Đề số 21 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 21 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề bài

Câu 1: (3.0 điểm) Đọc kĩ những đoạn trích (thơ, văn) sau và trả lời câu hòi:

Trích 1:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi

a. Nhận biết

Khổ thơ trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? (0.5 điểm)

b. Thông hiểu

Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng ở câu thơ: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” (0.75 điểm)

Trích 2: “Hai ông con theo bậc cấp xuống đồi, đến mặt đường nhìn lên, không thấy người con trai đứng đấy nữa. Anh ta đã vào nhà trong. Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to. Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây đã hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”

(Trích, Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD, 2014)

c. Nhận biết

Chỉ ra hai từ láy được sử dụng trong đoạn văn (0.5 điểm)

d. Nhận biết

Câu văn: “Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to” thuộc kiểu câu đơn hay câu ghép? Xác định thành phần chủ ngữ và vị ngữ của câu (1.25 điểm)

Câu 2: (3.0 điểm) Vận dụng cao

Suy ngẫm của em về thông điệp: “Cho yêu thương, nhận hạnh phúc” (Bài làm văn viết không quá một trang giấy thi)

Câu 3: (4.0 điểm) Vận dụng cao

Nỗi oan của nhân vật Vũ Nương trong truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” – Nguyễn Dữ.

Lời giải chi tiết

Câu 1.

a.

Phương pháp: căn cứ bài Đoàn thuyền đánh cá

Cách giải:

- Tác phẩm: Đoàn thuyền đánh cá

- Tác giả: Huy Cận

b.

Phương pháp: căn cứ bài So sánh

Cách giải:

- Nghệ thuật: so sánh (Mặt trời ví với hòn lửa)

- Tác dụng:

+ Khắc họa khung cảnh huy hoàng, tráng lệ vào thời khắc hoàng hôn buông xuống trên biển

+ Nhấn mạnh thời khắc kết thúc một ngày là lúc bắt đầu một buổi lao động mới của người dân trên biển.

c.

Phương pháp: căn cứ bài Từ láy

Cách giải:

- Từ láy: hừng hực, rực rỡ

d.

Phương pháp: căn cứ bài Câu ghép

Cách giải:

- Câu ghép

- Thành phần câu: Ông // xách cái làn trứng, // ôm bó hoa to

                              CN                  VN            CN         VN

Câu 2.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

*Giới thiệu vấn đề

*Giải thích vấn đề

- Yêu thương: tình cảm gắn bó tha thiết và chăm sóc hết lòng.

- Hạnh phúc: trạng thái cảm thấy sung sướng khi đạt được ý nguyện nào đó.

- Cho – nhận là một quá trình trao đổi giữa con người với con người.

ð  Cả câu nói mang ý nghĩa: Nếu ta biết cho đi sự quan tâm, tình yêu thương với người xung quanh thì ta sẽ nhận lại niềm vui, sự mãn nguyện, hạnh phúc.

*Bàn luận, mở rộng vấn đề:

- Tại sao cho yêu thương lại nhận hạnh phúc?

+ Mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội. Xã hội chỉ phát triển tốt đẹp khi con người biết yêu thương, quan tâm lẫn nhau.

+ Khi yêu thương, quan tâm người khác tức là chúng ta đã tạo nên một sợi dây liên kết tình cảm. Nhờ đó quan hệ giữa người với người sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

+ Trao đi yêu thương, con người sẽ được sống trong niềm vui, sự thanh thản,…

+ Khi biết yêu thương, sẻ chia với mọi người, ta cũng sẽ nhận tình yêu thương, sự kính trọng từ những người xung quanh.

- Phê phán những kẻ sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình.

- Liên hệ bản thân.

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:       

-   Nguyễn Dữ (khoảng thế kỉ XVI) quê Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

-   Thời đại: nhà Lê bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền binh, nội chiến liên miên, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

-   Con người:

+ Nổi tiếng học rộng, tài cao.

+ Chỉ làm quan một năm rồi lui về sống ẩn dật ở miền núi Thanh Hóa.

+ Sưu tầm truyện dân gian để sáng tác “Truyền kì Mạn Lục”.

Tác phẩm:

-   Là truyện thứ 16 trong tổng số 20 truyện của “Truyền kì Mạn Lục”

-   Lấy nguồn gốc từ một truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”

Giới thiệu về nỗi oan của Vũ Nương.

2. Phân tích

* Khái quát về những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương:

+ Người vợ thủy chung, yêu thương chồng con.

+ Người con dâu hiếu thảo

+ Người vợ vị tha, bao dung

* Nỗi oan của Vũ Nương

- Vũ Nương bị chồng nghi oan là đã thất tiết với mình.

- Nguyên nhân (của nỗi oan):

+ Do lời nói ngây thơ của bé Đản.

+ Do Trường Sinh vốn đa nghi, hay ghen lại đang buồn vì mẹ mất.

+ Do chiến tranh gây ra 3 năm xa cách, niềm tin vào Vũ Nương ị thử thách, bị lung lay.

+ Có thể do cuộc hôn nhân bất bình đẳng giữa Vũ Nương và Trường Sinh, do xã hội phong kiến trọng nam, khinh nữ cho phép Trường Sinh được đối xử rẻ rúng, tàn tệ với vợ mình.

- Hậu quả (của nỗi oan):

+ Trường Sinh nghi ngờ, gạt đi lời thanh minh của Vũ Nương, mắng nhiếc, đánh đuổi Vũ Nương đi.

+ Cùng đường Vũ Nương nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tận. Đây là phản ứng dữ dội, quyết liệt của Vũ Nương để bảo vệ nhân phẩm nhưng cũng là cho thấy nỗi bất hạnh tột cùng của nàng.

* Nghệ thuật

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo: xoay quanh sự ngộ nhận, hiểu lầm lời nói của bé Đản. Chi tiết cái bóng trở thành điểm mấu chốt của tình huống truyện khiến cốt truyện được thắt nút, mở nút, thay đổi sau khi nó xuất hiện.

- Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc:

+ Dẫn dắt tình huống hợp lí

+ Xây dựng lời thoại của nhân vật, đan xen lời kể của tác giả.

+ Kết hợp hài hòa yếu tố hiện thực và kì ảo.

3. Tổng kết vấn đề

- Phản ánh chân thực số phận bất hạnh của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến qua nhân vật Vũ Nương. Sự độc đoán, gia trưởng của người đàn ông phong kiến đã đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng.

- Tác phẩm cũng là tiếng nói cảm thương cho số phận người phụ nữ. Tố cáo chế đô phong kiến, người đàn ông phong kiến.

 

Nguồn: Sưu tầm

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close