Đề số 69 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 69 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)

      Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

HỌA SĨ TÀI GIỎI NHẤT

      Thuở trước, ở một thành phố nọ, người ta tổ chức cuộc thi họa sĩ tài giỏi nhất. Rất đông họa sĩ đua tài, trưng bày những bức tranh đẹp của mình cho một ban giám khảo tinh tường phán xét.

       Cuộc thi đi đến hồi kết thì ban giám khảo lúng túng. Trước mắt họ chỉ còn lại hai bức tranh của hai họa sĩ bậc thầy. Ban giám khảo hết nhìn tranh lại thì thào bàn thảo với nhau, cố tìm ra những khiếm khuyết của từng bức để quyết định ai là người tài giỏi nhất. Nhưng dù đã hết sức cố gắng, ban giám khảo vẫn không thấy bức tranh nào có khiếm khuyết gì.

       Có một nhà hiền triết đi ngang qua thấy vậy, nói với ban giám khảo là ông sẽ giúp đỡ họ.

       Nhà hiền triết đến bên hai họa sĩ và nói:

        - Thưa hai ngài, bức tranh của hai ngài rất đẹp, nhưng thú thực là ban giám khảo cũng như tôi không thấy chúng có khiếm khuyết gì. Vì thế xin hai ngài hãy nhìn kỹ lại tranh của mình rồi nói cho tôi biết về những khiếm khuyết của chúng.

       Sau một hồi lâu nhìn ngắm tranh của mình, vị họa sĩ thứ nhất thẳng thắn trả lời:

       - Thưa tiên sinh, ngắm đi ngắm lại bức tranh của mình tôi vẫn không thấy nó bị khuyết thiếu gì.

        Vị họa sĩ thứ hai đứng im.

         - Chắc ngài cũng thấy bức tranh của mình có khiếm khuyết? – nhà hiền triết hỏi:

         - Thưa không phải, chỉ là tôi đang không biết nên bắt đầu từ khiếm khuyết nào – vị họa sĩ bối rối trả lời trung thực.

         - Ngài đã thắng cuộc thi – nhà hiền triết mỉm cười nói.

         - Mọi người ồ lên:

         - Sao thế được? Giải thưởng trao cho người thấy tranh của mình còn nhiều khiếm khuyết là sao?

          Nhà hiền triết giải thích:

         - …

(Theo pritchi.in, Ngân Xuyên dịch)

Câu 1: (1.0 điểm) Nhận biết

       Xác định thể loại và phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: (1.0 điểm) Vận dụng

     Trong văn bản trên, em hãy:

a. Tìm một câu có lời dẫn gián tiếp và chuyển thành câu có lời dẫn trực tiếp.

b. Tìm một câu có lời dẫn trực tiếp và chuyển thành câu có lời dẫn gián tiếp.

Câu 3: (1.0 điểm) Vận dụng

    Em hãy sáng tạo lời giải thích của nhà hiền triết để hoàn chỉnh văn bản trên.

II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)

Câu 1: (2.0 điểm) Vận dụng cao

       Viết một bài văn ngắn khoảng một trang giấy thi, trình bày suy nghĩ về vấn đề được gợi ra trong lời giải thích của nhà hiền triết mà em sáng tạo ở câu 3 phần Đọc hiểu.

Câu 2: (5.0 điểm) Vận dụng cao

Trong thơ ca Việt Nam có nhiều bức tranh thiên nhiên đẹp được vẽ bằng ngôn từ.

Có vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Có vẻ đẹp nên thơ, lặng lẽ:

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

(Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận)

Có vẻ đẹp sáng trong, bình dị:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

(Sang thu – Hữu Thỉnh)

      Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn và tài năng của mỗi thi nhân được biểu hiện qua những bức tranh thiên nhiên trong các câu thơ trên.

Lời giải chi tiết

I.Đọc hiểu

Câu 1.

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

- Đoạn văn bản trên thuộc thể loại truyện ngắn

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

Câu 2.

Phương pháp: căn cứ bài Lời dẫn trực tiếp, lời dẫn gián tiếp

Cách giải:

a. Câu có lời dẫn gián tiếp: Có một nhà hiền triết đi ngang qua thấy vậy, nói với ban giám khảo là ông sẽ giúp đỡ họ.

-> Chuyển thành câu có lời dẫn trực tiếp: Có nhà hiền triết đi ngang qua thấy vậy, bèn nói với ban giám khảo:

- Tôi sẽ giúp các vị tìm ra người chiến thắng.

b. Câu có lời dẫn trực tiếp: - Chắc ngài cũng thấy bức tranh của mình có khiếm khuyết? – nhà hiền triết hỏi:

-> Chuyển thành câu có lời dẫn gián tiếp: Nhà hiền triết quay sang hỏi người họa sĩ thứ hai xem có thấy khuyết điểm nào không.

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Học sinh có thể tự sáng tạo ra câu trả lời của nhà hiền triết.

- Trong câu trả lời của học sinh phải nêu được ý: người thấy mình không có khuyết điểm là người không làm gì, tự mãn với những gì mình có. Chỉ có những người nhận ra khuyết điểm của mình, biết sửa chữa nó mới là những người thành công, tài năng thật sự.

- Ví dụ: Chỉ có hai loại người không có khuyết điểm, đó là những người chưa sinh ra và những người đã chết. Người không có khuyết điểm là người không làm được gì.

II. Làm văn

Câu 1.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về hình thức

- Bài văn một trang giấy thi.

- Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu về nội dung:

1. Giải thích: Vị hiền triết chọn người họa sĩ thứ hai là người chiến thắng vì người nghệ sĩ ấy biết nhận ra những khiếm khuyết của mình -> Vấn đề nghị luận: biết nhận ra những yếu điểm của mình để tự khắc phục, nâng cao khả năng của bản thân.

2. Bàn luận – phân tích

a. Vì sao nhận ra khuyết điểm của bản thân lại quan trọng?

- Con người không có ai là hoàn hảo, nhận ra khuyết điểm của mình là có ý thức về bản thân, biết làm gì để khắc phục những khiếm khuyết đó.

- Chỉ khi nhận ra được khuyết điểm của bản thân, chúng ta mới có ý chí vươn lên, vượt qua những vết xe đổ đó.

- Con người ta lớn lên từ những thất bại chứ không phải từ con đường trải đầy hoa hồng của thành công.

b. Biểu hiện: những người ưu tú nhất là những người biết nhận ra khiếm khuyết của mình và sửa chữa nó.

- Mỗi người có một hạn chế riêng, ngay cả trong lĩnh vực tâm đắc nhất của bản thân vẫn có những điểm chưa thật hài lòng.

- Nhận ra và sửa chữa những thiếu sót đó là quá trình chúng ta nhận thức thêm nhiều điều mới mẻ, tích lũy cho mình những kinh nghiệm mới, tự phát triển và hoàn thiện bản thân.

- Khi không thấy bản thân có khuyết điểm gì, nghĩa là không có ý thức tự phản vấn, không thấy con đường phát triển ở bậc cao hơn.

(Có dẫn chứng chứng minh)

c. Mở rộng – nâng cao

- Tự nhận ra khuyết điểm của mình để sửa chữa là điều tốt nhưng không phải lúc nào mình cũng thiếu sót. Có những điều bản thân thực sự đạt đến mức độ tuyệt đối, phải tự tin vào bản thân mình để không bỏ lỡ những cơ hội quý giá.

3. Bài học hành động và liên hệ bản thân

- Em nhận ra những khiếm khuyết nào của bản thân.

- Em khắc phục nó ra sao?

Câu 2.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung

- Trong thơ ca Việt Nam có nhiều bức tranh thiên nhiên đẹp được vẽ bằng ngôn từ.

- Tâm hồn và tài năng của mỗi thi nhân được biểu hiện qua những bức tranh thiên nhiên những câu thơ thuộc các đoạn trích Cảnh ngày xuân, Đoàn thuyền đánh cá, Sang thu.

2. Thân bài

a. Giống nhau

- Thiên nhiên được cảm nhận qua tâm hồn thi nhân và được thể hiện qua bút pháp nghệ thuật độc đáo.

- Qua thiên nhiên gửi gắm những tình cảm, tư tưởng của tác giả.

b. Khác nhau

Cảnh ngày xuân – Nguyễn Du: vẻ đẹp thiên nhiên tinh khôi, thanh khiết

- Hình ảnh “cỏ non…”:

+ Tái hiện một không gian tràn đầy sắc xanh non của cỏ mùa xuân.

+ Gợi: sự tươi non và sức sống dat dào của mùa xuân.

- Hình ảnh “cành lê”:

+ Đảo ngữ “trắng điểm” -> tô đậm sắc trắng của đóa hoa lê.

+“điểm”: gợi ấn tượng về sự thanh thoát của hoa.

- Màu sắc:

+ Sắc xanh của cỏ.

+ Màu trắng của hoa

=> Bức tranh thiên nhiên với vẻ đẹp hài hòa, gợi một không gian trong trẻo, tinh khôi, tràn trề nhựa sống.

=> Với bút pháp chấm phá tài tình, tác giả đã rất thành công khi phác họa mọt bức tranh mùa xuân khoáng đạt, tươi đẹp => Thế giới tâm hồn tràn đầy niềm tươi vui, phấn chấn và có chút tiếc nuối của chị em Thúy Kiều.

Vẻ đẹp nên thơ, lặng lẽ trong khổ thơ thứ 4 Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận

- Liệt kê: “cá nhụ”, “cá chim”…:

+ Là những loài cá quý giá nhất -> sự hào phóng của biển cả.

+ Tô đậm ấn tượng về một vùng biển giàu có với sản vật phong phú.

- Hình ảnh miêu tả: “cá song…đuốc đen hồng”:

+ Tả thực cá song dài có những chấm nhỏ màu đen hồng.

+ Liên tưởng đến ngọn đuốc làm sáng cả biển đêm.

- Đại từ “em” -> nhân hóa câu thơ:

+ Cá không phải là đối tượng để đánh bắt mà là đối tượng để chinh phục.

+ Gợi hành trình chinh phục tự nhiên của con người.

- Nhân hóa: “đêm thở”, “sao lùa” -> Vẻ đẹp của đêm trăng trên biển. Ánh trăng sao lồng vào sóng nước nên khi cá quẫy ta có cảm giác không phải mặt nước đang xao động mà là màn đêm đang thở.

=> Với thể thơ 7 chữ trang trọng cùng các biện pháp tu từ, tác giả khắc họa bức tranh thiên nhiên biển khơi vừa giàu vừa đẹp. Đó là bức tranh biển khơi của đất nước nên thơ, lặng lẽ, đẹp vô ngần.

Vẻ đẹp sáng trong, bình dị trong hai câu thơ đầu bài thơ Sang thu – Hữu Thỉnh

Mùa thu trong thơ trung đại thường được nhận ra bằng một lá vàng rơi. Đến văn học đầu thế kỉ XX Bích Khê cũng có “Ô hay buồn vương cây ngô đồng – Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông”. Chỉ đến Hữu Thỉnh, mùa thu mới được nhận ra bằng dấu hiệu rất bình dị của đồng nội quê hương.

- “Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cô lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian thơ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ đầy hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.

- “Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.

=> Thể thơ 5 chữ với những chất liệu thơ ca bình dị diễn tả những cảm nhận tinh tế của thiên nhiên vào lúc sung thu.

=> Những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.

3. Tổng kết

- Mỗi thi nhân cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên khác nhau.

- Qua sự cảm nhận thiên nhiên cho thấy lòng yêu nước của mỗi thi sĩ.

 

Nguồn: Sưu tầm

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close