Đề thi vào 10 môn Văn Thái Nguyên năm 2020

Tải về

Đọc đoạn trích: Có thói quen tốt và thói quen xấu. Luôn dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách, … là thói quen tốt.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 9 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Đề bài

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Có thói quen tốt và thói quen xấu. Luôn dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách, … là thói quen tốt.

Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự là thói quen xấu. Có người biết phân biệt tốt và xấu, nhưng vì đã thành thói quen nên rất khó bỏ, khó sửa. Chẳng hạn vì thói quen hút thuốc lá, nên cũng có thói quen gạt tàn bừa bãi ra khỏi nhà, cả trong phòng khách lịch sự, sạch bong. Người biết lịch sự thì còn sửa một chút bằng cách xin chủ nhà cho mượn cái gạt tàn.

Tạo được thói quen tốt là rất khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ. Cho nên, mỗi người, mỗi gia đình hãy tự xem lại mình để tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm) Xác định 01 phép liên kết được sử dụng trong các câu sau: Tạo được thói quen, tốt là rất khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ.

Câu 3 (1,0 điểm) Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những thói quen tốt nào? Vì sao đó là những thói quen tốt?

Câu 4 (1,0 điểm) Em có đồng tình với ý kiến: Có người biết phân biệt tốt và xấu, nhưng vì đã thành thói quen nên rất khó bỏ, khó sửa hay không? Vì sao? (Trình bày trong khoảng 3-5 dòng)

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1(2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 15 – 20 dòng) về ý nghĩa của việc giữ lời hứa,

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa,

(Trích Cảnh ngày xuân, Truyện Kiều – Nguyễn Du, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2019)

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

(Trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Truyện Kiều – Nguyễn Du, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2019)

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1:

Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2:

Xác định 01 phép liên kết được sử dụng trong các câu sau: Tạo được thói quen, tốt là rất khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ.

Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu, đoạn văn

Cách giải:

Phép nối: từ nối “nhưng”.

Câu 3:

Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những thói quen tốt nào? Vì sao đó là những thói quen tốt?

Phương pháp: căn cứ đoạn trích, phân tích

Cách giải:

Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những thói quen tốt: dậy sớm, đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách.

Đây là những thói quen tốt vì nó mang lại lợi ích cho bản thân người làm lẫn những người xung quanh.

Câu 4:

Em có đồng tình với ý kiến: Có người biết phân biệt tốt và xấu, nhưng vì đã thành thói quen nên rất khó bỏ, khó sửa hay không? Vì sao? (Trình bày trong khoảng 3-5 dòng)

Phương pháp: phân tích, lí giải

Cách giải:

HS đưa ra ý kiến cá nhân. Có thể đồng tình/không đồng tình hoặc vừa đồng tình vừa không đồng tình.

Phần II

Câu 1

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 15 – 20 dòng) về ý nghĩa của việc giữ lời hứa

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1.Giới thiệu vấn đề: giữ lời hứa

2.Giải thích vấn đề

- Hứa là nhận lời với ai đó một cách chắc chắn là sẽ làm việc nào đó.

=> Giữ lời hứa là thực hiện việc mà mình đã nhận lời với ai đó.

=> Giữ lời hứa là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người.

3.Phân tích, bàn luận vấn đề

- Ý nghĩa của việc giữ lời hứa:

+ Người giữ lời hứa là một người đáng tin cậy.

+ Người giữ lời hứa sẽ được mọi người tin tưởng và quý mến.

+ Giữa lời hứa cũng cho thấy bạn là người sống có trách nhiệm.

+ Lời hứa còn đem đến niềm tin, hi vọng cho người khác.

+…

HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

- Làm thế nào để trở thành một người biết giữ lời hứa?

+ Sống chân thành.

+ Chỉ hứa khi chắc chắn bản thân có thể thực hiện được.

- Phê phán những người không biết giữ lời hứa, chỉ biết hứa rồi không thực hiện đem lại sự thất vọng cho người khác.

4.Liên hệ bản thân và Tổng kết

Câu 2

Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa,

(Trích Cảnh ngày xuân, Truyện Kiều – Nguyễn Du, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2019)

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

(Trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Truyện Kiều – Nguyễn Du, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2019)

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu nội dung hai đoạn trích và khẳng định tài năng tả cảnh bậc thầy của Nguyễn Du.

2. Phân tích

a. Khung cảnh ngày xuân

Đoạn trích nằm trong phần đầu “Gặp gỡ và đính ước” miêu tả lại khung cảnh ngày xuân đẹp đẽ.

* Hai dòng thơ đầu là khung cảnh ngày xuân tuyệt đẹp.

-  Hình ảnh “con én đưa thoi”:

+Tả: cảnh những cánh én bay liệng đầy trời rộn ràng như thoi đưa -> hình ảnh đẹp quen thuộc của mùa xuân.

+Gợi: Thời gian trôi nhanh

         Không gian cao rộng của bầu trời

         Không khí ấm áp của mùa xuân

- Câu thơ “thiều quang…”:

+ Tả: ánh sáng đẹp của ngày xuân

+ Gợi: Một không gian tràn đầy nắng ấm

           Thời điểm tháng 3 mùa xuân là thời điểm thiên nhiên đạt tốc độ rực rỡ nhất, viên mãn nhất.

         Sự nuối tiếc của chị em Thúy Kiều vì mùa xuân tươi đẹp đang trôi qua nhanh.

=> Hai câu thơ không chỉ có giá trị thông báo về thời gian mà còn tô đậm ấn tượng về một mùa xuân đang độ chín rất đỗi ngọt ngào. Đối diện với mùa xuân ấy lòng người không khỏi bồi hồi, xao xuyến, tiếc nuối.

* Hai câu thơ tiếp đã phác họa một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống:

-  Hình ảnh “cỏ non…”:

+ Tái hiện một không gian tràn đầy sắc xanh non của cỏ mùa xuân.

+ Gợi: sự tươi no và sức sống dat dào của mùa xuân.

- Hình ảnh “cành lê”:

+ Đảo ngữ “trắng điểm” -> tô đậm sắc trắng của đóa hoa lê.

+“điểm”: gợi ấn tượng về sự thanh thoát của hoa.

- Màu sắc:

+ Sắc xanh của cỏ.

+ Màu trắng của hoa.

=> Hài hòa, gợi một không gian trong trẻo, tinh khôi, tràn trề nhựa sống.

=> Với bút pháp chấm phá tài tình, tác giả đã rất thành công khi phác họa một bức tranh mùa xuân khoáng đạt, tươi đẹp => Thế giới tâm hồn tràn đầy niềm tươi vui, phấn chấn và có chút tiếc nuối của chị em Thúy Kiều.

b. Cảnh ngộ và nỗi niềm của Thúy Kiều:

Đoạn trích nằm ở phần thứ hai “Gia biến và lưu lạc” nói về cảnh ngộ của Thúy Kiều khi bị giảm lỏng ở lầu Ngưng Bích.

- Cảnh ngộ “khóa xuân”:

+ Tình cảnh bất hạnh: Thúy Kiều bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, phải chôn vùi tuổi xuân ở nơi này.

+ Sự xót xa, mỉa mai cho số phận (vì Thúy Kiều không còn trong trắng nữa).

- Quang cảnh quanh lầu Ngưng Bích:

+ Rộng lớn, mênh mông, bát ngát

Hình ảnh: “non xa”, “trăng gần” -> không gian mở ra chiều cao, chiều xa -> hình ảnh lầu Ngưng Bích chơi vơi, chênh vênh, đơn độc giữa không gian.

Từ láy “bát ngát” -> tô đậm hơn một không gian rợn ngợp cả  4 bề.

+ Trống trải, hoang vắng, không có dấu hiệu của sự sống:

Liệt kê: “cát vàng”, “bụi hồng”, “cồn nọ”, “dặm kia”  -> phủ định sự sống, gợi sự ngổn ngang của cảnh vật.

Tiểu đối: “mây sớm” – “đêm khuya”: càng gợi sự quạnh vắng, hắt hiu của cảnh.

=> Quang cảnh rộng trống, cô liêu, nhạt phai sự sống đã trở thành phương tiện để mở ra bao nỗi niềm của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.

- Tâm trạng của nàng Kiều:

+ Sự cô đơn, lẻ loi cùng cực: không một bóng người bầu bạn, chỉ có thể làm bạn với “trăng gần”, “mây sớm”. “đêm khuya” với những vật vô tri; mọi phương tiện giao cảm giữa con người với con người bị cắt đứt.

+ Ngổn ngang trăm mối âu lo, day dứt, đau khổ:

“Xa trông”: không đơn giản chỉ là nhìn mà còn là sự ngóng đợi, sự khắc khoải kiếm tìm một dấu hiệu chỉ là nhỏ nhoi nhất của sự sống, của cái ấm áp giữa nơi mà cô đơn hoàn toàn ngự trị.

Cách phác họa cảnh vật ngổn ngang -> gợi sự ngổn ngang trong lòng nàng.

+ Nỗi niềm chua xót, bẽ bàng cho cảnh ngộ, thân phận:

Lúc nào cũng chỉ có một mình, không thể chia sẻ cùng ai.

Chồng chất nỗi đau của cốt nhục chia lìa, tình yêu tan vỡ, bơ vơ nơi góc bể chân trời, trở thành một món hàng trong tay mụ Tú Bà.

Bị đày đọa giữa không gian xa xôi, hoang vắng, trong thời gian dằng dặc triền miên, trong tình cảnh cô đơn cùng cực.

=> Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình, với một hệ thống hình ảnh vừa chân thực, vừa sáng tạo, Nguyễn Du đã không chỉ phác họa được quanh cảnh xung quanh lầu Ngưng Bích mà ông còn giúp bạn đọc hiểu được cảnh ngộ và tâm trạng cô đơn, lẻ loi, đầy bi kịch của Thúy Kiều.

c. Nhận xét về hai trích đoạn

- Hai khổ thơ cho thấy nghệ thuật tả cảnh tài tình của Nguyễn Du. Bằng ngòi bút miêu tả cảnh vật thiên nhiên tinh tế, ngôn ngữ giàu hình ảnh đã tái hiện một cách chân thực khung cảnh thiên nhiên, qua đó còn thể hiện được cung bậc cảm xúc, tâm trạng của con người.

- Tuy nhiên, ở hai đoạn trích này vẫn có những nét khác biệt cho thấy bút pháp tả cảnh tài tình của Nguyễn Du:

+ Đoạn trích thứ nhất: Với bút pháp chấm phá tài tình, tác giả đã rất thành công khi phác họa một bức tranh mùa xuân khoáng đạt, tươi đẹp => Thế giới tâm hồn tràn đầy niềm tươi vui, phấn chấn và có chút tiếc nuối của chị em Thúy Kiều.

+ Đoạn trích thứ hai: Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình, với một hệ thống hình ảnh vừa chân thực, vừa sáng tạo, Nguyễn Du đã không chỉ phác họa được quanh cảnh xung quanh lầu Ngưng Bích mà ông còn giúp bạn đọc hiểu được cảnh ngộ và tâm trạng cô đơn, lẻ loi, đầy bi kịch của Thúy Kiều.

3. Tổng kết

Tải về

Tham Gia Group 2K9 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close