Đề thi vào 10 môn Văn Bắc Kạn năm 2022Tải vềĐọc văn bản: Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất Đề bài I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc văn bản: Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò - lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày. Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ? Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điềumình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mình muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế cùng giống với hình dung của bạn. Bằng không có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn. Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức. (Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Chỉ ra phép liên kết câu trong phần trích sau: Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình. Câu 2. Theo tác giả, nếu không theo đuổi ước mơ thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Câu 3. Xác định và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức. Câu 4. Ý kiến Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất gợi cho em suy nghĩ gì? II. LÀM VĂN (7.0 điểm) Câu 1. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của ước mơ đối với mỗi người. Câu 2. Cảm nhận của em về tấm lòng thành kính, niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ được thể hiện trong đoạn thơ sau: Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác Muốn làm đoả hoa tỏa hương đâu đây Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. (Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2018) Lời giải chi tiết I. ĐỌC HIỂU: Câu 1:
Phương pháp: Căn cứ bài các liên kết câu. Cách giải: Phép liên kết là: phép lặp: ước mơ. Câu 2:
Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý. Cách giải: Nếu không theo đuổi ước mơ bạn sẽ bị day dứt, dằn vặt mỗi ngày. Câu 3:
Phương pháp: Căn cứ bài so sánh, phân tích. Cách giải: Biện pháp tu từ: so sánh. Ước mơ so sánh với “núi lửa” Tác dụng: + Giúp diễn đạt thêm sinh động. + Hình ảnh ước mơ được so sánh với núi lửa đang chờ đợi được đánh thức cho thấy trong mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ và ước mơ ấy đang ngủ yên chỉ chờ đợi chúng ta đánh thức thì nó sẽ bùng cháy. Câu 4:
Phương pháp: Phân tích. Cách giải: Ý kiến “Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất” đây là nhận định đúng. Bởi chúng ta ai cũng có ước mơ, nhưng có thể do cuộc sống xô đẩy mà không thực hiện được ước mơ đó, nhưng ước mơ đó vẫn luôn tồn tại trong sâu thẳm mỗi chúng ta. Nó tạm lùi lại phía sau và chờ đợi đến một ngày chúng ta sẵn sàng, nó sẽ xuất hiện và biến thành hiện thực. II. LÀM VĂN: Câu 1:
Phương pháp: Phân tích, giải thích, tổng hợp. Cách giải: 1. Giới thiệu vấn đề: Vai trò của ước mơ đối với mỗi người. 2. Bàn luận - Ước mơ là những dự định, khao khát, mong muốn mà chúng ta muốn đạt được. - Vai trò của ước mơ đối với mỗi người: + Ước mơ giúp ta có động lực vượt qua mọi khó khăn. + Ước mơ giúp ta thêm kiên định về những lựa chọn của chính mình. + Ước mơ giúp cuộc sống có ý nghĩa hơn, mỗi ngày cũng trở nên đáng sống. + Người dám ước mơ thì mới có thể đạt được thành công. +… - Phê phán những người sống mà không có mục đích, không có mơ ước. - Là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần phải có ước mơ mục đích sống cho riêng mình. Để đạt được ước mơ chúng ta cần ra sức rèn luyện học tập, tu dưỡng đạo đức để chuẩn bị những tư trang cần thiết cho con đường đi tới ước mơ của mình. Câu 2:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. Cách giải: I. Mở bài: - Giới thiệu tác giả Viễn Phương, tác phẩm Viếng lăng Bác - Giới thiệu về khái quát nội dung của đoạn thơ: Hai khổ thơ nói tới cảm xúc của tác giả khi ở trong lăng và cảm xúc của ông khi sắp phải ra về. II. Thân bài: 1. Cảm xúc trong lăng (khổ thơ đầu trong đoạn trích). - Hai câu đầu: Lòng biết ơn thành kính đã chuyển thành nỗi xúc động nghẹn ngào khi tác giả nhìn thấy Bác: + Nói giảm, nói tránh: “giấc ngủ bình yên” – Bác như còn sống mãi, chỉ là vừa chợp mắt sau bao đêm không ngủ vì nước, vì dân. + Ẩn dụ “vầng trăng sáng dịu hiền” gợi nhiều liên tưởng: 1- không gian trang nghiêm, ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo nơi Bác nằm; 2- những vần thơ tràn đầy trăng của Bác; 3- tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác. - Hai câu sau: + Ẩn dụ “trời xanh” cho thấy: Bác vẫn còn mãi với non sông như trời xanh luôn vĩnh hằng, bất biến; Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước. + Động từ “nhói”: diễn tả trực tiếp nỗi đau đớn, nghẹn ngào, tiếc thương của tác giả cũng như triệu triệu người Việt Nam trước sự thật Bác không còn nữa. + Kết cấu “Vẫn biết… mà sao”: diễn tả sự mâu thuẫn giữa lí trí và cảm xúc của tác giả khi đứng trước linh cữu Bác. (Dù vẫn tin là Bác còn sống mãi với non sông nhưng không thể không đau xót trước sự ra đi của Người). 2. Tâm trạng, mong ước khi sắp phải ra về (khổ thơ thứ 2 trong đoạn trích) - Câu đầu: như một lời giã biệt; + Cụm từ “thương trào nước mắt” diễn tả trực tiếp cảm xúc luyến tiếc, bịn rịn, không muốn xa nơi Bác an nghỉ. - Ba câu sau: điệp ngữ “muốn làm” nhấn mạnh ước nguyện của tác giả: + Muốn làm con chim: cất tiếng hót quanh lăng. + Muốn làm đóa hoa: tỏa hương nơi Bác yên nghỉ. + Muốn làm cây tre trung hiếu: giữ giấc ngủ bình yên cho Người. -> Ước muốn được hòa nhập vào những sự vật quanh Bác, mãi được ở bên Bác -> Tấm lòng thủy chung, lòng kính yêu vô hạn của tác giả nói riêng và nhân dân nói chung với Bác. - Hình ảnh cây tre khép lại bài thơ tạo ra kết cấu đầu cuối tương ứng cho bài, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc, làm đậm nét thêm vẻ đẹp của cây tre, đồng thời giúp cho dòng cảm xúc được lắng đọng, trọn vẹn. III. Kết bài - Nội dung: Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của tác giả và mọi người dân đối với Bác khi vào lăng viếng Người. - Nghệ thuật: Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp, gợi cảm xúc, ngôn ngữ thơ bình dị.
|