Hãy phân tích diễn biến tâm lí nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ nhặt (Kim Lân)

I. Mở bài – Giới thiệu tác giả, tác phẩm: + Kim Lân (1920 – 2007) là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ 19.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Kim Lân (1920 – 2007) là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ 19.

+ Vợ Nhặt là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, viết về cuộc sống ngột ngạt của nhân dân ta mà tiêu biểu là gia đình bà cụ Tứ trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.

– Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ:

+ Trong ba nhân vật của truyện, bà cụ Tứ (mẹ Tràng) là nhân vật có tâm trạng phức tạp mà nhân hậu vô cùng, thể hiện nổi bật giá trị nhân đạo sâu sắc, cảm động trong tác phẩm Vợ Nhặt.

II. Thân bài

Phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ

* Giới thiệu về nhân vật bà cụ Tứ

– Là một bà mẹ nghèo, già nua (lẩm nhẩm tính toán theo thói quen người già), là dân ngụ cư.

– Ngoại hình: dáng đi lọng khọng, chậm chạp, run rẩy, vừa đi vừa ho húng hắng, lẩm nhẩm tính toán theo thói quen người già.

→ Bà cụ Tứ là hiện thân của người nông dân nghèo và có diễn biến tâm trạng khá phức tạp.

* Luận điểm 1: Sự ngạc nhiên đến sững sờ khi thấy người đàn bà lạ trong nhà.

– Tình huống đặc biệt làm cho bà cụ Tứ ngạc nhiên, ấy là việc con trai mình lấy vợ. Bà cụ ngạc nhiên vì con mình nghèo, xấu xí, dân ngụ cư lại đang thời buổi đói khát, nuôi thân chẳng xong.

– Khi bà cụ đi làm về muộn, thấy người đàn bà ngồi ở đầu giường con mình rất ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn khi được người đàn bà chào bằng u và được Tràng giới thiệu: “Kìa nhà tôi nó chào u”. ”Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”.

* Luận điểm 2: Vừa mừng vừa tủi khi hiểu mọi chuyện.

– Khi đã vỡ lẽ, đã hiểu ra con mình “nhặt” được vợ, bà “cúi đầu nín lặng”. Bà liên tưởng đến bao cơ sự “oái oăm” “ai oán” “xót thương” cho số kiếp của đứa con mình. Bà liên tưởng đến người chồng quá cố, đến đứa con gái đã qua đời, lòng bà trĩu nặng tủi buồn, xót xa.

– Bà cụ Tứ mừng cho con từ nay yên bề gia thất, tủi thân làm mẹ không lo nổi vợ cho con. Giờ đây giữa lúc người chết đói “như ngả rạ” lại có người theo con trai bà về làm vợ. Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn. Biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng khi con đã có vợ. Bà cụ Tứ khóc vì mừng con có vợ, khóc vì thương con dâu không biết làm sao vượt qua nổi khó khăn này.

– “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt”. “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá!…” “ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”. “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Bao nhiêu tình yêu thương chân thành tha thiết của người mẹ thể hiện trong những lời giản dị mộc mạc ấy.

– Bà cụ xót xa thương dâu, thương con, tủi phận mình: “bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”. Bao nhiêu lo lắng ngổn ngang trong lòng.

* Luận điểm 3: Nỗi lo lắng về tương lai của các con.

– Bà cụ Tứ lo lắng thực sự cho con trai, con dâu, lo cho cái gia đình nghèo túng của bà giữa lúc đói kém này liệu có nuôi nổi nhau? Tương lai rồi sẽ ra sao…

– Ngẫm cái phận nghèo bà tự nhủ: “Có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”. Bà chỉ biết khuyên con, khuyên dâu thương yêu nhau, ăn ở hoà thuận với nhau để cùng vượt qua cơn khốn khó.

→ Đó là nỗi lo, nỗi thương của người mẹ từng trải, hiểu đời có tấm lòng sâu thẳm đối với mình. Trong sự lo lắng tủi hờn vẫn nhen nhóm một niềm tin.

* Luận điểm 4: Niềm tin, hi vọng vào tương lai, cuộc sống gia đình.

– Trong cái mừng, cái tủi, cái lo, người đọc vẫn thấy được niềm vui của cụ. Một niềm vui tội nghiệp không sao cất cánh lên được, cứ bị cái buồn, cái lo níu kéo xuống. Nhưng bà cụ Tứ cố vui và gắng làm cho con, cho dâu vui.

+ Vui trong ý nghĩ tốt đẹp về tương lai: “Rồi ra may mà ông giời cho khá…” ai giàu ba họ ai khó ba đời. Có ra thì con cái chúng mày về sau. Bà cụ “nói toàn: chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này”.

+ Vui trong công việc sửa sang vườn tược, nhà cửa. Bà cụ giẫy cỏ cho sạch vườn. “Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xăm thu dọn, quét tước nhà cửa”.

+ Vui trong bữa cơm sáng, bữa cơm đầu tiên có con dâu đó là một bữa “tiệc” với món cháo loãng và món “chè khoán” đắng chát – một bữa ăn ngày đói rất thảm hại nhưng bà cụ cố tạo ra niềm vui để động viên an ủi con trai, con dâu.

– Mặc dù cuộc sống khắc nghiệt, ngặt nghèo đến tàn bạo đã đầy đọa mẹ con bà. Bà vẫn cố tạo không khí hòa thuận ấm cúng trong gia đình và kể chuyện làm ăn, nuôi gà… tươi cười đon đả múc cho con dâu những bát cháo cám.

– Tuy nhiên cái vui ấy, dù là rất nhỏ bé mà vẫn mong manh, vẫn chìm đi trong cái tăm tối hiện tại: Tiếng khóc, mùi đốt đống rơm ở những nhà có người chết đói. Bà cụ nghĩ đến ông lão, đến đứa con út, đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình, đến cái “đói to” trước mắt. Bà cụ phấp phỏng nghĩ về con trai, về con dâu.

– Trong cái thân hình khẳng khiu, tàn tạ, với “cái mặt bủng beo, u tối”, ”bà vẫn nung nấu một ý chí sống mãnh liệt. Bà là hiện thân của những người mẹ nghèo khổ mà từng trải, hiểu biết: hết lòng thương yêu con, yêu thương những cảnh đời tội nghiệp, oái oăm. Bà nung nấu một khát vọng về cuộc sống gia đình hạnh phúc.

* Đặc sắc nghệ thuật

– Xây dựng tình huống truyện độc đáo

– Miêu tả tâm lí nhân vật nhuần nhuyễn

– Ngôn ngữ giản dị, gần gũi

III. Kết bài

– Khái quát tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ

– Nêu cảm nhận của em.

Ví dụ: Qua nhân vật bà cụ Tứ, với những diễn biến tâm trạng phức tạp – dưới ngòi bút nhân đạo của Kim Lân – nội dung nhân đạo sâu sắc, cảm động của “Vợ nhặt” đã động chạm đến nơi sâu thẳm nhất của lòng người, bắt độc giả phải khóc, phải cười, phải sống cùng nhân vật của mình.

Bài tham khảo Mẫu 1

Chủ đề người nông dân luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với các nhà văn Việt Nam. Nổi bật trong đó ta không thể không kể tới Vợ Nhặt của tác giả Kim Lân. Trong những tháng ngày đen tối vì nạn đói khủng khiếp, ta vẫn thấy được nhen nhóm hình ảnh một người mẹ với tình yêu thương con thắp sáng cả tác phẩm, người mẹ ấy không ai khác chính là bà cụ Tứ.

Bà cụ Tứ là một người đàn bà nghèo khổ, góa chồng sống cùng con trai ở xóm ngụ cư. Bà là một người phụ nữ hiền hậu, có tấm lòng yêu thương con tha thiết. Bà biết rõ hoàn cảnh của con trai mình ngờ nghệch, xấu xí thô kệch nên chẳng có vợ. Hai mẹ con sống với nhau, trải qua những gian khổ của cuộc sống thiếu thốn. Trong những năm 1945, bà rất muốn có một người con dâu nhưng bà hiểu hoàn cảnh và hiểu con trai mình nên không dám nghĩ ngợi nhiều.

Khi bà phát hiện con trai mình đã có vợ, bà đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt. Một buổi chiều khi anh cu Tràng dắt vợ về chờ đợi mẹ trong căn nhà rách nát. Khi về tới nhà, thấy một người đàn bà đang ngồi ở đầu giường của cậu con trai mình. Bà ngạc nhiên và càng ngạc nhiên hơn khi nghe tiếng chào mẹ từ người đàn bà ấy. Bà bất ngờ khi anh cu Tràng giới thiệu: kìa nhà tôi nó chào u, nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ

Khi cậu con trai lên tiếng xác nhận, bà vẫn chưa tin được đây là sự thật. Cố nhìn cho kỹ người đàn bà đang ngồi nơi đầu giường với cặp mắt hấp háy. Bà thấy mắt mình như nhòe đi. Hóa ra con bà đã có vợ. Một đứa vừa xấu vừa nghèo như cu Tràng lại có kẻ theo về làm vợ.

Lòng bà chưa hết ngạc nhiên còn đong đầy những câu hỏi thắc mắc pha lẫn tò mò. Khi biết được đầu đuôi câu chuyện bà đi từ ngạc nhiên, bất ngờ chuyển sang vừa vui vừa buồn. Bà chỉ biết cúi đầu, bà xót thương biết bao cho số kiếp của con trai bà. Bà nhớ về người chồng quá cố, nhớ về đứa con gái, nhớ về cuộc đời gian khổ của bà. Bà càng thương, càng tủi, càng xót xa.

Là một người mẹ, bà thương con vô bờ, bà biết con trai mình từ nay đã yên bề gia thất. Nhưng mừng thì ít mà lo lắng thì nhiều. Bà than trách mình làm mẹ nhưng không có trách nhiệm lo cho con một đám cưới đàng hoàng như người ta. Bà cũng nặng trĩu lòng khi nhìn ngoài kia biết bao người chết đói, mạng sống mỏng manh nhà cửa thiếu thốn, giờ con trai lại lấy vợ lúc này.

Bà khóc vì thương con, thương người con dâu mới. Bà chẳng dám nghĩ đến tương lai hai vợ chồng sẽ ra sao, có vượt qua được nạn đói lớn này. Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt.

Nhưng gạt nước mắt sang một bên, bà động viên hai con. Bà là một người có tình yêu thương con tha thiết. Những lời chân thành nói với nàng dâu được thốt ra từ trái tim ấm áp của người mẹ, là một người từng trải và hiểu được rằng nếu không có nạn đói xảy ra thì con mình làm gì đã có vợ, cùng cực lắm người ta mới tìm đến con mình. Dù biết trước phía trước còn những chông gai bà vẫn động viên các con phải sống yêu thương, hòa thuận, đùm bọc san sẻ với nhau để vượt qua cơn hoạn nạn.

Trong những ngày tối tăm của nạn đói 1945, bà vẫn nhen nhóm một tương lai tràn đầy hy vọng phía trước.  Bà cụ nói toàn chuyện vui chuyện sung sướng sau này. Trong khung cảnh tối tăm cùng cực nhưng vẫn nhen nhóm lên trong lòng những người nông dân một niềm tin về một xã hội đổi mới, về một tương lai hạnh phúc ấm no.

Trong buổi sáng đầu tiên khi cô con dâu về bà đã dậy thật sớm nhổ sạch vườn cỏ trước nhà, quét dọn lại nhà cửa, vườn tược. Bà nghĩ rằng đó là sự khởi đầu mới và là sự trân trọng dành cho người con dâu mới. Bà rạng rỡ hẳn lên, bà xăm xăm thu dọn, quét tước nhà cửa. Trong bữa sáng đầu tiên về nhà chồng, bà đã đãi con dâu mình một nồi cháo cám. Tuy một món ăn đắng chát nhưng mà vẫn cố mỉm cười vui vẻ động viên các con.

Dù bữa ăn thật nghèo khó, nhưng chúng ta cảm nhận được một không khí ấm áp của tình cảm gia đình. Bà cụ Tứ hiện lên với những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đó là sự đảm đang, lòng nhân hậu, vị tha với tình yêu thương con vô bờ bến. Trong khó khăn hoạn nạn vẫn suy nghĩ về một tương lai tươi sáng.

Với cách kể chuyện hấp dẫn, tác giả đã xây dựng diễn biến tâm lý nhân vật phù hợp với tiến trình câu chuyện. Qua đó làm nổi bật lên tính cách và tấm lòng của bà cụ Tứ.

Bài tham khảo Mẫu 2

Những người mẹ luôn là người đem lại tình thương yêu lớn nhất, tình yêu bao la ấy có thể vượt qua những khó khăn, những thiếu thốn vật chất để mang lại một cuộc sống an lành hạnh phúc cho nhau. Trong nền văn học Việt Nam biết bao nhiêu nhà văn xây dựng được hình tượng người mẹ như thế. Nếu như Nguyễn Minh Châu xây dựng người mẹ đầy đức hi sinh là người đàn bà hàng chài thì Kim Lân lại xây dựng thành công nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ Nhặt. Ngoài những phẩm chất của bà thì nhà văn đi vào miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật này. Để từ đó chúng ta càng thấy được những hi sinh, những nỗi niềm thương con vô bờ bến của bà.

Cụ Tứ là một người đã có tuổi, chồng thì đã mất con gái tên Đục thì đã đi lấy chồng bà sống với con trai tên là Tràng. Hai mẹ con bà xuất hiện trong nền cảnh của nạn đói năm 1945. Có thể nói chính hoàn cảnh khó khăn ấy càng làm nổi bật lên diễn biến tâm lý và phẩm chất của bà. Bà vẫn còn phải ra ngoài kiếm đồng rau cái muối, vẫn biết bao nhiêu nắng mưa, gánh nặng đổ lên đầu và trong buổi chiều hôm ấy bà bất ngờ trước hành động của con trai mình. Diễn biến tâm lý cũng bắt đầu từ đó.

Cụ về đến đầu cổng, cái ho thúng thắng của tuổi già cất lên, cụ thấy bất ngờ khi Tràng tỏ ra vui mừng đến thế. Sau câu nói cất lên “U đã về rồi đấy à” cùng với tâm trạng và hành động của Tràng linh cảm của một bà mẹ như giúp bà nhận ra rằng có một điều gì đó bất bình thường. Chính vì thế cụ Tứ lo lắng lắm và cứ thế tâm lý của cụ càng ngày càng diễn biến đến tầm cao hơn. Từ lo lắng bất thường cụ ngạc nhiên khi thấy sao lại có người đàn bà nào ngồi đầu giường thằng con trai mình thế kia. Những câu hỏi liên tiếp được cất lên cho thấy tâm trạng bối rối của người mẹ. Bà chưa biết là ai nhưng linh cảm cho bà thấy một điều bất thường và cuối cùng thì nó đã đến.

Bước chân của cụ Tứ bước vào đến nhà cũng là tâm lý đạt tới đỉnh điểm. Từ chỗ ngạc nhiên khi người đàn bà ấy lại gọi bà bằng “u” đến chỗ Tràng nói “kìa nhà con nó chào u đấy”. Đọc đến đây ta như cảm tưởng được cụ Tứ đang mắt tròn mắt dẹt nhìn người đàn bà rồi lại nhìn con mình mà không hiểu. Và tai bà dường như không nghe thấy gì nữa. Một cảm giác khó tả diễn ra trong người phụ nữ ấy. Thế rồi bà như vỡ lẽ ra mọi chuyện khi Tràng nói thêm về tình cảnh này. Bà buồn bà giấu những giọt nước mắt của mình mà chấp nhận. Tại sao vậy đáng ra nhà có hỉ thì phải vui mới đúng chứ thế mà ở đây bà lại khóc. Không phải bà không thích có con dâu nhưng trong hoàn cảnh miếng ăn còn chưa lo được thì lấy nhau về lại chỉ khổ thêm. Vì thế bà buồn bà thương con trai mình rồi nhìn người đàn bà vân vê tà áo đã rách bợt cũng thấy thương cô ấy. Vậy nên bà nhắm mắt mà chấp nhận “Thôi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau thì u cũng mừng lòng”. Có thể nói sau cái gật đầu kia là cả một nỗi lòng người mẹ, lo lắng cho con với cuộc sống sau nay. Bà thì thế nào cũng được nhưng bà không muốn con của bà thì bà muốn nó được sống cho qua cái tao đoạn này. Những cảnh tượng khói mờ mịt bên ngoài như nói thay cho tâm hồn của người mẹ ấy.

Khi bà đã vơi đi nỗi lòng ấy bà với trách nhiệm của người mẹ bà như khơi sáng cho con mình những ý nghĩ tốt đẹp cho tương lai. Bà nói rằng không ai giàu ba họ không ai khó ba đời cả vì thế chỉ cần qua cái tao đoạn này thì chính họ yên bề gia thất. Bà lấp đi trong chính mình cái thực tại đen tối để rồi cùng con cái mình nghĩ về những chuyện tương lai.

Buổi sáng hôm sau với bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới, bà dạy sớm cùng con dâu sửa soạn lại căn nhà quét dọn sạch sẽ mong chờ những điều tốt đẹp sẽ đến. Và ta cũng cảm thấy được những nét tâm trạng vui vẻ của bà khi thấy con mình hạnh phúc. Bữa cơm ấy bà là người nói nhiều nhất dường như bà không thể nào giấu đi niềm vui trong lòng mình. Bà nói với Tràng về việc chỗ kia sẽ làm một cái chuồng gà nuôi hai con gà để mỗi ngày nó đẻ trứng ra ăn. Niêu cháo đơn sơ ấy chỉ vẻn vẹn có nồi cháo hoa lỏng thế nhưng mọi người ăn rất ngon cũng như bà đang rất vui. Hết cháo bà quyết định mang nồi “chè khoán” lên đãi các con. Thật ra thì đó là cám thế nhưng bà không muốn các con đói và bà cũng muốn níu giữ cái không khí vui vẻ hạnh phúc ấy. Biết rằng Tràng và vợ thấy chát ở trong lòng nên bà an ủi rằng nhiều người còn không có cám mà ăn. Vậy là người mẹ ấy với những phẩm chất của mình đã đem đến cho các con những niềm yêu thương niềm tin vào tương lai.

Như vậy có thể nói bà cụ Tứ đã diễn ra những cung bậc cảm xúc từ cao đến thấp từ buồn đến hạnh phúc vui tươi. Cuộc sống dẫu có vất vả đói nghèo cái chết tử thần thì lúc nào cũng cận kề thế nhưng bà vẫn cưu mang lấy người đàn bà kia, yêu thương con trai và hướng cho họ cái nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài tham khảo Mẫu 3

Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc viết về người nông dân của nhà văn Kim Lân. Bằng ngòi bút nhân đạo của mình, người nghệ sĩ ấy không chỉ khắc họa những hình ảnh chân thực đến mức xót xa về người nông dân mà qua đó còn nói lên niềm cảm thương sâu sắc trước số phận bấp bênh, khốn cùng của họ. Trong tác phẩm, cả ba nhân vật Tràng, Thị và mẹ Tràng đều có những nỗi niềm riêng, những khổ tâm riêng, song sau tất thảy trong tâm hồn họ vẫn ánh lên những vẻ đẹp đáng được trân trọng. Nhân vật bà cụ Tứ- mẹ Tràng là nhân vật có tâm lí diễn biến khá phức tạp được nhà văn diễn tả rất thành công.

Bà cụ Tứ trước hết là một người đàn bà, nghèo khổ, góa chồng, sống cùng con trai ở xóm Ngụ Cư, cậu con trai tên Tràng, dù đã lớn những anh cu khá ngờ nghệch, lại xấu xí, thô kệch. Hai mẹ con sống với nhau, cùng nhau trải qua những gian khổ của cuộc sống thiếu thốn xã hội những năm 1945. Bà chưa bao giờ dám nghĩ anh cu Tràng con mình sẽ có vợ dù lòng bà rất muốn có một người con dâu bởi bà biết con mình thế nào, hoàn cảnh của gia đình ra sao.

Khi anh cu Tràng dắt vợ về chờ đợi mẹ trong căn nhà rách nát ấy, lúc về tới nhà, thấy một người đàn bà đang ngồi ở đầu giường của cậu con trai, bà rất ngạc nhiên. Và càng ngạc nhiên hơn khi nghe tiếng chào mẹ từ miệng người đàn bà ấy. Anh cu Tràng biết mẹ chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra bền cất tiếng “ Kìa nhà tôi nó chào u….Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”. Tiếng nói ấy, lời khẳng định ấy được cậu con trai của bà thốt ra, bà vẫn chưa thể tin được đây là sự thật, cố nhìn cho kĩ người đàn bà vẫn đang ngồi nơi đầu giường: “Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay sang nhìn con tỏ ý không hiểu”. Hóa ra con bà đã có vợ, một đứa vừa xấu, vừa nghèo như cu Tràng lại có kẻ nhận theo về ư? Lòng bà vẫn chưa hết ngạc nhiên, còn đong đầy những câu hỏi thắc mắc pha lẫn tò mò.

Khi dần hiểu ra mọi chuyện, biết Tràng nhặt được người đàn bà kia về làm vợ, bà chỉ biết “cúi đầu nín lặng” mà thôi. Xót thương biết bao cho số kiếp của con trai bà, bà nhớ về người chồng năm xưa của mình, nhớ về người con gái bà từng có những đã qua đời, bà càng thương, càng tủi, càng xót xa. Là một người mẹ, bà thương con vô bờ, bà biết con trai mình từ nay cũng đã yên bề gia thất, có mừng đấy chứ, nhưng mừng thì ít mà lắng lo thì nhiều. Bà trách phận mình làm mẹ lại chẳng thể cho con lấy một ngày ấm êm, cũng chẳng có gì lo cho con khi con lấy vợ. Bà cũng nặng lòng biết bao khi người chết vì đói thì nhiều, mạng sống mỏng manh như sợi tóc treo ngàn cân, nhà thì thiếu thốn, khốn khó mà con trai lại lấy vợ lúc này. Rồi bà khóc vì thương con, thương cô con dâu mới , hai đứa rồi sẽ ra sao, có chăng vượt qua được kiếp nạn đọa đày này. “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt”. “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá!...” “ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...”. “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Làm sao có thể nói hết những yêu thương mà tấm lòng bà cụ dành cho con, những lời dịu dàng, chân thành được thốt lên từ trái tim ấm áp và sâu tận tâm can của người mẹ khiến ta không khỏi nghẹn lòng. “Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.

Là một người từng trải, bà hiểu được rằng nếu không có nạn đói xảy ra, chắc gì con mình đa có vợ, đói khát thế, người ta mới tìm đến con mình. Dẫu vậy, thứ hạnh phúc nhỏ bé mà anh Tràng có được vẫn mang đến cho bà, cho gia đình nhỏ sự ấm áp. Dù biết phía trước còn những gập ghềnh, bà vẫn động viên con, khuyên lơn con. Bà dặn con phải sống yêu thương, thuận hòa, đùm bọc san sẻ nhau vượt qua cơn hoạn nạn. Trong lời dặn dò ấy, chứa chan cả một niềm tin rồi mai sẽ khác, rồi tương lai sẽ lại bình yên: “Rồi ra may mà ông giời cho khá…” ai giàu ba họ ai khó ba đời. Có ra thì con cái chúng mày về sau. Bà cụ “nói toàn: chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này".

Trong buổi sáng sau ngày cô con dâu về, bà cố gắng dậy thật sớm, nhổ sạch vườn cỏ trước nhà, quét dọn lại nhà cửa, vườn tược. Hơn ai hết, bà xem công việc ấy như một sự yêu quý và trân trọng của mình dành cho người con dâu mới đến, bà đón con trong niềm vui để con đỡ tủi phận mà an lòng. “Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xăm thu dọn, quét tước nhà cửa”. Bữa sáng đầu tiên đã con dâu là một nồi cháo cám, dù là một món ăn chát đắng những bà vẫn cố mỉm cười vui vẻ để động viên con. Đu nghèo khó đến thế, nhưng trong bữa ăn của buổi sáng hôm ấy ta vẫn cảm nhận được không khí gia đình đầy ấm áp, tình cảm mẹ con vẫn dạt dào.

Nhân vật bà cụ Tứ lấp lánh trong tác phẩm những đức tính cao đẹp của người phụ nữ, người mẹ Việt Nam. Đó là sự đảm đang, lòng nhân hậu, vị tha, tình thương yêu con vô bờ bên và sự kiên cường trong ý chí. Trong gian nan, giữa ngàn sự chết chóc, trăm vạn mối lo toan, bà vẫn lạc quan, vẫn không nuôi hy vọng và niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp.

Bằng cách kể chuyện hấp dẫn, sự thấu hiểu tâm lý, lòng người đã giúp nhà văn đi sâu vào từng ngõ ngách tâm hồn của nhân vật, để khi đọc những trang văn viết nên từ ngòi bút ấy, ta được sống với những cảm xúc cùng nhân vật để cùng hạnh phúc, cùng lo lắng, cùng khóc, cùng cười. Thật cảm ơn Kim Lân đã dành cho những người nông dân lam lũ một tình yêu thương vô bờ và bền chặt đến vậy.

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close