Phân tích và chứng minh hai câu nói cuối cùng của nhân vật Chí Phèo đã bộc lộ rõ chủ đề của tác phẩm

1. Mở bài - Giới thiệu về tác giả Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo - Dẫn dắt vấn đề và trích dẫn câu nói:

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo

- Dẫn dắt vấn đề và trích dẫn câu nói:

+ "Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này? Tạo không thể là người lương thiện nữa! Biết không! Chỉ có một cách biết không... Chỉ còn một cách là cái này! Biết không!".

2. Thân bài

- Khái quát chung

+ Xuất xứ: Nam cao đặt tên cho tác phẩm này là Cái lò gạch cũ, 1941 đổi lại là Đôi lứa xứng đôi, 1945 sửa lại là Chí Phèo, in trong tập Luống cày

-Tóm tắt:

+ Chủ đề: Qua số phận của nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã lên án sâu sắc xã hội tàn bạo, chà đạp lên nhân phẩm con người đồng thời thể hiện tình thương yêu sâu sắc và niềm tin vào bản chất lương thiện của con người.

- Nội dung

- Câu nói như bừng lên ước muốn được làm người, khát vọng được hoàn lương của nhân vật Chí Phèo:

+ Từ cái chết ấy nhà văn muôn gửi đến bạn đọc bức thông điệp màu xanh về tác phẩm của mình rằng: Con người, đặc biệt là người nông dân trong xã hội cũ, dù bị chà đạp, bị đầy vào con đường lưu manh, tôi lỗi thì ấn sâu trong tâm hồn họ vẫn ánh lên những tia sáng của bản tính lương thiên, bản chất người.

+ "Tao muốn làm người lương thiện. Đó chính là một câu nói thành thực nhất, tiếng đầu tiên và cũng là lời cuối cùng trong cuộc đời đã bị tha hóa một cách không khiếp của Chí Phèo. Khi hắn say nhất cũng là lúc hắn tình nhất, là lúc còn kịp nhận ra nghĩa lí của cuộc sống chính là ở hai chữ lương thiện kia, để rồi điều đó bằng trở thành khát vọng của hắn sau bao ngày vật và, triền miên trong rượu và những lời chửi bởi tạo muốn, lần đầu tiên cái mong muốn của Chí Phèo không phải là dăm đồng bạc lê của cụ Bà, không phải đăm cút rượu hay một ít đồ nhắm, những nhu cầu vật chất mà là một mong muốn tột bậc có sự lương thiện.

+ Và khi nhận ra điều này thì Chí Phèo càng ý thức được "Tạo không thể là người lương thiện nữa". Dường như đây không còn phải là lời mà Chí Phèo nói với Bá Kiến nữa, mà đó là lời hắn nói với chính mình. Nếu như trước đó thì hắn không hề biết đến cái gọi là lương thiện, cũng không biết mình đã mất đi những cái cơ bản nhất trong một con người. Và giờ đây khi đã nhận ra thì cũng là lúc hắn mất tất cả. Và cái chết chính là một lối thoát Chí Phèo chọn riêng cho mình, để chứng thực cho sự nguyên vẹn của cái gọi là lương thiện. Có lẽ khi hắn nhận ra mình không thể lương thiên được cũng là lúc hắn hiểu sự lương thiện không thể dung nạp những kẻ như hắn.

+ Chí Phèo không được phép quay trở về làm người lương thiện bởi vì hắn bị những lừa lọc, gian xảo bao vây xung quanh, những trò chém giết rạch mặt ăn vạ, xin đều, ăn cướp giữa ban ngày vốn không phải là điều lạ lẫm đối với Chí Phèo.

+ Chí Phèo cô đơn, lạc lõng giữa mọi người. Đã trắng tay, không nơi nương tựa, Chí lại không có lấy một ai để ý. Những người bình thường đều xa lành hẳn. Sự lương thiện xa lánh hắn. Không một ai trong làng Vũ Đại nghe hắn chúi, hắn không có ai đề mà chút. Đối tượng chửi của hắn hướng đến là tất cả mọi người, thiên nhiên, trời đất, là vô tận mà không là ai cả, là cái gì cụ thể cả. Thậm chí khi "hần chửi ngay tất cả làng Vũ Đại thì "cả làng ai cũng nghĩ chắc nó trừ mình rờ.

+ Cuộc sống chỉ thực sự mỉm cười với Chí Phèo khi đời hắn có Thị Nở à Tình yêu như đã khơi dậy trong hắn ý thức về bản thân dù chỉ là mơ hồ nhưng hắn cũng hiếu đó là cái buồn của một con người. Hắn cảm thấy xung quanh đang thay đổi, xôn xao, rạo rực. Một tiếng chim vui vẻ, những tiếng cười nói, tiếng mõ đối với hắn như là điều lạ lẫm, hấp dẫn. "Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có". "Chí Phèo chưa bao giờ nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hẳn hết say. Và lúc này khi có đến năm ngày không say rượu, hắn lắng nghe thế giới bằng tất cả lòng mình, cảm nhận và tận hường như một đứa trẻ mới chập chững biết đi.

+ Nhưng chính nhờ sự xuất hiện của thị Nỡ như một tia sáng lóe lên rồi lại vụt tắt trong cuộc đời Chí Phèo.

+ Câu nói như cắt của ở cuối truyện của Chí Phèo, ta thấy đó là biểu hiện cao độ của khát vọng được làm người.

+ "Tao muốn làm người lương thiện" là sự trỗi dậy mạnh mẽ, đánh dấu bước nhận thức mới trong con người Chí. Nếu như trước đó thì Chí Phèo, hắn chỉ lơ mơ hiểu về cái tốt đẹp khi tỉnh rượu, rồi hiểu thế nào là nghĩa lí cuộc sống khi được ăn bát cháo hành và nhận được sự chăm sóc của thị Nô thì đây là lúc hẳn lên tiếng đòi cái quyền được sống cho mình.

- Nhận xét

+ Câu nói cuối cùng của Chí là một lời tố cáo xã hội lại vừa như một tiếng nói khẳng định lại bản chất của Chí Phèo trong ý thức rất rõ rệt của Chí Phèo. Câu chuyện với bao nhiêu chi tiết, tình huống như gói gọn, đọng lại ở máy câu nói ấy. Người ta đọc được ở đó những ý định tâm huyết của Nam Cao khi viết Chí Phèo.

+ Chí Phèo chết bởi vì hắn muốn có được sự lương thiện nhưng xã hội, mọi người không cho hắn cơ hội đó. Chí Phèo chết trong sự nhận thức rất rõ về mình, về sự ghẻ lạnh của mọi người đối với hắn, về mơ ước tới một cuộc sống đích thực. Có thể nói chính cái chết là sự hối cải cuối cùng mà Chí còn có thể làm được trong cuộc đời đầy rẫy tội lỗi của hắn. Chi tiết này vừa bộc lộ được giá trị hiện thực lại vừa đậm tính nhân bản.

3. Kết bài

- Những nhận xét, đánh giá về vấn đề

- Mô rộng vấn đề bằng suy nghĩ và liên tưởng của mỗi cá nhân

Bài tham khảo Mẫu 1

Đọc Chí Phèo của Nam Cao đọng lại trong tôi là cái kết của câu truyện, một kết cục bi thảm và tất yếu dành cho nhân vật chính. Nhưng đó cũng là một cái kết đầy tính nhân đạo cao cả: "Tao muốn làm người lương thiện".

"Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa! Biết không! Chỉ có một cách... biết không... Chỉ còn một cách là... cái này! Biết không!...''.

Tôi nhớ đến một câu nói của Gorki: "Con người, tất cả ở trong con người" Cái lớn nhất mà Nam Cao đã làm được với thiên chức một nhà văn là đã phát hiện ra phẩm chất người trong hình hài của một con quỷ làng Vũ Đại. Những lời nói cuối cùng của Chí Phèo đã làm sáng lên, bừng lên ước muốn được làm người, khát vọng được hoàn lương của hắn. Từ cái chết ấy nhà văn muôn gửi đến bạn đọc bức thông điệp màu xanh về tác phẩm của mình rằng: Con người, đặc biệt là người nông dân trong xã hội cũ, dù bị chà đạp, bị đẩy vào con đường lưu manh, tội lỗi thì ẩn sâu trong tâm hồn họ vẫn ánh lên những tia sáng của bản tính lương thiện, bản chất người.

"Tao muốn làm người lương thiện''. Đó là câu nói thành thực nhất, tiếng đầu tiên và cũng là lời cuối cùng trong cuộc đời đã bị tha hóa một cách khủng khiếp của Chí Phèo. Khi hắn say nhất cũng là lúc hắn tỉnh nhất, là lúc còn kịp nhận ra nghĩa lí của cuộc sống chính là ở hai chữ "lương thiện" kia, để rồi điều đó bỗng trở thành khát vọng của hắn sau bao ngày vật vã với rượu và những lời chửi bới: "tao muốn", lần đầu tiên cái mong muốn của Chí Phèo không phải là dăm đồng bạc lẻ của cụ Bá, không phải dăm cút rượu hay một ít đồ nhắm, những nhu cầu vật chất mà là một mong muốn có tính trừu tượng, sự lương thiện.

Nhận ra điều ấy, Chí Phèo càng ý thức được "Tao không thể là người lương thiện nữa". Dường như đây không còn là lời mà Chí nói với Bá Kiến nữa, đó là lời hắn nói với chính mình. Trước đó hắn không hề biết đến cái gọi là lương thiện, cũng không biết mình đã mất đi những cái cơ bản nhất trong một con người. Giờ đây khi nhận ra thì cũng là lúc hắn mất tất cả. Và cái chết là lối thoát Chí chọn cho mình, để chứng thực cho sự nguyên vẹn của cái gọi là lương thiện. Có lẽ khi hắn nhận ra mình không thể lương thiện được cũng là lúc hắn hiểu sự lương thiện không thể dung nạp những kẻ như hắn.

Những câu nói của Chí Phèo khép lại cuộc đời đen tối của hắn nhưng dội lai những năm tháng hắn đã sống, gợi lại những kí ức đau thương và cả nỗi ngọt ngào mà mới hôm qua, hôm kia thôi hắn còn được hưởng nhưng hôm nay đã tuột khỏi tầm tay. Đó vừa là lời tố cáo xã hội lại vừa như một tiếng nói khẳng định lại bản chất của Chí Phèo trong ý thức rất rõ rệt của hắn. Câu chuyện với bao nhiêu chi tiết, tình huống như gói gọn, đọng lại ở mấy câu nói ấy. Người ta đọc được ở đó những ý định tâm huyết của Nam Cao khi viết Chí Phèo.

Theo dọc cuộc đời Chí Phèo ta sẽ thấy những lời cuối cùng của hắn như một sự tổng kết về số phận của mình, một lời trăng trối mang tính triết lí và nhân bản rất cao. Chí cũng từng là một người lương thiện khi hắn còn là một nông dân hiền lành đi ở cho nhà Bá Kiến. Nhưng hắn đã thực sự tha hóa, mất cả nhân hình lẫn nhân tính từ khi đi tù về. Tình yêu với Thị Nở chính là một sự thôi thúc, cảm hóa chất lưu manh trong con người hắn. Nhưng tiếc rằng hắn đã lấn sâu trong tội lỗi, cho nên dù có ham muốn được trở lại làm người bình thường thì cũng không được nữa. Ai đó sẽ cho hắn lương thiện?

Chí Phèo là một thằng lưu manh cùng hơn cả dân cùng. Có lẽ hắn cũng ý thức được điều ấy trước khi kết liễu đời mình. Thực tế khắc nghiệt đến mức một thằng liều quá nửa đời người như hắn vẫn phải nhận ra. Nam Cao đã đặt Chí Phèo trong một không gian thu nhỏ - làng Vũ Đại - nhưng có sức bao quát lớn xã hội đương thời. Hãy cứ coi Vũ Đại chỉ là một làng xã nhưng chớ coi thường phạm vi của nó. Ở đó hội tụ những thủ tục, nề nếp, trật tự và những mối quan hệ. Trong cùng của hệ thống làng xã là cụ Bá Kiến ăn ngồi trên chỉ từng được mệnh danh là "lý trưởng, chánh tổng, bá hộ, chánh hội đồng, kì hào, huyện. Sau cụ Bá là hàng loạt phe cánh cường hào như một bầy cá tranh mồi dồn lại để bóc lột nhân dân nhưng vẫn ngấm ngầm chia rẽ, mưu hại nhau. Trong cái vòng vây ấy, những người dân chứ chưa nói đến Chí Phèo đã khổ cực lắm rồi. Hạng nông dân như Chí là hạng không được chút quyền hạn nào trong làng, không cha mẹ, người thân thích, không mảnh đất cắm dùi, không đồng bạc trong tay thì thử hỏi đâu là quyền sống? Cái cùng cực của Chí Phèo là cùng cực của một kẻ chỉ có thể chấp nhận chứ không có quyền thắc mắc, phản đối, chống lại.

Nam Cao đặc biệt chú ý đến cụ tiên chỉ của làng Vũ Đại, điều hành mọi quyền binh trong làng. Dưới ngòi bút của nhà văn hình ảnh cụ bá hiện lên với những dáng nét sắc thái rất đậm, vừa mang đầy quyền lực mà vẫn không để lộ cái bạo tàn, hách dịch. Cụ bá không có cái thô lỗ, ngu dốt của những tên trọc phú khác ấy là bóc lột người một cách trơ trẽn, thô sơ. Cụ có mưu mẹo của cụ, nó hình thành trong lời ăn, tiếng nói rất đỗi khôn ngoan của cụ, những thủ đoạn mà cụ bày ra thường chỉ làm cho con mồi mắc bẫy chứ không bao giờ cụ bể mặt "cụ vẫn tự hào vì cái cười hơn người của mình". Trong cái cười của Bá Kiến ẩn chứa bao nhiêu là xảo quyệt, gian manh, bao nhiêu mưu kế chưa được thực hiện. Hắn đã biến Chí Phèo từ một anh nông dân hiền lành thành một tên tù khổ sai với bộ dạng không còn là người nữa. Hắn đã giam hãm Chí Phèo trong nhà tù của luật pháp, hắn lại còn giam hãm Chí lần thứ hai, lâu dài hơn, trong nhà tù không vách, không xà lim, song sắt, ấy là làng Vũ Đại và sự ghẻ lạnh của mọi người, ở đó Chí Phèo là một tay sai đắc lực cho hắn. Trước Chí Phèo, bá Kiến đã từng biết cách cai trị "những thằng liều" như Năm Thọ, Binh Chức, hắn có thừa kinh nghiệm để hiểu rằng: "Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn, đập ghế, đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vứt trả lại năm hào vì "thương anh túng quá!". Nhưng đồng bạc của hắn, những cái cười nhạt mà khanh khách, cái liếc mắt, lời quát mắng dọa nạt cùng những câu dịu giọng chính là cái bẫy để che mắt Chí Phèo, hòng lợi dụng "máu cùn" trong những thằng liều lĩnh "lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người hay đâm mình". Sự hiện diện của Bá Kiến càng đậm nét thì cái hệ thống thống trị làng xã Việt Nam càng lộ rõ bản chất xấu xa, bỉ ổi của nó. Đó là cái chốn mà Chí Phèo không bao giờ có thể tìm thấy cái gọi là lương thiện.

Không ai cho Chí Phèo lương thiện bởi vì hắn bị những lừa lọc, gian xảo bao vây xung quanh; những trò chém giết rạch mặt ăn vạ, xin đểu, ăn cướp giữa ban ngày vốn không phải là điều lạ lẫm đối với Chí Phèo. Nhưng có một điều mà Chí Phèo chỉ có thể cảm nhận, chứ không nắm bắt được hình hài một cách cụ thể, đó là sự cô đơn, lạc lõng giữa mọi người. Đã trắng tay, không nơi nương tựa, Chí lại không có lấy một ai để ý. Những người bình thường đều xa lánh hắn. Sự lương thiện xa lánh hắn. Không ai nghe hắn chửi, hắn không có ai để mà chửi. Đối tượng chửi của hắn là tất cả mọi người, thiên nhiên, trời đất, là vô tận mà không là ai cả, là cái gì cụ thể cả. Thậm chí khi "hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại" thì "cả làng ai cũng nghĩ chắc nó trừ mình ra". Càng vì thế tiếng chửi càng trở thành ngôn ngữ riêng để Chí Phèo tự trấn an mình. Nó như một phản ứng quen thuộc giúp Chí quên đi sự xa lánh của mọi người. Hắn chửi để còn cảm giác sẽ có ai đó nghe được lời của mình. Dường như chưa đủ Chí tìm đến rượu. Đối với hắn ngày tháng, tuổi tác đều không có nghĩa lí gì, cả cuộc đời hắn là một cơn say bất tận, "mênh mông", "hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy hãy còn say, đập đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say". Sau những câu văn Nam Cao, ta cảm thấy rất rõ bước đi thất thểu, xiêu vẹo, cái giọng lè nhè, cùng cực của một con ma men. Ở đây Chí Phèo xuất hiện là có tiếng chửi và cơn say rượu. Nếu vũ khí của Bá Kiến là nụ cười Tào Tháo thì vũ khí của Chí Phèo là hai thứ ấy. Hắn say để quên đi sự tồn tại của mình, quên đi quá khứ, hiện tại, những vết rạch mặt, những vũng máu, những giọt nước mắt khổ sở của bao người dân vì hắn. Và một điều Chí rất rõ, ấy là khi tỉnh táo "hắn cảm thấy mình trơ trọi". Mâu thuẫn trong con người Chí Phèo chính là mâu thuẫn giữa nỗi sợ sệt cái mình có với sự liều lĩnh. Cho nên càng sợ hắn lại càng muốn quên, muốn sống. Chính bản thân Chí Phèo đã không nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống, hắn không tự mình tìm đến, tạo cơ hội cho lòng tốt phát sinh thì làm sao có được sự lương thiện?

Cuộc sống chỉ thực sự mỉm cười với Chí khi đời hắn có Thị Nở. Sự xuất hiện của thị cùng với tình yêu đã hoàn sinh cho hắn. Hình ảnh của Thị Nở như một điểm sáng trong câu chuyện một vị cứu tinh trong cuộc đời u ám, triền miên say của Chí Phèo. Mọi mâu thuẫn, xung đột, sự thay đổi lớn của truyện đều xuất phát từ Thị Nở. Có thể nói đó là phương tiện để Nam Cao đưa Chí Phèo trở về khát vọng hoàn lương.

Không cần biết đến một Thị Nở dở hơi, một người đàn bà xấu như ma chê, quỷ hờn, có cái mặt là "một sự mỉa mai của hóa công", "bề ngang hơn bề dài", Chí Phèo đã yêu và tình yêu ấy giúp hắn nhận thức rõ hơn về sự tồn tại của mình. Lần đầu tiên trong hắn nảy sinh những cảm xúc, tình cảm của một người bình thường, không say rượu, không chửi bới, hắn "bâng khuâng" "mơ hồ buồn" "nao nao buồn". Thử tưởng tượng xem một con ma rượu mà cho đến lúc này cũng "sợ rượu như những người ốm thường sợ cơm". Tình yêu khơi dậy trong hắn ý thức về bản thân dù chỉ là "mơ hồ" nhưng hắn cũng hiểu đó là cái buồn của một con người. Hắn cảm thấy xung quanh đang thay đổi, xôn xao, rạo rực. Một tiếng chim vui vẻ, những tiếng cười nói, tiếng mõ đối với hắn như là điều lạ lẫm, hấp dẫn. "Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có". "Chí Phèo chưa bao giờ nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hắn hết say". Và lúc này khi có đến năm ngày không say rượu, hắn lắng nghe thế giới bằng tất cả lòng mình, cảm nhận và tận hưởng như một đứa trẻ mới chập chững biết đi. Thế giới trong mắt hắn là hàng chuỗi những điều kì diệu, mới lạ. Cái ngạc nhiên của Chí lên đến cao độ khi hắn nhận được sự chăm sóc từ thị Nở; bát cháo hành. Hắn ngạc nhiên và "thấy mắt mình ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải dọa nạt hay là giật cướp''. Bát cháo gợi mở trong hắn những tia sáng về sự tốt đẹp. quan tâm, săn sóc của con người trong cuộc sống. Kẻ cùng đinh, liều lĩnh ấy nhận ra một chân lí giản đơn: "Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo ăn rất ngon". Cái nhận thức có vẻ ngây ngô và hiển nhiên ấy là đúc rút đầu tiên của Chí Phèo trong quãng đời bị tha hóa. Phải chăng đó chính là tiền đề cho sự trỗi dậy mạnh mẽ khát vọng làm người trong Chí. Càng tiếp xúc với thế giới một cách tỉnh táo, Chí Phèo càng khám phá ra những điều mới mẻ, tốt đẹp, trong hắn càng đậm thêm cái khái niệm về cuộc sống, Chí nhớ lại quãng đời cũ so sánh giữa ngày đó và bây giờ. "Hắn muốn làm nũng với Thị Nở như với mẹ". Rồi "hắn thấy thèm lương thiện". Cao hơn, Chí muốn làm một người để yêu: "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui". Tâm thế của Chí Phèo được nâng dần lên. Cái buồn hòa quyện đế nâng niềm vui của Chí lên mỗi lúc một cao hơn. Nhà văn đặc biệt chú ý miêu tả những biến thái, dù là rất nhỏ trong tâm trạng nhân vật. Chỉ một phát hiện của Chí Phèo về bát cháo hành cũng đủ để ta nhận ra ham muốn sống của hắn rồi, nó xóa đi những năm tháng khổ đau cũ trong cuộc đời của hắn, lấp đi cái lưu manh, liều lĩnh hàng ngày và mở ra một hi vọng về một thế giới đổi thay tốt đẹp, thế giới của lương thiện. Và cánh cửa lương thiện điều đó không có nghĩa là hắn đã mất đi bản chất lương thiện. Ước mong về một cuộc sống bình dị ngày nào đã trở lại với hắn. Thị Nở đã lôi nó lên giữa một đống hỗn tạp, gai góc và phủ lên tâm hồn Chí một cái nhìn đầy lạc quan.

Nhưng sự xuất hiện của thị Nở như một tia sáng lóe lên rồi lại vụt tắt trong cuộc đời Chí Phèo. Người đàn bà ấy giống như một cách thức để Nam Cao soi rọi ánh sáng lương thiện vào tâm hồn Chí, tái hiện lại những phẩm chất người trong hắn để càng nhấn mạnh hơn bi kịch của hắn. Bởi lẽ Chí "không thể làm người lương thiện được nữa rồi". Thị Nở, chỗ dựa cuối cùng của hắn đã từ bỏ hắn. Hắn thấy mình lâm vào bi kịch của những ngày tháng cũ, những cơn say liên miên, những khung cảnh cướp giật, rạch mặt ăn vạ, những lời chửi bới và nỗi cô đơn đến khủng khiếp. Thị Nở đã không thể cứu vớt hắn, mọi nẻo đường đến với lương thiện đều đóng kín. Thà rằng hắn cứ là một thằng cùng đinh liều lĩnh, tay sai của Bá Kiến, không biết gì về cuộc sống bên ngoài. Thà rằng hắn cứ yên phận mà ngông nghênh giữa làng còn hơn biết đến một tình yêu, một lối sống mới mà không được tận hưởng. Cho nên Chí Phèo "càng uống lại càng tỉnh ra". Cái tỉnh của hắn là cái tỉnh của một người muốn sống mà bất lực với cuộc sống đó. Nỗi bất hạnh của hắn giờ đây còn nặng hơn gấp trăm lần bất hạnh trước đó hắn từng trải qua. Ai sẽ là người cứu vớt hắn khỏi vực sâu của tội lỗi, làm sao hắn có thể xóa được những vết đâm chém trên mặt hắn? Hắn nhận ra một điều hiển nhiên là mọi người không chấp nhận sự tồn tại của hắn nên sẽ không dung nạp lòng tốt của hắn. Cả làng Vũ Đại chỉ biết đến hắn trong vai trò một con quỉ dữ, liệu có ai tin khi hắn muốn trở thành một người bình thường? Xã hội kia, cụ tiên chỉ làng Vũ Đại có dễ dàng dung nạp cho hắn? Trước đây muốn sống được thì phải liều, bây giờ hiền lành chắc chắn không phải là một lối sống có thể giúp hắn tồn tại. Đó là một qui luật tất yếu. Đây mới chính là hiện thân đầy đủ, cao cả nhất, sâu sắc nhất con người đích thực vẫn tiềm ẩn bấy lâu trong Chí. Con người ấy biết suy nghĩ, lựa chọn, đặt ra những tình huống có thể xảy đến với mình khi mọi lối thoát đều đã hết.

Trở lại với những câu nói ở cuối truyện của Chí Phèo, ta thấy đó là biểu hiện cao độ của khát vọng được làm người. "Tao muốn làm người lương thiện" là sự trỗi dậy mạnh mẽ, đánh dấu bước nhận thức mới trong con người Chí. Nếu trước đó hắn chỉ lơ mơ hiểu về cái tốt đẹp khi tỉnh rượu, rồi hiểu thế nào là nghĩa lí cuộc sống khi ăn bát cháo hành của thị Nở thì đây là lúc hắn lên tiếng đòi cái quyền được sống cho mình. Chính vì càng ý thức được khát vọng sống cho nên Chí Phèo cũng hiểu ra "Tao không thể làm người lương thiện nữa rồi". Xã hội ấy không có chỗ đứng cho một kẻ muốn hoàn lương như hắn. Hắn đã ở trong vòng vây của lỗi lầm quá lớn, hắn đã bị xô đẩy vào chốn tối tăm mà ở đó ngay cả sự lương thiện cũng không thể cứu vớt được hắn. Những câu nói tất yếu của Chí Phèo không chỉ là lời khuyến cáo dành cho cụ Bá Kiến, tiên chỉ làng Vũ Đại, mà là lời tố cáo chung dành cho cái xã hội tàn ác, chà đạp quyền sống của con người. Tiếng nói lương thiện không chỉ là khát vọng riêng của cá nhân Chí Phèo, nó còn là tiếng nói cao cả nhất của những người nông dân từng bị áp bức, tước đoạt mọi quyền làm chủ bản thân. Phải chăng đó cũng là tiếng nói vừa phát hiện lại vừa nâng đỡ chất người trong Chí, trong những kẻ tha hóa muốn hoàn lương. Trong lời nói của Chí Phèo ánh lên chất nhân bản của tác phẩm. Dường như kết cục của cuộc đời Chí chính là một lối thoát mà Nam Cao đã dành cho nhân vật này, để ông nâng vai trò con người trong Chí lên một mức độ cao hơn, con người đích thực. Mọi dụng ý nghệ thuật hầu như đều dồn lại ở cái kết cục đó. Chí Phèo chết bởi vì hắn muốn có được sự lương thiện nhưng xã hội, mọi người không cho hắn cơ hội đó. Chí Phèo chết trong sự nhận thức rất rõ về mình, về sự ghẻ lạnh của mọi người đối với hắn, về mơ ước tới một cuộc sống đích thực. Cái chết là sự hối cải cuối cùng mà Chí còn có thể làm được trong cuộc đời đầy rẫy tội lỗi của hắn. Chi tiết này vừa bộc lộ được giá trị hiện thực lại vừa đậm tính nhân bản.

Người ta nói trong mỗi truyện ngắn nhà văn đều chọn cho mình một mục tiêu để vươn tới những yếu tố cần thiết để phục vụ cho mục tiêu đó. Sẽ có những đoạn, những chỗ mà ý định, tâm huyết, của người cầm bút hiện lên rất rõ rệt, có khi thành định nghĩa, quan niệm. Không nêu lên một khái niệm cụ thể về chất nhân bản trong con người, nhưng cái kết của Chí Phèo là một lời khẳng định về khát vọng sống của con người. Mọi chuẩn bị trước đó dường như chỉ để đợi cái giây phút Chí Phèo bật lên tiếng nói căm phẫn, đòi hỏi sự lương thiện. Chủ đề của truyện đến đây được nâng lên thành ý nghĩa nhân đạo cao cả. Chí Phèo đã nói hộ Nam Cao những điều nhà văn muốn nói và muốn mang đến cho mọi người.

Bài tham khảo Mẫu 2

Nam Cao - nhà văn hiện thực, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, với tài năng đặc biệt trong việc phân tích và diễn tả tâm lí nhân vật, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị, viết về các đề tài khác nhau, đặc biệt là những tác phẩm viết về người nông dân. Mỗi tác phẩm của ông viết về người nông dân là một thiên trữ tình đầy xót thương đối với những kiếp người lầm than và là bản tố cáo đanh thép cho giai cấp thống trị, truyện ngắn Chí Phèo là một trong số những tác phẩm như thế. Đọc truyện ngắn Chí Phèo và đặc biệt là qua hai câu nói cuối cùng của Chí sẽ giúp chúng ta thấy rõ chủ đề của tác phẩm.

Chắc hẳn, mỗi chúng ta, những ai đã một lần đọc truyện ngắn Chí Phèo sẽ không khỏi thôi ám ảnh, suy nghĩ về hai câu nói cuối cùng của Chí trước khi xa rời cõi đời. Đó là hai câu nói "Tao muốn làm người lương thiện!" và "Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách...biết không!... Chỉ có một cách là ... cái này! Biết không!...". Đó là câu nói cuối cùng trong cuộc đời của Chí Phèo, thoạt nghe, cứ nghĩ đấy là lời đối thoại của Chí đối với Bá Kiến nhưng càng suy nghĩ, ta càng nhận ra, đó là những lời Chí Phèo tự nói với chính mình, là lời ăn năn, lời giãi bày, lời thú tội, là khao khát của Chí. Nhìn lại toàn bộ tác phẩm cũng như toàn bộ cuộc đời của Chí, bạn đọc sẽ nhận ra, lời ăn năn ấy của Chí chính là chủ đề mà tác giả Nam Cao gửi tới bạn đọc: Con người, dù có những lúc họ rơi vào con đường tối tăm, tội lỗi nhưng ẩn sâu trong con người họ vẫn là bản chất tốt đẹp, là khao khát được sống, được làm người lương thiện. Đồng thời, qua đó, tác giả cũng lên tiếng tố cáo đanh thép xã hội và giai cấp thống trị đã đẩy người nông dân vào con đường tha hóa, không thể quay lại.

"Tao muốn làm người lương thiện!". Câu nói ấy của Chí đã thể hiện cái khát khao cháy bỏng vẫn luôn tồn tại trong Chí, chỉ là bấy lâu nay, giữa con đường dài tha hóa, Chí đã quên mất hai chữ "lương thiện", quên mất đi cái khao khát, cái bản chất tốt đẹp trong con người hắn. Để rồi, cái khát khao lương thiện ấy, đánh thức dậy trong hắn bao ước muốn và có lẽ, đây là lần đầu tiên, Chí cất lên hai tiếng "tao muốn" nhưng nó không còn là ước muốn của vật chất, của dăm ba chén rượu, đồng bạc là mà ước muốn lương thiện. Nhưng thật đau xót biết bao, cái giây phút Chí nhận ra cái khao khát ấy của mình, cũng là lúc Chí hiểu rằng, mình đã mãi mãi không thể có được nó - "Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?". Có lẽ, hơn ai hết, Chí hiểu được rằng, chặng đường đã qua, những gì Chí đã làm thì không ai có thể dung nạp một kẻ như Chí làm lại từ đầu.

Nhìn lại cuộc đời của Chí, người đọc sẽ nhận ra, những câu nói của Chí cũng chính là lời tổng kết cho cuộc đời của hắn. Chí sinh ra không cha, không mẹ, được một người đi nhặt ống lươn mang về nuôi, lớn lên Chí cũng là một người nông dân thật thà, chất phác, hiền lành, đi ở cho nhà Bá Kiến. Nhưng rồi, sau khi bị Bá Kiến đẩy đi tù về, dường như nhà tù đã khiến Chí thay đổi tất cả, từ nhân hình đến nhân tính, từ một người nông dân hiền lành, một lực điền, Chí trở thành một kẻ lưu manh, trở thành "con quỷ dữ của làng Vũ Đại". Chí đắm mình trong những cơn say và lần nữa biến mình trở thành tay sai cho cha con nhà Bá Kiến, chỉ với dăm ba đồng bạc lẻ, Chí trở thành kẻ gian xảo, lừa lọc, chuyên rạch mặt ăn vạ. Với những hành động ấy của Chí đủ để lí giải vì sao, xã hội ấy không thể dung nạp lại Chí thêm lần nữa. Nhưng xét đến cùng, Chí tha hóa cũng bởi sự tàn nhẫn, cửa quyền, vô nhân đạo của giai cấp thống trị mà Bá Kiến là nhân vật điển hình. Đồng thời, cũng bởi chính sự vô tâm của những con người trong xã hội. Và tất cả những điều đó càng khiến Chí cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời và chạy xa dần trên con đường tha hóa.

Và rồi, có lẽ, cuộc đời đã cho Chí thêm một lần được trở làm làm người, để hắn thêm khao khát yêu thương khi Thị Nở xuất hiện cùng bát cháo hành và tình yêu của thị. Chính tình yêu thương của Thị đã giúp Chí được trở lại làm người, để Chí có thể cảm nhận được những âm thanh bình dị, quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày mà trong những cơn say hắn chưa một lần cảm nhận thấy. Thị đến và mang đến bên cuộc đời Chí bao niềm khao khát, để thêm một lần nữa Chí nhớ lại những ngày tháng tuổi trẻ của mình, với niềm khát khao, bình dị như bao người nông dân khác. Nhưng rồi, đến cuối cùng, cái ước ao "hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui" của Chí, cái khao khát được thị yêu thương chăm sóc của Chí đã không thể trở thành hiện thực. Để Thị Nở xuất hiện, đánh thức phần lương thiện trong Chí và để "chuyện tình" giữa Chí và Thị không thành sự thực phải chăng là cách để nhà văn Nam Cao làm rõ hơn cái bi kịch "không thể làm người lương thiện" nữa của Chí.

Và chung quy lại, qua sự phân tích trên, một lần nữa cho ta thấy, hai câu nói cuối cùng của Chí Phèo vừa thể hiện khao khát được làm người lương thiện - "tao muốn làm người lương thiện" nhưng đồng thời, khi ý thức sống, khao khát sống của Chí trỗi dậy, cũng là lúc Chí nhận ra "Tao không thể làm người lương thiện được nữa." bởi Chí đã bị cả xã hội ruồng bỏ, đó cũng chính là lời cảnh tình, phê phán giai cấp cường quyền đã đẩy người nông dân vào con đường tha hóa, cướp đi quyền được sống, được làm người của họ. Đồng thời, qua hai câu nói, cũng cho ta thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn Nam Cao - đó chính là sự phát hiện nâng niu, trân trọng, đồng cảm với những khát khao, với những vẻ đẹp trong tâm hồn con người.

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close