Nghị luận về chủ đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng ViệtI.Mở bài -Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. II.Thân bài
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý chi tiết I.Mở bài -Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. II.Thân bài a. Giải thích - Trong sáng là gì? Sự thuần khiết trong tiếng Việt là gì? - Có những chuẩn mực và quy tắc chung của tiếng Việt. Không pha tạp, hòa nhập nhưng không hòa tan - Sáng tạo phải tuân theo quy luật và đảm bảo văn hóa, lịch sự, đạo đức Việt Nam - Tình yêu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt chính là sự tôn trọng ngôn ngữ mẹ đẻ, sử dụng tiếng việt một cách hợp lý, đúng đắn, không chêm xen quá nhiều ngôn ngữ khác khi giao tiếp, có ý thức giữ gìn và phát huy tiếng việt cũng như quảng bá đến bạn bè trên thế giới. b. Phân tích - Mỗi một quốc gia có một nền văn hóa, một ngôn ngữ khác nhau, là công dân của quốc gia, mỗi người có ý thức giữ gìn, phát huy cũng như truyền bá văn hóa, ngôn ngữ của mình. - Chúng ta cần phải bảo vệ tiếng việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt, không để người khác làm mai một, bão hòa ngôn ngữ riêng của mình với bất kỳ thứ ngôn ngữ nào khác. - Giữ gìn giá trị Tiếng Việt bằng cách thường xuyên sử dụng Tiếng Việt và sử dụng nó một cách chuẩn mực và lịch sự - Tuy nhiên, giữ gìn tiếng mẹ đẻ không có nghĩa là bài trừ những ngôn ngữ khác mà cần sử dụng tiếng nước ngoài sao cho phù hợp, không được lạm dụng quá mức. c. Chứng minh - Lấy dẫn chứng những tác phẩm tiếng việt nổi tiếng hoặc những con người, những hành động cao đẹp bảo vệ, quảng bá tiếng việt ra thế giới,… để làm ví dụ minh họa cho bài làm văn của mình. - Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều trường hợp lạm dụng tiếng nước ngoài vào trong giao tiếp, cũng có những trường hợp sử dụng tiếng việt với mục đích xấu làm mất đi sự trong sáng của tiếng việt,… những hành động này cần ngăn ngừa. III.Kết bài -Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân. Bài tham khảo Mẫu 1 Việt Nam là một đất nước có truyền thống lịch sử rất lâu đời hàng nghìn năm văn hiến. Cùng với các chặng đường phát triển của lịch sử, người Việt Nam đã tạo ra một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Và càng đáng tự hào hơn khi chúng ta có một vốn từ ngữ cho riêng mình. Như nhiều ngôn ngữ trên thế giới, trải qua quá trình gọt giũa tiếng Việt đã đạt được phẩm chất trong sáng, vì thế những yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần phải được quan tâm thực hiện. Thế nhưng hiện nay, một số người đặc biệt là giới trẻ - thanh niên học sinh đã lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài như một thói quen, một lối sống thời thượng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại… Theo dòng cuốn của quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa, xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Vì thế từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Cùng với quá trình phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế thì việc sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) là rất quan trọng và cần thiết. Không ai có thể phủ nhận lợi ích vô cùng to lớn mà tiếng nước ngoài mang lại cho chúng ta. Bởi nó là phương tiện giúp chúng ta có thể hội nhập và phát triển với thế giới. Nhờ nó mà chúng ta dễ dàng trao đổi với người nước ngoài khi họ vào Việt Nam làm việc, kinh doanh,… Tuy nhiên nếu chúng ta sử dụng tiếng nước ngoài không đúng mục đích, không đúng hoàn cảnh thì chắc chắn sẽ gây tổn hại đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Tiếng Việt của chúng ta vốn là một ngôn ngữ vô cùng đa dạng, phong phú. Trong tiếng Việt có rất nhiều cách nói đa thanh, đa nghĩa, chỉ cần trong câu văn đảo trật tự từ hoặc thay đổi cách ngắt nghỉ hay thêm bớt một từ thôi là nghĩa của câu có thể hoàn toàn thay đổi. Tiếng Việt cũng giống như linh hồn của đất nước vậy, nó là bản sắc, là hồn túy của dân tộc. Tiếng Việt chất chứa bề dày lịch sử, nét văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Người Việt sử dụng tiếng Việt mới thẩm thấu được nhiều những lớp ý nghĩa trong cách nói năng của mọi người. Còn Tiếng Việt là còn đất nước. Người Việt sử dụng tiếng Anh ngày càng nhiều và thông thạo. Không những thế tiếng tiếng Hàn, tiếng Trung quốc, tiếng Nhật Bản cũng ngày càng phổ biến. Việc học tiếng nước ngoài và học tiếng Việt dường như tỉ lệ nghịch với nhau. Người Việt thì sử dụng tiếng nước ngoài ngày càng nhiều nhưng sử dụng tiếng Việt thì lại càng biến chất, nghèo nàn. Sự trong sáng trong tiếng Việt là một vấn đề rất rộng mở, bao hàm tất cả những gì liên quan đến việc sử dụng và có ảnh hưởng đến tiếng Việt. Bản chất vốn có của tiếng Việt như thế nào và việc sử dụng đúng bản chất đó ra sao thì đó chính là sự trong sáng của tiếng Việt. Con người chúng ta sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp hàng đầu giữa mọi người với nhau, đối với người Việt ta, sử dụng Tiếng Việt là phương tiện quan trọng nhất, đảm bảo được sự hiệu quả trong giao tiếp và truyền đạt. Một trong những nét trong sáng đầu tiên của tiếng Việt chính ở hệ thống chuẩn mực và quy định về việc sử dụng tiếng Việt, từ việc sử dụng chữ viết, phát âm, từ ngữ, ngữ pháp, cho đến phong cách ngôn ngữ đều có những quy tắc chung. Mỗi chữ viết có cách viết và cách phát âm khác nhau, có thể ghép với nhau theo quy tắc để tạo nên những từ mới. Mỗi câu đều có cấu trúc ngữ pháp nhất định và mang phong cách ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh sử dụng, tất cả điều đó cấu thành sự trong sáng của tiếng Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ của chúng ta, do ông cha ta là người sáng lập nên, gắn liền với bản sắc văn hóa của dân tộc. Vậy làm thế nào chúng ta gìn giữ được tất cả những nét trong sáng trên của tiếng Việt? Trước hết đó là phải tôn trọng tiếng nói, ý thức được tầm quan trọng của việc phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, nếu không nhận thức đúng đắn sẽ dẫn đến những sai lệch trong bảo vệ và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, trong bất cứ hoàn cảnh giao tiếp hay phải sử dụng ngôn ngữ, chúng ta đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, không thể sử dụng một cách tùy tiện, nói năng lung tung. Việc trau dồi vốn tiếng Việt và thường xuyên có ý thức rèn luyện cũng chính là gìn giữ sự trong sáng của tiếng ta. Bởi vậy, chúng ta cần sử dụng lời ăn tiếng nói một cách đúng đắn, không nói năng hàm hồ, dùng từ thô thiển, kích động. Mỗi người Việt Nam phải có ý thức trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong chính hoạt động sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp. Phải rèn luyện năng lực nói và viết theo đúng chuẩn mực, quy tắc ngôn ngữ để đảm bảo sự trong sáng. Lời nói phải vừa đúng, vừa hay, vừa có văn hóa. Có thói quen cẩn trọng, cân nhắc, lựa lời khi sử dụng Tiếng Việt để giao tiếp sao cho lời nói phù hợp với nhân tố giao tiếp để đạt hiệu quả cao nhất. Cần có những hiểu biết cần thiết về các chuẩn mực và nguyên tắc sử dụng tiếng Việt ta. Muốn có hiểu biết cần tích lũy kinh nghiệm từ thực tế giao tiếp, từ sự trau dồi vốn ngôn ngữ qua sách giáo khoa, hoặc qua việc học tập ở nhà trường. Tiếp nhận tiếng nước ngoài đúng cách và có bản lĩnh. Khi nói năng, phải lịch sự, tinh tế, thể hiện văn hóa cao đẹp của người Việt ta trong giao tiếp. Không nói những lời thô tục, mất lịch sự, thiếu văn hóa và mạnh mẽ loại bỏ những lời nói thô tục, lăng nhăng pha tạp, sử dụng không đúng lúc. Phải biết xin lỗi người khác khi làm sai, khi nói nhầm. Phải biết cám ơn người khác. Giao tiếp đúng vai, đúng tâm lý, tuổi tác, đúng chỗ. Biết điều tiết âm thanh khi giao tiếp. Không ngừng sáng tạo, bổ sung vào hệ thống từ ngữ tiếng Việt ta ngày càng phong phú và trong sáng hơn. Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp”. Trải qua thời gian, nó không ngừng được bồi đắp bởi “tiếng nói của quần chúng nhân dân, đầy tình cảm, hình ảnh, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa”. Đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học, văn nghệ mà những nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,… và các nhà văn nhà thơ ngày nay đã nâng lên đến trình độ cao về nghệ thuật, khiến cho nó trở nên trong sáng, đẹp đẽ lạ thường. Chính cái giàu đẹp đó đã làm nên cái chất, giá trị, bản sắc, tinh hoa của Tiếng Việt, kết quả của cả một quá trình và biết bao công sức duỗi mài… Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của chúng ta, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là bảo vệ tiếng Việt, bảo vệ ngôn ngữ của quốc gia chính là bảo vệ tiếng nói của dân tộc, bảo vệ đất nước. Nếu không gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt đồng nghĩa với việc chúng ta dần đánh mất đi ngôn ngữ của chính mình. Chúng ta phải tự hào rằng tiếng Việt chính là thứ tiếng thiêng liêng đẹp đẽ nhất, và nó là nguồn gốc để khai sinh ra đất nước Việt Nam này. Chính vì thế, chúng ta hãy sử dụng tiếng Việt thật đúng ý nghĩa. Và đừng bao giờ đánh mất thứ tiếng đẹp đẽ đó. Bài tham khảo Mẫu 2 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại. Thế nhưng, hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, bên cạnh tiếp thu và Việt hóa được nhiều cái hay, cái đẹp của tiếng nói, chữ viết nước ngoài, thì sự trong sáng của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Đáng quan tâm nhất là sự lai căng tiếng nói, chữ viết của nước ngoài ngày một tăng. Dường như ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, khi nói và viết tiếng Việt thường chen tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong sự phát triển mau lẹ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là tin học và công nghệ thông tin, nhiều thuật ngữ mới ra đời mà chưa có trong tiếng Việt, nên phải dùng những thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài khi nói và viết tiếng Việtnhư Internet, trang web…, song đáng chê trách nhất vẫn là việc dùng chữ viết nước ngoài (chủ yếu là chữ Anh) thay cho chữ Việt vốn đã có sẵn, đủ nghĩa, dễ hiểu, trong sáng như show (biểu diễn), live-show (biểu diễn trực tiếp), nhạc classic (nhạc cổ điển), nhạc country (nhạc đồng quê), nhạc dance (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ)… một cách tự nhiên như thể đó là những từ tiếng Việt mà ai cũng hiểu. Có ý kiến ngụy biện cho rằng hiện tượng này nên khuyến khích vì đấy là một cách học và thực hành tiếng Anh, một công cụ không thể thiếu để hội nhập quốc tế. Nhưng thực ra, muốn thực hành ngoại ngữ, chúng ta hoàn toàn có thể nói, viết hẳn bằng tiếng nước ngoài mà mình học ở các lớp học ngoại ngữ, các lớp đại học dạy bằng tiếng nước ngoài, hoặc tạo cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài ở Việt Nam… Còn khi nói và viết tiếng Việt thì tránh dùng tiếng lai, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Các cụ xưa gọi người sính dùng chữ gốc Hán là người “hay chữ lỏng” và có câu nói “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”. Hồi nước ta còn thuộc Pháp, thói quen dùng chen tiếng Pháp cũng khá phổ biến và được gọi là nói “tiếng lai”. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, phong trào cứu quốc, nâng cao tinh thần dân tộc thôi thúc sinh viên, học sinh từ bỏ cách nói chen tiếng Pháp. Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây thường tự mình nêu gương sáng và thường nhắc nhở mọi người tránh bệnh nói chữ, sính dùng từ gốc Hán khi có thể diễn đạt bằng tiếng Việt. Ví dụ như vì sao báo chí, hay thậm chí cả trong văn bản chính thức của nhà nước, thường dùng cụm từ “người tham gia giao thông” thay cho “người đi đường”? Thực tế, người dân không bao giờ sử dụng từ “tham gia giao thông”. Người ta thường dặn dò nhau “đi đường phải cẩn thận” chứ chẳng ai nói “tham gia giao thông phải cẩn thận” bao giờ! Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo tấm gương Bác Hồ, Nhà nước nên có quy định chặt chẽ và Viện Ngôn ngữ học phải có trách nhiệm đề xuất, xây dựng quy định chuẩn về việc dùng từ tiếng nước ngoài trong các văn bản, nhất là văn bản chính thức của Nhà nước. Các trường học cũng phải chú trọng, đẩy mạnh giáo dục học sinh giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Loại trừ sự lố bịch trong việc dùng tiếng lai cũng là một khía cạnh thể hiện niềm tự hào và tôn trọng ý thức dân tộc trong ngôn ngữ, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài tham khảo Mẫu 3 Tiếng Việt - ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam, là tiếng mẹ đẻ của hơn 85% dân cư, từ khi ra đời tiếng Việt của chúng ta đã mang những bản sắc riêng, vẻ đẹp riêng và trong quá trình con người sử dụng đã làm giàu có thêm vốn tiếng Việt. Trước sự phát triển của xã hội và quá trình hội nhập ra thế giới, tiếng Việt cũng cần phải đổi mới hơn, đa dạng và phong phú hơn đáp ứng yêu cầu của thời đại, tuy nhiên việc quan trọng hàng đầu chính là dù trong hoàn cảnh nào của xã hội cũng phải gìn giữ được sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Chúng ta nên hiểu như thế nào là "trong sáng"? Trong sáng chính là sự trong trẻo, sáng rõ, không một chút vẩn đục, trong sáng có nghĩa là ở trạng thái giữ được bản sắc tốt đẹp, không có hiện tượng pha tạp, tạp nham, hoàn toàn lành mạnh. Sự trong sáng trong tiếng Việt là một vấn đề rất rộng mở, bao hàm tất cả những gì liên quan đến việc sử dụng và có ảnh hưởng đến tiếng Việt. Bản chất vốn có của tiếng Việt như thế nào và việc sử dụng đúng bản chất đó ra sao thì đó chính là sự trong sáng của tiếng Việt. Con người chúng ta sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp hàng đầu giữa mọi người với nhau, đối với người Việt ta, sử dụng tiếng Việt là phương tiện quan trọng nhất, đảm bảo được sự hiệu quả trong giao tiếp và truyền đạt. Một trong những nét trong sáng đầu tiên của tiếng Việt chính ở hệ thống chuẩn mực và quy định về việc sử dụng tiếng Việt, từ việc sử dụng chữ viết, phát âm, từ ngữ, ngữ pháp, cho đến phong cách ngôn ngữ đều có những quy tắc chung. Mỗi chữ viết có cách viết và cách phát âm khác nhau, có thể ghép với nhau theo quy tắc để tạo nên những từ mới. Mỗi câu đều có cấu trúc ngữ pháp nhất định và mang phong cách ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh sử dụng, tất cả điều đó cấu thành sự trong sáng của tiếng Việt. Thứ hai, tiếng Việt là ngôn ngữ của chúng ta, do ông cha ta là người sáng lập nên, gắn liền với bản sắc văn hóa của dân tộc, sự trong sáng trong tiếng Việt chính là không có sự pha tạp, việc sử dụng hay mượn từ của nước ngoài phải có chọn lọc, phải phù hợp và có chừng mực, không lạm dụng các từ nước ngoài, tuy nhiên ở trong mỗi hoàn cảnh phải biết dung nạp những yếu tố tích cực để làm giàu, đa dạng hơn vốn tiếng Việt. Thứ ba, việc sử dụng ngôn ngữ chính là đang sáng tạo ngôn ngữ, tiếng Việt trong quá trình sử dụng được con người sáng tạo với muôn màu muôn vẻ khác nhau, tuy nhiên sự sáng tạo đó phải nằm trong quy củ, phải tuân theo những quy tắc chung, đảm bảo tính chuẩn mực và hệ thống của tiếng Việt. Không thể sáng tạo một cách nhố nhăng, vô tổ chức, cái sáng tạo phải hướng đến đóng góp cho sự bền vững và phát triển của tiếng Việt. Ngôn ngữ nào cũng vì một mục đích chung đó là giao tiếp trong xã hội loài người, chính vì vậy, nó phải đảm bảo những chuẩn mực đạo đức chung của con người. Đối với tiếng Việt, tính lịch sự, văn minh chính là một trong những nét trong sáng của thứ ngôn ngữ này. Trong xã hội có bao nhiêu lứa tuổi, bao nhiêu thành phần, tầng lớp và phân chia vai vế thì ứng với đó là có bấy nhiêu cách xưng hô phù hợp. Sự phù hợp trong cách xưng hô không chỉ để nhận dạng mà còn đảm bảo tính nhân văn, tình cảm giữa con người. Ví như xưng hô với ông bà bằng cháu, xưng hô với bố mẹ bằng con, xưng hô với anh chị bằng em và xưng hô với bạn bè bằng cậu/ tớ. Không chỉ riêng trong cách xưng hô mà toàn bộ việc sử dụng tiếng Việt cũng phải đảm bảo lịch sự, có văn hóa, thể hiện ở cách điều chế cảm xúc, biết khiêm nhường, lễ độ và nói năng từ tốn, đặc biệt là biết nói lời xin lỗi, cảm ơn. Vậy làm thế nào chúng ta gìn giữ được tất cả những nét trong sáng trên của tiếng Việt? Trước hết đó là phải tôn trọng tiếng nói, ý thức được tầm quan trọng của việc phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, nếu không nhận thức đúng đắn sẽ dẫn đến những sai lệch trong bảo vệ và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, trong bất cứ hoàn cảnh giao tiếp hay phải sử dụng ngôn ngữ, chúng ta đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, không thể sử dụng một cách tùy tiện, nói năng lung tung. Việc trau dồi vốn tiếng Việt và thường xuyên có ý thức rèn luyện cũng chính là gìn giữ sự trong sáng của tiếng ta. Bởi vậy, chúng ta cần sử dụng lời ăn tiếng nói một cách đúng đắn, không nói năng hàm hồ, dùng từ thô thiển, kích động. Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của chúng ta, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là bảo vệ tiếng Việt, bảo vệ ngôn ngữ của quốc gia chính là bảo vệ tiếng nói của dân tộc, bảo vệ đất nước. Nếu không gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt đồng nghĩa với việc chúng ta dần đánh mất đi ngôn ngữ của chính mình, ngay cả tiếng nói của dân tộc cũng không gìn giữ được thì sẽ chẳng có gì đảm bảo chúng ta có thể bảo vệ đất nước trước những thế lực thù địch đang nhăm nhe.
|