Ham mê trò chơi điện tử nên hay không nên? (ý kiến đồng tình) lớp 7

1. Mở đoạn: - Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Ham mê trò chơi điện tử nên hay không nên?

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Ham mê trò chơi điện tử nên hay không nên? 

2. Thân đoạn:

- Giải thích:

+ Trò chơi điện tử là một trò chơi sử dụng các thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người chơi được trải nghiệm.

+ Học sinh ham mê trò chơi điện tử bỏ bê học tập, nói dối phụ huynh

+ Các quán net mọc lên như nấm từ cổng trường cho đến các khu dân phố, mở cửa 24/7 luôn sẵn sàng phục vụ.

- Nguyên nhân

+ Do mải chơi

+ Do quá căng thẳng việc học tập

+ Do bị dụ dỗ

- Hậu quả

+ Học hành chểnh mảng

+ Nói dối để được đi chơi điện tử

+ Hành vi ăn cắp, ăn trộm tiền để đi chơi điện tử

+ Đàn đúm, đua đòi, tốn thời gian tiền bạc, dễ bị lừa bởi tội phạm công nghệ cao

- Mở rộng vấn đề: Chơi giỏi game cũng là nghề kiếm tiền. Không ham mê, sa đà một cách tiêu cực.

3. Kết đoạn:

- Khái quát lại vấn đề nghị luận.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Trò chơi điện tử là một hoạt động giải trí không còn xa lạ với chúng ta trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, chính nó cũng đã làm dấy lên những tranh cãi nảy lửa trong xã hội, rằng: Ham mê trò chơi điện tử nên hay không nên?

Vốn trò chơi điện tử là các trò chơi giải trí trên các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, máy chơi game. Nó được sáng tạo ra nhằm giúp con người vui chơi, giải trí, giảm sự buồn chán. Tùy vào hoàn cảnh, thời gian và tính cách, mà mỗi người có thể tìm thấy một trò chơi điện tử phù hợp với mình. Từ đó giúp vượt qua thời gian trống, hoặc giải tỏa tinh thần, tìm đến niềm vui cùng sự thư giãn. Tuy nhiên, dần dần theo thời gian, các trò chơi điện tử dần dần bộc lộ những tác hại của mình. Trước hết, hiện tượng say mê, sa đà vào game đã khiến người chơi bỏ bê các hoạt động khác, thậm chí cắt bỏ hết các mối quan hệ xã giao bên ngoài để có nhiều thời gian chơi game hơn. Bên cạnh đó, việc ngồi một chỗ sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài còn gây hại đến mắt và cơ thể của người dùng. Ngoài ra, một số game điện tử ngày nay được tạo ra để “hút máu” người dùng, khiến họ bất chấp tất cả, làm mọi thứ để có tiền nộp vào game. Đặc biệt, một số game còn có nội dung quá bạo lực, khiến thần kinh người chơi căng thẳng và dễ bắt chước theo các hành động nguy hiểm ấy. Do đó, nhiều người dần dần có cái nhìn ít thiện cảm cho trò chơi điện tử. Và cho rằng nên ngăn cấm việc con em mình chơi trò chơi điện tử.

Tuy nhiên, cũng như mọi thứ trên đời, trò chơi điện tử vừa có mặt tốt nhưng cũng có mặt xấu. Yếu tố then chốt ở đây chính là bản thân con người. Nếu chúng ta biết cân đối thời gian và cách chơi, thể loại trò chơi thì sẽ có thể phát huy tối đa các tác hại của nó. Vì vậy, theo quan điểm của em, thì chúng ta có thể chơi trò chơi điện tử nhưng không nên quá say mê nó.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Hiện nay, trò chơi điện tử là một hình thức giải trí vô cùng phổ biến. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra về việc liệu có nên ham mê trò chơi điện tử hay không. Cá nhân em là một người thường giải trí lúc rảnh rỗi bằng trò chơi điện tử, thì ủng hộ ý kiến nên chơi trò chơi này.

Trò chơi điện tử là tên gọi chung của các trò chơi trên các thiết bị điện tử như máy chơi game, điện thoại di động, máy tính… Những trò chơi này thường chia thành nhiều cấp độ, có hình ảnh đẹp, cốt truyện hấp dẫn nên thu hút nhiều người chơi.

Bản thân em cho rằng, những trò chơi điện tử này đem lại những lợi ích tích cực cho người chơi. Trước hết nó giúp giải trí và thư giãn sau các giờ học tập căng thẳng. Những giây phút chơi game còn đem lại niềm vui và sự hạnh phúc cho người chơi, không hề kém những trò chơi khác. Ngoài ra, các trò chơi điện tử còn giúp chúng ta có thêm những người bạn mới, kết nối mọi người với nhau dù có khoảng cách địa lý xa xôi. Bên cạnh đó, các trò chơi điện tử còn góp phần củng cố sự tập trung, khả năng tư duy, lập kế hoạch. Bởi để dành chiến thắng trong các sự kiện, cấp bậc cao, thì người chơi cũng phải có kế hoạch và chiến lược nhất định. Những trò chơi điện tử còn có chức năng chơi theo nhóm, giúp tăng khả năng hợp tác, làm việc nhóm và giúp đưa mọi người lại gần với nhau hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, bên cạnh những lợi ích đấy, trò chơi điện tử cũng tồn tại những tác hại nhất định. Chẳng hạn như một số bạn trẻ vì quá say mê trò chơi, mà quên cả việc học, nghỉ ngơi, khiến cả việc học tập lẫn sức khỏe đều bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, là không ít trường hợp các bạn có hành vi trộm cắp để có tiền chơi game. Rồi tinh thần bị căng thẳng, bạo lực hóa do các trò chơi điện tử.

Thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế được những tác hại ấy của trò chơi điện tử. Như chỉ chơi trò chơi khi đã hoàn thành bài tập về nhà, không chểnh mảng việc học. Không chơi trò chơi quá lâu, có sự nghỉ ngơi phù hợp để bảo vệ mắt và sức khỏe. Nói không với các trò chơi quá bạo lực hay gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần người chơi.

Khi chúng ta thực hiện được những điều đó, thì trò chơi điện tử sẽ trở thành một hoạt động giải trí lành mạnh và thú vị.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Trò chơi điện tử gần đây đã tràn ngập vào nước ta và có những ảnh hưởng nhanh chóng. Sự hấp dẫn của các trò chơi đã cuốn hút người chơi ngay từ thời gian đầu. Nhiều người không thế kìm hãm sự thích thú khi tham gia trò chơi, vậy nên đã tiếp tục chơi với thời gian rất lâu. Hành động đó đã gây nên tình trạng nghiện game ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Đầu tiên, đó là sự hao tổn sức khoẻ. Khi ngồi lâu, chăm chú vào màn hình, sức khoẻ giảm sút rõ rệt, cận thị, rối loạn thần kinh… kéo theo là việc học yếu dần. Nhưng đáng cảnh báo nhất là hiện tượng trộm cắp, các hành vi thuộc nhiều loại tệ nạn xã hội. Từ chỗ trộm cắp chỉ là hành động bước đầu, lâu dần thành bản tính xấu. Không phủ nhận sức hấp dẫn và lợi ích mà trò chơi điện tử mang lại. Nguyên nhân cũng do trách nhiệm của phụ huynh và ý thức của mỗi học sinh. Nhiều phụ huynh đã đặt toàn bộ niềm tin vào con mình, chỉ biết việc kiếm tiền mà xao nhãng việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự thiếu quan tâm, chăm sóc con cái của những bậc làm cha, làm mẹ. Nếu mỗi học sinh chúng ta đều tự nhận thức được cách chơi điện tử lành mạnh, có mức độ thì sẽ không tồn tại nhiều hệ lụy xấu. Vậy điều nên làm hiện nay là giáo dục cho thế hệ trẻ biết tác hại của trò chơi điện tử, tránh tình trạng nghiện game dẫn đến những hậu quả đáng buồn. Nhà trường phối hợp với gia đình trong việc quan tâm giáo dục con trẻ.

Chúng ta hãy cảnh giác với trò chơi hấp dẫn nhưng cũng không ít tai hại này. Xã hội sẽ trở nên tươi đẹp hơn nếu những thói hư tật xấu dần được loại bỏ. Những gì tốt đẹp chúng ta cần phát huy, đưa nó trở về đúng giá trị sử dụng. Trò chơi điện tử cũng như vậy, ít nhất chúng ta hãy vì tương lai của bản thân mà không bị chi phối bởi những đam mê không đáng.

Bài tham khảo Mẫu 1

Thế kỉ XXI là thời đại của khoa học công nghệ. Hiện nay, mạng Internet đã phủ sóng toàn cầu tạo điều kiện cho những người trẻ được tiếp cận với những tiến bộ của nhân loại. Công nghệ càng phát triển kéo theo những trò chơi điện tử cũng ngày càng tràn lan, đa dạng phong phú về thể loại, độ tuổi. Trò chơi điện tử cũng là một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người hiện nay

Trò chơi điện tử là những trò chơi giải trí trên mạng. Đó là một thú vui tiêu khiển rất phổ biến của người trẻ hiện nay, chỉ cần có một máy tính có kết nối mạng là có thể chơi bất cứ trò gì mình thích.Trò chơi điện tử mang tính giải trí rất cao, vì thế nó đã cuốn hút không ít bạn trẻ. Không thể phủ nhận mặt tích cực của trò chơi điện tử đã giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau những giờ học mệt mỏi ở trường, giảm stress, lấy lại tinh thần, năng lượng để học tập và làm việc. Trò chơi điện tử lại là một phương tiện giải trí không tốn nhiều tiền, người chơi ở bất kì độ tuổi nào cũng có thể tìm cho mình trò chơi phù hợp với các mức độ khó dễ khác nhau. Hơn nữa, trò chơi điện tử cũng yêu cầu chúng ta phải vận dụng đầu óc một cách linh hoạt. Nếu biết chơi một cách hợp lí, trò chơi điện tử sẽ phát huy đúng tác dụng của nó, là một công cụ hữu ích giúp chúng ta giải tỏa áp lực, căng thẳng.

Tuy nhiên, nếu chơi vượt quá mức độ phù hợp, chúng ta dễ dàng trở thành những con nghiện của trò chơi điện tử. Giống như con dao hai lưỡi, trò chơi điện tử cũng có những mặt hại khó lường được hậu quả. Trò chơi điện tử có ở khắp mọi nơi, từ máy tính đến điện thoại, ipad... Trước sức cám dỗ ghê gớm của nó, nhiều học sinh đã không thể kháng cự. Những quán net mọc lên nhiều như nấm sau mưa, đi qua có thể dễ dàng bắt gặp những học sinh đang say mê với trò chơi của mình, nhìn màn hình máy tính như có một sức hút lạ kỳ. Các bạn chơi đến quên ăn quên ngủ nên thường mệt mỏi, chán nản, hậu quả là bỏ bê học hành. Một số học sinh còn trốn học đi chơi điện tử, ảnh hưởng đến các bạn khác và làm cha mẹ, thầy cô buồn lòng. Một khi đã quá sa đà vào trò chơi điện tử thì sẽ không có lối ra.

Trò chơi điện tử không chỉ làm tốn thời gian tiền bạc mà còn đạo đức của học sinh suy tồi. Nhiều bạn vì để có tiền chơi điện tử mà nói dối, ăn trộm tiền của bố mẹ. Chúng ta đã chứng kiến trên tivi, báo đài tin tức những bạn học sinh độ tuổi chỉ từ mười ba đến mười tám, nghiện trò chơi điện tử đến mức giết người cướp của, thậm chí để có tiền, các bạn còn nỡ xuống tay với cả những người thân yêu bên cạnh mình. Hiện trạng đó làm cho toàn xã hội phải bức xúc, nhà trường, phụ huynh, thầy cô và những người làm công tác giáo dục phải trăn trở, suy nghĩ. Vậy là từ mục đích chỉ để giải trí, trò chơi điện tử đã hủy hoại sức khỏe cùng đạo đức của học sinh, trở thành một vấn đề cấp thiết khiến toàn xã hội quan tâm.

Để trò chơi điện tử không ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân, chúng ta cần biết sắp xếp thời gian chơi một cách hợp lý: chỉ chơi sau giờ học, mỗi lần từ 30 phút đến một tiếng. Các bạn cũng nên đặt học tập nên hàng đầu, tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp. Nhà trường cũng nên tổ chức những sân chơi bổ ích cho học sinh, có sự kết hợp giữa giáo viên và phụ huynh để theo dõi giờ giấc học tập của con em. Bản chất của trò chơi điện tử không xấu, nó ảnh hưởng như thế nào phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta.

Trò chơi điện tử là một món ăn tinh thần quen thuộc với bất kì người học sinh nào. Mỗi chúng ta hãy biết khai thác những điểm tốt của trò chơi điện tử để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài tham khảo Mẫu 2

Trò chơi điện tử là những trò chơi trên các thiết bị điện tử chúng ta quen gọi với tên game. Những trò chơi điện tử được thiết kế rất sinh động, bắt mắt và thú vị thu hút rất nhiều người chơi, đặc biệt là các bạn trẻ. Không thể phủ nhận trò chơi điện tử với thiết kế rất sinh động dễ khiến người ta có cảm giác thích thú và say mê. Và quả thực, trong một giới hạn nhất định, những trò chơi điện tử cũng đem lại những tác dụng tích cực như: giúp con người thư giãn, giải tỏa căng thẳng đầu óc sau những giờ phút học tập và làm việc căng thẳng mệt mỏi. Thêm nữa, nhiều game được thiết kế có khả năng phát triển trí tuệ cho con người. Trò chơi điện tử cũng rèn luyện khả năng phản xạ cho tay, mắt,…và khả năng ngôn ngữ. Thông qua những trò chơi online, mỗi chúng ta có thể tăng cường giao lưu kết nối, mở rộng mối quan hệ xã hội,…

Bên cạnh những lợi ích đó, trò chơi điện tử cũng tồn tại rất nhiều tác hại đối với đời sống con người nếu như không kiểm soát. Người chơi chơi liên tiếp trong vòng nhiều tiếng hay nhiều ngày sẽ dẫn tới hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi. Chơi điện tử nhiều sẽ gây xao nhãng học tập, một số trò chơi mang tính chất bạo lực, con người rất dễ bắt chước. Nhiều vụ án mạng xảy ra khi các bạn trẻ học tập trong game. Rồi còn rất nhiều những tệ nạn xã hội nảy sinh từ đây như trộm cắp, cướp giật,…chỉ để có tiền chơi điện tử. Quá chú tâm vào thế giới ảo sẽ làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp xã hội ngoài đời,… Có rất nhiều tác hại của trò chơi điện tử mà nguyên nhân chủ yếu nhất chính là do người chơi không kiểm soát, làm chủ được bản thân. Gia đình quản lí không chặt chẽ hoặc không có sự quan tâm thỏa đáng đến con em mình để các em thiếu thốn về mặt tinh thần nên đành tìm đến trò chơi điện tử. Nhà trường chưa chú trọng đến giáo dục kĩ năng sống ngoài kiến thức,…Tất cả những điều ấy khiến tệ nạn nghiện game đang ngày càng phổ biến.

Bản thân trò chơi điện tử là không xấu và thực ra trò chơi điện tử còn được coi như một môn thể thao trí óc. Tuy nhiên, người chơi đang biến trò chơi điện tử trở thành có hại. Để khắc phục điều này, mỗi chúng ta cần cân nhắc lựa chọn cho mình những trò chơi hợp lí, nhắc nhở mình chơi với mức độ vừa phải. Gia đình cần quản lí và quan tâm đến con mình nhiều hơn, nhà trường cần giáo dục kĩ năng sống cho các em học sinh bên cạnh việc dạy kiến thức. Như vậy mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi những tác hại của việc lạm dụng trò chơi điện tử đem lại.

Chúng ta hãy làm trò chơi điện tử trở nên thực sự văn minh và đúng với ý nghĩa của nó khi xuất hiện. Hãy để chúng ta sau này, mỗi khi nhắc đến trò chơi điện tử sẽ mang một thái độ tích cực chứ không phải là những hệ lụy khó lường.

Bài tham khảo Mẫu 3

Xã hội đang ngày một phát triển tiên tiến, công nghệ thông tin điện tử vì thế cũng vì thế mà ra đời theo như máy tính, điện thoại…Trò chơi điện tử là một game giải trí được lập trình trên các thiết bị này. Nó vốn là một trò chơi giải trí lành mạnh nhưng hiện tượng nghiện game mà sao nhãng học hành và gây nhiều hậu quả tai hại đã trở thành vấn đề bức xúc hiện nay.

Tác hại ban đầu của việc chơi điện tử là tốn thời gian, học sinh không có thời gian làm bài, học bài dẫn đến kết quả học tập sa sút. Học sinh cảm thấy chán học và lại bỏ đi chơi. Chơi điện tử còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bởi khi ngồi gần máy tính hay điện thoại quá lâu sẽ làm mắt bị cận thị, người mệt mỏi, thần kinh căng thẳng. Hơn nữa đam mê điện tử còn tiêu tốn tiền bạc của gia đình, trò chơi điện tử khiến người chơi bị nhiễm những điều bạo lực, bắn phá, cuốn con người vào một thế giới ảo. Một tác hại nữa của trò chơi điện tử là thay đổi nhân cách con người. Học sinh chăm ngoan, học giỏi có thể trở thành học sinh hư, phiền lòng cho bố mẹ, thầy cô. Người chơi điện tử còn kéo theo nhiều tệ nạn xã hội. Tất cả đều do ham muốn nhất thời và sự bồng bột. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ham mê trò chơi điện tử. Có thể bởi gia đình, bố mẹ mải làm việc không quan tâm đến con cái. Chúng ta không thể loại bỏ nguyên nhân chủ quan là do người chơi không tự chủ, không làm chủ được suy nghĩ, hành động, ham muốn của bản thân. Bên cạnh đó, nhà trường, xã hội cũng góp một phần không nhỏ vào nguyên nhân dẫn đến học sinh ham mê điện tử.

Vậy làm thế nào để khắc phục và ngăn chặn tình trạng này. Bắt đầu từ chính những người chơi. Các bạn học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường phải xác định nhiệm vụ chính của mình là học tập, phải rèn luyện, tu dưỡng, đạo đức, đặt tương lai của bản thân lên trên hết. Đã xác định được lí tưởng thì phải lên những mục tiêu rõ ràng, không lãng phí thời gian, sức lực và tiền bạc vào những điều vô bổ. Biết làm chủ bản thân, coi trò chơi điện tử như một trò giải trí, tiếp xúc với nó có chừng mực, hạn chế, không bị tác động bởi sự rủ rê của bạn bè. Đối với xã hội cần tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấy được tác hại của việc ham mê điện tử quá mức, hướng các bậc phụ huynh đến việc quan tâm nhiều hơn con cái, kiểm soát sát sao, quản lí giờ giấc học tập của con em mình nhằm tránh xa những đam mê tai hại. Nhà trường cần giáo dục thế hệ trẻ, tạo ra những hoạt động bổ ích, những sân chơi lành mạnh để mọi học sinh đều được tham gia. Hãy lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng của học sinh, đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết.

Ham mê điện tử là những ham muốn nhất thời và tác hại không lường trước được. Hãy cùng nhau chung tay góp sức để ngăn chặn và đẩy lùi hệ lụy của trò chơi điện tử. Mỗi chúng ta hãy vì tương lai của bản thân và xã hội, hãy biết cách chơi những trò chơi điện tử văn minh, kiểm soát.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close