Phân tích bài thơ Thời gian

I. Mở bài: -Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Thời gian”. - Giới thiệu khái quát về tác giả

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

-Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Thời gian”.

- Giới thiệu khái quát về tác giả

II. Thân bài

a. Tác giả:

- Văn Cao (1923 – 1995), sinh ra ở Nam Định nhưng lớn lên ở Hải Phòng và bắt đầu sự nghiệp sáng tác ở đây.

- Ông là nhạc sĩ, nhà thơ và họa sĩ.

- Thơ của ông không nhiều về số lượng nhưng luôn thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo.

b. Tác phẩm:

Bài thơ “Thời gian” được sáng tác vào mùa xuân năm Đinh Mão 1987.

c. Phân tích:

- Khổ 1:

+ “Thời gian qua kẽ tay”: Cảm nhận thời gian một cách đặc biệt bằng xúc giác. Thời gian lặng lẽ nhưng trôi qua rất nhanh.

+ “Làm khô những chiếc lá”: Dấu ấn của thời gian thể hiện trên vạn vật và con người.

+ “Rơi”: Câu thơ được ngắt ra đột ngột, chỉ có một tiếng, nhấn mạnh vào sự chuyển động của cảnh vật.

+ “như tiếng sỏi”: Lối so sánh đặc sắc, gợi tả âm thanh nặng nề và khô khốc.

+ “trong lòng giếng cạn”: Sự vật đều trơ trọi, bị thời gian tước đi sức sống, trở nên tiêu điều.

- Khổ 2:

+ “Riêng những”: Điệp ngữ thể hiện sự khẳng định, cho thấy cảm xúc của nhân vật trữ tình có sự thay đổi.

+ “những câu thơ”, “những bài hát” là biểu tượng cho sáng tạo nghệ thuật, sự rung động của trái tim con người.

+ “còn xanh”: Sức sống trường tồn của nghệ thuật và tình yêu.

+ “Và đôi mắt em”: Vẻ đẹp của con người, tình yêu.

+ “như hai giếng nước”: Vẻ lấp lánh, trong lành, dạt dào sức sống.

- Tổng kết.

III. Kết bài

- Nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ.

Bài tham khảo Mẫu 1

Người đời thường nhắc đến Văn Cao trong vai trò một nhạc sĩ nhưng không phải ai cũng biết ông còn tạo cho mình những dấu ấn riêng trên địa hạt thơ ca. “Thời gian” là một thi phẩm nổi bật, cho thấy những cách tân táo bạo của người nghệ sĩ đa tài này.

Văn Cao (1923 – 1995), sinh ra ở Nam Định nhưng lớn lên ở Hải Phòng và bắt đầu sự nghiệp sáng tác ở đây. Ông là nhạc sĩ kiêm nhà thơ và họa sĩ. Thơ của ông tuy không nhiều về số lượng nhưng luôn gây ấn tượng với người đọc bởi phong cách nghệ thuật độc đáo. Vì quan niệm “Sự thất bại thường gặp trong một bài thơ là khép lại: Khép tất cả sự muốn nghĩ và muốn nói” nên Văn Cao luôn chú trọng vào việc cách đổi mới thơ ca cả về hình thức lẫn nội dung, tạo nên những bài thơ trùng phức nhiều lớp nghĩa với các hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bài thơ “Thời gian” được Văn Cao sáng tác vào mùa xuân năm 1987.

Cả bài thơ là những chiêm nghiệm, suy tư về thời gian và cuộc sống con người. Người ta thường đong đếm thì giờ bằng giây, bằng phút nhưng Văn Cao lại thấy thời gian như một sinh thể hữu hình, có thể chạm vào được:

“Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn”

Văn Cao đã cảm nhận về thời gian bằng xúc giác: “Thời gian qua kẽ tay”. Nó lặng lẽ chạm vào ta rồi lướt qua nhanh chóng đến không tưởng. Con người trầm ngâm cảm nhận từng dấu ấn đi “qua kẽ tay” để rồi vấn vương, nuối tiếc. Câu thơ năm chữ mở đầu đã đem đến một sự liên tưởng thú vị cho người đọc. Thời gian quý giá nhưng mỏng manh vô cùng nên con người lại càng khao khát được điều khiển thời gian trong bàn tay của mình. Và trong khi len qua kẽ tay ta, thoát khỏi sự níu giữ của con người, thời gian đã thật vô tình “Làm khô những chiếc lá”. Sự trôi chảy của thời gian khiến con người và vạn vật phai tàn. Những chiếc lá mới hôm nào còn mơn mởn, nay trở nên héo úa. Thanh xuân của con người cũng vậy, tươi đẹp và ngắn ngủi, chẳng mấy chốc ta đã đặt một chân vào ngưỡng cửa tuổi già.

Thật bất ngờ, một tiếng “Rơi” xuất hiện như mạch cảm xúc đột ngột ngã xuống giữa dòng thơ vậy! Câu thơ chỉ có một tiếng, nhấn mạnh vào sự chuyển động của cảnh vật. “Rơi” ở đây là lìa xa, quên lãng. Mải miết chạy đua với cuộc sống, con người bỗng giật mình rồi buồn đau, hụt hẫng khi mọi điều dấu yêu vụt khỏi tầm tay. “Như tiếng sỏi” là lối so sánh đặc sắc, gợi tả âm thanh nặng nề và khô khốc. Sỏi rơi vào “trong lòng giếng cạn”. Các sự vật vô hồn, đơn côi cứ lần lượt hiện ra. Từ “cạn” thể hiện một sự trơ trọi, không có sức sống. Ý thơ càng về sau càng trở nên nặng nề, những câu thơ bị chia cắt bởi lối xuống dòng bất chợt cho thấy những xúc cảm tự nhiên của con người khi đối mặt dòng thời gian khắc nghiệt.

Ý thức sâu sắc về thời gian, khát khao níu giữ hạnh phúc không phải là tâm trạng hiếm gặp ở những thi nhân. Trong số đó, có những nhà thơ đã kết thúc tác phẩm của mình bằng khối sầu bi quan, cay đắng. Nhưng Văn Cao thì khác. Khổ thơ tiếp theo sáng lên vẻ đẹp trữ tình nhẹ nhàng nhờ sự xuất hiện của “những câu thơ”, “những bài hát” và “đôi mắt em”:

“Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước.”

“Những câu thơ”, “những bài hát” là biểu tượng cho sáng tạo nghệ thuật, sự rung động của trái tim con người. Điệp ngữ “Riêng những” và “còn xanh” được lặp lại hai lần như một lời khẳng định sự trường tồn của nghệ thuật chân chính. Và đẹp nhất trên đời không gì khác chính là “đôi mắt em”. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đại diện cho tình yêu và sức trẻ miên viễn. Đôi mắt sâu thẳm ấy lại trông “như hai giếng nước”, long lanh và dạt dào sức sống. Nhà thơ không chỉ cảm khái trước những giá trị cao cả bất diệt mà còn đề ra một phương cách sống ý nghĩa, cho ta thấy giá trị của nghệ thuật và tình yêu. Nếu thấy mình già nua và cũ kĩ, hãy ngân lên những vần thơ và những khúc ca, hãy soi mình vào đáy mắt người yêu. Những điều bình dị nhất lại chính là cứu cánh có tâm hồn. Cách ngắt nhịp, hình ảnh thơ ở khổ thơ hai có sự tương đồng với khổ một tạo nên hiệu ứng vòng tròn nhưng không còn biểu lộ cảm xúc hụt hẫng như ở trên mà cho thấy tâm trạng say mê, chìm đắm.

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do với cách xuống dòng, ngắt nhịp sáng tạo. Nhịp điệu của câu thơ linh hoạt tạo ra nhạc điệu đặc biệt. Bên cạnh đó, Văn Cao đã sử dụng ngôn từ mang nhiều tầng nghĩa tượng trưng, các biện pháp tương phản, đối lập, so sánh, điệp ngữ, ẩn dụ để thể hiện cái nhìn của mình về cuộc sống.

Qua đó, bài thơ cho thấy những chiêm nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa thời gian, cuộc đời với con người và nghệ thuật. “Thời gian” của Văn Cao chính là một “chiếc lá” tươi xanh vĩnh viễn của nghệ thuật.

Bài tham khảo Mẫu 2

Văn Cao - một nhạc sĩ lớn của Việt Nam. Ông là tác giả của hai bài hát nổi tiếng là Tiến quân ca và quốc ca, đồng thời cũng là một trong số những gương mặt tiêu biểu, quan trọng nhất của tân nhạc. Không chỉ tài năng trong lĩnh vực âm nhạc, Văn Cao còn được công chúng biết đến với tư cách là một họa sĩ, một nhà thơ với rất nhiều tác phẩm giá trị. Tiêu biểu trong sự nghiệp thơ ca của ông, không thể không nhắc đến bài thơ “Thời gian”, qua những vần thơ mang đầy hàm súc, người đọc dường như đã cảm nhận được rõ nét sự dồn nén cô đọng của tư tưởng, cảm xúc:

“Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước”

Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, ông sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại tỉnh Hải Phòng. Quê gốc ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản thuộc tỉnh Nam Định. Văn Cao xuất thân từ một gia đình viên chức, có cha là giám đốc của nhà máy nước Hải Phòng. Sau khi lên trung học, ông lần đầu được tiếp xúc với âm nhạc. Năm 1938, gia đình gặp nhiều biến cố, Văn Cao đã bỏ học khi mới 15 tuổi. Ông được biết đến là một nhạc sĩ có sức ảnh hưởng rất lớn trong nền Tân nhạc của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở mảng âm nhạc, Văn Cao còn được nhận xét là hình mẫu thiên tài, bởi tài năng nghệ thuật của ông rất đa dạng và phong phú mang tính tổng hợp cao giữa hội họa- âm nhạc- văn chương. Ông đã để lại cho đời rất nhiều các tác phẩm có giá trị, và được lưu truyền rộng rãi cho thế hệ con cháu sau này.

Bài thơ Thời gian được nhà văn sáng tác vào mùa xuân năm 1987. Lúc này người thi sĩ Văn Cao đã bỏ lại sau lưng với biết bao trải nghiệm vui buồn khác nhau. Dù tác phẩm chỉ vỏn vẹn có 7 câu, 12 dòng và 42 chữ, nhưng sâu bên trong ẩn chứa tính chất triết luận và những thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh cực kì sâu sắc. Qua đó đã gợi cho tâm hồn người đọc biết bao suy ngẫm về cuộc đời, về con người trong cuộc sống này, mặc cho thời gian vẫn không ngừng chảy trôi:

“Thời gian qua kẽ tay”

“Thời gian qua kẽ tay” là một hình ảnh thơ giàu hàm xúc, gợi liên tưởng tới sự tương phản giữa cái vô hình và cái hữu hình, giữa cái vô hạn và cái hữu hạn. Như một điều tất yếu, sự hiện diện của thời gian trên thế giới này là hư ảo, nó rất mong manh và vô cùng ngắn ngủi vô cùng. Có lẽ vì thế mà người thi nhân khi chứng kiến sự chảy trôi của thời gian không khỏi ngậm ngùi xa xót trước sự vô nghĩa của đời người... Cũng như Văn Cao, Nguyễn Gia Thiều đã từng có cảm nhận đầy chua chát qua tác phẩm Cung oán ngâm khúc nổi tiếng:

“Trăm năm nào có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”

Thời gian là thứ quà tặng kì diệu mà tạo hóa ban cho con người, và chẳng có một ai nắm giữ được thời gian. Thời gian đi qua lấy đi vô số thứ, thanh xuân, tuổi trẻ, những tháng ngày hạnh phúc, những thứ chúng ta trân trọng và thương yêu nhất… và một khi qua đi sẽ không bao giờ trở lại. Đó là một quy luật tất yếu của thời gian, nhưng cũng là sự nghiệt ngã, tàn nhẫn đối với con người

"Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn"

Theo thời gian những chiếc lá xanh tươi rồi cũng sẽ úa. Những được mất trong cuộc đời rồi cũng phai nhạt theo năm tháng. Có chăng, cái ở lại trong cuộc đời này chỉ là là những hồi ức nhớ hoài về kỷ niệm ngày xưa ấy. Bài thơ đã giúp bạn đọc nhận thức được cái ý nghĩa nhân sinh tưởng như rất bình thường nhưng không phải ai cũng nhận biết được bởi họ vẫn còn đang chìm đắm trong quá nhiều tham vọng, vinh hoa của cuộc sống. Bài thơ mang giá trị nhân văn thật sâu sắc, đồng thời cũng gửi gắm tới bạn đọc thông điệp: khi đã nhận thức được quy luật vận động của dòng chảy thời gian, con người chúng ta càng nên biết trân quý sự hiện hữu của bản thân trên thế giới này. Chúng ta phải làm hành động, phải biết tận dụng thời gian một cách triệt để, có ích, để mỗi phút giây hiện hữu trong đời người là những giây phút sống chứ không phải chỉ là tồn tại

“Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước"

Trong dòng chảy của thời gian, mọi sự vật, mọi hiện tượng trên thế giới này đều có thể lụi tàn và tan biến mãi mãi vào hư không. Nhưng tất nhiên có những giá trị sẽ chẳng thể mất mà mãi mãi mà qua hàng nghìn đời nó sẽ vẫn “còn xanh”, đó chính là những giá trị đẹp đẽ được được kết tinh từ những bài hát, vần thơ, và đặc biệt là từ đôi mắt em. Câu kết của tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc một dư âm tha thiết nhưng không hề bi lụy:

“Và đôi mắt em

như hai giếng nước”

… Phải chăng, đôi mắt em chính là nơi mà tình yêu đôi ta bắt đầu và hay đó sẽ là nơi mà tình yêu ta mãi mãi lên ngôi…!

Dẫu sao, theo tháng năm, thời gian vẫn sẽ trôi “qua kẽ tay” nhưng tác phẩm Thời gian của cố thi sĩ Văn Cao vẫn “nguyên xanh” như thuở nào trong lòng mỗi bạn đọc. Sự giản dị, mộc mạc, ẩn chứa hàm súc trong từng câu chữ đã cho thấy sự tinh tế, tài hoa của một thi sĩ thật tài năng.

Bài tham khảo Mẫu 3

Bài thơ Thời gian ra đời vào mùa xuân năm 1987. Dù chỉ có 7 câu, 12 dòng, 42 chữ, nhưng chất triết luận cùng những thông điệp mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của bài thơ đã lắng lại trong tâm hồn người đọc, gợi nhiều suy ngẫm về con người và cuộc sống, mặc cho dòng thời gian trôi chảy không ngừng.

Mở đầu bài thơ ta bắt gặp một hình ảnh được “lạ hóa”: Thời gian qua kẽ tay – hình ảnh thơ gợi liên tưởng đến sự tương phản giữa cái hữu hình và vô hình, cái hữu hạn và vô hạn.

Như một tất yếu, sự hiện hữu của thời gian trong cuộc đời mỗi người là hữu hạn, bởi thời gian ấy so với cái “vô thủy vô chung” của vũ trụ thì hư ảo, mong manh, ngắn ngủi vô cùng! Chính vì vậy, thi nhân tự bao đời đã ngậm ngùi xa xót trước bước đi của thời gian và sự vô nghĩa của phận người… nên Nguyễn Gia Thiều đã cảm nhận đầy chua chát trong Cung oán ngâm khúc nổi tiếng của ông:

“Trăm năm nào có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”

Như một quy luật hiện sinh, thời gian qua đi là vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Sự nghiệt ngã ấy chính là bi kịch của phận người, con người không thể nào nắm giữ, níu kéo được được thời gian. Triết gia Heraclite đã xác quyết: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”, cuộc đời mỗi người không thể sống hai lần…Mỗi bước đi, thời gian luôn làm biến đổi từng sát na hiện hữu, sức tàn phá của thời gian là khôn lường:

“Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn”

Những chiếc lá xanh rồi cũng tàn tạ theo thời gian. Những được mất trong cuộc đời rồi cũng nhạt nhòa theo năm tháng. Có chăng, cái còn lại trong cuộc đời này là giọt giọt những kết tinh kỷ niệm…những kỷ niệm – như hạt ngọc quý giá ngày càng lắng sâu trong tâm thức khi con người ngày càng chạm đến cõi vĩnh hằng.

Và những kỷ niệm ấy rồi sẽ theo con người lìa xa cõi sống để sang phía bên kia miền miên viễn…mọi ái, ố, hỉ, nộ rồi cũng sẽ tan biến theo dòng chảy của thời gian… Bài thơ vì thế đã thức nhận cho chúng ta cái ý nghĩa nhân sinh tưởng như bình thường mà không phải ai cũng nhận biết được khi con người luôn đắm chìm trong quá nhiều tham vọng của cuộc sống…

Ý niệm về thời gian trong bài thơ của Văn Cao, vì thế mang tư tưởng hiện sinh tích cực. Thông điệp toát lên từ hình tượng nghệ thuật của bài thơ mang giá trị nhân văn sâu sắc: khi nhận thức được quy luật nghiệt ngã của thời gian con người phải biết trân quý sự hiện hữu của mình.

Chúng ta phải làm thế nào để mỗi phút giây hiện hữu của đời người là mỗi phút giây sống chứ không phải là tồn tại!? Câu hỏi đầy tính chất tự vấn này sẽ không bao giờ là điều xưa cũ trong tâm thức hiện sinh của nhân loại trên con đường khám phá những giá trị vĩnh hằng để vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian. Vậy những giá trị vĩnh hằng chỉ có thể là gì?

Văn Cao – người nghệ sĩ đích thực, với cảm thức tinh tế trên từng bước đi của thời gian đã khẳng định một hệ giá trị mà ở đó sự tàn phá của thời gian cũng không thể làm mất đi phẩm tính của nó. Đó là:

“Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước”

Trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian, mọi sự vật, hiện tượng có thể lụi tàn và tan biến vào hư không. Nhưng có những giá trị không thể mất mà mãi mãi “còn xanh”, đó là những giá trị thuộc về nghệ thuật và cái đẹp được kết tinh từ những câu thơ, những bài hát và đặc biệt là từ đôi mắt em.

Âm hưởng bài thơ chuyển đổi bất ngờ: từ trầm buồn, u uẩn sang thanh thoát, thổn thức, mơ màng; hình ảnh thơ mang ý nghĩa biểu tượng cao. Từ “riêng” được lặp đi lặp lại vừa như muốn minh định, vừa như muốn xác quyết một chân lý muôn đời không thể phủ định: Nghệ thuật và Tình yêu luôn khác biệt và luôn vượt lên mọi thứ tầm thường, tự thân nó luôn mang một sức mạnh trường tồn, vĩnh cửu bởi nó là hiện thân của cái Đẹp.

Điều này quả đúng như Cyprian Norwid đã nói: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái… không còn gì khác”…Câu kết của bài thơ để lại một dư âm da diết nhưng không bi lụy: Và đôi mắt em / như hai giếng nước… Đôi mắt em phải chăng là nơi Tình yêu bắt đầu và cũng là nơi Tình yêu mãi mãi lên ngôi…!

Thời gian dẫu vẫn trôi “qua kẽ tay” nhưng bài thơ Thời gian của cố nhạc sĩ / thi sĩ Văn Cao vẫn nguyên xanh trong lòng bạn đọc. Độ nén, sự giản dị, hàm súc của câu chữ trong bài thơ cho thấy sự tài hoa và tinh tế của một thi sĩ tài năng. Vì vậy, tôi tin, những thông điệp nhân văn vang lên từ bài thơ vẫn luôn vẫy gọi các thế hệ bạn đọc tri âm, đồng sáng tạo cùng tác giả. Và đây cũng là một hệ giá trị để bài thơ vượt lên quy luật khắc nghiệt của thời gian, mãi mãi tồn sinh như sự vĩnh hằng của Nghệ Thuật – Tình Yêu và Cái Đẹp…

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close