công. Xã hội có tiến bộ hay không, có phát triển hay không là do những công sức đóng góp của con người mà nên, con người phát triển được bao nhiêu thì xã hội tiến bộ bấy nhiêu. Nếu mỗi chúng ta lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, chúng ta mãi mãi không phát huy được năng lực của bản thân mà dần dần sẽ bị lạc hậu, tụt lùi về phía sau. Thực tế đã có nhiều tấm gương về kiên trì, nhẫn nại mà chúng ta đáng để học tập, trong đó phải kể đến chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần ham học hỏi, kiên trì, cố gắng nên đã nói được nhiều thứ tiếng và tìm ra con đường giải phóng cho đất nước, mang lại độc lập, tự do cho quê nhà. Một tấm gương khác chính là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dù bị liệt cả hai tay nhưng thầy đã kiên trì tập viết bằng chân và trở thành người thầy tài năng,… Mỗi tấm gương là một câu chuyện về nỗ lực mà chúng ta cần học tập theo. Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người ỷ lại, lười biếng, hay dựa dẫm vào người khác mà không biết tự phấn đấu vươn lên, lại có những người chỉ biết nghe theo sự sắp đặt, định hướng của người khác mà không có chính kiến của mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích. “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là một đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra. Bài mẫu 7 Trong cuộc sống, con người ta đều có những thành công đạt được và những ước mơ muốn vươn tới. Và để thực hiện được điều đó thì ta phải có lòng kiên trì, bền bỉ, nỗ lực. Chính vì vậy ông cha ta đã có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” để động viên, khích lệ hay nói một cách khác là khuyên răn con cháu, dạy bảo những kinh nghiệm trong đời thường, cuộc sống. Câu tục ngữ được chia làm hai vế, mỗi vế có 4 từ. Hai vế này có hai cặp từ tương ứng với nhau: “Có công – có ngày; mài sắt – nên kim”. Một vế chỉ sự nỗ lực, một vế chỉ thành quả đạt được. Cây kim tuy nhỏ nhưng nó rất có ích, tròn trịa, trơn bóng, sắc nét. Để mài được một cây kim như vậy thì thật là khó. Câu tục ngữ này mượn hình ảnh cây kim để nói lên được phẩm chất cao quý truyền thống của dân tộc Việt Nam từ hàng nghìn đời nay. Từ những việc nhỏ như quét nhà, nấu cơm đến những việc lớn như xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm. Những thành tựu hiện nay mà ông cha ta đạt được đã minh chứng cho điều đó. Những tháp chùa cổ kính có giá trị, một số công trình nghệ thuật nổi tiếng như tháp Chương Sơn, chuông chùa Trùng Quang… với những đường nét hoa văn thanh thoát, mạnh mẽ, thể hiện tinh thần thượng võ, yêu nước. Và một thành tựu lớn nhất của ông cha ta đó chính là xây dựng nên được một quốc gia văn minh, nhân dân đồng lòng, đất nước yên bình. Công cuộc dựng, giữ, phát huy, đổi mới đất nước đó đã thể hiện được sự bền bỉ, chịu thương chịu khó, sự sáng tạo, lao động kiên cường của ông cha ta. Trong lao động sản xuất, nhân dân ta cũng đã có những việc làm và kết quả đạt được để khẳng định ý nghĩa của câu tục ngữ trên là hoàn toàn đúng. Từ xưa tới giờ, đất nước ta đã gặp phải những khó khăn rất lớn, từ những thảm hoạ thiên nhiên như lụt lội, bão bùng đến những cuộc chiến tranh do con người tạo ra nhưng nhờ sự cố gắng, chịu đựng, vượt khó mà chúng ta đã khắc phục được những trở ngại đó. Và trong học tập thì điều đó lại càng được khẳng định rõ nét hơn. Những em bé chập chững bước vào lớp một, tập toẹ đánh vần, viết chữ đến những năm tháng tiếp theo lên lớp, phải kiên trì cần cù mới mong đạt được kết quả tốt trên con đường học tập của mình. Trong đường đời cũng vậy, những danh nhân, thương gia, thi sĩ, nhà nho, nhà văn nổi tiếng cũng từng phải vất vả, hi sinh, sử dụng những kiến thức mình có nhưng không thể thiếu đi và phải luôn gắn liền với sự kiên trì, chuyên cần, sáng tạo mới có thể thành đạt. Những tấm gương chăm học, những tấm gương chịu khó như Bác Hồ là một điển hình rõ nét nhất. Bác đã phải vất vả làm việc, chịu khó học tiếng nước ngoài, đi bôn ba khắp nơi để tìm đường cứu nước. Thật hiếm ai như vậy! Và cũng nhờ những sự nỗ lực đó mà đất nước ta mới được tự hào về một danh nhân, một vị lãnh tụ vĩ đại nổi tiếng mà khắp năm, châu bốn bể đều biết tới. Câu tục ngữ trên với hình thức ngôn từ dân dã nhưng thật ngắn gọn súc tích, bao hàm những ý nghĩa sâu xa. Đó chính là những đúc kết lâu đời trong quá trình lao động, kinh nghiệm chiến đấu, sản xuất và cả trong đời thường cuộc sống của ông cha ta. Nó như một bài học quý báu, một thông điệp hữu dụng, một lời dạy chân tình rằng: “Hãy biết tu dưỡng, rèn luyện những đức tính, phẩm chất kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cần cù, sáng tạo, kết hợp với khả năng vốn có của bản thân để làm nên một sức mạnh vô địch vượt mọi gian truân, vất vả trong cuộc sống, những trở ngại éo le nhất mà đi tới thành công, thắng lợi”. Nào chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất như học tập chăm chỉ, lao động cần cù để trở thành con ngoan trò giỏi, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước nhé!
|