Đề thi vào 10 môn Văn Tiền Giang năm 2023Tải về“Sống chậm không phải là lãng phí thời gian mà là sống một cách “kỹ lưỡng” hơn để có thời gian cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đề bài I. ĐỌC HIỂU “Sống chậm không phải là lãng phí thời gian mà là sống một cách “kỹ lưỡng” hơn để có thời gian cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những điều tốt đẹp đó đôi khi rất đơn giản chỉ là tiếng chim hót trên bầu trời xanh, vẻ đẹp của những giọt sương mai đọng trên những cánh hoa hồng, vẻ đẹp của tia nắng bình minh khi bạn tỉnh giấc,... Đơn giản thế thôi, nó diễn ra hằng ngày và rất quen thuộc với chúng ta nhưng có lẽ vì sự vội vàng của cuộc sống nên chúng ta đã bỏ lỡ và cảm thấy nó thật sự xa lạ. Sống chậm giúp chúng ta cảm nhận về cuộc sống và những người xung quanh chúng ta nhiều hơn. Cuộc sống vội vã đã làm cho con người đánh mất đi những giá trị thiêng liêng của gia đình, của các mối quan hệ xã hội và thậm chí là đánh mất chính mình.” (Nguồn: https://vieclam123.vn/song-cham-b522-amp.html) Câu 1: (0,75 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. Câu 2: (0,75 điểm) Theo đoạn trích, sống chậm giúp ích cho ta điều gì? Câu 3: (1,0 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Những điều tốt đẹp đó đôi khi rất đơn giản chỉ là tiếng chim hót trên bầu trời xanh, vẻ đẹp của những giọt sương mai đọng trên những cánh hoa hồng, vẻ đẹp của tia nắng bình minh khi bạn tỉnh giấc,...”. Câu 4: (0,5 điểm) Anh (chị) có đồng ý với ý kiến trong đoạn trích: “Cuộc sống vội vã đã làm cho con người đánh mất đi những giá trị thiêng liêng của gia đình, của các mối quan hệ xã hội và thậm chí là đánh mất chính mình. ” không? Vì sao? II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1: Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc sống chậm trong cuộc sống. Câu 2: Phân tích đoạn thơ sau đây: “Mùa xuân người cầm súng Lộc giắt đầy trên lưng Mùa xuân người ra đồng Lộc trải dài nương mạ Tất cả như hối hả Tất cả như xôn xao...” (Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải; Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD Việt Nam 2015, trang 56) Lời giải chi tiết I. ĐỌC HIỂU Câu 1: Phương pháp: Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học. Cách giải: - Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận. Câu 2: Phương pháp: Đọc, tìm ý. Cách giải: Theo đoạn trích, sống chậm giúp ta cảm nhận về cuộc sống và những người xung quanh chúng ta nhiều hơn. Câu 3: Phương pháp: Phân tích. Cách giải: - Biện pháp tu từ: Liệt kê (tiếng chim hót trên bầu trời xanh, vẻ đẹp của những giọt sương mai đọng trên những cánh hoa hồng, vẻ đẹp của tia nắng bình minh khi bạn tỉnh giấc,..) - Tác dụng: + Tạo nhịp điệu cho câu văn. + Nhấn mạnh, chứng minh cho nhận định của tác giả “những điều tốt đẹp đôi khi rất đơn giản”. + Từ đó kêu gọi chúng ta cần phải sống chậm lại để cảm nhận và trân trọng những vẻ đẹp giản dị, bình dân ngay xung quanh cuộc sống của chính mình. Câu 4: Phương pháp: Phân tích. Cách giải: Học sinh tự trình bày theo quan điểm cá nhân: đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần, có lý giải phù hợp sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Gợi ý: - Đồng tình. Lý giải: + Cuộc sống vội vã khiến con người mải chạy theo những giá trị ngoài kia mà quên mất những giá trị nhỏ bé luôn tồn tại xung quanh mình. + Cuộc sống vội vã khiến con người dần rời xa các mối quan hệ ý nghĩa rồi dần đánh mất nó. + Cuộc sống vội vã, con người bị cuốn theo những giá trị bên ngoài mà quên mất việc quay về hiểu chính mình. Từ đó rất dễ đánh mất chính bản thân. …. II. LÀM VĂN Câu 1: Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: a. Mở đoạn: Nêu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của việc sống chậm trong cuộc sống. b. Thân đoạn: * Giải thích: - Sống chậm được hiểu là lối sống chậm rãi, thư thả, sâu sắc, bon chen. Sống chậm là dành hết tâm trí vào công việc và các mối quan hệ trong cuộc sống, lắng nghe những cảm xúc trong tâm hồn. -> Sống chậm không phải là sống ít mà thực ra là sống được rất nhiều, sống sâu sắc, chất lượng -> lối sống có ý nghĩa nhân văn. * Ý nghĩa của việc sống chậm: - Sống chậm giúp giảm bớt áp lực nặng nề của cuộc sống, bình thản đối diện với cuộc sống. - Sống chậm có thể xây dựng, vun đắp những tình cảm đẹp đẽ với mọi người xung quanh. - Sống chậm là cách con người hòa mình cùng thiên nhiên, thấu hiểu cuộc sống. - Sống chậm để có những phút giây tĩnh tại, thấu hiểu những cảm xúc của chính mình, để chuẩn bị kĩ càng cho một sự khởi đầu mới trong tương lai. * Bàn luận mở rộng: - Học cách sống chậm lại trong thế gian vội vã. - Sống chậm khác với sống ỉ lại, bảo thủ, không chịu đón nhận những phát triển mới của cuộc sống. c. Kết đoạn: Tổng kết lại vấn đề nghị luận. Câu 2: Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: 1. Mở bài: - Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ. - Giới thiệu nội dung 3 khổ thơ cần phân tích. 2. Thân bài Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất nước: - Nhà thơ khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân đất nước: “Mùa xuân … ... xôn xao” + Hệ thống điệp từ “mùa xuân”, “lộc”: gợi quang cảnh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống của chồi non lộc biếc; gợi những thành quả trong công cuộc xây dựng đất nước. + Hình ảnh “người cầm súng” “người ra đồng”: được liệt kê để vẽ lên hình ảnh đất nước tưng bừng, nhộn nhịp với hàng vạn con người đang góp sức mình cho mùa xuân của dân tộc. Hình ảnh “người cầm súng”: phản ánh hiện thực gian khổ của chiến tranh [chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây – Nam]. Lộc trên lưng vừa là hình ảnh cành lá ngụy trang vừa là mùa xuân mà họ mang lại cho đất nước. Hình ảnh “người ra đồng”: không khí lao động ở hậu phương. “Lộc trải dài nương mạ”: mang đến những cánh đồng xanh tươi, những vụ mùa no ấm, mang lại sự sống. + Điệp từ “tất cả” + lặp cấu trúc ngữ pháp + các từ láy “hối hả” “xôn xao” diễn tả nhịp sống sôi động, tưng bừng, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc. 3. Kết bài: Tổng kết chung về nội dung và nghệ thuật.
|