Đề thi vào 10 môn Văn Hải Dương năm 2023Tải vềHành tinh thứ năm lạ lẫm hết sức. Đó là hành tinh bé nhất trong tất cả. Nơi đó chỉ vừa đủ chỗ cho một cột đèn đường và một người thắp đèn Đề bài I. PHẦN ĐỌC - HIỂU. Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau: Hành tinh thứ năm lạ lẫm hết sức. Đó là hành tinh bé nhất trong tất cả. Nơi đó chỉ vừa đủ chỗ cho một cột đèn đường và một người thắp đèn. Hoàng tử bé không sao hiểu được tác dụng của một cột đèn đường và một người thắp đèn trên một hành tinh không có nhà cửa và cũng chẳng có dân cư ở đâu đó trên bầu trời. Song le, cậu vẫn thầm nhủ trong lòng: “Có thể là người này rất kì quặc. Nhưng ông ta không kì quặc bằng ông vua, hay ông hợm hĩnh, hay ông nhà buôn, hay ông nát rượu. Bởi ít ra công việc của ông ấy còn có một ý nghĩa nào đó. Khi ông ấy thắp đèn lên thì cũng như thể là ông ấy khai sinh thêm một vì sao, một bông hoa. Khi ông ấy tắt đèn đi thì đó là để bông hoa hoặc vì sao đi ngủ. Đấy là một công việc rất chi đẹp đẽ. Và vì việc đó đẹp đẽ nên cũng rất mực có ích. (Trích Hoàng tử bé, Antoine De Saint - Exupéry, NXB Hội Nhà Văn, 2017, trang 53) Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Câu 2 (0,5 điểm). Theo đoạn trích, vì sao Hành tinh thứ năm lạ lẫm hết sức? Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu ý nghĩa của một biện pháp tu từ trong những câu văn sau:“Có thể là người này rất kì quặc. Nhưng ông ta không kì quặc bằng ống vua, hay ông hợm hĩnh, hay ông nhà buôn, hay ông nát rượu. Câu 4 (1,0 điểm). Em có đồng tình với suy nghĩ của Hoàng tử bé khi cậu cho rằng công việc của người thắp đèn là một công việc rất chi đẹp đẽ không? Vì sao? II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1. Trong bài thơ Sớm mai con vào lớp ba, nhà thơ Y Phương đã viết lời người cha khuyên con như sau: “Đừng cãi nhau đừng đánh nhau nghe con” Bằng hiểu biết của cá nhẫn mình, em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ vì sao chúng ta không nên cãi nhau, đánh nhau? Câu 2. Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau, từ đó làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người lao động: Mặt trời xuống biển như hòn lửa. Sóng đã cài then, đêm sập cửa. Đoàn thuyền đánh cả lại ra khơi, Câu hát căng buồm cùng gió khơi. (...) Câu hát căng buồm với gió khơi, Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời. Mặt trời đội biển nhô màu mới, Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi. (Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ văn 9, Tập một, NXBGD Việt Nam, 2017, trang 139, 140) Phương pháp giải - Xem chi tiết I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Câu 1 (0.5 điểm): Phương pháp: Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học. Cách giải: Phương thức biểu đạt tự sự Câu 2 (0.5 điểm): Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý. Cách giải: Theo đoạn trích, Hành tinh thứ năm lạ lẫm hết sức vì đó là hành tinh bé nhất trong tất cả, nơi đó chỉ vừa đủ chỗ cho một cột đèn đường và một người thắp đèn. Câu 3 (0.5 điểm): Phương pháp: Căn cứ bài liệt kê, phân tích. Cách giải: - Biện pháp tu từ: liệt kê (hay ông hợm hĩnh, hay ông nhà buôn, hay ông nát rượu) - Tác dụng: Nhấn mạnh điều mà người nói muốn khẳng định: “ông ta không kì quặc”, đồng thời đưa ra dẫn chứng chứng minh lời nói của mình là đúng. Câu 4 (0.5 điểm): Phương pháp: Phân tích, lí giải. Cách giải: - Em đồng tình với suy nghĩ của Hoàng tử bé vì: + Công việc của người thắp đèn là công việc làm đẹp cho đời, đem ánh sáng đến cho hành tinh tối tăm không chút ánh sáng, cũng là đem lại niềm hy vọng, ấm áp đến cho hành tinh. + “Khi ông ấy thắp đèn lên thì cũng như thể là ông ấy khai sinh thêm một vì sao, một bông hoa”. II. LÀM VĂN (7.0 điểm): Câu 1 (2 điểm): Phương pháp: Phân tích, giải thích, bình luận,… Cách giải: a. Giới thiệu vấn đề: “Vì sao chúng ta không nên cãi nhau, đánh nhau?” b. Giải thích vấn đề: - Cãi nhau, đánh nhau: Là dùng lời lẽ, hành vi bạo lực để chống chế, bác bỏ ý kiến người khác nhằm bảo vệ ý kiến hoặc việc làm của mình. => Đây là hành vi mang tính chất tiêu cực, gây ra hậu quả xấu. c. Bàn luận vấn đề - Nguyên nhân gây ra cãi nhau, đánh nhau: Do khác biệt về lối sống, suy nghĩ, quan điểm. Bản thân không kìm nén được sự giận dữ, không có sự kiên nhẫn trước ý kiến, lập luận của người khác. - Tác hại của cãi nhau, đánh nhau. + Ảnh hưởng xấu đến tâm lý, tinh thần. + Gây hại, gây thương tích đến cơ thể của đối phương và của chính bản thân + Gây rạn nứt các mối quan hệ, phá vỡ sự đoàn kết, yêu thương giữa gia đình, cộng đồng, xã hội. - Biện pháp ngăn chặn hành vi cãi nhau, đánh nhau: + Học thói quen cư xử một cách văn minh, phản biện mang tính chất đóng góp, tích cực. + Suy nghĩ kĩ trước khi hành động. Tôn trọng ý kiến cá nhân, thân thể của mỗi người d. Liên hệ bản thân: Nhận thức được vì sao chúng ta không nên cãi nhau, đánh nhau, cần cố gắng rèn luyện thể lực, nâng cao tinh thần, trau dồi phẩm chất đạo đức… Câu 2 (5.0 điểm): Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: 1. Mở bài - Giới thiệu tác giả: Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. - Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá “viết năm 1958, trong thời gian ông đi thực tế ở Hòn Gai - Quảng Ninh, được in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”. - Giới thiệu khái quát về khổ thơ đầu và cuối của bài thơ. 2. Thân bài a. Khổ 1 - cảnh ra khơi - Thời gian nghệ thuật là một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp. Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then đêm sập cửa. Các hình ảnh mặt trời, sóng, đêm được nhân hóa, cùng hình ảnh so sánh độc đáo ở câu thơ thứ nhất "như hòn lửa" đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, tráng lệ. Ngày đã tắt nhưng không hề ảm đạm. Sự vận động của thời gian được diễn tả qua các động từ "xuống biển”, "cài then", "sập cửa". Những con sóng cài ngang như chiếc then cửa của vũ trụ. Bóng đêm "sập cửa" gợi khoảnh khắc ánh ngày vụt tắt và màn đêm bất ngờ buông xuống, bao trùm lên tất cả. - Lẽ thường, khi ngày tàn, con người sẽ tạm ngừng mọi công việc để trở về nghỉ ngơi bên gia đình nhưng trên biển có một cuộc sống khác khi đó mới bắt đầu... Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi - Chữ “lại” đã gợi ra vòng tuần hoàn trong hoạt động của những người dân biển, gợi nhịp sống thanh bình của quê hương, đất nước. Sau bao năm tháng chiến tranh, con người Việt Nam mới có một cuộc sống lao động bình yên đến thế! - Đoàn thuyền ra khơi với khí thế tươi vui, hào hứng, phấn khởi: "Câu hát căng buồm cùng gió khơi": Sự kết hợp giữa "câu hát" và "gió khơi" đã tạo nên sức mạnh lớn đưa con thuyền mạnh mẽ vượt sóng ra khơi. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong câu thơ cũng tái hiện vẻ đẹp tâm hồn và niềm vui trong lao động của người dân chài. b. Khổ cuối - cảnh trở về - Đoàn thuyền trở về trong khúc hát mê say: Nếu mở đầu bài thơ tác giả dùng chữ "cùng" (Câu hát căng buồm cùng gió khơi) thể hiện sự hài hòa giữa con thuyền và ngọn gió, hứa hẹn chuyến đi biển thuận lợi, bình yên thì đến cuối bài ông viết "Câu hát căng buồm với gió khơi" thể hiện niềm vui phơi phới của những người dân chài khi trở về trên những con thuyền đầy ắp cá. - Đoàn thuyền trở về trong cuộc chạy đua với mặt trời: Hình ảnh nhân hóa "Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời" khiến con thuyền thành một sinh thể sống, gợi khí thế hăm hở, niềm hân hoan đón chào ngày mới của cả thiên nhiên và con người. Đoàn thuyền cũng trở về trong ánh sáng rực rỡ, huy hoàng của buổi bình minh và muôn ngàn mắt cá lấp lánh dưới ánh mặt trời. → Đoạn thơ mang âm hưởng của một bản anh hùng ca lao động, thể hiện niềm vui phơi phới của những con người làm chủ đất trời. c. Cảm nhận chung về hai khổ thơ và vẻ đẹp của người lao động - Cả hai khổ đều thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên biển và con người ở cả hai thời điểm: hoàng hôn và bình minh. Thiên nhiên luôn tươi sáng, kì vĩ, tráng lệ. Con người luôn căng tràn sức sống và niềm say mê lao động. - Cảm hứng bao trùm lên hai khổ là cảm hứng vũ trụ. - Bút pháp thơ khoáng đạt, âm hưởng thơ vừa khoẻ khoắn, sôi nổi lại vừa phơi phới bay bổng; lời thơ dõng dạc, điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng, cách gieo vần có nhiều biến hoá linh hoạt, vấn trắc xen lẫn vần bằng; hình ảnh thơ giàu vẻ đẹp lãng mạn; nhiều biện pháp tu từ đặc sắc (so sánh, nhân hoá); kết cấu đầu cuối tương ứng (lặp lại hình ảnh" mặt trời/ gió khơi/ câu hát"). => Hai khổ thơ cho thấy vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ, làm chủ thiên nhiên của người lao động. d. Liên hệ Thí sinh tự chọn một tác phẩm khác cũng viết về sự gắn bó của con người và biển quê hương để liên hệ với hai khổ thơ trên. Ví dụ: "Quê hương" của Tế Hanh. Có thể liên hệ với thực tế đời sống để thấy được người dân Việt Nam luôn có những hành động thiết thực, cụ thể thể hiện tình yêu, sự gắn bó với biển: chống ô nhiễm biển, bảo vệ cảnh quan biển, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật hướng về biển... → Khẳng định biển quê hương luôn ở trong trái tim của con người Việt Nam. 3. Kết bài Khẳng định sự trưởng thành và đổi mới trong phong cách thơ Huy Cận: từ một “nhà thơ cả vạn lí sầu" nhưng sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã gần gũi, đi sát với thực tế đời sống của nhân dân, ngợi ca cuộc sống mới, con người mới. Lời giải chi tiết
|