Viết văn bản thuyết minh về văn bản Truyện Kiều lớp 11I. Mở bài - Giới thiệu tác giả Nguyễn Du: là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. - Giới thiệu về "Truyện Kiều": là kiệt tác của Nguyễn Du, là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý chi tiết I. Mở bài - Giới thiệu tác giả Nguyễn Du: là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. - Giới thiệu về "Truyện Kiều": là kiệt tác của Nguyễn Du, là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. II. Thân bài a) Giới thiệu về Nguyễn Du: - Cuộc đời: + Tên, hiệu, năm sinh năm mất: tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765), mất năm Canh Thìn (1820). + Quê hương: quê cha ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà TĨnh; quê mẹ ở Bắc Ninh, nhưng ông lại được sinh ra ở Thăng Long. Nhờ đó, Nguyễn Du dễ dàng tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa. + Gia đình: đại quý tộc, nhiều đời làm quan to, có truyền thống làm thơ văn và say mê ca kĩ. + Thời đại: sinh ra và lớn lên trong thời kì lịch sử đầy biến động dữ dội của xã hội phong kiến. + Cuộc đời: đầy bi kịch, Nguyễn Du sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với anh trai là Nguyễn Khản. Gia đình tan tác, bản thân ông cũng đã từng lưu lạc "mười năm gió bụi "ở quê vợ Thái Bình. Nhưng chính những cơ cực, vất vả đó đã hun đúc cho ông vốn sống quý giá, và sự am hiểu sâu sắc vốn văn hóa dân gian. + Nguyễn Du làm quan dưới hai triều Lê và Nguyễn. Ông là vị quan thanh liêm, được nhân dân tin yêu, quý trọng. - Sự nghiệp văn học đồ sộ với những kiệt tác ở nhiều thể loại: + Các tác phẩm văn học của Nguyễn Du: thơ chữ Hán, Nguyễn Du có 3 tập thơ (Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục). Thơ chữ Nôm, Nguyễn Du có hai kiệt tác "Truyện Kiều "và "Văn tế thập loại chúng sinh ". + Nội dung: - Thơ văn Nguyễn Du có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc đời cơ cực của ông nói riêng, và xã hội đen tối, bất công nói chung. - Tác phẩm của Nguyễn Du chứa chan tinh thần nhân đạo - một chủ nghĩa nhân đạo thống thiết, luôn hướng tới đồng cảm, bênh vực, ngợi ca và đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ tài hoa mà bạc mệnh. + Nghệ thuật: - Về thể loại: Nguyễn Du đã đưa hai thể thơ của truyền thống dân tộc đạt đến trình độ điêu luyện và mẫu mực cổ điển. Nguyễn Du đã tiểu thuyết hóa thể loại truyện Nôm, với điểm nhìn trần thuật từ bên trong nhân vật, và nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc. - Về ngôn ngữ: Nguyễn Du đã có đóng góp to lớn, làm cho ngôn ngữ Tiếng Việt trở nên trong sáng, tinh tế và giàu có. b) Giới thiệu về "Truyện Kiều" - Tên gọi: Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới đứt ruột). - Dung lượng: 3254 câu thơ lục bát. - Nguồn gốc: "Truyện Kiều" được sáng tác dựa theo cốt truyện "Kim Vân Kiều truyện" - tiểu thuyết chương hồi của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Nguyễn Du đã "hoán cốt đoạt thai" tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, và đem lại cho "Truyện Kiều" những sáng tạo mới mẻ cả về nội dung và nghệ thuật. - Thể loại: truyện Nôm bác học. - Tóm tắt sơ qua về tác phẩm. - Giá trị tư tưởng: + Thể hiện khát vọng về tình yêu tự do và mơ ước công lí. + Là tiếng kêu thương đến đứt ruột cho thân phận con người, đặc biệt là nữ tài trong xã hội phong kiến. + Là bản cáo trạng đanh thép tội ác của các thế lực đen tối trong xã hôi xưa. Nguyễn Du phê phán mạnh mẽ sự "lên ngôi" của thế lực đồng tiền. + Là bức chân dung tinh thần tự họa của Nguyễn Du với "con tim thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời", trái tim chan chứa tình yêu thương con người. - Giá trị nghệ thuật: + Nghệ thuật xây dựng nhân vật. + Nghệ thuật tự sự mới mẻ. + Thể loại. + Ngôn ngữ trong sáng, điêu luyện, giàu sức gợi cảm, ẩn dụ, điển cố, ... + Giọng điệu cảm thương rất phù hợp với chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du. III. Kết bài - Khẳng định tấm lòng nhân đạo, tài năng của Nguyễn Du và sức sống bất diệt của Truyện Kiều. Bài siêu ngắn Mẫu 1 Tài sản về vật chất có thể nhanh đến và nhanh đi nhưng tài sản về tinh thần thì sẽ luôn luôn được lưu giữ. Người ta cũng không thể đem tài sản tinh thần ra để định giá bởi vì nó là vô giá. Đối với tất cả người dân Việt Nam, chúng ta có nhiều khối tài sản tinh thần chung và trong số đó không thể không nhắc đến đó chính là Truyện Kiều. Tác phẩm giống như một viên ngọc sáng mà tất cả các nhà văn, nhà thơ đều ao ước mình có thể làm nên một tác phẩm như vậy. Kiệt tác vĩ đại Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm theo thể loại truyện thơ. Toàn bộ tác phẩm gồm 3254 câu thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc. Mặc dù được viết dựa theo cốt truyện cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng Nguyễn Du đã có sự sáng tạo để tạo nên một Đoạn Trường Tân Thanh phù hợp với văn hóa của người Việt và thể hiện được những tinh hoa trong ngôn ngữ của người Việt. Cốt truyện xoay quanh cuộc đời của Thúy Kiều, một người con sinh ra trong gia đình trung lưu lương thiện. Thúy Kiều vốn có cuộc sống êm đềm bên cha mẹ và hai người em là Thúy Vân và Vương Quan cho đến trước khi sóng gió ập đến. Cả thiên truyện được chia làm ba phần với phần một có tên là Gặp gỡ và đính ước. Vào ngày hội Đạp Thanh, ba chị em Thúy Kiều cùng nhau đi tảo mộ. Tại đây, Kiều đã gặp nấm mồ của Đạm Tiên và tỏ lòng thương xót cho thân phận của người con gái hồng nhan, bạc mệnh. Lúc chuẩn bị ra về, Kiều lại gặp gỡ Kim Trọng và dường như hai người đã cảm mến nhau ngay từ giây phút đầu gặp gỡ. Sau đó, hai người đã bí mật gặp nhau và cùng nhau đính ước. Phần hai có tên gọi Gia biến và lưu lạc. Sau khi đính ước, Kim Trọng phải về quê hộ tang chú. Đúng lúc này gia đình Kiều bị vu oan, cha và em Kiều là Vương Quan bị bắt. Để cứu cha và em, Kiều đã phải bán mình để có tiền chuộc. Trước khi ra đi, Kiều đã trao lại mối duyên tình của mình cho em gái Thúy Vân. Sau khi bán mình, Kiều bị Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh lừa vào chốn lầu xanh. Tại đây, Kiều đã được Thúc Sinh cứu ra để làm vợ lẽ. Thúc Sinh là một khách làng chơi hào phóng nhưng vợ của hắn là Hoạn Thư có tính ghen điên cuồng. Hoạn Thư đã bày mưu tính kế để bắt Kiều về đày đọa. Sau khi trốn thoát, Kiều đã đến nương nhờ nơi cửa Phật và được sư Giác Duyên giúp đỡ. Nhưng sư Giác Duyên vì tin lời Bạc Bà, Bạc Hạnh nên đã giao nhầm Kiều vào tay kẻ xấu. Thêm một lần nữa Kiều bị rơi vào chốn lầu xanh. Tại đây, Kiều gặp được Từ Hải, một vị anh hùng đầu đội trời chân đạp đất. Không chỉ chuộc Kiều về làm vợ, Từ Hải còn giúp Kiều báo ân, báo oán. Nhưng nàng Kiều thật thà lại một lần nữa bị kẻ xấu lừa. Tin lời Hồ Tôn Hiến, Kiều đã đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Sau đó, Kiều bị bắt phải hầu rượu, đánh đàn trong tiệc mừng công của quân triều và sau cùng bị ép gả cho một viên quan thổ. Vì quá đau xót và tủi nhục cho chính mình, khi đi qua sông Tiền Đường nàng đã nhảy xuống tự vẫn nhưng may mắn được sư Giác Duyên cứu giúp. Kiều lại tiếp tục sống nương nhờ cửa Phật. Phần ba có tên gọi là Đoàn tụ. Sau khi hộ tang chú, Kim Trọng đã trở lại để tìm người yêu. Lúc này biết được sự việc Kim Trọng vô cùng đau đớn. Chàng kết duyên với Thúy Vân theo như lời dặn của Kiều nhưng trong lòng vẫn không nguôi nhớ về nàng. Kim Trọng đã đi tìm Kiều ở khắp nơi và may mắn đã cho hai người gặp lại nhau. Ngày đoàn viên của gia đình, Kiều đã quyết định “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy” để tỏ lòng kính trọng người yêu cũng như bảo vệ danh tiết của mình. Về nội dung, Truyện Kiều mang đến giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo vô cùng to lớn. Đó là một bức tranh khắc họa chân thực xã hội trước đây đầy rẫy những sự bất công và tàn bạo. Ở đó, con người bị vùi thập, bị tha hóa chỉ vì đồng tiền. Ở xã hội đó xuất hiện quá nhiều những con buôn giáo dở, nhà chứa nhơ nhớp và cả những tên quan tham ô lại. Người phụ nữ sống trong xã hội ấy bị đối xử một cách tàn nhẫn, bất công, bị chà đạp lên nhân phẩm khiến cho họ sống không bằng chết. Thế nhưng họ vẫn giữ được nhân phẩm, vẫn thể hiện được tài năng và khát vọng tự do, khát vọng tình yêu. Về nghệ thuật, Truyện Kiều đã cho thấy được tinh hoa trong ngôn ngữ cũng như thể loại văn học của dân tộc. Tác phẩm đã sử dụng thể thơ lục bát một cách quá xuất sắc. Khi đọc tác phẩm, ta thấy một sự gần gũi, thân thuộc nhưng vẫn rất bác học. Có thể nói, nghệ thuật tự sự của tác phẩm đã có bước phát triển vượt bậc. Cho đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và có hàng ngàn công trình nghiên cứu về tác phẩm này. Truyện Kiều không chỉ đưa văn học Việt Nam vươn xa ra thế giới mà còn giúp đất nước và con người Việt Nam ra xa hơn phạm vị quốc gia. Truyện Kiều hoàn hảo cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Những nhân vật trong tác phẩm như là con người thật ngoài đời. Đó là những điều làm nên giá trị tuyệt vời cho tác phẩm này. Bài siêu ngắn Mẫu 2 Truyện Kiều là một trong những kiệt tác hàng đầu của văn học dân tộc ở mọi thời đại, kết tinh nhiều giá trị vĩnh cửu. Truyện được sáng tác bởi Nguyễn Du – đại thi hào của dân tộc. Nguyễn Du dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đời Thanh ở Trung Quốc để sáng tạo ra Truyện Kiều. Truyện gồm 3254 câu thơ lục bát, là kiệt tác số một của nền thơ ca cổ điển Việt Nam. Cốt truyện xoay quanh câu chuyện về một gia đình sống ở đời Minh bên Trung Quốc. Vào thời kì đó, có gia đình Vương Viên ngoại sinh thành được ba người con: Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan. Hai chị em Kiều nhan sắc tuyệt trần, riêng Kiều còn có tài thi họa, ca, ngâm. Nhân ngày hội Đạp Thanh, ba chị em Kiều đi chơi xuân, gặp một văn nhân tên là Kim Trọng. Kim – Kiều tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Kim Trọng tìm cách gặp gỡ Kiều, nhờ cành kim thoa mà hai người ước hẹn, thề nguyền dưới trăng: “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Khi Kim Trọng về Liễu Dương hộ tang chú, gia đình Kiều gặp tai biến, Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy tiền chuộc cha. Nàng trao duyên cho Thúy Vân rồi theo họ Mã về Lâm Truy. Kiều mắc lừa Sở Khanh, bị Tú Bà làm nhục Kiều vào lầu xanh lần thứ nhất. Kiều được Thúc Sinh chuộc ra lấy làm vợ lẽ. Hoạn Thư đánh ghen. Kiều bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư, lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh. Kiều vào lầu xanh lần thứ hai tại Châu Thai. Kiều được Từ Hải chuộc, lấy Từ Hải và trở thành mệnh phụ phu nhân. Kiều báo ân báo oán. Kiều và Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến. Từ Hải bị giết chết, Kiều bị ép lấy viên thổ quan, nàng nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn nhưng được cứu thoát rồi đi tu. Kim Trọng trở lại vườn Thúy, kết duyên với Thúy Vân. Kim Trọng và Vương Quan thi đỗ được bổ làm quan. Cả gia đình qua sông Tiền Đường may mắn gặp vãi Giác Duyên, tìm đến ngôi chùa Kiều đi tu. Kiều gặp lại cha mẹ, hai em và chàng Kim sau 15 năm trời lưu biệt. Truyện có giá trị nội dung hết sức sâu sắc. Đó là giá trị tố cáo hiện thực, lêu án xã hội phong kiến thối nát, những thế lực hắc ám tàn bạo, dã man đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc con người như bọn quan lại tham ô thối nát, bọn buôn thịt bán người, bọn ma cô lưu manh tàn ác; lên án mặt trái của đồng tiền hôi tanh. Giá trị nhân đạo của truyện thể hiện ở việc xót thương cho nỗi đau khổ của con người tài sắc bị dập vùi, nói lên ước mơ về hạnh phúc, tự do và công bằng, đề cao quyền sống của con người… Nguyễn Du còn thể hiện nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, tạo ra những mẫu người với những tính cách tiêu biểu cho cái đẹp, cái xấu, cái thiệu, cái ác… trong xã hội phong kiến suy tàn, thôi nát. Bên cạnh đó là nghệ thuật tự sự hấp dẫn, cảm động, tạo ra những tình huống, những bi kịch. Lúc miêu tả, lúc tả cảnh ngụ tình, lúc đôi thoại, câu chuyện về nàng Kiều diễn biến qua trên ba nghìn câu thơ liền mạch. Trong ngôn ngữ thi ca, Nguyễn Du đã kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ bá( học, sử dụng điển tích, thi liệu văn học cổ Trung Hoa với ca dao, tục ngữ. thành ngữ… nâng lên thành một ngôn ngữ văn chương trong sáng, trau chuốt, mượt mà, mẫu mực. Cho đến nay chưa có nhà thơ Việt Nam nào viết thơ lục bát trên ba nghìn câu hay bằng Nguyễn Du Truyện Kiều xứng đáng là “tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày” (Tố Hữu). Truyện Kiều đã được nhiều độc giả trong và ngoài nước biết đến, nó được liệt vào hàng những tác phẩm còn sống mãi với thời gian và tên tuổi của Nguyễn Du vì thế mà cũng không còn giới hạn ở trong nước nữa. Bài siêu ngắn Mẫu 3 Nguyễn Du là một thiên tài văn học, danh nhân văn hóa, nhà nhân đạo chủ nghĩa có đóng góp to lớn đối với sự phát triển của văn học Việt Nam. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh). Đầu tiên, về tác giả Nguyễn Du, ông sinh năm 1765, mất năm 1820. Tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long. Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cha của ông là Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ và từng làm đến chức Tể tướng. Anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản cùng từng làm quan to dưới triều Lê - Trịnh. Cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XX. Đây là một giai đoạn lịch sử đầy biến động, và trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Du sống phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc (1786 - 1796) rồi về ở ẩn tại quê nội là Hà Tĩnh (1796 - 1802). SAu khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), Nguyễn Du ra làm quan bất đắc dĩ. Năm 1813 - 1814, ôn được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Năm 1820, ông bị bệnh, mất tại Huế. Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm nhiều tác phẩm có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm. Một số tác phẩm như: Tác phẩm bằng chữ Hán (3 tập thơ, gồm 243 bài): Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục; Tác phẩm chữ Nôm: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)... Về tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỉ 19 (khoảng 1805 - 1809). Ông sáng tác “Truyện Kiều” dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc. Tuy nhiên, phần sáng tạo của Nguyễn Du là vô cùng lớn, mang đến sự thành công và sức hấp dẫn cho tác phẩm. Truyện thuộc thể loại truyện thơ Nôm, bao gồm 3254 câu thơ lục bát. Bố cục của truyện gồm ba phần: Gặp gỡ và đính ước, gia biến và lưu lạc, đoàn tụ. Truyện kể về cuộc đời của Thúy Kiều - một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Trong một lần du xuân, Kiều vô tình gặp gỡ Kim Trọng và có một mối tình đẹp đẽ bên chàng Kim. Hai người chủ động gặp gỡ và đính ước với nhau. Gia đình Kiều bị nghi oan, cha bị bắt, Kiều quyết định bán mình để chuộc cha. Trước khi bán mình, Kiều trao duyên cho em gái là Thúy Vân. Thúy Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa bán vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Những rồi Kiều lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh ghen tuông, đày đọa. Nàng một lần nữa bị rơi vào chốn thanh lâu. Ở đây, Kiều gặp được Từ Hải - một “anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất”. Từ Hải lấy Kiều và giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc lừa tổng đốc Hồ Tôn Hiến, Kiều vô tình đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Đau đớn, nàng trẫm mình xuống sông thì được sư Giác Duyên cứu. Lại nói Kim Trọng khi từ Liêu Dương chịu tang chú xong quay về, biết Thúy Kiều gặp phải biến cố thì đau lòng. Chàng kết hôn cùng Thúy Vân nhưng vẫn ngày nhớ đêm mong gặp lại Kiều. Chàng liền quyết tâm đi tìm nàng, gia đình đoàn tụ. Túy Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai đã nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”. Thông qua tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã khắc họa bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo cũng như là tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người. Đồng thời truyện Kiều là tiếng nói khẳng định đề cao tài năng, nhân phẩm và khát vọng chân chính của con người. Bên cạnh đó, tác phẩm còn thể hiện được tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du: đỉnh cao của ngôn ngữ dân tộc và thể thơ lục bát; nghệ thuật tự sự có bước phát triển vượt bậc và nghệ thuật dẫn chuyện đến miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí con người. Quả không sai khi khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Tác phẩm đã thể hiện được tài năng bậc thầy của Nguyễn Du Bài tham khảo Mẫu 1 Kể đến những tác giả, tác phẩm xuất sắc của văn học trung đại Việt Nam, ta nghĩ ngay đến Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều” của ông. Với tấm lòng nhân đạo tha thiết và tài năng văn học kiệt xuất, Nguyễn Du để lại ấn tượng sâu qua tác phẩm này. Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên (1765 - 1820), quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong gia đình quý tộc, nhiều đời làm quan, có truyền thống văn chương. Cha là Nguyễn Nghiễm làm tới tể tướng dưới triều Lê, cũng là người giỏi văn chương. Mẹ là bà Trần Thị Tân người con gái xứ Kinh Bắc. Anh khác mẹ (con bà chính) Nguyễn Khản làm tới Tham Tụng, Thái Bảo trong triều. Nguyễn Du sống ở thời đại đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam, đó là sự kỳ khủng hoảng trầm trọng, giai cấp thống trị thối nát, tham lam, tàn bạo, các tập đoàn phong kiến (Lê - Trịnh - Nguyễn) chém giết lẫn nhau. Nông dân nổi dậy khởi nghĩa ở khắp nơi, đời sống nhân dân khổ cực, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, tiêu biểu là phong trào Tây Sơn mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Huệ. Những yếu tố này tác động nhiều tới tình cảm, nhận thức của Nguyễn Du. Ông sớm lâm vào cảnh mồ côi (9 tuổi cha mất, 12 tuổi mẹ mất), phải sống phiêu bạt nhiều năm, nhiều nơi, lúc ở Thăng Long, lúc lại vào quê nội Hà Tĩnh, có giai đoạn về quê vợ ở Thái Bình. Những biến động lịch sử và cuộc đời đó đã tác động nhiều đến tâm hồn và tư tưởng của Nguyễn Du. Bởi thế ông cũng có nhiều tâm trạng: trung thành với nhà Lê, chống quân Tây sơn, sau này làm quan triều Nguyễn nhưng lại rụt rè, u uất. Có thể nói cuộc đời ông chìm nổi, gian truân, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều hạng người, đời từng trải, vốn sống phong phú, có nhận thức sâu rộng, được coi là một trong năm người giỏi nhất nước Nam lúc bấy giờ. Ông còn là người có trái tim giàu lòng yêu thương, cảm thông sâu sắc với những người nghèo khổ, với những đau khổ của nhân dân Nguyễn Du nổi tiếng trước hết bởi cái tâm của một người luôn nghĩ đến nhân dân, luôn bênh vực cho những cuộc đời. nhưng số phận éo le, oan trái, đặc biệt là thân phận người phụ nữ. Nguyễn Du cũng là người có năng khiếu văn học bẩm sinh, bậc thầy trong việc sử dụng tiếng Việt, ngôi sao chói lọi trong nền văn học trung đại Việt Nam. Về sự nghiệp, văn học Nguyễn Du có nhiều sáng tạo lớn cả về chữ Hán và chữ Nôm. Các sáng tác chữ Hán có Thanh Hiên thi tập (78 bài), Bắc hành tạp lục (125 bài), Nam trung tạp ngâm (40 bài)... sáng tác chữ Nôm có Vân chiêu hồn, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, tiêu biểu là tác phẩm Truyện Kiều hay còn gọi là Đoạn trường tân thanh. Truyện Kiều ra đời đầu thế kỉ XIX (khoảng từ 1805 - 1809), lúc đầu có tên là “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu mới đứt ruột), sau này đổi thành “Truyện Kiều”. Tác phẩm viết dựa trên cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) nhưng đã có sự sáng tạo tài tình và thay đổi, bổ sung nhiều yếu tố trong cốt truyện cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Là truyện thơ Nôm được viết bằng thơ lục bát, dài 3254 câu, chia làm 3 phần (Gặp gỡ và đính ước; Gia biến và lưu lạc; Đoàn tụ). Đề tài của truyện là viết về cuộc đời Kiều nhưng thông qua đó tố cáo xã hội phong kiến lúc bấy giờ đã chà đạp, xô đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng; đồng thời ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của Thuý Kiều và của người phụ nữ nói chung. Tác phẩm còn thể hiện rất rõ hiện thực cuộc sống đương thời với “con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới muôn đời” của nhà thơ. “Truyện Kiều” kể về cuộc đời truân chuyên của người con gái tài sắc Thuý Kiều. Thuý Kiều là một cô gái sinh trưởng trong gia đình họ Vương có ba chị em: Thuý Kiều, Thuý Vân và Vương Quan. Kiều là người con gái tài năng và nhan sắc thuộc bậc trên người. Nàng còn là người con hiếu nghĩa. Trong hội đạp thanh, Kiều gặp Kim Trọng, họ đã yêu nhau sau đó đính ước. Khi Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú, gia đình Kiều gặp tai biến, Kiều phải bán mình chuộc cha. Mã Giám sinh mua Kiều về Lâm Tri. Tú Bà lập mưu biến nàng thành gái lầu xanh. Thúc Sinh chuộc Kiều và cưới nàng làm vợ lẽ. Nàng lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh sai lính đến bắt về làm hoa nô và bày trò đánh ghen. Nàng trốn khỏi nhà Thúc Sinh. Nhưng lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh phải vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây, Kiều gặp Từ Hải - một anh hùng “đội trời, đạp đất”, chàng chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, giúp Kiều báo ân, báo oán. Kiều lại mắc mưu Hồ Tôn Hiến, khiến Từ Hải bị chết đứng. Kiều bị ép lấy viên thổ quan nể Nhục nhã, đau đớn, nàng nhảy xuống sông Tiền Đường tự tư. được sư Giác Duyên cứu và đi tu. Kim Trọng trở lại sau nửa năm, chàng kết duyên với Thuý Vân theo lời trao duyên của Kiều. Sau này, Kim Trọng và Vương Quan đã bỏ nhiều công sức tìm Thúy Kiều. Rất may họ đã gặp lại Thuý Kiều, Kiều được đoàn tụ với gia đình và Kim Trọng sau mười lăm năm lưu lạc. Giá trị của “Truyện Kiều” được thể hiện trên hai phương diện chủ yếu là nội dung và nghệ thuật. Về giá trị nội dung thể hiện qua giá trị hiện thực và nhân đạo. Giá trị hiện thực của tác phẩm là phản ánh hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị. Sức mạnh của đồng tiền và số phận những con người bị áp bức, nạn nhân của đồng tiền, đặc biệt là người phụ nữ. Gia đình nhà Vương ông đang sống bình yên, chỉ vì một lời không đâu vào đâu của thằng bán tơ “vu oan giá hoạ”, thế là cuộc sống yên lành bị phá vỡ, tai hoạ ở đâu ập xuống nhà Kiều. Sau cái cớ ấy bọn sai nha tiến vào nhà Kiều cướp phá đánh đập, chúng đã được một lũ quan lại dung túng, bảo hộ, giật dây. Kẻ cầm đầu lũ vô lại đấy đã thẳng thắn đòi: “Có ba trăm lạng, việc này mới xong”. Tên quan xử kiện vụ án của Kiều được Nguyễn Du đặc tả: “Trông lên mặt sắt đen sì”. Hồ Tôn Hiến, tên quan lớn nhất trong Truyện Kiều, đại diện cho triều đình phong kiến với tư cách là một Tổng đốc trọng thần nhưng lại “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Sức mạnh của đồng tiền khi nó nằm trong tay kẻ xấu thật kinh khủng, đồng tiền đã thành một thế lực vạn năng chi phối mọi hoạt động, làm băng hoại lương tâm, nhân phẩm của con người. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết về đồng tiền trong Truyện Kiều: “Quan lại vì tiền mà bất chấp công lý, sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương ông, Tú bà, Mã Giám sinh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người, Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm, Khuyển Ưng vì tiền mà lao vào tội ác, cả một xã hội chạy theo đồng tiền”. Cuộc đời đầy nước mắt của người con gái tài sắc Thuý Kiều cũng bắt đầu từ chính sức mạnh và sự bất nhân của đồng tiền. Còn giá trị nhân đạo được thể hiện trước hết là sự trân trọng đề cao con người từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính. Về ngoại hình, ta thấy Thuý Vân là một thiếu nữ đoan trang phúc hậu, Thuý Kiều đẹp thuộc diện “sắc trung chi thánh”- quá ư là hơn người, hơn đời, Kim Trọng mang vẻ đẹp của một văn nhân thư sinh, Từ Hải đẹp kiểu người anh hùng: vai năm tấc rộng thân mười thước cao. về phẩm chất Thuý Vân là một cô gái ngoan. Kim Trọng - một chàng trai chung tình. Thuý Kiều tài năng (Cầm, kỳ, thi, hoạ) - một người con hiếu thảo, giàu đức hy sinh, người yêu chung thuỷ. Tình yêu Kim Kiều - Tinh yêu hồn nhiên trong trắng, nó vượt sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến trong thời điểm chế độ phong kiến suy tàn. Bên cạnh đó Truyện Kiều còn lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người, đề cao tự do và công lý. Thuý Kiều điển hình cho người phụ nữ trong xã hội xưa, mười lăm năm lưu lạc của nàng là một chuỗi bi kịch. Dường như bao nhiêu nỗi cực khổ của người đàn bà thời trước đều ập xuống vai nàng. Từ một cô tiểu thư các, Kiều trở thành hàng hoá để cho người ta mua bán, rồi Kiều bị lừa gạt bị rơi vào lầu xanh tới hai lần, đem thân đi làm lẽ, làm đứa ở, rồi bị đánh đòn, lãng nhục trở thành tội phạm ở công đường, bị sỉ nhục, bị rơi vào cảnh giết chồng, kết thúc là phải tự vẫn. Cuộc đời Thuý Kiều là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo xã hội phong kiến bất nhân, xã hội ấy làm cho người lương thiện phải tìm đến cái chết. Còn khát vọng tự do và công lý được ông gửi gắm qua nhân vật Từ Hải và màn báo ân báo oán. Mặt khác Truyện Kiều còn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những đau khổ của con người đặc biệt là người phụ nữ. Nguyễn Du như khóc cùng tiếng đàn và cuộc đời của Thuý Kiều, ông cũng bày tỏ thái độ trân trọng Kiều cho dù có lúc nàng đã là hạng người dưới đáy của xã hội. Mặt khác, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có thể khắc sâu trong lòng nhân dân như vậy còn ở giá trị nghệ thuật. Trong tác phẩm của mình ông đã bộc lộ sự tài hoa, sắc sảo trong nghệ thuật tự sự, miêu tả nhân vật, tả cảnh, sử dụng ngôn từ... hay nói đúng hơn là giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Vê ngôn ngữ: Truyện Kiều là một kiệt tác nghệ thuật, với bút pháp của một nghệ sĩ thiên tài, tiếng Việt trong Truyện Kiều đã đạt đến độ giàu và đẹp. Về nghệ thuật tự sự, thành công của Truyện Kiều trên tất cả các phương diện: ngôn ngữ kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả - tả cảnh ngụ tình. Nhận xét về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tác giả Mộng Liên Đường trong lời tựa Truyện Kiều đã viết: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thìa, ngậm ngùi, đau đớn đến đứt ruột. Tố Như sử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh cũng hệt, đàm tình đã thiết, nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy” chính là đã khái quát rất tuyệt vời về giá trị của Truyện Kiều trên mọi phương diện. Từ quê hương, xã hội, gia đình, cuộc đời, năng khiếu bẩm sinh, đã tạo cho Nguyễn Du có trái tim yêu thương vĩ đại, một thiên tài văn chương với sự nghiệp văn học có giá trị lớn. Ông là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, là danh nhân văn hoá thế giới, đóng góp to lớn đối với sự phát triển của văn học Việt Nam. Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ sống mãi với dân tộc và trở thành linh hồn của dân tộc. Bài tham khảo Mẫu 2 “Trải qua một cuộc bể dâu Có biết bao nhà thơ, nhà văn khi đọc những trang thơ của Nguyễn Du không khỏi xúc động và cảm phục trước một tài năng xuất chúng của văn học Việt Nam, trước một kiệt tác văn hoá của dân tộc. Còn tác phẩm của ông - “Truyện Kiều” là kiệt tác thơ văn, là cuốn sách "gối đầu giường" bao thế hệ người Việt, cuộc đời và số phận chìm nổi của nàng Kiều đến nay vẫn gợi ra bao xót xa, đau đớn khôn nguôi trong lòng người đọc. Nguyễn Du, tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh ra tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một thiên tài văn học và là một nhân đạo lớn của dân tộc, được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới. Thời đại Nguyễn Du sinh sống đầy biến động, xã hội phong kiến Việt Nam đang chịu nhiều khó khăn và phong trào nông dân khởi nghĩa liên tục xảy ra. Triều đại Tây Sơn đã thay đổi sơn, nhưng lại không kéo dài. Sau đó, triều đại Nguyễn lên nắm quyền. Những sự thay đổi lớn đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới suy nghĩ và cảm xúc của Nguyễn Du, thúc đẩy ông viết về những điều hiện thực, những điều đau đớn mà ông đã trải qua trong cuộc đời. Gia đình Nguyễn Du là một gia đình quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống văn chương. Cha ông là Nguyễn Nghiễm, từng làm đến chức tể tướng. Mẹ là một phụ nữ hiền hậu, am hiểu nhiều ca dao, dân ca. Anh trai của Nguyễn Du là Nguyễn Khản, cũng từng làm đến chức thượng thư. Tuy nhiên, gia thế của Nguyễn Du cũng phải trải qua những biến động và suy tàn khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Cuộc đời Nguyễn Du sớm được đánh dấu bằng những đau khổ, mất mát. Ông mồ côi cha từ năm 9 tuổi, rồi mồ côi mẹ năm 12 tuổi. Trải qua bao gian khổ, ông đã bộc lộ năng khiếu văn chương thiên bẩm, khát khao học hỏi và hiểu biết sâu sắc về cuộc đời. đã đạt được thông qua những chuyến du hành rộng rãi và những cuộc gặp gỡ với nhiều người và số phận khác nhau. Kinh nghiệm của anh ấy với tư cách là một quan chức chính phủ, cũng như một kẻ chạy trốn và ẩn dật, đã định hình thêm cuộc đời và tính cách của anh ấy. Trong chuyến đi của mình, Nguyễn Du đã đến thăm Trung Quốc, nơi ông khám phá phong cảnh văn hóa rộng lớn và phong phú của đất nước. Những trải nghiệm này đã có tác động sâu sắc đến các tác phẩm văn học của ông. Nguyễn Du là một con người có trái tim giàu lòng nhân ái và yêu thương. Điều này thể hiện rõ trong kiệt tác “Truyện Kiều” của ông, trong đó ông viết: “Giá trị đích thực của trái tim không được đo bằng của cải hay kỹ năng, mà bằng tình yêu của nó dành cho người khác.” Lời tựa Truyện Kiều cũng ca ngợi tấm lòng nhân ái của Nguyễn Du và ảnh hưởng của nó đến văn chương của ông: “Lời ông chảy như máu chảy đầu bút lông, nước mắt ông thấm trang giấy, khiến người đọc cảm thấy xót xa trong lòng. linh hồn… Chỉ có người có trái tim có thể nhìn thấu sáu cõi và tâm trí trải qua hàng ngàn kiếp mới có thể có được khả năng viết lách như vậy.” Theo nhiều nghiên cứu, Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác trong thế kỷ XIX (1805-1809) và có hai tên gọi: Đoạn Trường Tân Thanh (tiếng kêu mới về nỗi đau thương đứt một: bộc lộ chủ đề tác phẩm – tiếng kêu cứu cho số phận người phụ nữ) và Truyện Kiều (tên nhân vật chính – Thuý Kiều do nhân dân đặt). Mặc dù Nguyễn Du dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) nhưng phần sáng tạo của ông rất lớn, đóng vai trò quyết định đến sự thành công của tác phẩm. Từ câu chuyện tình trong thời Minh ở Trung Quốc, Nguyễn Du đã biến thành một khúc ca đau lòng thương người bạc mệnh, khẳng định tài năng và tấm lòng nhân đạo của mình vượt xa Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Truyện Kiều là một tiểu thuyết chương hồi được chuyển thể từ văn xuôi sang thơ lục bát với 3254 câu. Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả thiên nhiên và đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình đạt đến mức tuyệt vời, khó ai sánh bằng. Ngôn ngữ trong Truyện Kiều cũng đạt đến đỉnh cao chói lọi của ngôn ngữ nghệ thuật. Vương Thúy Kiều, một thiếu nữ xinh đẹp và tài năng xuất chúng, là con gái đầu lòng của một gia đình trung lưu và tử tế. Cô sống một cuộc sống yên bình dưới sự bảo bọc của cha mẹ và hai người em Thuý Vân và Vương Quân. Trong ngày hội mùa xuân Thanh Minh, Kiều gặp Kim Trọng, một chàng trai thông minh và đa tình, hai người đem lòng yêu nhau. Kim Trọng chuyển đến ở gần nhà Kiều, hai người tự do trao duyên cho nhau. Tuy nhiên, khi Kim Trọng về Liêu Dương chịu tang người thân đã khuất, nhà Kiều bị vu oan tội ác. Kiều nhờ chị Vân trả nợ ân Kim Trọng mà bán mình chuộc cha cứu cha. Cô bị những tên buôn người như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt, ép làm gái mại dâm. Sau đó, cô trốn thoát và được cứu bởi Thúc Sinh, một người bảo trợ hào phóng của khu giải trí. Tuy nhiên, Kiều lại trở thành mục tiêu ghen tuông của người vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư và phải trốn vào chùa nương náu. Cô vô tình bị đưa đến một nhà chứa khác của Bạc Bà, tương tự như Tú Bà. Tại đây, nàng gặp Từ Hải, một chàng trai dũng cảm, chính trực đã giúp nàng đòi lại công bằng cho gia đình và Kim Trọng. Không may thay, Bất lực và tủi nhục, Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường, được sư Giác Duyên cứu lại. Sau nửa năm để tang người thân, Kim Trọng trở lại tìm Kiều. Biết được bi kịch gia đình của Kiều và sự hi sinh cứu cha của Kiều, Kim Trọng vô cùng đau lòng. Dù đã đính hôn với Thúy Vân nhưng chàng vẫn không quên được mối tình đầu với nàng Kiều. Anh bắt đầu cuộc hành trình gian khổ để tìm cô, và với sự giúp đỡ của Sư Giác Duyên, họ đã được đoàn tụ và gia đình hòa giải. Kiều và Kim Trọng nối lại tình xưa nhưng cam kết coi trọng tình bạn hơn tình yêu lãng mạn. Truyện Kiều đã khắc họa bộ mặt tàn ác của giai cấp thống trị và những thế lực đen tối chà đạp lên quyền sống của con người. Quan lại tham ô, dối trá, hại dân. Viên quan xử án Vương Ông (Viên, thẩm phán trong vụ án Vương Ông) hành động vì tiền chứ không phải công lý. Quan tổng giám đốc Hồ Tôn Hiến (Hồ Tôn Hiến, tổng đốc) bất tài, hiểm độc, bướng bỉnh và nhỏ nhen. Các thế lực đen tối tàn phá và gây ra vô số tội ác. Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… là những kẻ vì đồng tiền mà chà đạp lên lương tâm, coi thường những giá trị đạo đức và thân phận của những người công chính. Truyện Kiều phơi bày nỗi đau khổ tột cùng của những cá nhân bị áp bức, đặc biệt là người phụ nữ. Vương Ông bị vu oan, cùng cha bị đánh đập dã man, gia đình tan nát. Đạm Tiên và Thuý Kiều là những thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng một người chết trẻ, một người đau khổ 15 năm. Truyện Kiều là tiếng kêu thê lương cho nỗi khổ của những người dân chính nghĩa bị áp bức, dày vò. Nguyễn Du thể hiện sự cảm thông sâu sắc trước những nỗi khổ đau của con người, đặc biệt là đối với Thuý Kiều, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng nhiều lần bị tủi nhục, dày vò. Truyện Kiều ca ngợi những giá trị, đức tính cao đẹp của con người như sắc đẹp, tài năng, lòng dũng cảm, lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, lòng trắc ẩn. Nhà thơ đề cao vẻ đẹp, ước mơ, khát vọng của con người như tình yêu, hạnh phúc, công lý, tự do. Bên cạnh đó, tác phẩm còn tố cáo những thế lực tàn ác chà đạp lên quyền sống của những người công chính, khiến họ phải đau khổ, gục ngã. Bài tham khảo Mẫu 3 Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, là người gắn bó am hiểu văn hóa dân tộc, văn chương Trung Quốc, cuộc đời từng trải. Nguyễn Du có một vốn sống phong phú, niềm thương cảm sâu sắc với nhân dân lao động. “Truyện Kiều” là một tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Du và của văn học trung đại Việt Nam. Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng và văn chương. Cuộc đời của ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIX. Nguyễn Du từng sống phiêu bạt mười năm trên đất Bắc sau đó về ở ẩn tại quê nội Hà Tĩnh rồi ra làm quan bất đắc dĩ với triều Nguyễn. Chính những biến động lịch sử đó đã tác động đến tâm hồn và tư tưởng của Nguyễn Du. Nguyễn Du đã để lại sự nghiệp văn học đồ sộ với những tác phẩm có giá trị lớn, tiêu biểu là “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyện thơ nôm theo thể thơ lục bát gồm 3254 câu. “Truyện Kiều” dựa vào cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), bằng tài năng của mình, Nguyễn Du đã sáng tạo nên “Truyện Kiều” của người Việt. “Truyện Kiều” lấy bối cảnh năm Gia Tĩnh triều Minh (Trung Quốc) để phản ánh xã hội phong kiến Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIX. Truyện kể về mười lăm năm lưu lạc đầy đau khổ, tủi nhục của người con gái tài hoa tuyệt sắc Thúy Kiều do bị các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến bất công đầy đọa. Nguyễn Du đã lược bỏ các chi tiết về mưu mẹo, về sự báo oán tàn nhẫn và một số chi tiết dung tục trong tác phẩm của Thanh Tâm tài nhân, thay đổi thứ tự kể và sáng tạo thêm một số chi tiết mới để tạo ra một thế giới nhân vật sống động như thật, biến các sự kiện chính của tác phẩm thành đối tượng để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của nhân vật và người kể, chuyển trọng tâm của truyện từ việc kể sự kiện sang biểu hiện nội tâm nhân vật làm cho các nhân vật sống hơn, sâu sắc hơn và tác phẩm trở thành một bách khoa toàn thư của muôn vàn tâm trạng. Giá trị của truyện Kiều được thể hiện trên hai phương diện chủ yếu là giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật. Giá trị nội dung được thể hiện qua giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Giá trị hiện thực của tác phẩm là bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến bất công của những thế lực đen tối, sức mạnh ma quái của đồng tiền đã chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của con người đặc biệt là người phụ nữ. “Truyện Kiều” tố cáo các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến, từ bọn sai nha, quan xử kiện cho đến “họ Hoạn danh gia”, “quan Tổng đốc trọng thần” rồi là bọn ma cô, chủ chứa,… đều ích kỷ, tham lam, tàn nhẫn, coi nhẹ sinh mạng và phẩm giá con người. “Truyện Kiều” còn cho thấy sức mạnh ma quái của đồng tiền đã làm cho tha hóa con người. Đồng tiền làm đảo điên “Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”, đồng tiền giẫm lên lương tâm con người và xóa mờ công lý “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Giá trị nhân đạo của “Truyện Kiều” thể hiện ở chỗ tác phẩm là tiếng nói thương cảm cho số phận bi kịch của người phụ nữ đồng thời trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp, tài năng, ước mơ, khát vọng chân chính của con người. “Truyện Kiều” là tiếng nói thương cảm, là tiếng khóc đau đớn trước số phận bi kịch của con người. Thúy Kiều là nhân vật mà Nguyễn Duy yêu quý nhất. Khóc Thúy Kiều, Nguyễn Du khóc cho những nỗi đau đớn của con người: tình yêu tan vỡ, cốt nhục lìa tan, nhân phẩm bị chà đạp, thân xác bị đọa đày. Tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng là tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy đã phá vỡ những quy tắc thánh hiền về sự cách biệt nam nữ. Qua hình tượng Từ Hải, Nguyễn Du gửi gắm ước mơ anh hùng “đội trời đạp đất”, làm chủ cuộc đời, trả ân báo oán, thực hiện công lí, khinh bỉ những “phường giá áo túi cơm”. “Truyện Kiều” còn là một tác phẩm mang giá trị nghệ thuật đặc sắc. “Truyện Kiều” là “tập đại thành” của nền văn học trung đại, kết tinh những thành tựu nghệ thuật, văn hóa dân tộc cả về ngôn ngữ và thể loại. Ngôn ngữ dân tộc đạt tới đỉnh cao rực rỡ. Ngôn ngữ “Truyện Kiều” rất trong sáng. Trong tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân, cả hai đều được sử dụng có chọn lọc, hợp lý, đúng chỗ đúng lúc. Ngôn ngữ dành cho nhân vật được cá thể hóa cao độ, lời nhân vật nào phù hợp với nhân vật ấy làm rõ tính cách nhân vật. Ngôn ngữ dân tộc được nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật, đủ sức diễn tả những biến thái tinh vi của cảnh sắc thiên nhiên và những biểu hiện tinh tế trong tâm hồn con người. Thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc được sử dụng hết sức điêu luyện và vận dụng ý nghĩa một cách tối đa, đủ sức diễn tả nhiều sắc thái cuộc sống và những biểu hiện tinh tế trong đời sống tâm hồn con người. Nguyễn Du đã thành công trong việc xây dựng được một tiểu tiểu thuyết bằng thơ lục bát. Cả một thiên tiểu thuyết không một câu nào gượng ép. Nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc. Nghệ thuật miêu tả nhân vật đến mức độ điêu luyện. Với nhân vật chính diện, tác giả dùng bút pháp ước lệ tượng trưng là chủ yếu, lấy vẻ đẹp thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp con người. Còn với nhân vật phản diện, tác giả chủ yếu tả thực, đi sâu và khắc họa vẻ xảo trá, ranh mãnh của chúng. Có thể nói với mỗi nhân vật dù là phản diện hay chính diện, Nguyễn Du thường tìm được nét thần thái của nhân vật để miêu tả dù chỉ đôi dòng hay vài chữ mà lột tả được cả bản chất của nhân vật. Nghệ thuật kể chuyện trong “Truyện Kiều” cũng là một thành công đáng kể. Tác phẩm là mẫu mực của nghệ thuật kể chuyện và trữ tình bằng thơ lục bát với bút pháp trần thuật và miêu tả nhân vật độc đáo. Bút pháp miêu tả tinh tế nhất là bút pháp tả cảnh ngụ tình, mượn cảnh để đi sâu khai thác nội tâm nhân vật. “Truyện Kiều” là một kiệt tác của dân tộc Việt Nam, là di sản văn học của nhân loại tiêu biểu cho cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa, vừa là niềm thương cảm sâu sắc, là tấm lòng nghĩ tới muôn đời vừa là thái độ nâng niu, trân trọng những giá trị nhân văn cao đẹp của con người. “Truyện Kiều” đã được lưu truyền phổ biến rộng rãi ở trong và ngoài nước có một sức lôi cuốn với mọi tầng lớp người đọc. Tác phẩm đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của mỗi người dân Việt Nam. Chẳng thế mà khi nhận xét về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”, Mộng Liên Đường đã nói: “Ông là người có con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ tới nghìn đời. Ông viết “Truyện Kiều” như có máu rỏ đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua giấy,…” “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sẽ sống mãi với dân tộc và trở thành linh hồn dân tộc Việt Nam
|