Đề thi vào 10 môn Văn Vĩnh Long năm 2020

Tải về

Đọc đoạn trích:

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 9 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Con trai của mẹ, con đã bao giờ nhìn thấy sự cầu cứu dâng lên trong ánh mắt của những bệnh nhân và gia đình họ chưa? Họ đã luôn nhìn mẹ như vậy để mong chờ được cứu sống. Vì vậy mà hơn ai hết, mẹ hiểu được nỗi đau và sự tra tấn họ đang phải chịu đựng…

Mẹ yêu con toứ 100% nhưng thời gian mà mẹ dành cho con không thể là 100% được. Dù biết sự nguy hiểm trong công việc này, nhưng mẹ luôn cảm nhận được sự mất mát đáng sợ mà dịch bệnh để lại, vì thế mà mẹ mong muốn cả cuộc đời mẹ là loại bỏ những điều đó.

Xin lỗi con trai, hãy nghĩ rằng cuộc chia ly ngắn ngủi của ta sẽ làm nên tiếng cười hàng triệu gia đình con nhé. Đây là điều mà trách nhiệm của những người bác sĩ như mẹ nên làm. Khi dịch bệnh qua đi, mẹ hứa sẽ ở bên con nhiều nhất có thể, con hiểu ý mẹ mà, phải không?

 (Trích Bức thư của nữ bác sĩ gửi con trai từ bệnh viện Vũ Hán gây bão mạng, www.vietnam.net,01/02/2020)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 2: Vị bác sĩ đã cảm nhận được niềm tha thiết sống của bệnh nahan qua đâu?

Câu 3: Em hiểu như thế nào về ý nghĩa câu: “Mẹ yêu con tới 100% nhưng thời gian mà mẹ dành cho con không thể là 100% được”?

Câu 4:

a. Nêu yêu cầu của phương châm hội thoại lịch sự. Chỉ ra câu văn trong văn bản tuân thủ phương châm lịch sự.

b. Trong vai trò người con, em hãy đặt 01 câu tuân thủ phương châm lịch sự thể hiện nhận thức tích cực của bản thân đối với cách ứng xử của mẹ.

 

II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

       Viết đoạn văn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về vấn đề: Cho đi cũng là hạnh phúc

Câu 2: (5,0 điểm)

Phân tích đoạn trích sai, trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều) – Nguyễn Du

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trong mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD 2010, tr.94)

Liên hệ hai câu thơ đặc tả vẻ đẹp Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều và nhận xét ngắn gọn tư tưởng nhân đạo của tác giả.

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1:

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 2:

Vị bác sĩ đã cảm nhận được niềm tha thiết sống của bệnh nahan qua đâu?

Phương pháp: Căn cứ nội dung đoạn trích và tìm ý

Cách giải:

Vị bác sĩ đã cảm nhận được niềm thiết tha sống của bệnh nhân qua ánh mắt của bệnh nhân và gia đình họ.

Câu 3:

Em hiểu như thế nào về ý nghĩa câu: “Mẹ yêu con tới 100% nhưng thời gian mà mẹ dành cho con không thể là 100% được”?

Phương pháp: Căn cứ vào nội dung đoạn trích và tìm ý

Cách giải:

Ý nghĩa: Tình yêu thương của mẹ cha dành cho con là vô bờ bến, nhưng không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể luôn ở bên cạnh chúng ta để chăm sóc, yêu thương, chỉ bảo, … Cha mẹ còn có công việc riêng của mình, những mối quan hệ khác trong cuộc sống…Vì vậy, ngay cả khi không có cha mẹ ở bên cạnh, con hãy tự học cách chăm sóc và yêu thương bản thân mình.

Câu 4:

a. Nêu yêu cầu của phương châm hội thoại lịch sự. Chỉ ra câu văn trong văn bản tuân thủ phương châm lịch sự.

b. Trong vai trò người con, em hãy đặt 01 câu tuân thủ phương châm lịch sự thể hiện nhận thức tích cực của bản thân đối với cách ứng xử của mẹ.

Phương pháp: Căn cứ vào bài học “Các phương châm hội thoại”

Cách giải:

a.

- Yêu cầu của phương châm hội thoại lịch sự: Khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng người khác.

- Câu văn trong văn bản tuân thủ phương châm lịch sự: “Xin lỗi con trai, hãy nghĩ rằng cuộc chia li ngắn ngủi của ta sẽ làm nên tiếng cười của hàng triệu gia đình con nhé.”

b.

Ví dụ:

- Xin mẹ hãy yên tâm và đừng lo lắng nhiều cho con, con hiểu được công việc của mẹ đang làm cao cả biết chừng nào.

- Cảm ơn mẹ và các bác sĩ đà giành lại sự sống cho bao người!

Phần II

Câu 1.

Viết đoạn văn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về vấn đề: Cho đi cũng là hạnh phúc

Phương pháp: phân tích, lí giải

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: giới thiệu câu nói “Cho đi cũng là hạnh phúc”. Đây là câu nói sâu sắc mang ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống mỗi con người.

2. Giải thích vấn đề

- Cho: Ban tặng, sẻ chia, chuyển những thứ thuộc quyền sở hữu của mình sang cho người khác mà không đổi lấy thứ gì.

- “Cho đi cũng là hạnh phúc”: cho đi không phải là mất mát, mà khi đem lòng tốt chia sẻ đến muôn nơi thì chính ta cũng nhận lại được hạnh phúc.

=> “Cho đi cũng là hạnh phúc” là câu nói đúng đắn, mang giá trị lớn và là yếu tố quan trọng để đưa con người gần nhau hơn.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề

- Biểu hiện của sự cho đi:

+ Cho đi những thứ vật chất, tiền bạc thông qua các hành động từ thiện, quyên góp ủng hộ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.

+ Đó cũng có thể là những hành động giúp đỡ, chia sẻ nỗi buồn, nỗi mất mát với những người xung quanh mình.

+ Cho và cảm thấy hạnh phúc là hành động xuất phát từ tình yêu thương giữa con người với con người.

+ Đó là hành động hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi cá nhân.

+ Khi chúng ta cho đi cũng là lúc chúng ta được nhận lại. Điều chúng ta nhận lại có thể là một lời cảm ơn chân thành, một nụ cười, một cử chỉ ấm áp khiến chúng ta vui lòng, hạnh phúc.

-  Ý nghĩa của sự cho đi, sẻ chia:

+ Cho đi và sẻ chia gắn kết con người lại với nhau nhiều hơn.

+ Giúp chúng ta biết yêu thương đồng loại, sống nhân ái, vị tha hơn.

+ Những người biết cho đi sẽ được mọi người quý mến, đó cũng là khi nhận lại được hạnh phúc.

=> Có câu nói “Bàn tay trao tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm” để chỉ mỗi người cho đi sẽ tạo nên nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống, và người đầu tiên cảm thấy hạnh phúc chính là người đã tạo ra hạnh phúc cho người khác.

- Phê phán những người có lối sống ích kỉ, chỉ muốn nghĩ đến lợi ích cho mình.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Nhận thức được cho đi là điều tốt đẹp của cuộc sống.

+ Sống tốt đẹp, biết sẻ chia, cho đi là chính bạn đã nhận lại được hạnh phúc.

4. Liên hệ bản thân và tổng kết

Câu 2.

Phân tích đoạn trích sai, trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều) – Nguyễn Du

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trong mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD 2010, tr.94)

Liên hệ hai câu thơ đặc tả vẻ đẹp Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều và nhận xét ngắn gọn tư tưởng nhân đạo của tác giả.

Phương pháp: phân tích, cảm nhận, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

- Tác giả: Nguyễn Du (1765 – 1820), quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một nhà thơ vĩ đại của nền văn học Việt Nam.

- Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học Việt Nam, tác phẩm còn có tên gọi khác là “Đoạn trường tân thanh”, được viết dựa trên cốt truyện của “Kim Vân Kiều truyện” nhưng sự sáng tạo về nội dung và nghệ thuật là rất lớn. Tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhận đạo cao dẹp và có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc.

- Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trích trong phần hai: Gia biến và lưu lạc. Nổi bật trong đoạn trích là 8 câu thơ nói về nỗi nhớ thương Kim Trọng và cha mẹ của Thúy Kiều.

 2. Phân tích, cảm nhận

Phân tích 8 câu thơ và liên hệ 2 câu thơ về vẻ đẹp Thúy Kiều để thấy được những đặc sắc nội dung và nghệ thuật:

a. Nỗi nhớ của Kiều đối với Kim Trọng

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

- Chữ “tưởng”: hồi tưởng, nhớ lại

- Nhớ lại đêm thề nguyền dưới trăng: “chén đồng” – chén rượu thề nguyền, đồng lòng, đồng dạ mà Thúy Kiều và Kim Trọng đã uống dưới ánh trăng.

- Nhớ về Kim Trọng nên đau đớn hình dung ở Liêu Dương cách trở, xa xôi, chàng không hề hay biết Kiều đã bán mình chuộc cha mà vẫn đang mong chờ tin tức và Kiều cảm thấy có lỗi:

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

+ Động từ “gột rửa”: diễn tả tấm lòng thủy chung, mối tình đầu đẹp đẽ không thể gột rửa được.

⇒ Nỗi nhớ người yêu da diết, khắc khoải trong lòng người thiếu nữ trong cảnh chia xa.

b. Nỗi nhớ cha mẹ

- Nếu nhớ đến Kim Trọng, Kiều “tưởng” thì nhớ đến cha mẹ nàng lại “xót”.

- Kiều xót khi cha mẹ già yếu mà ngày ngày vẫn tựa cửa ngóng tin con.

- Thành ngữ “Quạt nồng ấp lạnh” và điển tích “Sân Lai”: nói lên tấm lòng hiếu thảo của Kiều.

- Nhớ về cha mẹ, Kiều tưởng tượng ra cảnh giờ đây quê nhà đã đổi thay, cha mẹ không ai chăm sóc, đỡ đần lúc về già.

- Cụm từ “cách mấy nắng mưa”: vừa nói về thời gian xa cách qua bao mùa mưa nắng vừa nói lên sự tàn phá của tự nhiên, của nắng mưa đối với con người và cảnh vật.

- Nhớ về cha mẹ, Kiều luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục “Nhớ ơn chín chữ cao sâu”.

⇒ Kiều là một con người hiếu thảo, thủy chung, vị tha, luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình.

- Lí giải: Kiều nhớ đến người yêu trước và nhớ cha mẹ sau:

+ Khi đặt chung giữa hai chữ tình và hiếu, Kiều đã tạm yên với chữ hiếu bởi khi bán mình chuộc cha, Kiều đã phần nào đền đáp được công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Còn với Kim Trọng, trước khi về Liêu Dương chịu tang chú, chàng đã kỳ vọng rất nhiều vào Kiều. Nhưng giờ đây, Kiều đã đi xa, không biết tới ngày về để tương phùng chuyện đôi lứa, nàng chưa trọn vẹn chữ tình với chàng Kim.

+ Tình yêu đầu đời của chàng Kim là mối tình mãnh liệt, luôn đau đáu trong lòng Kiều. Còn tình cảm gia đình là tình cảm bền vững, lắng sâu. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật tâm lí.

⇒ Thể hiện sự tinh tế trong ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Du. Kiều hiện lên là một người con gái thủy chung, nhân hậu, hiếu thảo và đầy nghĩa tình.

c. Hai câu thơ đặc tả vẻ đẹp Thúy Kiều

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

- Liên hệ: Thúy Kiều không những đẹp về cả tài lẫn sắc mà nàng còn tuyệt vời bởi vẻ đẹp tâm hồn. Có thể nói, Kiều là một cô gái hoàn hảo cả về sắc đẹp, tài năng lẫn tâm hồn.

- Người con gái như nàng hơn ai hết xứng đáng có cuộc sống hạnh phúc, êm đềm nhưng lại phải gánh chịu những đau thương bất hạnh. Đây chính là bản án tố cáo gay gắt mà Nguyễn Du dành cho thời đại phong kiến lúc bấy giờ.

- Nhận xét về tư tưởng của Nguyễn Du: Đoạn trích cũng như toàn bộ tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Tác giả không chỉ ngợi ca vẻ đẹp của nhân vật mà còn bày tỏ sự thương cảm cho số phận của nhân vật.

3. Tổng kết vấn đề

Tổng kết về nội dung và nghệ thuật:

    - Nội dung: Đoạn trích thể hiện nỗi nhớ người yêu, nhớ cha mẹ và sự lo lắng cho số phận lênh đênh của Kiều. Tấm lòng ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp phẩm chất của con người, đặc biệt là người phụ nữ

⇒ Đây là biểu hiện cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

- Nghệ thuật: ngôn ngữ độc thoại nội tâm, hình ảnh, từ ngữ tinh tế, tả cảnh ngụ tình

Tải về

Tham Gia Group 2K9 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close