Trình bày ý kiến của em về vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay lớp 7

1. Mở đoạn: - Dẫn dắt vào vấn đề nghị luận. - Thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nhức nhối, gây xôn xao dư luận.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

- Dẫn dắt vào vấn đề nghị luận.

- Thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nhức nhối, gây xôn xao dư luận.

2. Thân đoạn:

- Giải thích:

+ Vệ sinh thực phẩm là một khái niệm khoa học để chỉ. Khái niệm đó còn bao gồm khâu tổ chức vệ sinh trong chế biến bảo quản thực phẩm.

+ Vệ sinh an toàn thực phẩm là việc bảo đảm thực phẩm không bị hỏng, không chứa các tác nhân vật lí, hoá học, sinh học, hoặc tạp chất quá giới hạn cho phép, không phải là sản phẩm của động vật, thực vật bị bệnh có thể gây hại cho sức khỏe con người.

- Thực trạng và dẫn chứng:

+ Thực trạng

+ Liên tiếp gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đang khiến nhiều người cảm thấy rất hoang mang. Những thực phẩm thiết yếu hàng ngày như rau, củ, thịt, cá hay ngay cả dầu ăn, nước mắm… tất cả đều có nguy cơ nhiễm bẩn.

- Dẫn chứng:

+ Thịt heo nạc bất thường do lạm dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi, măng tươi được tẩm, nhuộm Auramine O - chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm

- Nguyên nhân & hậu quả:

+ Doanh nghiệp, nhà sản xuất: Vì lợi nhuận mà bất chấp các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Người tiêu dùng: Thiếu hiểu biết, ham của rẻ mà tiêu thụ sản phẩm một cách tràn lan, không chọn lọc.

+ Cơ quan có thẩm quyền: Quản lý còn lỏng lẻo và chưa có biện pháp xử lý nghiêm.

+ Sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng, tính mạng bị đe dọa.  - Dẫn chứng: Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm có khoảng 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 7 nghìn người trúng độc và 37 người chết.

+ Tâm lí hoang mang, sự bất ổn có thể nảy sinh trong xã hội khi không còn niềm tin, tình thương giữa con người với con người.

Thực phẩm bẩn có giá bán rẻ hơn thực phẩm sạch, gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp chân chính, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.

- Giải pháp:

+ Nâng cao hiểu biết cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ về tác hại khôn lường, lâu dài của việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm bẩn.

+ Đưa ra hình thức xử phạt đủ sức răn đe để loại bỏ việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Đẩy mạnh việc sản xuất thực phẩm hữu cơ, biến đổi gen có lợi, an toàn cho sức khỏe

3. Kết đoạn:

- Bản thân cần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, cần có trách nhiệm với vấn nạn chung với xã hội, không thực hiện hay tiếp tay cho hành vi sản xuất, chế biến, lưu hành thực phẩm bẩn.

Góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người xung quanh về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Thực phẩm độc hại là nguyên nhân gây bệnh cho người dân Việt Nam nhưng vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải. Mọi người thường cho rằng xã hội càng hiện đại văn minh, con người ngày càng có tri thức và hiểu biết thì hẳn phải lo lắng cho sức khỏe của thế hệ. Nhưng thực tế là một số người đã bất chấp tạo ra những loại thực phẩm bẩn để phục vụ cho lợi ích của chính mình.

Vấn đề thực phẩm bẩn là một hiện tượng phổ biến, đang diễn ra từng ngày: thịt có chất tạo nạc, rau có thuốc trừ sâu; làm đổ ruốc bằng hóa chất… Tuy là vấn đề không còn mới mẻ, lạ lẫm với bất cứ người nào nhưng ngày càng ở mức báo động cao gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe con người. Theo thống kê, Việt Nam là một trong 18 quốc gia mắc bệnh ung thư cao nhất thế giới và xu hướng số người mắc tăng mạnh. Mỗi năm cả nước có khoảng 150 nghìn ca mới mắc bệnh ung thư, hơn 75 nghìn trường hợp tử vong (cao gấp bảy lần so với người tử vong do tai nạn giao thông). Trong các bệnh nhân ung thư, số người mắc từ việc ăn, uống các thực phẩm chứa chất độc hại chiếm một tỷ lệ đáng kể. Trên thực tế, không chỉ có người dân sản xuất nhỏ lẻ để bán mà còn có các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng loạt sản phẩm kém chất lượng, những thực phẩm độc hại cung cấp cho người tiêu dùng nhằm thu lợi. Nhóm người này chỉ chú ý đảm bảo an toàn cho những thực phẩm mà mình sử dụng hàng ngày còn coi thường chất lượng của sản phẩm đem bán, tiêu thụ. Nguyên nhân khiến những người kinh doanh không quan tâm sức khỏe của người khác chính là vấn đề lợi nhuận. Vì lợi nhuận nên khi trồng trọt, chăn nuôi họ thường sử dụng các loại chất kích thích, các hóa chất độc hại thì cây trồng vật nuôi sẽ phát triển nhanh, ít sâu bệnh, nhanh thu lợi. Đi liền mục đích lợi nhuận chính là sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức và là biểu hiện của một trình độ nhận thức hẹp hòi, ích kỷ.

Gần đây báo có đăng một số nơi đã tự trồng rau củ tại nhà để đảm bảo có rau sạch cho bữa ăn hằng ngày. Nhiều người đã tự chăn nuôi gia súc gia cầm để có nguồn thịt đảm bảo. Họ chia sẻ rằng chi phí bỏ ra ban đầu dù lên tới tiền triệu hay thậm chí cả chục triệu đồng nhưng được ăn rau sạch do chính tay mình ươm mầm, chăm sóc thì dù đắt đến mấy cũng không thành vấn đề. Việc trồng rau trong thùng xốp trên sân thượng được cho là một cách ứng phó hiệu quả nhất của người dân đối với tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là rau củ như hiện nay. Với những khoản chi phí nhỏ ban đầu để mua thùng xốp, các giá thể, hạt giống hay lớn hơn là xây dựng hệ thống chống thấm thì việc tự trồng rau tại nhà được coi như giúp giảm một phần chi phí trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy sản lượng rau củ này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng cũng giúp đỡ phần nào mối lo về chất lượng thực phẩm của một số gia đình, trồng rau tưới cây còn là một phương pháp giải trí lành mạnh giúp con người tập trung, thoải mái tinh thần.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Tình trạng thực phẩm bẩn làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang hằng ngày hằng giờ tồn tại xung quanh cuộc sống chúng ta. Chúng ta sẽ điểm lại một vài sự kiện gây xôn xao dư luận. 

Chắc hẳn chúng ta cũng chưa quên vụ việc thực phẩm cho chó và mèo ăn thực phẩm chứa chất melamine ở Trung Quốc, kế tiếp ngay sau đó, người ta lại phát hiện thêm sữa cũng hàm chứa chất melamine, hệ quả là có ít nhất là 4 trẻ em thiệt mạng cùng với hàng ngàn em mắc bệnh. Thực tế cũng đã chỉ ra nhiều bức xúc về vệ sinh an toàn thực phẩm như các vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp. Từ những dẫn chứng trên ta thấy vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta hiện đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng trên rất nhiều phương diện điển hình là ở: Sản xuất rau quả, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản; chế biến thực phẩm; bếp ăn tập thể, dịch vụ thức ăn đường phố; kiểm soát thực phẩm qua biên giới và trên thị trường. Một hiện tượng cũng xoay quanh việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà hiện nay chúng ta cần phải quan tâm chính là việc vận chuyển lậu thực phẩm kém chất lượng qua đường biên giới đang. Đây đang là vấn đề đau đầu của cơ quan chức năng. Đúng là vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm không thể một sớm một chiều giải quyết ngay được và việc giải quyết nó cũng không phải là trách nhiệm của mỗi cá nhân hay một tổ chức nào cả. Vậy nên để công tác thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm được hiệu quả nhất rất cần đến sự hợp tác tích cực của quần chúng (qua các hiệp hội người tiêu dùng) trong việc giám sát an toàn thực phẩm kết hợp với sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan tổ chức. 

Hi vọng trong thời gian tới việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có xu hướng giảm. Nó sẽ tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển đất nước bởi chất lượng thực phẩm là thành tố liên quan trực tiếp đến sự phát triển của mỗi con người và mỗi con người đóng vai trò là nhân tố ảnh hưởng tới sự lớn mạnh của mỗi quốc gia.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Ngày nay xã hội có nhiều vấn đề nan giải thu hút sự quan tâm của dư luận. Một trong những vấn đề đó chúng ta không thể không nhắc đến chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Những năm gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đang khiến nhiều người cảm thấy rất hoang mang. Những thực phẩm thiết yếu hàng ngày như rau, củ, thịt, cá hay ngay cả dầu ăn, nước mắm… tất cả đều có nguy cơ nhiễm bẩn. Bên cạnh đó là hiện tượng thực phẩm được nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ được lưu thông trên thị trường Việt Nam. Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên phải kể đến là do người tiêu dùng còn thiếu hiểu biết về mức độ an toàn của thực phẩm, ham của rẻ mà tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng được bày bán một cách tràn lan, không chọn lọc. Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn khác không thể không nhắc đến là các doanh nghiệp, nhà sản xuất vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để sản xuất ra nhiều hàng hóa không đạt chuẩn hòng thu về nguồn lợi nhuận cho bản thân mình. Các cơ quan có thẩm quyền 1uản lý còn lỏng lẻo và chưa có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm này. Hậu quả của vấn nạn thực phẩm bẩn để lại vô cùng lớn. Đầu tiên, sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng trực tiếp, tính mạng bị đe dọa. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nảy sinh tâm lí hoang mang, sự bất ổn có thể nảy sinh trong xã hội khi không còn niềm tin, tình thương giữa con người với con người. Thực phẩm bẩn có giá bán rẻ hơn thực phẩm sạch, gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp chân chính, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Để khắc phục tình trạng này, trước hết phải nâng cao hiểu biết cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ về tác hại khôn lường, lâu dài của việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra hình thức xử phạt đủ sức răn đe để loại bỏ việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cuối cùng, ngành thực phẩm cần đẩy mạnh việc sản xuất thực phẩm hữu cơ, biến đổi gen có lợi, an toàn cho sức khỏe để phục vụ cuộc sống con người. 

Mỗi người nâng cao ý thức một chút, sống vì lợi ích chung một chút thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, đáng sống hơn, sức khỏe con người từ đó sẽ được nâng cao hơn.

Bài tham khảo Mẫu 1

Thực phẩm là nguồn sống thiết yếu của con người, mỗi bữa ăn hằng ngày đều trở thành một phần quan trọng đối với sức khoẻ mỗi chúng ta. Bởi vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Thực tế cho thấy, khi đời sống càng phát triển, vệ sinh thực phẩm lại càng xuống cấp trầm trọng. Hàng loạt các bài báo liên tục đưa tin về những cơ sở chế biến thịt lợn hôi thối thành các món chả, ném, xúc xích,... được tiêu thụ bày bán khắp các quán ăn vặt, ngõ phố. Các bản tin, thời sự, tin tức cuộc sống thường ngày cũng ngày ngày cập nhật những tin tức về thực phẩm bẩn gây nhức nhối trong xã hội. Trong thịt lợn, có chứa các chất tạo nạc, kích thích vỗ béo nhanh. Trong trái cây, chứa các loại thuốc giúp tạo nước, duy trì thời gian xanh, thậm chí nhiều loại trái cây mua về để cả tháng trong tủ lạnh cũng không có hiện tượng biến đổi. Rau củ nhiễm thuốc hoá học, thuốc trừ sâu. Các loại sữa, nước mắm có chứa chất gây ung thư, giá đỗ, măng chứa các chất bảo quản, kích thích quá liều. Bún, phở,... được tẩy trắng bằng tinopal. Và nhiều các hiện trạng khác đang ngày ngày diễn ra, xuất hiện dày đặc, mỗi bữa ăn hằng ngày là nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu nhưng cũng là nỗi lo về sức khoẻ đối với mỗi gia đình.

Thực phẩm bẩn trở thành nỗi kinh hoàng của người dân khi vấn đề sức khoẻ của con người đang bị chúng rình rập, thủ tiêu, ngấm ngầm lan vào từng ngõ nghếch của đời sống chúng ta. Nó để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho chúng ta. Bao trường học với hàng trăm học sinh, bao cơ sở sản xuất với hàng trăm công nhân bị ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu ở bệnh viện. Một ly trà sữa, một cốc sinh tố cũng khiến học sinh bị nôn, ói, đưa đến bệnh viện rửa ruột. Sức khỏe con ngươi xuống cấp trầm trọng, hàng loạt người chết vì ung thư, vì ngộ độc thực phẩm hàng năm đã cho thấy mức báo động của vấn đề này. Vấn đề thực phẩm bẩn gây tâm lý hoang mang, lo lắng đối với người tiêu dùng. Thị trường rộng lớn, đi đâu cũng nghe những lời mời chào "thịt cá tươi ngon" ," rau củ sạch",... nhưng ai biết bên trong chứa những gì. Khi mà thật giả lẫn lộn, mua cái gì, ăn cái gì cũng phải suy nghĩ đau đầu, lo lắng cho sức khoẻ của bản thân và gia đình, không thể an tâm. Mặt khác, nhiều người tiêu dùng với tâm lý ưa rẻ, đổ xô vào những thực phẩm có giá thấp hơn mà ít quan tâm đến chất lượng. Những mặt hàng thực phẩm kém ăn toàn có dịp "hoành hành" bởi tâm lý đó. Nó trở thành một đối thủ cạnh tranh với những thực phẩm sạch của các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn lương thiện với mục tiêu " chất lượng là trên hết" nhưng giá thành cao hơn, gây lũng đoạn thị trường, nền kinh tế trì trệ, khó phát triển, thậm chí nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính bị phá sản bởi sự đổ bộ của thực phẩm bẩn vào thị trường.

Vậy nguyên nhân do đâu vấn đề thực phẩm ngày một đáng sợ như vậy? Trước nhất, phải kể đến ý thức của con người, những kẻ hám thứ lợi trước mắt mà sẵn sàng bán rẻ cả lương tâm, kiếm lợi trên sức khoẻ, tính mạng của người khác. Nhiều cơ sở kinh doanh sản xuất đại trà, hàng loạt, coi trọng số lượng hơn chất lượng gây hại vô cùng. Nhiều người dân cũng vì thu lợi mà sẵn sàng phun thuốc kích thích cho cây trồng, kích thích sự phát triển của vật nuôi mà không quan tâm đến hệ lụy về sau. Thứ hai, sự đổ bộ của các thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là các mặt hàng Trung Quốc kém chất lượng, bắt mắt, sạch

sẽ bề ngoài nhưng chất lượng thì hoàn toàn trái ngược. Thứ ba, xuất phát từ chính người tiêu dùng, nếu người sản xuất thiếu lương tâm thì người tiêu dùng lại thiếu tinh tế. Tâm lý ưa rẻ đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt khiến thực phẩm bẩn được tự do tung hoành khắp nơi, bởi khi có cơ hội được tiêu thụ, được người dùng quan tâm thì chúng mới sản xuất, mới được bày bán, có cầu thì mới có cung.

Từ những nguyên nhân trên, chúng ta cần nhìn nhận lại và đề ra những giải pháp hợp lý cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm này. Đối với cơ quan nhà nước, cần nghiêm túc triệt bỏ những có sở trái phép, làm ăn bất chính, thiếu lương tâm. Các cơ quan chính quyền cần tích cực tuyên truyền cho xã hội, người dân biết về vai trò của thực phẩm đối với con người, mỗi người cần có ý thức hơn và lên án những hành vi coi thường sức khoẻ, tính mạng con người. Đặc biệt, mỗi chúng ta, cần phải là những người tiêu dùng thông thái, không vì lợi trước mắt mà tự giết chính mình và người thân. Tận dụng những khoảng đất trống ở nhà trồng rau sạch, củ quả để góp phần cho bữa ăn hàng ngày được sạch hơn. Tránh mua những thực phẩm không rõ nguồn gốc, nơi sản xuất hạn sử dụng, tránh mua những thực phẩm không hiểu rõ thành phần, công dụng. Đừng dễ tin những lời nói, lời quảng cáo bắt tai của người bán mà tin tưởng rồi mua, cần tỉnh táo, điều quan trọng là phải đảm bảo vệ sinh và an toàn. Ưu tiên dùng những mặt hàng trong nước, thúc đẩy kinh tế nước nhà, tránh bị lợi dụng để nhập khẩu những mặt hàng kém chất lượng từ bên ngoài.

"Có sức khoẻ là có tất cả" - Hãy đảm bảo tính mạng chính mình từ những việc nhỏ nhất. Hãy góp phần nhỏ của mình vào xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn, lành mạnh tiến đến một tương lai đầy tốt đẹp!

Bài tham khảo Mẫu 2

Ngày nay, với sự phát triển của kĩ thuật công nghiệp hiện đại ngày càng có nhiều sản phẩm tiện ích ra đời, ngay cả đối với thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Khi công nghiệp phát triển thì cũng đồng nghĩa với rất nhiều vấn đề được đặt ra trong đó vấn đề an toàn thực phẩm đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân của các quốc gia trên thế giới, ngay ở Việt Nam.

Vấn đề đó đang trở nên phổ biến và ngày càng tràn lan trong xã hội: thức ăn ôi thiu, rau,củ,quả có chưa hàm lượng thuốc trừ sâu cao, trong thịt có chất tạo nạc, ngay ở trong gạo cũng có thể làm giả…. Một phần của nguyên nhân gây ra vấn đề này là người sản xuất muốn thu lợi nhuận cao nhưng lại muốn đốt cháy quá trình, làm việc không tuân thủ nguyên tắc, đặt lội nhuận lên cao hơn an toàn của người sử dụng và tâm lí người sử dụng cũng thích những đồ rẻ, sản xuất nhanh, hoa quả trái mùa… mà không quan tâm đến hàm lượn chất bảo quản của chúng. An toàn thực phẩm đang rung lên một hồi chuông báo động trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đối với sức khỏe con người. Trên thế giới, Việt Nam đang là đất nước có tỉ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất thế giới và số người chết vì mắc bệnh ung thư đang ngày một tăng lên. Trong số đó, tỉ lệ người chết vì nhiễm độc từ thức ăn, ngộ độc thực phẩm gây ra các bệnh lí đang chiếm số đông. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ tầm khoảng hai đến ba ngày, có khi liên tục trong một khoảng thời gian dài đưa tin liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Những nhà cung cấp rau tự xưng là thương hiệu “rau sạch” nhưng phun thuốc kích thích tăng trưởng, tăng năng suất, thuốc diệt cỏ…. để thu lợi nhuận. Thịt lợn chúng ta ăn hàng ngày cũng có những cơ sở chăn nuôi vì lợi ích mà tiêm chất tạo nạc, gây ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm…. Và cả những thủ thuật làm ra với thịt cá bị ôi thiu để che mắt khách hàng..Và hiện nay vẫn tồn tại công khai những cơ sở sản xuất thực phẩm không đạt chất lượng, những thực phẩm ấy vẫn được chuyển đi mua bán một cách công khai như những thực phẩm sạch nhưng không ai hay biết. Những điều đó có thể gây ra những bệnh liên quan đến đường ruột, tiêu hóa và đặc biệt nghiêm trọng có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc ung thư. Trước những hậu quả nghiêm trọng của việc mất an toàn thực phẩm gây ra cho đời sống con người, chúng ta phải chung tay tìm biện pháp khắc phục và cải thiện nó. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có liên quan nên mở cuộc điều tra, kiểm tra kĩ lưỡng trong từng khâu trồng trọt, chăn nuôi và ở cả nơi xuất ra thực phẩm. Những người sản xuất phải nhận thức ngay được mối nguy hiểm của việc sử dụng thực phẩm không đạt yêu cầu. Thực phẩm ấy sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những người ngoài xã hội mà ảnh hưởng đến chính những người thân của họ và bản thân họ khi là người tiếp xúc nhiều với những chất bảo quản, chất kích thích và nguồn thực phẩm không an toàn. Những người tiêu dùng cần nâng cao ý thức khi mua thực phẩm, đừng ham của rẻ mà phớt lờ đi độ an toàn của thực phẩm không lành mạnh và nếu có cơ hội, chúng ta hãy thử sức với việc trồng rau xanh tại nhà sẽ đảm bảo hơn chất lượng cuộc sống.

Chúng ta, những người đang sống và tồn tại phụ thuộc vào nguồn thực phẩm, hãy cố gắng cứu lấy chính mình bằng cách nâng cao nhận thức cho mình và những người xung quanh về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hãy chung tay vì một cuộc sống “Nói không với thực phẩm bẩn”.

Bài tham khảo Mẫu 3

Người xưa đã từng quan niệm: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” (bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra) để nhắc nhở việc cẩn trọng trong từng miếng ăn, lời nói. Chưa bao giờ vấn đề đó lại được mọi người ngày nay quan tâm nhiều đến thế. Không còn mong muốn ăn no, mặc ấm nữa người hiện đại mong muốn ăn ngon, món ăn đẹp bắt mắt. Và đỉnh cao của những yêu cầu đó có lẽ phải còn là ăn uống an toàn.

Vệ sinh thực phẩm ở đây là một khái niệm khoa học để chỉ thực phẩm không chứa vi sinh vật gây bệnh và không chứa độc tố. Khái niệm đó còn bao gồm khâu tổ chức vệ sinh trong chế biến bảo quản thực phẩm. An toàn thực phẩm được hiểu là khả năng không gây ngộ độc của thực phẩm đối với con người. Như vậy, có thể nói là khái niệm này có nội dung rộng hơn do nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm không chỉ hạn chế ở vi sinh vật. Nói chung vệ sinh an toàn thực phẩm là việc bảo đảm thực phẩm không gây hại cho sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, bảo đảm thực phẩm không bị hỏng, không chứa các tác nhân vật lí, hoá học, sinh học, hoặc tạp chất quá giới hạn cho phép, không phải là sản phẩm của động vật, thực vật bị bệnh có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Thực trạng thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra thường xuyên ở nước ta, chỉ một đoạn đường nhỏ ở thị trấn hay thành phố, cảnh quan, hình ảnh quán cóc, quán vỉa hè, các gánh hàng rong đã trở thành quen thuộc, nhắc đến thì ai cũng biết. Thử đặt một câu hỏi nhỏ rằng: “Liệu những quán đó có hợp vệ sinh an toàn thực phẩm?”. Chắc hẳn ai cũng đã rõ câu trả lời. Vệ sinh đâu khi ngồi thưởng thức một bát phở mà bên cạnh lại là những bãi rác bốc mùi nồng nặc, nước cống đen ngòm, khói bụi dày đặc trong. Vệ sinh đâu khi người bán dùng tay không bốc những thức ăn rồi đặt vào tô. Những điều đó ai cũng biết nhưng vẫn thản nhiên ngồi thưởng thức những món ăn một cách bình thường, thậm chí là ngon lành với lí do: “Giá ở đây rẻ, hợp túi tiền”, “Ăn ở đây vừa nhanh, vừa tiện” còn có ý kiến cho rằng “Ngồi đây cho thoáng mát”.

Nếu như trước đây, những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ dừng lại ở các hành vi vi phạm quy định như: hàn the trong đồ ăn sẵn, phẩm màu công nghiệp trong bánh mứt, formal trong phở, để tẩy ướp thủy hải sản hay chất 3-MCPD trong nước tương đã làm nhiều người choáng váng, vứt bỏ những thức ăn, gia vị đã quen sử dụng trong nhiều năm thì giờ đây, trong dịp trước tết và trong tết, nhiều vụ việc, kiểu vi phạm đã xuất hiện với nhiều hành động tinh vi hơn để tung hàng kém chất lượng ra thị trường “cung không đủ cầu”. Nhiều người khi ăn chỉ nhìn món ăn sau khi chế biến rất ngon lành mà đâu ngờ rằng trước đó nó là cái gì? Là một con cá tươi ngon hay chỉ là một đống thịt đang lúc phân hủy.

Vừa rồi, thanh tra và các tổ chức y tế nhiều nơi đã phát hiện nhiều vụ làm chấn động dư luận và người dân. Ví dụ như ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện cơ sở sản xuất lạp xưởng sử dụng hóa chất trôi nổi, nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt, phục vụ cho dịp tết có danh tiếng và tên tuổi trong bánh mứt và đã được cấp giấy chứng nhận đạt đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện sử dụng các nguyên liệu đã mốc, lên men, chứa đầy dòi và ấu trùng đang được ngâm với hóa chất để chuẩn bị chế biến thành sản phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhiều cơ sở đã thừa nhận rằng trong lúc chế biến thiếu sân phơi và đã đem ra phơi trên vỉa hè. Tại Hà Nội đã phát hiện trên hai mươi năm tấn mỡ thối nát, đã bốc mùi hôi thối nồng nặc chở từ một cơ sở để đưa vào miền Nam tiêu thụ. Chưa hết những thứ mỡ thối kinh khủng thì lại tới chuyện lòng heo, nội tạng gia súc, động vật. Các cơ quan chức năng đã bắt giữ liên tục hàng chục vụ vận chuyển, tàng trữ nội tạng động vật, thịt bẩn, bì lợn thối được chuyển từ Hà Nội về Lào Cai, chuyển sang Trung Quốc để tẩm thuốc, sơ chế rồi chuyển về lại Việt Nam để tiêu thụ, phục vụ cho những thực khách sành ăn, ham giá bình dân. Nhiều vụ lên đến hàng tấn. Các đoàn thanh tra còn bắt được hàng tạ thịt chim cút đang trong thời gian phân hủy, không còn giữ được nguyên vẹn thực trạng ban đầu. Các vụ vận chuyển hàng trăm cân gia cầm chết hay bị bệnh chưa qua sự cho phép của chính quyền nhà nước đã xâm nhập vào thị trường nước ta. Một số vụ vận chuyển một lượng lớn chất Phodamine B là một loại hóa chất công nghiệp phát quang dùng trong y học để chuẩn đoán vi khuẩn và một số xét nghiệm sinh hóa hay để nhuộm quần áo được trộn chung với ớt bột rồi tung ra thị trường. Các vụ trên đa phần đều có tổ chức, đường dây lớn và dẫn về các tiệm ăn nhỏ, quán cóc hay thậm chí là những nhà hàng sang trọng, sạch sẽ. Theo thông tin của một cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đột xuất, không khỏi bất ngờ và choáng váng khi phát hiện ra rằng hầu hết các điểm được kiểm tra đều xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm như sản phẩm không có xuất xứ rõ ràng, giấy tờ, bao bì hay nhãn mác. Đem một số mẫu về xét nghiệm thì có tới 56% mẫu bị nhiễm vi khuẩn, nhiều loại bị nhiễm hóa chất, chất kích thích tăng trưởng, chất hỗ trợ chế biến, chất chống oxi hóa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể con người. Có nhiều loại trái cây nhập lậu từ Trung Quốc nhìn bề ngoài thì rất tươi ngon nhưng bên trong đã thối rữa.

Những vụ mà báo chí đã phanh phui khiến chúng ta không khỏi giật mình. Đa phần là do những nguyên nhân như: những người dân đã dùng những thực phẩm đó một cách quen thuộc từ lâu nhưng chỉ khi được phát hiện thì mới bắt đầu phòng tránh. Những bất cập trong việc quản lí về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân.

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay trên thế giới rất đáng quan ngại, đặc biệt là tại những nơi vừa xảy ra thiên tai như lụt lội, mất mùa. Thực phẩm trôi nổi bán ngoài thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng. Mầm bệnh có thể nhiễm vào thực phẩm từ khâu sản xuất đến vận chuyển và bảo quản. Cách tổ chức sản xuất sản phẩm còn quá kém, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm còn nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu. Ta chưa kiểm soát được kĩ thuật canh tác và việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cũng như phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thực phẩm. Chưa kiểm soát được thức ăn chăn nuôi, thuốc tăng trọng và giết mổ gia súc, gia cầm, thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ, thiếu hệ thống quản lí, kiểm nghiệm… Đặc biệt, thiếu trầm trọng thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến địa phương. Lượng công nhân viên chức, thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất ít. Nhiều người tham lam, muốn kiếm tiền dễ dàng một cách độc ác đã làm ra những sản phẩm kém chất lượng mà rẻ nhằm đánh vào tâm lí của người tiêu dùng. Vấn đề còn lại là phải có một cơ quan chuyên trách, giữ vai trò “nhạc trưởng” để tránh xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Tuy Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm đến việc này hơn nhưng vẫn là chưa đủ. Vì vậy chúng ta cần có biện pháp cấp thiết để khắc phục tình trạng này. Sản xuất phải chuyên nghiệp, sạch sẽ từ khâu trồng trọt đến sản xuất và tiêu thụ. Cần có nhiều cán bộ, tổ chức vệ sinh an toàn thực phẩm hơn, chính sách nhà nước chặt chẽ hơn, có chế tài xử lí rõ ràng và nghiêm khắc hơn. Nhưng đặc biệt là người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, như vậy người tiêu dùng cần có kiến thức tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chúng ta nói chung và những bà nội trợ nói riêng lo lắng làm thế nào để có được một cái tết an lành với mọi thành viên trong gia đình. Hãy làm người tiêu dùng thông minh, và hãy nói không với “mất an toàn vệ sinh thực phẩm” nhằm tiến đến một ngày mai xanh, sạch.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close