Viết bài văn thuyết minh thuật lại sự kiện: hội chợ xuân lớp 6

1. Dàn ý chi tiết I. Mở bài: Giới thiệu chung về hội chợ xuân - Là một hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt Nam, được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán để mừng năm mới, chúc phúc, cầu may và giao lưu.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 6 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài: Giới thiệu chung về hội chợ xuân

- Là một hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt Nam, được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán để mừng năm mới, chúc phúc, cầu may và giao lưu.

- Hội chợ xuân có nhiều loại hình khác nhau, phản ánh sự đa dạng và phong phú của các vùng miền, các dân tộc anh em trên khắp đất nước.

II. Thân bài: Thuyết minh một hội chợ xuân cụ thể

- Chọn một hội chợ xuân mà bạn biết hoặc quan tâm, giới thiệu về tên, địa điểm, thời gian, nguồn gốc, ý nghĩa, mục đích, nội dung và hoạt động của hội chợ xuân đó.

- Sử dụng các thông tin có sẵn trên mạng hoặc từ kinh nghiệm cá nhân để thuyết minh.

- Có thể dùng các ví dụ cụ thể để minh họa cho các điểm thuyết minh.

III. Kết bài: Nhận xét về giá trị và vai trò của hội chợ xuân trong văn hóa Tết của người Việt Nam. Khuyến khích mọi người đến với hội chợ xuân để cảm nhận được không khí rộn ràng và ấm áp của mùa xuân mới.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Hội chợ Xuân Phú Giáo là một ngày hội truyền thống diễn ra vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh không xa, xã Phú Giáo nổi tiếng với vùng đất màu mỡ, những ngôi đình, đền thờ và những ngôi làng cổ kính. Tại đây, Hội chợ Xuân là sự kiện được tổ chức để tôn vinh truyền thống văn hóa, ý nghĩa tâm linh và cội nguồn của người dân Phú Giáo.

Ngay từ bình minh, hội chợ đã bắt đầu sôi động với việc diễn ra các hoạt động tôn vinh tổ tiên và ông bà. Lễ cúng, cầu tài, và lễ hội văn hóa diễn ra tại các ngôi đình, đền thờ, và quan trường là những nghi lễ không thể thiếu. Người dân xã Phú Giáo tham gia tích cực, thể hiện lòng thành kính và lòng biết ơn đối với tổ tiên, tạo nên không gian tôn nghiêm và thánh thiện.

Hội chợ Xuân còn là dịp để thưởng thức và mua sắm các sản phẩm địa phương độc đáo. Các gian hàng trưng bày đồ thủ công như quần áo truyền thống, đèn lồng, gương trang trí, và nhiều sản phẩm thủ công khác. Đặc biệt, bạn có thể tìm hiểu về cách làm bánh chưng, bánh tét và các món ăn truyền thống khác mà người dân Phú Giáo truyền bá từ đời này sang đời khác.

Hội chợ Xuân không chỉ là nơi tôn vinh truyền thống và văn hóa, mà còn là một sân chơi nghệ thuật sôi động. Các cuộc thi về hát, múa, và biểu diễn nghệ thuật diễn ra tại sân khấu chính, thu hút sự tham gia của các đoàn nghệ sĩ, học sinh, và cư dân địa phương. Những tiết mục trình diễn như múa lân, múa rồng, hát quan họ cùng các trò chơi dân gian truyền thống tạo nên không gian vui tươi, phấn khích và cuốn hút.

Hội chợ Xuân Phú Giáo thường diễn ra trong ba ngày cuối cùng của tuần học trước kỳ nghỉ Tết. Đây là một dịp để cư dân địa phương và du khách thực sự hòa mình vào không khí Tết truyền thống Việt Nam, tận hưởng văn hóa, ẩm thực, và nghệ thuật độc đáo của xã Phú Giáo. Nó là một sự kiện độc đáo, đáng nhớ và đáng để trải nghiệm nếu bạn có cơ hội đến Bình Dương vào dịp Tết.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Mỗi dịp Tết đến xuân về là nơi nơi lại náo nức. Không ngoại lệ, tại các trường học, Tết cũng được chờ mong vô cùng bởi các bạn học sinh. Hội chợ xuân diễn ra ở trường thú vị vô cùng và là niềm mong nhớ của nhiều học trò.

Hội chợ xuân bắt nguồn từ hoạt động chờ đón xuân của những học sinh và thầy cô giáo. Hội chợ xuân không quá nhộn nhịp nhưng luôn được chờ mong, đón đợi vì nó xuất phát từ hoạt động chào mừng Tết.

Những hoạt động của chợ xuân có thể kể đến chính là hoạt động làm tặng vật ngày Tết. Các lớp học sẽ cùng tổ chức gian hàng. Và những gian hàng sẽ trưng bày nhiều món đồ độc đáo. Đó phần lớn là sản phẩm thủ công nên rất chỉn cu, rất đẹp. Dẫu cho nhân lực không quá nhiều nhưng các bạn học sinh luôn cố gắng hết sức đầu tư cho sản phẩm của mình. Có thể dễ dàng bắt găp hoa Tết. Hoa Tết được làm bằng giấy hết sức đẹp mắt. Thêm vào đó, nhiều bạn còn biết làm gian hàng kẹo với các loại kẹo tự làm không quá nhiều đường nên tốt cho sức khỏe và tạo được nhiều ấn tượng. Một số hoạt động khác có thể kể đến của hội chợ xuân ở trường học đó là vẽ trang trí cho lợn đất và tạo nên những thành phẩm đẹp mắt. Chính sự chỉn chu và háo hức của các bạn học sinh mà hoạt động hội chợ diễn ra luôn tấp nập.

Chợ xuân diễn ra trong một ngày cuối cùng của tuần học trước khi nghỉ Tết. Đây luôn là hoạt động được đón chờ vì có giá trị lớn kết nối các bạn học sinh và giúp các bạn thêm hiểu ý nghĩa của Tết cổ truyền.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Vào những ngày trước Tết Nguyên Đán gần nhà em ở mọi người thường tổ chức một phiên chợ phiên chợ này chỉ mở vào các ngày cận Tết.

Những ngày gần tết chợ đất đông vui và náo nhiệt. Trong chợ máy bán rất nhiều các mặt hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán. Nào là gian hàng lá dong với những đống lá được xếp gọn thành hàng xanh mướt, cạnh đó là những bó ống dang để chẻ lạt. Có hàng bán măng khô, nấm hương, mộc nhĩ và các loại cây thuốc quý của núi rừng. Một góc chợ là khu bán hoa quả với những quả chuối vàng mập mạp, những quả bưởi to tròn còn nguyên cuống lá xanh, những rổ cam ngon lành, quả hồng xiêm màu nâu xám, còn có cả những chùm nho tím. Tất cả đều được các cô bán hàng sắp xếp nhìn thật vui mắt. Trong chợ có rất nhiều mặt hàng nông sản của người dân quê em mang tới bán, nào là cà chua, súp lơ, cải bắp. Tiếng cười nói chào mời mua hàng diễn ra thật rộn ràng. Ai gặp nhau cũng tay bắt mặt mừng và trên tay cầm rất nhiều đồ. Nhưng em thích nhất là hàng bánh kẹo Tết. Ở đây có rất nhiều các loại bánh mứt, nhìn màu sắc của chúng thật bắt mắt. Mẹ dẫn em đến hàng quần áo và chọn cho em một bộ để mặc chơi tết. Đó là một chiếc áo dài màu hồng nhạt. Khi em ướm thử mẹ em khen em xinh xắn. Sau đó mẹ ra hàng hoa mua một ít hoa cúc, hoa hồng về chưng tết. Nhìn những bông hoa đang tươi sắc thắm như gọi mời. Kế đó là những chậu quất, cành đào đang e ấp nụ chờ nắng xuân để bung nở.

Những phiên chợ xuân từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Chợ Xuân không chỉ là nơi để buôn bán mà còn là nơi để mọi người gần gũi nhau hơn trong dịp tết đến xuân về. Em rất thích chợ xuân.

Bài tham khảo Mẫu 1

Cũng là nơi mua bán hàng hoá, nhưng chợ quê, đặc biệt vào phiên chợ Tết luôn có những nét đặc trưng riêng khác biệt với chợ nơi đô thành, phố thị. Đây cũng là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống, là nơi con người có thể cảm nhận rõ ràng không khí của một mùa xuân mới đang đến.

Những năm gần đây, do công nghệ số phát triển, trên các trang mạng xã hội bán đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chỉ cần một thao tác đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nhà nên rất nhiều người có xu hướng mua hàng online. Thế nhưng, mỗi khi tết đến ai cũng nôn nao về nhà, về quê, và vẫn thích đi chợ quê ngày Tết như cái thuở còn thơ theo mẹ năm nào. Những phiên chợ quê như thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào hồn quê, nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Đó cũng là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân cả một vùng quê rộng lớn.

Sở dĩ nhiều người thích đi chợ quê vì cảm giác đi chợ quê ngày tết rất vui, giống như đi trẩy hội vậy. Chợ quê là nơi gắn bó cũng là ký ức của nhiều người con xa quê. Ở chợ quê, có sự nhọc nhằn của mẹ, sự vất vả của cha khi cố gắng buôn bán để sắm được đôi dép, quần áo mới cho con cái. Đi chợ quê ngày Tết, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc xuân. Người đi chợ không hẳn là đi chợ, đi sắm Tết mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm để chuẩn bị đón chào năm mới.

Thông thường ở những phiên chợ quê thì chỉ họp vào buổi sáng hoặc theo phiên. Nhưng vào dịp Tết, do nhu cầu mua sắm tăng cao nên chợ có thể họp cả ngày, vì vậy không khí Tết ở chợ quê càng trở nên nhộn nhịp hơn từ ngày 23 tháng Chạp. Bắt đầu từ thời điểm này các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm, mâm ngũ quả cho ngày Tết. Còn những đứa trẻ thì luôn phấn khởi, với chúng niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố, mẹ đi chợ mua sắm quần áo, hoa quả, bánh kẹo.

Nhiều mặt hàng nông sản của bà con đem từ vườn ra hoặc từ các chợ đầu mối đổ về làm cho chợ quê thêm phong phú. Từ gạo nếp, lá dong, dưa hành... đến cả những nải chuối, buồng cau... đều có ở chợ quê. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm đều do người dân làm ra rồi tự mang đi bán, nâng cao thu nhập. Những đôi quang gánh, nhiều khi chỉ là vài củ su hào, mấy mớ mùi thơm hay những nải chuối xanh, quả cau, quả bưởi... đều được người nông dân mang ra chợ, vừa tươi, vừa ngon mà giá lại “mềm” hơn rất nhiều so với thành thị.

Nhưng góp phần làm nên không khí Tết cho chợ quê chính là những gian hàng hoa, những dãy bòng bưởi, hay rổ trầu không của các cụ già. Người bán ngồi sát mặt đất, được kê một cái ghế lùn, hoặc ngồi trên mặt đất. Phía trước trải một tấm bạt hoặc thùng xốp rồi bày nông sản trên đó.

Phiên chợ ngày tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn quê, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ. Cũng chính chợ quê là sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn. Tiếng nhạc Xuân vang lên giữa chợ quê: "Xuân! Xuân ơi, Xuân đã về!", làm ai cũng nôn nao.

Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Phiên chợ Tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Bài tham khảo Mẫu 2

Vào những ngày giáp tết, những phiên chợ quê bắt đầu nhộn nhịp, rộn ràng tiếng người mua kẻ bán. Gác lại bao bộn bề, lo toan, trên khuôn mặt tất cả mọi người nơi đây đều ánh lên niềm vui, sự hân hoan tất bật chuẩn bị cho một cái tết thật đủ đầy, sum vầy.

Phiên chợ Tết bắt đầu từ lúc trời còn tờ mờ sáng, vậy mà các bà, các mẹ đã thồ những xe hàng nào hoa quả, bánh trái... tấp nập trên con đường đến chợ. Khi những tia nắng ửng hồng của ông mặt trời chiếu xuống vạn vật, khu chợ đã rộn ràng, đông đúc vô cùng. Có lẽ ai cũng muốn là người lựa được những món hàng mới tốt nhất. Vẫn tiếp tục có từng tốp người quang gánh kĩu kịt, tíu tít đổ về chợ. Tiếng trò chuyện râm ran khiến cả khu chợ ồn ào, náo nhiệt khác với ngày thường. Ngay lối vào chợ là hàng bán lá dong. Lá dong được xếp thành từng đống lớn gọn ghẽ, xanh mươn mướt. Cạnh đó là những bó ống dang để chẻ lạt, gói bánh chưng. Kế đó là dãy bán măng khô, nấm hương, mộc nhĩ,… và các loại cây thuốc quý như cam thảo, sa nhân, hồi, quế – những đặc sản mang hương vị của núi rừng. Các cô bán hàng, giọng ngọt như đường, đon đả chào mời khách mua hàng. Bên trái chợ là khu bán hoa quả. Những quả chuối vàng ruộm, mập mạp, đều đặn trông như những ngón tay đang khum khum xoè ra. Quả bưởi to, tròn màu nắng ấm, còn nguyên cuống lá xanh. Những rổ cam ngọt lành, quả hồng xiêm màu nâu xám. Còn nữa là chùm nho tím với những quả treo lúc lỉu, mọng nước… Tất cả đều được cô bán hàng sắp xếp nhìn thật vui mắt. Chếch sang một chút là nơi bán rau, đủ các loại cây nhà lá vườn. Củ su hào còn nguyên phấn trắng, cải bẹ mỡ màng. Cà chua đỏ ối, chín căng mọng xếp vào từng giỏ lớn cạnh những bó hành dọc xanh, củ trắng nõn nà. Tất cả đều tươi xanh roi rói.

Đi tiến lên chút nữa là quầy bán bánh kẹo. Những hộp mứt, hộp kẹo, bánh được trang trí với nhiều hình dạng và màu sắc sặc sỡ trông thật bắt mắt. Những thỏi kẹo sôcôla hay những gói bánh trứng càng vì thế mà ngon lành hơn. Những lon bia, chai rượu cũng được tô điểm mới lạ, đẹp hơn mọi ngày. Mẹ tôi vào lựa hai chai rượu một gói bánh về chuẩn bị thắp hương. Bước ra khỏi quầy bánh kẹo, tôi và mẹ đến xem quần áo tại một cửa hàng đối diện. Những tấm thổ cẩm, những tấm vải dệt rực rỗ sắc màu làm tôi hoa cả mắt. Kẻ mua, người bán ồn ào, tấp nập. Mấy cô gái trẻ ướm thử những thứ mình định mua rồi quay ra nhìn nhau cười khúc khích. Mẹ chọn cho tôi và Đạt mỗi đứa một bộ để diện đi chơi Tết. Chen giữa dòng người, hai mẹ con tôi như bị cuốn đi trong những tiếng chào mời tíu tít. Luồn lách mãi mới đến được hàng hoa. Vươn lên tán lá dày, xanh mát là hàng chục bông hồng đua nhau toả hương khoe sắc. Chúng khoác lên mình bộ dạ hội đỏ thắm, cao sang cùng những viên kim cương điểm xuyết cho tà áo rực rỡ. Cạnh đó là những bông cúc gắn liền với mùa thu trong sáng, dịu êm. Những bông hoa vàng tươi, kiêu hãnh chao nghiêng theo làn gió nhẹ khoe những cánh vàng e ấp, mịn màng. Chúng như mời gọi các nàng ong, nàng bướm tụ hội. A, kia rồi! Cây bích đào duyên dáng với hàng ngàn, hàng vạn chồi non, lộc biếc như vô vàn những ánh nến lấp lánh ẩn hiện dưới nắng sớm. Nép sau tà áo xanh mơn mởn, những cánh hoa phơn phớt hồng đầu tiên đã hé nở, chào đón Tết đến. Cạnh đó là nơi bán đèn lồng. Những chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ để trang trí nhà cửa, cầu cho mọi người năm mới tốt lành.

Hội chợ xuân ngày Tết từ lâu không chỉ là nơi mua bán, sắm sửa đồ tết, mà còn là nơi đại diện cho nét văn hóa từ lâu đời của người dân Việt Nam. Dù cuộc sống hiện đại ngày nay, các siêu thị hay những của hàng tiện lợi mọc lên như nấm, phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân, thì những ngày chợ Tết diễn ra trên tại các miền quê vẫn luôn nhộn nhịp tấp nập kẻ bán, người mua.

Bài tham khảo Mẫu 3

Cứ đến độ xuân về, du khách các nơi lại nườm nượp đổ về trẩy hội Phủ Giày (ngày mồng 8 tháng Giêng), một trong những phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong tứ bất tử ở Việt Nam. Đi hội Phủ Giầy, ghé qua hội chợ Viềng. Đó là hội chợ cũng ở xã Kim Thái, huyện Vụ bản (Nam Định) – nơi người xưa đã gọi là địa linh, nhân kiệt. Sự độc đáo của chợ Viềng là mỗi năm họp chỉ có một phiên.

Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau. Khách đến từ khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc, đông nhất vẫn là người nội tỉnh và kế đến là khách các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đổ ra.

Ngày trước, khi chưa có điện, người bán hàng thắp một ngọn đèn dầu tù mù. Những món đồ cũ được bán chủ yếu là để cầu may chứ không để thu lợi như bây giờ. Ở đây người mua hoàn toàn tin tưởng vào người bán và qua chợ Viềng, con người càng thêm gắn bó với nhau.

Chợ Viềng bây giờ đã thay đổi rất nhiều cả ý nghĩa lẫn các loại hàng hoá. Rất ít những người bán đồ cũ, đồ cổ thực sự, phần lớn là những mẹt hàng sành sứ, đồng thau giả cổ bày bán ở những chỗ càng tối càng tốt… khiến nhiều người mua nhầm hàng hỏng.

Tiếng là hội chợ nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc, đến các vật dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.

Ngoài ra còn có thứ thực phẩm được người bán kẻ mua rất tưng bừng náo nhiệt. Đó là thịt bê được thui vàng ươm nguyên cả con, bán rất nhiều dọc các ngả đường đi vào chợ. Có thể nói không ngoa rằng trên là trói, dưới là thịt bò bê. Khách mua ai thích phần nào có thể tuỳ chọn, mà giá lại rất phải chăng, hợp với túi tiền của người nhà quê.

Nhiều năm nay, người dân quanh vùng vẫn đổ đến chợ Viềng. Họ đi cả gia đình, cùng nhau ngắm nghía hay trả giá mua một món đồ sứ… mới toanh nào đó.

Quanh năm, họ sống trong một cuộc sống yên ả, nề nếp, đúng giờ giấc. Đến đêm chợ Viềng, nhịp sống của họ thay đổi hoàn toàn. Họ thức suốt đêm, đi ra khòi nhà và hòa mình vào dòng người nửa quen nửa lạ. Đối với những người dân đơn sơ như vậy, chợ Viềng của họ vẫn còn mãi. Và chính họ mới là những người khách đích thực của chợ Viềng hằng năm.

Đi chợ Viềng ai cũng muốn được nếm thử những món đặc sản như thịt bò thui chấm với tương gừng, mua bánh dày giò…

Ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả – một nét đẹp đáng yêu chỉ phiên chợ này mới có. Hình như sự bán mua ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó – rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành, và cả đôi bên đều cùng vui vẻ hỉ hả ra về. Chính vì vậy hội chợ Viềng ngày xưa còn có tên gọi là chợ cầu May.

Chợ Viềng ở đây còn gắn với các di tích, mà bao trùm lên cả quần thể này là thờ Mẫu Liễu Hạnh. Bởi vậy người ta tới chợ Viềng còn với tâm thức đến lễ Mẫu, xin lộc Mẫu. Họ tin rằng mọi vật dụng mà họ mua trong chợ sẽ được Mẫu – Mẹ chúng giám và phù hộ. Vì thế, người ta vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào Phủ lễ Mẫu Liễu, lên đền Mẫu Thượng, xuống cả đền Mẫu Thoải cầu mọi sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt.

Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng phần đông vẫn là những người có gốc gác hoặc quê quán ở đây đi làm ăn xa nay nhớ đất Tổ, đất quê tìm về. Nên dù có xa mấy, tận bên kia Đại Dương, tận Sài Gòn lục tỉnh… cũng nhớ ngày về để dự hội.

Như vậy, Lễ hội Phủ Giầy là một hình thức sinh hoạt văn hóa – tâm linh đáp ứng nhu cầu tinh thần – tình cảm của đông đảo nhân dân. Bằng hoạt động lễ hội, con người vừa có thể bày tỏ những tâm tư, khát vọng của mình vừa có dịp bộc lộ các khả năng sáng tạo của chính mình. Sống trong khung cảnh lễ hội, con người có được những giây phút “thăng hoa” để tạm quên đi những nỗi cực nhọc vất vả hàng ngày. Chính lễ hội đã tiếp thêm nguồn sức mạnh thiêng liêng để con người tiếp tục sống và lao động.

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close