Viết bài văn phân tích nhân vật cậu bé Côn trong Dọc đường xứ Nghệ lớp 7

1. Mở đoạn: - Giới thiệu về tác phẩm và đoạn trích - Nêu cảm nhận chung về nhân vật Côn

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu về tác phẩm và đoạn trích

- Nêu cảm nhận chung về nhân vật Côn

2. Thân đoạn:

-  Côn là một cậu bé ham học hỏi, thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh:
+ Khi thấy ngôi đền và ngọn núi, cậu bé Côn đã hỏi cha về các sự tích gắn liền với chúng.
- Côn còn là cậu bé có suy nghĩ chín chắn, thấu đáo:
+ Sau khi nghe cha kể xong chuyện "Mỵ Châu - Trọng Thủy", cậu bé đã bày tỏ suy nghĩ của mình về các nhân vật.
+ Thắc mắc tại sao Nguyễn Du có công lao lớn nhưng không được lập đền thờ còn thằng ăn trộm bị đánh chết lại có.
- Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Sử dụng ngôi kể thứ ba.
+ Khắc họa nhân vật thông qua lời nói, suy nghĩ.
+ Sử dụng ngôn ngữ địa phương.

3. Kết đoạn:

- Nêu đánh giá khái quát về nhân vật Côn

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Nhân vật cậu bé Côn trong Dọc đường xứ Nghệ của nhà văn Sơn Tùng là một nhân vật đặc biệt để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. 

Cậu bé Côn từ nhỏ đã thể hiện tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và không ngại khó khăn. Điều này được thể hiện qua quyết định rời nhà đi học mà cậu đã chọn. Cậu luôn có khát vọng học hỏi, khám phá thế giới và không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục con đường học tập của mình.

Mặc dù cậu bé Côn có nhiều tài năng và khát vọng lớn, nhưng cậu luôn giữ một tâm hồn khiêm tốn và chân thành. Cậu luôn quan tâm đến người khác và sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Những đặc điểm nhân cách này không chỉ giúp cậu bé Côn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống mà còn là nền tảng cho những thành tựu vĩ đại sau này của Bác Hồ - người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam giành được độc lập và tự do. 

Có thể nói, cậu bé Côn là biểu tượng cho thế hệ trẻ Việt Nam, với tinh thần quyết tâm, yêu nước và khát vọng tiến bộ. Qua đó chúng ta càng thêm yêu quý hơn cậu bé Côn.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Trong văn bản "Dọc đường xứ Nghệ", nhân vật cậu bé Côn đã để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc. 

Ngay từ đầu đoạn trích ta có thể thấy được sự ham học của Côn. Khi được nghe cha kể về câu chuyện về An Dương Vương, gắn với lông ngỗng mà nàng Mỵ Châu rải đường em đã đánh giá khách quan với cái nhìn đa chiều. Cái nhìn từ góc độ nhân dân. Biết cảm thông cho Mỵ Châu nhẹ dạ, biết thương An Dương Vương mất nước phải trầm mình xuống biển. Côn không giống những cậu bé khác em đánh giá mọi chuyện trong cuộc sống hết sức khách quan đa chiều. Mỗi cái nhìn của em về một sự vật sự việc đều thể hiện tốt chất của một lãnh đạo tài ba trong tương lai. 

Dưới ngòi bút của Sơn Tùng, khoảng đời niên thiếu của Bác được tái hiện sinh động bằng những chi tiết cuộc sống thường nhật với nỗi buồn, niềm vui, đắng cay, hiếu thảo, ham học, tò mò… Hình ảnh bé Côn với nét tính cách tinh nghịch, hóm hỉnh, thơ ngây hiển hiện trong đầu bạn đọc. Tuổi thơ của cậu bé Côn vừa được đắm mình trong môi trường quê hương, vừa nhận được sự giáo dục của người cha nghiêm khắc và mực thước. Điều đó góp phần hình thành tính cách tốt đẹp của Côn sau này.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Trong đoạn trích “ Dọc đường xứ Nghệ”, ta có thể thấy được nét đặc biệt của nhân vật cậu bé Côn. 

Cậu bé Côn ngay từ nhỏ đã thể hiện được sự thông minh, ham học hỏi. Em liên tục thắc mắc và hỏi cha về cảnh vật xung quanh mỗi nơi mình đi qua. Khi được nghe cha kể câu chuyện về An Dương Vương, gắn với lông ngỗng mà nàng Mỵ Châu rải đường, cậu bé Côn đã đánh giá khách quan - cái nhìn từ góc độ biết cảm thông cho Mỵ Châu nhẹ dạ, biết thương An Dương Vương mất nước phải trầm mình xuống biển. Côn không giống những cậu bé khác, cậu đánh giá mọi chuyện trong cuộc sống hết sức khách quan đa chiều. Mỗi cái nhìn của cậu về một sự vật, sự việc đều thể hiện cậu không chỉ thấy được sự tài tình của trí tưởng tượng dân gian mà còn thấy được nhiều điều khác.

Cậu cũng yêu thơ và có tài làm thơ. Cậu thuộc câu vè của bà, thuộc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và gặp cảnh vật nào, cậu cũng có thể ngâm thơ để bình về cảnh vật ấy. Qua đó, ta cũng thấy được ngay từ nhỏ cậu bé Côn đã nhận được sự giáo dục tỉ mỉ của gia đình. 

Qua ngòi bút Sơn Tùng, Bác Hồ thời niên thiếu hiện lên với sự thông minh hơn người, bản lĩnh nhưng không phải là thần đồng bẩm sinh, mà là quá trình tự rèn luyện, học tập, tu dưỡng, tiếp thu tinh hoa dân tộc. Nhân vật cậu bé Côn là một hình tượng đẹp, truyền thêm tinh thần ham học hỏi, tích lũy tri thức cho mỗi chúng ta.

Bài tham khảo Mẫu 1

Nhắc tới nhà văn Sơn Tùng, chúng ta sẽ nhớ ngay tới cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Búp sen xanh". Tác phẩm đã đem đến cho bạn đọc những hình dung cụ thể, chân thực về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu tới tuổi trưởng thành. Đặc biệt, đến với đoạn trích "Dọc đường xứ Nghệ", ta sẽ thấy được một cậu bé Côn ham học, thích tìm hiểu.

Trên đường đi, cậu bé Côn luôn chú ý quan sát vạn vật xung quanh. Trong đôi mắt trẻ thơ của Côn, quê hương hiện lên với "những ngôi đền cổ kính", với "dãy núi xa xa rất nhiều hình nhiều vẻ". Ngắm nhìn các di tích, cảnh sắc ấy, Côn không khỏi tò mò, thắc mắc. Vì thế, cậu bé đã mạnh dạn hỏi cha về các sự tích gắn liền với chúng "Thưa cha, con muốn được cha chỉ bảo chúng con về sự tích ngôi đền ni, về tên của các hòn núi kia, trông lạ mắt quá cha ạ.". Có thể thấy, Côn là một người ham học hỏi, thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Đứng trước những điều mới lạ, cậu luôn muốn tìm tòi, khám phá sâu rộng. Côn khao khát được hiểu hơn về cuộc sống, về cội nguồn dân tộc. Như vậy, ngay từ thơ bé, cậu bé Côn đã rèn luyện và bồi đắp cho bản thân một tinh thần ham học đáng ngưỡng mộ.

Bên cạnh đó, Côn còn là cậu bé có suy nghĩ chín chắn, thấu đáo. Sau khi nghe cha kể xong chuyện "Mỵ Châu - Trọng Thủy", cậu bé đã thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình về các nhân vật. Côn phê phán việc vua Thục "không đề phòng sự gian giảo, bội ước của vua nhà Triệu". Nhưng đồng thời, cậu bé cũng coi trọng hành động của An Dương Vương ở cuối câu chuyện. Có thể thấy, dù tuổi còn nhỏ nhưng Côn đã có những lí giải, phân tích hết sức chín chắn. Đặc biệt, giây phút đứng trước mộ Nguyễn Du, Côn cảm thấy vô cùng chạnh lòng, xót xa mà nhớ đến mấy câu thơ "...Rằng sao trong tiết Thanh minh/ Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?...". Cậu bé luôn thắc mắc, hoài nghi tại sao thằng trộm bị đánh chết được lập đền thờ còn Nguyễn Du công lao to lớn lại không.

Với việc sử dụng ngôi kể thứ ba, người đọc đã có cái nhìn khách quan, cụ thể về câu chuyện và nhân vật Côn. Ngoài ra, tác giả Sơn Tùng còn xây dựng thành công nhân vật qua lời nói, suy nghĩ. Từ đây, Côn hiện lên thật sắc nét với bao phẩm chất tốt đẹp, đáng ngưỡng mộ. Không chỉ vậy, các từ ngữ địa phương "ni", "dớ dận" cũng làm câu chuyện trở nên gần gũi, thân quen.

Nhân vật Côn quả là một cậu bé điềm đạm, thông minh, yêu thích học hỏi. Theo dòng thời gian, những câu chuyện gắn liền với Người như "Dọc đường xứ Nghệ" nói riêng và "Búp sen xanh" nói chung sẽ mãi in sâu trong tâm trí dân tộc Việt Nam. Cảm ơn nhà văn Sơn Tùng đã mang đến một tác phẩm giàu giá trị như vậy.

Bài tham khảo Mẫu 2

"Dọc đường xứ Nghệ" là một trích đoạn tiêu biểu của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Búp sen xanh". Đoạn trích đã mang đến cho bạn đọc những hình dung cụ thể về thời niên thiếu của Người khi sống bên gia đình qua nhân vật Côn.

Đầu tiên, khi dừng chân tại vùng đất Diễn Châu, được nghe cha kể về truyền thuyết "Mỵ Châu - Trọng Thủy", cậu bé Côn đã thẳng thắn chỉ ra căn nguyên của mọi việc xung quanh câu chuyện. Với khả năng phân tích, nhìn nhận vấn đề cốt lõi bằng tư duy khách quan, đa chiều, Côn nhận thấy nhà Triệu quá nham hiểm, chàng Trọng Thủy lại ngoan ngoãn làm theo lời cha, nàng Mị Châu thì ruột để ngoài da. Đồng thời, Côn còn thẳng thắn nêu lên hạn chế của vua Thục khi không nhận ra bản chất của kẻ thù, trọng chữ tín mà không đề phòng. Mặc dù vậy, cậu vẫn công tâm khi công nhận cách xử sự của vua An Dương Vương ở cuối truyện.

Tuy nhỏ tuổi nhưng Côn đã có những am hiểu sâu sắc về cuộc sống. Sau khi nghe cha kể xong các sự tích gắn liền với hòn Hai Vai và núi "Tướng quân rơi đầu", Côn không tiếc lời ngợi ca ước mơ chính đáng ở người xưa. Đồng thời, cậu còn thể hiện tấm lòng trân trọng, ngợi ca tài năng và trí tưởng tượng phong phú của các tác giả dân gian.

Ngoài ra, Côn còn là một cậu bé có tâm hồn yêu mến văn thơ và biết đề cao công bằng, tôn trọng lẽ phải. Điều này được khắc họa rõ nét qua chi tiết ba cha con cụ Phó bảng tới thăm mộ đại thi hào Nguyễn Du. Sau khi chạnh lòng trước cảnh "hương khói vắng tanh" nơi đại thi hào yên nghỉ, Côn đã không khỏi thắc mắc vì sao Nguyễn Du lại không được lập đền thờ như thằng ăn trộm bị đánh chết.

Để làm nổi bật nhân vật cậu bé Côn, tác giả đã có những sáng tạo về hình thức nghệ thuật. Trước hết, việc sử dụng ngôi kể thứ ba giúp độc giả có cái nhìn toàn diện, chân thực về câu chuyện thời thơ ấu của Người. Tiếp đến, nhà văn còn thành công trong việc khắc họa nhân vật thông qua lời nói, hành động và suy nghĩ.

Nhân vật Côn trong đoạn trích "Dọc đường xứ Nghệ" hiện lên thật chân thực với vẻ đẹp về nhân cách và tâm hồn. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cậu đã có thể hiểu sâu biết rộng, mang trong mình những suy nghĩ sâu sắc. Mong rằng, các câu chuyện gắn liền với cuộc đời của Người sẽ luôn in sâu trong tâm trí dân tộc Việt Nam.

Bài tham khảo Mẫu 3

Trong đoạn trích ta có thể thấy được sự ham học của Côn. Tác phẩm đã đưa người đọc trở về thời niên thiếu của Bác Hồ, từ lúc cất tiếng khóc chào đời tại làng Chùa quê ngoại, đến khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 20 đầy khát vọng. Trong đoạn trích này tác giả chủ yếu là vẻ đẹp của thiên nhiên xứ Nghệ qua con mắt nhìn và sự đánh giá của những đứa trẻ. Mỗi di tích mỗi câu chuyện là một góc nhìn của cậu bé Côn. Dưới sự giáo dục tỉ mỉ của người cha Nguyễn Sinh Sắc. Trước đó, Côn đã biết nhận ra lỗi lầm của mình khi nói hỗn với anh và bị cha nhắc nhở:

“Côn đặt chiếc khăn gói trên vai xuống bãi cỏ, khoanh hai tay trước ngực, giọng chân thành:

- Xin anh cả tha lỗi cho em…

Cậu cả Khiêm rơm rớm nước mắt, chạy lại xách tay nải lên:

- Để anh mang đỡ em một đoạn kẻo em mệt đi không kịp cha”. Một chi tiết nhỏ nhưng ta cũng thấy được sự lễ phép ngoan ngoãn của cậu bé. Cậu bé Côn ngay từ nhỏ đã thể hiện được sự thông minh ham học hỏi. Em liên tục thắc mắc và hỏi cha về cảnh vật xung quanh mỗi nơi mình đi qua.

Khi được nghe cha kể về câu chuyện về An Dương Vương, gắn với lông ngỗng mà nàng Mỵ Châu rải đường em đã đánh giá khách quan với cái nhìn đa chiều. Cái nhìn từ góc độ nhân dân. Biết cảm thông cho Mỵ Châu nhẹ dạ, biết thương An Dương Vương mất nước phải trầm mình xuống biển. Côn không giống những cậu bé khác em đánh giá mọi chuyện trong cuộc sống hết sức khách quan đa chiều. Mỗi cái nhìn của em về một sự vật sự việc đều thể hiện tốt chất của một lãnh đạo tài ba trong tương lai. Em không chỉ thấy được sự tài tình của trí tưởng tượng dân gian mà còn giúp ta thấy được cả sự nham hiểm của kẻ thù: “Côn nói, vẻ thán phục:

- Chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy hay tuyệt, tài tình lắm. Con nhận thấy vua nhà Triệu nước Tàu nham hiểm ghê gớm. Chàng Trọng Thủy ngoan ngoãn làm theo mẹo của cha bày đặt. Còn vua nhà Thục nước ta lại trọng chữ tín, thành thật muốn hai nước ở kè nhau có hòa hiếu để dân được sống yên ổn làm ăn. Nhưng vua nước ta lại không đề phòng sự gian giảo, bội ước của vua nhà Triệu. Nàng Mỵ Châu lại ruột để ngoài da. Cha vậy, con vậy thì giữ nước làm sao được? Nhưng câu chuyện lại cho thấy điều đáng trọng không khinh được vua Thục là: Người đã phải tự chém con gái mình và tự xử án mình bằng hành động nhảy xuống biển về tội để mất nước, chứ không cam chịu nộp mình cho giặc.”

Một người trưởng thành, đủ hiểu biết chưa chắc đã đánh giá được như em… Đánh giá của em khiến người cha (mặc dù đã là cụ Phó Bảng) cũng phải “sững sờ” suy ngẫm.

Khi được cha kể sự tích về vùng Ba Hòn, là đứa trẻ ham học hỏi Côn chỉ chơm chớp mắt nhìn theo. Em đánh giá về câu chuyện như một người trưởng thành, luôn nhìn mọi vật từ góc độ văn hóa dân gian và cái đẹp. Em thốt lên khi nghe xong tích xưa: “Ước vọng của dân ta thật là đẹp. Tưởng tượng của người ta đến là tuyệt! Phải không cha?”. Em đã nhìn ra ước vọng đằng sau suy ngẫm của em về một tạo vật, mỗi danh thắng quê hương và ước vọng của nhân dân.

Khi thấy đền thờ Qủa Sơn to hơn đền thờ An Dương Vương, cậu bé Côn đã suy ngẫm ra triết lí làm quan ở đời. Nếu quan thương dân lo cho dân sẽ được nhân dân đời đời nhớ ơn lập đền thờ phụng. Nếu quan không thương dân chỉ biết vơ vét, hại dân sẽ bị tiếng nhơ muôn đời. Ông Phó Bảng giảng giải cho cậu bé Côn càng hiểu rõ hơn.

Cậu cũng yêu thơ và có tài làm thơ. Cậu thuộc câu vè của bà, thuộc Truyện Kiều của Nguyễn Du và gặp cảnh vật nào cậu có thể ngâm thơ để bình về cảnh vật ấy. Qua đó, ta cũng thấy được ngay từ nhỏ cậu bé Côn đã nhận được sự giáo dục tỉ mỉ của gia đình. Cụ Phó Bảng là một người am hiểu về nhiều góc độ văn hóa, Côn đã lĩnh hội và học hỏi bồi dưỡng nhân cách từ chính vốn văn hóa bình dân gần gũi ấy. Khi được cha giải thích cho con lí do cụ Nguyễn Du lại không được thờ phụng, lại có nơi thờ thằng ăn trộm và khắc rõ chữ “Đạo tặc tối linh tôn thần”. Cậu cũng phát hiện ra thứ phi lí ở đời. Có lẽ, trong xã hội những kẻ trộm cướp, đạo tặc luôn quấy phá xã hội và dân ta thờ phường trộm cướp là để chúng không quấy phá nhiễu loại khi đã chết đi. Nhưng với đầu óc của một đứa trẻ Côn vẫn chưa hiểu hết được những điều ấy.

Dưới ngòi bút của Sơn Tùng, khoảng đời niên thiếu của Bác được tái hiện sinh động bằng những chi tiết cuộc sống thường nhật với nỗi buồn, niềm vui, đắng cay, hiếu thảo, ham học, tò mò… Hình ảnh bé Côn với nét tính cách tinh nghịch, hóm hỉnh, thơ ngây hiển hiện trong đầu bạn đọc. Tuổi thơ của cậu bé Côn vừa được đắm mình trong môi trường quê hương, vừa nhận được sự giáo dục của người cha nghiêm khắc và mực thước. Điều đó góp phần hình thành tính cách tốt đẹp của Côn sau này.

Qua ngòi bút Sơn Tùng, Bác Hồ thời niên thiếu hiện lên với nét thông minh hơn người, bản lĩnh độc đáo nhưng không phải là thần đồng bẩm sinh, mà là quá trình tự rèn luyện, học tập, tu dưỡng, tiếp thu tinh hoa dân tộc.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close