Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ Sang thu lớp 7

1. Mở đoạn: - Hữu Thỉnh là nhà thơ đi nhiều, viết nhiều, nổi tiếng với nhiều bài thơ đặc sắc về con người cùng cuộc sống ở nông thôn, về người lính... - Bài thơ Sang thu (1977) viết về những cảm nhận tinh tế của nhà thơ

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

- Hữu Thỉnh là nhà thơ đi nhiều, viết nhiều, nổi tiếng với nhiều bài thơ đặc sắc về con người cùng cuộc sống ở nông thôn, về người lính...

- Bài thơ Sang thu (1977) viết về những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu.

2. Thân đoạn:

- Cảm nhận tín hiệu thu về ở không gian gần bằng nhiều giác quan và sự rung cảm tinh tế

+ Hương ổi chín lan vào không gian, phả vào gió se

+ Sương đầu thu giăng mắc nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm

+ Từ “bỗng” diễn tả sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhà thơ trước những phát hiện thú vị báo thu về

+ Động từ “phả” gợi lên hương thơm của ổi chín như sánh lại, luồn vào trong gió gợi lên cho người đọc hình dung được không gian và thời gian của tiết sang thu

+ Gợi ra hình dung của hương ổi chín lan trong không gian, phả vào gió se

+ Chùng chình – nghệ thuật nhân hóa: sương như có ý chậm lại, quấn quýt, điều đó cũng gợi hình ảnh về bước đi của thời gian, nhẹ nhàng

- Khoảnh khắc giao mùa được diễn tả thú vị qua đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” – nghệ thuật nhân hóa diễn tả sự nuối tiếc, sự lưỡng lự trước khi chuyển mùa

+ Hình ảnh dòng sông trôi thanh thản, êm dịu chính là sự lắng đọng, “dềnh dàng” đặc trưng của mùa thu

+ Chim “vội vã”: nghệ thuật nhân hóa, dường như chim muông cũng cảm nhận được sự chuyển giao của mùa mới nên tìm cho mình hướng đi

→ Các hình ảnh, chi tiết đặc sắc giàu sức gợi hình tái hiện chân thật góc nhìn cũng như cảm xúc say sưa, hòa nhịp của tác giả trong khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời

- Các tính từ chỉ mức độ “vẫn còn”, “vơi dần” bớt từ chỉ mức độ rằng hạ nhạt dần, thu đậm nét hơn

- Quan sát tinh tế, nhạy cảm của tác giả: Sấm cũng bớt bất ngờ/ + Trên hàng cây đứng tuổi

+ Hình ảnh thực của tự nhiên sang thu sấm thưa thớt, không còn dữ dội làm lay động hàng cây nữa

+ Nghệ thuật nhân hóa: “bớt bất ngờ” - trạng thái của con người

→ Hàm ý: con người khi cứng cáp, trưởng thành sẽ không còn sợ, hay cảm thấy bất ngờ trước những thử thách, sóng gió của cuộc đời. Con người từng trải sẽ vững vàng, kiên định hơn trước những tác động bất thường từ ngoại cảnh.

- Đặc sắc nghệ thuật

+ Sử dụng nhiều từ láy, tính từ gợi trạng thái

+ Hình ảnh thơ chân thực, sinh động, hấp dẫn

+ Nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ tạo chiều sâu về cảm xúc và suy nghĩ.

+ Ngôn ngữ thơ ca trong sáng, giản dị mà hàm súc.

3. Kết đoạn:

- Bài thơ ghi lại bước đi rất nhẹ, rất khẽ của thời gian trong khoảnh khắc giao mùa và Hữu Thỉnh cũng khéo léo gửi gắm những suy tư về con người, cuộc đời sau mỗi vần thơ.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Khi đọc bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh, tôi đã thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên vào khoảnh khắc giao mùa. Nhà thơ đã sử dụng nhiều giác quan khác nhau để cảm nhận và miêu tả tín hiệu giao mùa. Từng câu thơ giúp tôi hình dung về một sự chuyển biến của vạn vật. Tôi ấn tượng nhất với hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu. Có cảm giác như vạn vật vẫn còn lưu luyến mùa hạ. Ở khổ thơ cuối, dòng cảm xúc của tác giả bắt đầu chuyển sang suy tư, triết lí. Các hiện tượng tự nhiên “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Còn “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Tác giả khéo léo gửi gắm bài học triết lí sâu sắc qua hình ảnh thiên nhiên. Bài thơ “Sang thu” là một bài thơ thú vị, hấp dẫn.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Đến với “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh, người đọc đã cảm nhận được những chuyến biển đầy tinh tế của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Ở hai khổ thơ đầu, tác giả đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên lúc vào thu. Những sự vật trong bài thơ đã được tác giả thổi vào đó những hành động của con người. Từ đó, thiên nhiên dường như cũng có xúc cảm, tâm hồn. Sang thu, nhịp sống dường như chậm lại, tất cả trở nên thư thái, nhẹ nhàng hơn. Nếu hai khổ thơ đầu là xúc cảm của nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên thì đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc ấy chuyển sang suy tư, triết lý. Thông qua cảnh sắc thiên nhiên đất trời khoảnh khắc giao mùa, nhà thơ đã bày tỏ những suy nghĩ về triết lý nhân sinh. Khi bước sang nửa bên kia con dốc cuộc đời, con người ta sẽ trở nên bản lĩnh hơn, bình tĩnh hơn trước những biến cố, bất ngờ của cuộc sống. Những hiện tượng thiên nhiên như “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. “Hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Bài thơ là một trong những tác phẩm đặc sắc viết về mùa thu.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Vẻ đẹp thiên nhiên lúc chuyển mùa được Hữu Thỉnh khắc họa đầy tinh tế qua bài thơ Sang thu. Nhà thơ đã cảm nhận tín hiệu của mùa thu qua từng giác quan với khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình qua ngõ). Từng câu thơ giúp người đọc hình dung về một sự chuyển biến của vạn vật lúc giao mùa. Dưới mặt đất, dòng chảy của con sông trở nên chậm hơn, không cuồn cuộn như lúc hè về. Trên bầu trời, từng đàn chim sải cánh bay bắt đầu trở nên vội vã, âu lo tìm về phương nam tránh cái lạnh. Ấn tượng nhất phải kể đến chi tiết đám mây “vắt nửa mình sang thu”, dường như đám mây cũng đang phân vân, nửa đang nghiêng về mùa hạ nửa muốn ngả về mùa thu. Đọc đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc của tác giả bắt đầu chuyển sang suy tư, triết lí. Các hiện tượng tự nhiên “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Còn “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Bài thơ “Sang thu” đã gợi lên những cảm nhận tinh tế về sự chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, để lại cho người đọc nhiều cảm xúc.

Bài tham khảo Mẫu 1

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh giúp người đọc thấy được sự biến chuyển đầy tinh tế của cảnh vật trong không gian cuối hạ đầu thu. Mùa thu được nhà thơ cảm nhận qua từng giác quan như khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình). Từ đó, những tín hiệu đặc trưng nhất của mùa thu cũng lần lượt xuất hiện. Dưới mặt đất, dòng chảy của con sông trở nên chậm hơn, không cuồn cuộn như lúc hè về. Trên bầu trời, từng đàn chim sải cánh bay bắt đầu trở nên vội vã, âu lo tìm về phương nam tránh cái lạnh. Đám mây của mùa hạ nay đã “vắt nửa mình sang thu”, nửa nghiêng về mùa hạ, nửa lại nghiêng về mùa thu. Dường như, những sự vật thiên nhiên trong bài thơ đã được tác giả thổi vào đó những hành động của con người. Ở hai khổ thơ đầu, tác giả bộc lộ cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên. Thì đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc ấy chuyển sang suy tư, triết lý. Những hiện tượng thiên nhiên như “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Còn “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Triết lí mà nhà thơ muốn gửi gắm là những con người từng trải khi gặp phải sóng gió sẽ biết cách đối diện, đương đầu một cách bình thản, trưởng thành hơn. Như vậy, bài thơ đã gợi lên những cảm nhận tinh tế về sự chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Và từ những tín hiệu của mùa thu đến khung cảnh thiên nhiên lúc vào thu, tác giả đã có những suy tư sâu sắc về cuộc đời.

Bài tham khảo Mẫu 2

Từ cuối hạ sang thu, đất trời có những chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt, sự biến chuyển này đã được Hữu Thỉnh gợi lên bằng những cảm nhận tinh tế, giàu sức biểu cảm trong bài thơ Sang thu. Bài thơ có một nhan đề ngắn gọn là “Sang thu”. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, nếu đúng theo ngữ pháp phải là “Thu sang”. Từ đó, nhan đề này đã nhấn mạnh hơn vào khoảnh khắc biến chuyển của đất trời - mùa thu đã đến với những tín hiệu đặc biệt. Không dừng lại ở đó, nhan đề còn gửi gắm ý nghĩa biểu tượng. Đó còn là khoảnh khắc chuyển giao giữa tuổi trẻ sang độ tuổi thực sự từng trải, trưởng thành, vững vàng. Việc sử dụng nhan đề trên đã cho thấy những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về sự chuyển mình của đất trời trong khoảnh sang thu. Ở khổ thơ đầu, n hững tín hiệu hết sức đặc trưng của mùa thu được tác giả cảm nhận qua từng giác quan, từ khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình qua ngõ). Thu sang một cách thật bất ngờ - “Hình như thu đã về”. Tiếp đến, không gian thiên nhiên vào thu được khắc họa đầy tinh tế qua những hình ảnh. Dòng chảy của sông trở nên chậm chạp hơn. Cánh chim vội vã trên hành trình tránh rét. Đặc biệt hơn cả là hình ảnh đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” gợi ra tưởng tượng những đám mây như một dải lụa nửa nghiêng về mùa hạ, nửa ngả về mùa thu. Dường như thu sang khiến cho nhịp sống trở nên chậm lại. Khổ thơ cuối cùng, tác giả mượn cảnh sắc thiên nhiên lúc giao mùa để bày tỏ những suy nghĩ về triết lý nhân sinh. Hình ảnh tả thực về các hiện tượng của tự nhiên “mưa, nắng, sấm” thường có vào mùa thu, mùa hè thường nắng nhiều, mưa nhiều, nhưng khi sang thu thì tất cả đã vơi dần. Nhưng “nắng”, “mưa”, “sấm” còn là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Hình ảnh xuất hiện cuối cùng trong bài thơ - “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Những con người từng trải sẽ bình thản hơn, trưởng thành hơn, điềm đạm chín chắn hơn với những bão tố của cuộc đời. Bài thơ đã đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc về khoảnh khắc giao mùa tuyệt đẹp.

Bài tham khảo Mẫu 3

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh đã miêu tả tinh tế những biến chuyển của thiên nhiên lúc sang thu. Mùa thu đến kéo theo hương ổi thoang thoảng trong không gian. “Sương chùng chình qua ngõ” như cố ý nán lại, tiếc nuối níu kéo mùa hạ. Dòng chảy của sông cũng như chậm lại, thong thả hơn. Cánh chim thì có chút vội vã vì đang trên hành trình bay về phương Nam tránh rét. Đặc biệt hơn cả là hình ảnh đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” gợi ra hình ảnh đám mây nửa nghiêng về mùa hạ, lại nửa nghiêng về mùa thu. Thu sang thực sự đã khiến cho nhịp sống trở nên chậm lại. Những hình ảnh trên đã thể hiện sự quan sát nhạy bén, tinh tế của nhà thơ trước những chuyển động dù khẽ khàng của thiên nhiên. Ở hai khổ thơ đầu, tác giả bộc lộ xúc cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên. Đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc ấy chuyển sang suy tư, triết lý. Cảnh sắc thiên nhiên lúc giao mùa được sử dụng để bày tỏ những suy nghĩ về triết lý nhân sinh. Hiện tượng tự nhiên “nắng”, “mưa”, “sấm” chính là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Còn “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Trải qua thời gian, con người sẽ trưởng thành, vững vàng hơn khi đối mặt với những khó khăn, biến cố. Một bài học nhân văn mà chúng ta có thể cảm nhận được. Bài thơ đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng về thiên nhiên lúc giao mùa thật với những biến chuyển đầy nhẹ nhàng, tinh tế.

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close