Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong 10 dòng thơ cuối đoạn trích Trao duyênI. Mở bài - Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều: Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc danh nhân văn hóa thế giới, Truyện Kiều được xem là kiệt tác của nền văn học được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý chi tiết I. Mở bài - Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều: Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc danh nhân văn hóa thế giới, Truyện Kiều được xem là kiệt tác của nền văn học được dịch ra nhiều thứ tiếng. -Giới thiệu đoạn trích Trao duyên: Vị trí, nội dung - 10 câu thơ cuối đoạn trích: Tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hướng về tình yêu của mình và Kim Trọng. - Trích dẫn thơ: II. Thân bài *Mười câu thơ cuối: Kiều trở về thực tại đau xót khi nhớ tới Kim Trọng - Hình thức: Lời thơ chuyển từ đối thoại sang độc thoại - Tâm trạng: Nàng ý thức rõ về cái hiện hữu của mình: “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi lỡ làng” → Hình ảnh gợi tả số phận đầy đau khổ, dở dang, bạc bẽo, lênh đênh trôi nổi - Nghệ thuật đối lập: quá khứ >< hiện tại → Khắc sâu nỗi đau của Kiều trong hiện tại. - Các hành động + Nhận mình là "người phụ bạc" + Lạy: cái lạy tạ lỗi, vĩnh biệt khác với cái lạy nhờ cậy lúc đầu + Hai lần gọi tên Kim Trọng: tức tưởi, nghẹn ngào, đau đớn đến mê sảng. → Kiều quên đi nỗi đau của mình mà nghĩ nhiều đến người khác, đó chính là đức hy sinh cao quý * Tóm lại: 10 câu cuối đoạn + Nội dung: Tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hường về tình yêu của mình và Kim Trọng. + Nghệ thuật: Sử dụng từ ngữ biểu cảm, thành ngữ, câu cảm thán, các điệp từ. III. Kết bài -Khái quát nội dung và nghệ thuật của đoạn trích -Trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân: Đây là trích đoạn hay và cảm động nhất của Truyện Kiều, đem lại nhiều xúc cảm nơi người đọc. Bài tham khảo Mẫu 1 Qua mười câu thơ cuối trích đoạn "Trao duyên", ta càng thấu hiểu, thương cảm cho cho số phận truân chuyên, bạc mệnh của Thuý Kiều. Mười câu cuối bài thơ là đoạn thơ đầy ấn tượng khi tái hiện đầy xót xa tâm trạng đau đớn, tuyệt vọng của Thúy Kiều. Sau khi cậy nhờ em thay mình chắp mối "duyên thừa" cùng Kim Trọng, Thúy Kiều đã đau đớn mà bộc lộ lòng mình. Đó là nỗi tuyệt vọng, khổ đau lên đến tột cùng khi phải buông tay với mối tình đẹp đẽ với chàng Kim. "Bây giờ trâm gãy gương tan Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân" Trạng ngữ xác định thời gian "bây giờ" chỉ thực tại đau đớn mà Kiều đang đối mặt, chịu đựng, đó là nỗi đau khắc sâu vào tâm khảm khi chứng kiến tình duyên tan vỡ, chữ tình chưa hề phai nhạt nhưng vì biến cố mà rơi vào cảnh chia lìa không gì có thể hàn gắn “trâm gãy gương tan”. Tác giả sử dụng khéo léo thành ngữ "trâm gãy gương tan" để ẩn dụ cho mối tình đẹp đẽ nhưng mong manh của Kim- Kiều. Tình yêu Kiều dành cho Kim càng chân thực, mãnh liệt, lớn lao bao nhiêu thì nỗi đau mà nàng đang gánh chịu lại xót xa bấy nhiêu. Trâm đã gãy, bình đã tan, tình yêu nào có thể chắp vá được nữa, hy vọng gắn kết mối tình xưa cũng không còn. Kiều đau đớn nghĩ về giây phút hạnh phúc "muôn vàn ái ân" của hai người trước đây. Đó là những kỉ niệm thắm thiết, những kí ức nồng đượm mà cả Kim và Kiều có được. Đêm trăng thề nguyện hẹn ước, uống chén rượu hồng hẹn ước trăm năm, thưởng ánh trăng vàng, ngâm thơ, đàn hát,... Tất cả những hạnh phúc lớn lao trước đây đều trở thành dĩ vãng, tan biến trong hư vô khi tình chưa cạn mà buộc phải chia xa. Tiếc thương cho tình yêu không trọn, nghĩ về Kim Trọng , Kiều trách móc bản thân mình phụ bạc chàng, lời dằn vặt nghẹn lòng cất lên: "Trăm nghìn gửi lạy tình quân Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi" Xuyên suốt cuộc đời Kiều qua từng trang thơ của Nguyễn Du ta đều biết Kiều là một người sống tình nghĩa, nàng chưa từng phụ bạc một ai. Hơn nữa, Kiều cũng luôn dành hết những điều tốt đẹp cho người mà mình yêu thương, tin tưởng. Nàng đánh đổi hạnh phúc đời mình để tròn chữ hiếu “phận làm con trước phải đền ơn sinh thành”, không còn cách nào khác nàng đành phụ tấm chân tình cùng mối lương duyên tốt đẹp với Kim Trọng. Trong thâm tâm nàng luôn day dứt và tự trách móc vì cho rằng mình đã bội ước với Kim Trọng. Hành động "trăm nghìn gửi lạy" cùng lời tha thiết, cảm thán "Tơ duyên ngắn ngủi, có ngần ấy thôi" là lời tạ lỗi đầy day dứt, xót xa dành cho chàng Kim. Phải là một người yêu thương, trân trọng tình yêu thiêng liêng với Kim Trọng nhiều đến thế nào Kiều mới tự trách móc, dằn vặt chính mình đến như thế? Sau những tỏ bày gửi chàng Kim là lời Kiều than trách cho phận mình bạc bẽo, sự tự ý thức về thân phận mình đã cho thấy Kiều là một người thấu hiểu lẽ đời, đó cũng là một dự cảm của nàng về tương lai không mấy êm ả trong cuộc đời mình: "Phận sao phận bạc như vôi. Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng" Lời kêu than đầy uất ức về nỗi đau thân phận như một biểu hiện đầy tự nhiên khi nỗi xót xa lên đến đỉnh điểm trong Kiều. Các thành ngữ "bạc như vôi", "nước chảy hoa trôi" như một lời thở than, trách móc uất nghẹn của Kiều trước cuộc đời bất công, trước một xã hội tàn nhẫn đã đẩy nàng vào bế tắc, khổ đau, tuyệt vọng. Chấp nhận "đã dành" cho "nước chảy hoa trôi" cũng là sự cam chịu, là biểu hiện về đức hi sinh của người con gái trước những sóng gió cuộc đời. Và phải chăng, điều đó như báo hiệu một tương lai mờ mịt, một số phận bạc mệnh của nàng. Hai tiếng "Kim Lang" tha thiết chứa chan biết bao yêu thương, trân trọng mà Kiều dành cho Kim Trọng. Điệp ngữ "Kim Lang" kết hợp với thán từ "Ôi", " Hỡi" cùng nhịp thơ 3/3 như tiếng gào thét tâm can của Kiều. Từng tiếng thơ thốt lên nghẹn ngào, đau xót, đượm màu nước mắt, nhuốm vị thương đau. Lời từ biệt cuối của người con gái thủy chung, trọng nghĩa trọng tình ấy mang cả nỗi luyến tiếc, đớn đau đến tận cùng: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây Cạn lời hồn đứt máu say, Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng" Mười câu thơ cuối trích đoạn tuy không dài nhưng ta vẫn cảm nhận được bao phẩm chất tốt đẹp nơi Kiều. Đó là lòng chung thuỷ, nhân ái, là sự ý thức thân phận và một trái tim khát khao hạnh phúc sâu thẳm trong Kiều. Qua tám câu thơ, giá trị nhân đạo mà Nguyễn Du gửi gắm cũng được thể hiện rõ. Đó là lời lên án xã hội phong kiến đầy bất công đã đẩy con người vào những bi kịch đớn đau. Là tiếng nói thương cảm trước những số phận bạc mệnh như Kiều và bày tỏ niềm trân trọng trước những phẩm chất, tình cảm tốt đẹp của con người trong xã hội. Mặt khác, thành công về nghệ thuật cũng là một điểm nhấn đầy ấn tượng trong đoạn thơ. Đó là bút pháp miêu tả nội tâm tính tế, nghệ thuật độc thoại nội tâm, so sánh, ẩn dụ, sử dụng kết hợp các thành ngữ dân gian cùng thề thể thơ lục bát quen thuộc tất cả đã làm nên một đoạn thơ đầy trọn vẹn và ý nghĩa. Trao duyên nói chung và mười câu cuối trích đoạn nói riêng đã góp phần mình vào sự thành công của tuyệt tác Truyện Kiều. Tin rằng, trong tương lai, Trao duyên cùng với Truyện Kiều sẽ vẹn nguyên giá trị lâu bền, được bao thế hệ đọc giả trân trọng và giữ gìn. Bài tham khảo Mẫu 2 Trong nền văn học Việt Nam, đã từng có rất nhiều tác phẩm nói về hình tượng của người phụ nữ. Điển hình có thể kể đến: bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, và còn rất nhiều tác phẩm nổi bật khác nữa. Trong kho tàng văn học đó, tôi đã bắt gặp một tác phẩm cũng nói về người phụ nữ Việt Nam với cuộc đời và số phận vô cùng bi đát. Đó là tác phẩm “Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Du và để hiểu rõ hơn về hình ảnh người con gái mà Nguyễn Du khắc họa ta sẽ cùng nhau phân tích và tìm hiểu diễn biến tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối của đoạn trích “Trao Duyên”. Trước tiên hết ta hãy tìm hiểu về tác giả Nguyễn Du. Ông sinh năm 1765 tại Thăng Long, có tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Thơ của Nguyễn Du thường đề cập đến những vấn đề rất mới, nhưng cũng rất quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, thể hiện tình cảm chân thành cùng sự cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống cũng như số phận éo le của những người phụ nữa hay trẻ em bất hạnh. Phong cách thơ vô cùng phong phú, giàu ngôn từ cùng với lối diễn đạt tinh tế, khéo léo. Về đoạn trích “Trao Duyên” được trích trong “Truyện Kiều” ( Đoạn trường tân thanh). Đoạn trích thuộc phần Gia biến và Lưu lạc, đây cùng là lời nói của Thúy Kiều nói với Thúy Vân khi cô muốn nhờ Thúy Vân trả nghĩa cho Kim trọng giúp mình, còn cô thì sẽ đi bán thân để chuộc cha. Và dưới đây là mười câu thơ cuối trong đoạn trích, bộc lộ nỗi đau đớn, dằn vặt trong nội tâm của nhân vật Thúy Kiều: “Dạ đài cách mặt, khuất lời, Rảy xin chén nước cho người thác oan. Bây giờ trâm gãy bình tan, Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân! Trăm nghìn gửi lạy tình quân Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi. Phân sao phận bạc như vôi? Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng. Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!" Như đã biết ở những câu thơ trước Thúy Kiều nhờ Thúy Vân trả nghĩa giúp mình cho Kim Trọng. Sau đó cô đã phải trao những tín vật tình yêu của mình cho Vân, và thật lòng mong hai người họ hạnh phúc. Dù vậy, sao có thể nói là không đau lòng hay buồn bã, nhưng chỉ đành chấp nhận số phận đã an bài. Kiều chấp nhận ra đi, xa người thân, xa gia đình, xa người mình thương. Thậm chí cô còn đã nghĩ trước đến cái chết của chính mình và căn dặn Thúy Vân nếu linh hồn của cô có quay trở về nhà thì hãy “Rảy xin chén nước cho người thác oan”. Đến đây, nỗi đau của cô như được nhân lên ngàn lần, sự xót xa, đau đớn dày xé tâm hồn người con gái ấy. Vốn dĩ là một cô gái bình thường sống một cuộc sống bình thường, vui vẻ, hạnh phúc bên cạnh gia đình, bên cạnh người yêu, nhưng bây giờ lại lâm vào tình cảnh éo le như vậy. Sau khi đã nhắn nhủ và gửi gấm hết mọi thứ cho Thúy Vân, thì giờ đây là lúc những lời tâm sự sâu thẳm trong lòng Kiều về cuộc tình dở dang của mình cùng với đó là nỗi đau đớn, dằn xé của nội tâm. “Bây giờ trâm gãy bình tan” Kiều ý thức được thực tại rằng chuyện tình của cô không còn thể tiếp tục được nữa và mãi mãi cũng không còn cơ hội để quay lại. “Kể là sao xiết muôn vàn ái ân” có thể thấy những kỉ niệm tươi đẹp của Thúy Kiều bên cạnh người cô yêu là rất nhiều. Những kỉ niệm ấy là một phần kí ức hạnh phúc của cô, có lẽ nhớ về nó cũng là cách duy nhất để cô cảm thấy an ủi hơn một phần nào trong tình cảnh hiện tại. Đồng thời, hai câu thơ cũng nỗi buồn xé lòng của Thúy Kiều, nhiều kỉ niệm đẹp như thế thì có ích gì khi bây giờ mọi thứ đều phải kết thúc. Giờ đây, những kỉ niệm đó chỉ còn cách cất lại trong kí ức của người con gái ấy. Đọc đến đây, người đọc không khỏi tiếc nuối cho cuộc tình của Thúy Kiều và Kim Trọng. Xót thương cho cuộc đời của Kiều, cho những việc Kiều đã làm, đã phải hi sinh. Nhưng bên trong thâm tâm người con gái ấy lại luôn cảm thấy có lỗi với người mình yêu. Vì vậy, cô đã quỳ gối và lạy người mình yêu “Trăm nghìn gửi lạy tình quân” đây có lẽ là điều cuối cùng Kiều có thể làm cho Kim Trọng, bằng cả tấm lòng của mình, cô muốn gửi lời xin lỗi vì đã thất hứa, không thể thực hiện những lời hứa hẹn trước đây của mình. Cô sợ Kim Trọng sẽ đau lòng sẽ oán trách cô, nhưng giờ phút này cô là người đau lòng hơn bất cứ ai, tự trách, tự dằn vặt sao tình duyên của mình lại ngắn ngủi như vậy. Tự biết cuộc đời mình bất hạnh, hạnh phúc mỏng manh nên Kiều chỉ đành rơi xa người mình yêu để Kim Trọng có thể tìm được một hạnh phúc mới. Tiếc thương và đau lòng cho người con gái bạc phận, bản thân đã đi đến đường cùng nhưng vẫn lo nghĩ cho người khác. Ta có thể thấy, bằng những từ ngữ của mình Nguyễn Du đã khắc họa tâm trạng của Thúy Kiều một cách rõ nét và sống động. Bằng cách sử dụng câu hỏi tu từ “Phân sao phận bạc như vôi?” tác giả đồng cảm, xót thương cho số phận người con gái ấy. Cuộc đời của Kiều bạc bẽo, tẻ nhạt như vôi nhưng cũng chẳng biết phải than trách với ai chỉ biết cam chịu mà sống tiếp. Hình ảnh “hoa trôi lỡ làng” còn tượng trưng cho số phận của Thúy Kiều, lững lơ, vô định, không biết tương lai của bản thân sẽ đi về đâu. Đến giây phút này thì Kiều đã hoàn toàn tuyệt vọng với cuộc đời bất hạnh của chính mình. Ta nhận thấy rằng, Thúy Kiều không phải là người duy nhất có số phận éo le như vậy trong thời đao kiếm loạn lạc, cô đại diện cho số kiếp của rất nhiều phụ nữa đáng thương khi ấy, phải cam chịu và chấp nhận thực tại khắc nghiệt một cách yếu ớt và bất lực. Đứng trước tình cảnh hiện tại, Kiều đau đớn đến mức chỉ biết thốt lên trong sự bất lực “Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!”. Câu nói chứa đựng bao nỗi niềm, tâm sự của người con gái đáng thương, Kiều ý thức được số phận của mình giờ đây như chiếc lá lìa cành, không biết sẽ trôi dạt về đâu. Vì thế Kiều chỉ đành từ bỏ tình yêu của mình “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” câu nói cất lên trái tim của Kiều cũng tan nát. Dù trong hoàn cảnh khốn khổ nhưng cô vẫn nghĩ cho người mình yêu, không muốn họ vì minh mà khổ sở, thà bản thân tự rời đi chỉ mong đối phương được hạnh phúc, vui vẻ. Sự hi sinh của Kiều chính là điển hình cho tấm lòng của rất nhiều người phụ nữ thời bấy giờ, chấp nhận số phận của bản thân và tự chịu đựng chứ không muốn những người mình yêu thương phải chịu khổ. Qua những gì ta đã tìm hiểu về đoạn trích trên, ta có thể thấy Nguyễn Du đã sử dụng ngôn từ của mình để thể hiện một cách rõ nét những nỗi đau mà Thúy Kiều đã trải qua và đang phải chịu đựng. Kết hợp với những biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, sử dụng câu hỏi tu từ với lối viết thơ như đang kể chuyện đã giúp người đọc thấm thía và thấu hiểu với số phận của Thúy Kiều. Đồng thời, nhà thơ đã làm nổi bật lên hình ảnh điển hình của những người phụ nữa thời loạn lạc, họ đã phải sống và đối mặt với những bất công, bất hạnh như thế nào, đã phải gánh chịu và hi sinh những gì. Từ đó, đã tạo nên vẻ đẹp cao cả, quật cường của người phụ nữ lúc bấy giờ. Qua tác phẩm, tôi càng đồng cảm hơn với những tổn thương những mất mác mà Thúy Kiều nói riêng hay những người phụ nữ thời xưa nói chung. Càng cảm thấy biết ơn và trân trọng với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Chúng ta cần hỏi học và đóng góp thật nhiều hơn nữa cho đất nước của mình. Bài tham khảo Mẫu 3 Kết thúc đoạn thơ, bi kịch càng được đẩy lên cao. Mâu thuẫn này nối tiếp mâu thuẫn khác, Kiều đã hoàn toàn bất lực trước mong muốn níu kéo, cố gắng trở về với tình yêu. Nhưng tất cả chỉ là quá khứ xa xôi và tương lai mờ mịt. Dù có quay về quá khứ hãy hướng tới tương lai, cuối cùng Kiều vẫn là con người sống với thực tại của mình: "Bây giờ trâm gãy gương tan Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân! Trăm nghìn gửi lạy tình quân, Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi! Phận sao phận bạc như vôi! Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng" Hàng loạt những thành ngữ được liệt kê hàm chứa bao bi kịch người con gái. Đó là sự vỡ tan, dở dang của tình yêu và bọt bèo, trôi nổi của đời Kiều. Bi kịch càng sâu sắc khi trước hiện tại nàng vẫn không thôi khao khát tình yêu hạnh phúc. Những từ ngữ có tính chất vô hạn định như "muôn vàn, trăm nghìn" thể hiện sâu sắc khát vọng về một tình yêu thiết tha, vĩnh viễn. Oan nghiệt thay, khát vọng ấy cũng chính là hiện thực không gì cứu vãn nổi. Bi kịch tình yêu dâng lên tột đỉnh. Nàng gọi Kim Trọng là tình quân, nàng xót xa cho duyên phận của mình tơ duyên ngắn ngủi, nàng tự coi mình là người phụ bạc. Thật đau khổ biết bao: trao duyên rồi, đã nhờ em trả nghĩa cho chàng Kim rồi mà nỗi buồn thương vẫn chất chứa trong lòng nàng Kiều. Phải chăng, một lần nữa Nguyễn Du đã thể hiện đúng quy luật tâm lý của con người: cái gì đong mà lắc thì vơi, nhưng: sầu đong càng lắc càng đầy là như thế! Tình duyên dẫu có cố tình dứt bỏ vẫn còn vương tơ lòng là như vậy. Cuối đoạn thơ, mặc dù Kiều đã giãi bày hết nỗi khổ tâm riêng của mình với em, đã nhờ em trả nghĩa cho Kim Trọng nhưng những đau khổ vì tình duyên tan vỡ trong tâm trí nàng vẫn không nguôi. Vẫn còn mang nặng nợ tình với Kim Trọng, vẫn biết mình phận bạc, Thúy Kiều vẫn phải thốt lên đau đớn: "Ôi Kim lang hỡi Kim lang Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây Cạn lời hồn đứt máu say, Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng" Phải chăng đây là tiếng thơ kêu xé lòng mà sau này nhà thơ Tố Hữu đã nói thay bao người, bao thế hệ! Chỉ một câu thơ và tên Kim Trọng được gọi đến hai lần. Những thán từ "ôi, hỡi" khiến câu thơ vang lên như một lời than, tiếng gọi thảng thốt, nghẹn ngào, mang theo lời trăn trối cuối cùng gửi đến chàng Kim trước lúc đi xa. Kiều đã rất ân cần với chàng Kim thế mà giờ đây nàng tự nhận mình là người phụ bạc, không đổ lỗi cho hoàn cảnh mà tự nhận hết trách nhiệm về mình. Nàng đâu còn nghĩ đến nỗi đau của riêng mình. Tất cả tấm lòng, sự lo lắng lại dành cho hạnh phúc của người mình yêu. Kiều thương chàng Kim hơn chính bản thân mình. Ngòi bút tài tình của Nguyễn Du đã thể hiện xuất sắc những diễn biến phức tạp của nhân vật. Với hệ thống ngôn từ được sử dụng một cách điêu luyện và độc đáo, Nguyễn Du chính là một bậc thầy về ngôn ngữ. Diễn biến tâm lí của Kiều đi qua nhiều cảm xúc khác nhau, từ nghĩ cách cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình, đến việc nghĩ cho người mình yêu thương và đến cuộc sống bấp bênh của nàng sau này khiến người ta không khỏi đau xót. Tác phẩm đã làm rung động biết bao trái tim người đọc từ hàng thế hệ nay. Đoạn trích "Trao duyên" đã phác họa thành công bi kịch tình yêu của Thúy Kiều, nhưng ánh lên rực rỡ một nàng Kiều đẹp đẽ, sống động với nhân cách cao cả. Càng hiểu nàng bao nhiêu, ta càng thương nàng bấy nhiêu, cảm phục nàng bấy nhiêu. Bởi vì người ta có thể hi sinh mọi thứ vì tình yêu, còn nàng thì lại hi sinh tình yêu vì chữ hiếu. Điều đó chẳng đáng cảm phục lắm sao
|