Đề số 29 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 29 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề bài

Câu 1. (2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Bà con của một người bà con dẫn cô lên giúp việc nhà họ vào một bữa trời mưa…

Ngay cái ngày đầu tiên đó cô đã mang một chuẩn mực mới đến với gia đình họ, tạm gọi là “phải ở dưới quê…” Ngó mấy con cá rô nằm cạnh rổ cải bắp, cô thẫn thờ, trời ơi, “phải ở dưới quê, mình nấu cá rô với bông so đũa, ngọt nước lắm. Bông so đũa mùa này trổ trắng trên mấy bờ kinh, mật ơi là mật” Hàng xóm cãi nhau, cô ngó qua rào, “phải ở dưới quê thế nào cũng có người chạy tới can, người ngoài mới tiếng ngọt, tiếng lạt, cũng đỡ căng” Sau mỗi bữa ăn, cô tần ngần “phải ở dưới quê, đồ ăn dư như vầy là nuôi được mấy con heo”

(…) Mỗi người có một chuẩn mực của riêng mình để vịn vào, đối chiếu so sánh. Chủ nhà từng nghĩ cuộc sống hiện đại, sung túc là thiên đường. Nhưng bây giờ thì họ hoang mang, thế giới mơ ước của họ có nguy cơ đổ vỡ trước cô giúp việc…

(Biển của mỗi người, Nguyễn Ngọc Tư, NXB Kim Đồng, 2016, tr. 5, 6, 7)

a) Nhận biết

Những phương thức  biểu đạt bào được sử dụng trong đoạn trích trên?

b) Nhận biết

Tại sao chủ nhà lại “hoang mang” và cảm thấy “thế giới mơ ước của họ có nguy cơ đổ vỡ” trước cô giúp việc?

Câu 2: (3.0 điểm) Vận dụng cao

Thời gian – Quà tặng kì diệu của cuộc sống! Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 300 – 400 chữ) bàn về ý nghĩa của thời gian đối với lứa tuổi học trò hiện nay.

Câu 3: (5.0 điểm) Vận dụng cao

Cảm nhận về hình ảnh người lính trong đoạn thơ sau:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

 

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

(Đồng chí, Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập 1. NXBGDVN, 2014)

Lời giải chi tiết

Câu 1.

a)

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên: tự sự, nghị luận.

b)

Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích

Cách giải:

Chủ nhà “hoang mang” và cảm thấy “thế giới mơ ước của họ có nguy cơ đổ vỡ” vì:

- Họ sống trong một cuộc sống hiện đại với sự quy chiếu giá trị từ đời sống hiện đại, nếp sống của phố xá kể cả trong sinh hoạt lẫn trong nếp nghĩ.

- Cô giúp việc mang đến gia đình họ những lối suy nghĩ và nếp sống của người ở dưới quê.

Sư chênh lệch về chuẩn mực trong suy nghĩ và nếp sống dẫn đến những khác biệt, xáo trộn về tâm lí khiến chủ nhà hoang mang trước nếp sống và suy nghĩ của chính mình.

Câu 2.

Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm bài văn nghị luận xã hội.

Cách giải:

*Yêu cầu về kĩ năng:

- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.

- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

*Yêu cầu về nội dung:

1. Nêu vấn đề.

2. Giải thích vấn đề:

- Thời gian: là khái niệm dùng dể diễn tả trình tự xảy ra của các sự kiện, biến cố và khoảng kéo dài của chúng.

- Thời gian trong quan niệm của người xưa là thời gian có khả năng trở đi trở lại – thời gian tuần hoàn. Tuy nhiên, với những nghiên cứu trong xã hội hiện đại, con người biết rằng thời gian là thứ một đi không trở lại – thời gian tuyến tính.

ð  Như vậy thời gian cho mỗi con người là hữu hạn. Vì vậy, mỗi người cần biết quý trọng quỹ thời gian của mình.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề:

- Ý nghĩa của thời gian với lứa tuổi học trò:

+ Khi còn đang ở tuổi học trò – tuổi trẻ, con người sẽ có nhiều thời gian.

+ Thời gian ở thời điểm này nên dùng vào việc học tập, tích lũy kiến thức, hoàn thiện bản thân

+ Thời gian nên dùng vào việc quan tâm đến gia đình, bạn bè,…

- Thời gian là nhân chứng cho những giá trị đích thực mà mỗi bạn sẽ tạo ra.

- Lãng phí thời gian là thứ lãng phí không bao giờ có thể bù đắp được.

- Không nên cậy mình còn trẻ mà rong chơi, mải chạy theo những thứ vô bổ ở cuộc đời. Mỗi bạn cần xây dựng kế hoạch để sử dụng quỹ thời gian cho hợp lí vì “Thời gian thấm thoắt thoi đưa/… ”

- Phê phán những bạn còn mải chơi, không quý trọng thời gian.

- Liên hệ bản thân.

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, chứng minh, tổng hợp

Cách giải

Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

- Trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp.

- Từng cầm súng chiến đấu -> am hiểu tâm tư, cuộc đời người lính.

- Bắt đầu sáng tác năm 1947, chủ yếu viết về đề tài người lính và chiến tranh.

- Đặc điểm thơ Chính Hữu: cảm xúc chân thành, mãnh liệt, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng điệu phong phú.

Tác phẩm:

- Hoàn cảnh sáng tác: mùa xuân năm 1948, được in trong tập “Đầu súng trăng treo” (1966)

- Vị trí:

+ Là một trong những thi phẩm thành công nhất của Chính Hữu.

+ Tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến chống Pháp (1946-1954)

- Đoạn trích đã nêu lên biểu hiện của tình đồng chí và khẳng định sức mạnh, vẻ đẹp tình đồng chí cao đẹp.

2. Phân tích

a. Biểu hiện của tình đồng chí

* Là sự thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của nhau:

- Nhân vật trữ tình nói về nỗi lòng của đồng đội mà như đang bộc bạch nỗi lòng của chính mình.

- Thấu hiểu:

+ Cảnh ngộ, nỗi bận lòng về hậu phương.

+ Ý chí lên đường, tình cảm cách mạng mãnh liệt. Khi cần họ biết hi sinh hạnh phúc cá nhân vì dân tộc. Họ bỏ lại ruộng vườn, ngôi nhà – là những tài sản quý giá để vào lính. Từ “mặc kệ” đã nói lên sự lựa chọn dứt khoát ấy.

+ Nỗi nhớ quê nhà đau đáu trong tâm hồn người lính.

* Là sự đồng cam, cộng khổ trong cuộc đời người lính:

- Đó là những cơn sốt rét rừng đã từng cướp đi bao sinh mạng, trong hoàn cảnh đó họ vẫn quan tâm, lo lắng cho nhau.

- Đó còn là cái hiện thực thiếu thốn, khó khăn, gian khổ của cuộc đời người lính. Họ đã sống trong hoàn cảnh nghèo nàn về vật chất: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men…nhưng họ vượt lên tất cả nhờ sức mạnh của tình đồng chí.

- Đó còn là những khắc nghiệt của khí hậu núi rừng -> họ vượt lên nhờ tinh thần lạc quan cách mạng, sự ấm áp của tình đồng chí.

* Là niềm yêu thương, gắn bó sâu nặng họ dành cho nhau.

- Hình ảnh “tay nắm bàn tay”:

+ Chất chứa bao yêu thương trìu mến.

+Sẵn lòng chia sẻ khó khăn.

=> Chính tình đồng chí chân thành, cảm động và sâu sắc đã nâng đỡ bước chân người lính và sưởi ấm tâm hồn họ trên mọi nẻo đường chiến đấu.

b. Sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí:

* Được xây dựng trên nền một hoàn cảnh khắc nghiệt:

- Thời gian, không gian: rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo.

- Không khí căng thẳng trước một trận chiến đấu.

-> Tâm hồn họ vẫn bay lên với hình ảnh vầng trăng nơi đầu súng.

-> Họ vẫn xuất hiện trong tư thế điềm tĩnh, chủ động “chờ giặc tới”.

=> Nhờ tựa vào sức mạnh của tinh thần đồng đội. Họ “đứng cạnh bên nhau” và trở thành một khối thống nhất không gì lay chuyển nổi.

* Được biểu hiện qua một hình ảnh thơ độc đáo, đầy sáng tạo: “Đầu súng trăng treo”:

- Vốn là một hình ảnh thơ được cảm nhận từ thực tiễn chiến đấu.

- Song hình ảnh này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng phong phú:

+ Gợi liên tưởng: chiến tranh  - hòa bình, hiện thực - ảo mộng, kiên cường – lãng mạn, chất chiến sĩ – chất thi sĩ.

+ Gợi vẻ đẹp của tình đồng chí snags trong, sâu sắc. sự xuất hiện của vầng trăng là một bằng chứng về sức mạnh kì diệu của tình đồng đội. Tình cảm ấy giúp tâm hồn người lính bay lên giữa lúc gay go, khốc liệt của chiến tranh.

+ Gợi vẻ đẹp của tâm hồn người lính – một tâm hồn luôn trong trẻo, tươi mát dẫu phải băng qua lửa đạn chiến tranh.

+ Gợi vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt Nam – một bàn tay giữ chắc cây súng mà trái tim luôn hướng đến những khát vọng thanh bình.

III. Tổng kết:

- Nội dung: Bài thơ thể hiện chân thực, cảm động một tình cảm lớn mang tính thời đại, đó là tình đồng chí bền chặt, thiêng liêng của những người lính cách mạng. Qua đó tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh người lính thời kì đầu chống Pháp.

- Nghệ thuật: Lối miêu tả chân thực, tự nhiên; từ ngữ, hình ảnh giản dị và giàu sức gợi, cảm xúc dồn nén.

 

Nguồn: Sưu tầm

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close