Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông lớp 6

1. Dàn ý chi tiết I. Mở bài - Đặt vấn đề: trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề tai nạn giao thông đang là điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận bởi mức độ thiệt hại mà vấn đề này gây ra.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 6 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

- Đặt vấn đề: trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề tai nạn giao thông đang là điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận bởi mức độ thiệt hại mà vấn đề này gây ra.

- Nhận thức: tuổi trẻ học đường – những công dân tương lai của đất nước cũng phải có những suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

II. Thân bài

1. Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay?

2. Hậu quả của vấn đề:

- Thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh, viễn cho các cá nhân và hậu quả nặng nề cho cả cộng đồng.

- Gây đau đớn, mất mát, thương tâm cho người thân, xã hội.

3. Nguyên nhân của vấn đề:

- Ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, chiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông (lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, coi thường việc đội mũ bảo hiểm…).

- Thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông (lấy trộm ốc vít đường ray, chiếm dụng đường…).

- Sự hạn chế về cơ sở vật chất (chất lượng đường thấp, xe cộ không đảm bảo an toàn…).

- Đáng tiếc rằng, góp phần gây ra nhiều tai nạn giao thông, còn có những bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

4. Hành động của tuổi trẻ học đường góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông:

- Tham gia học tập luật giao thông đường bộ ở trường lốp. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tìm hiểu, nắm vững thêm các luật lệ và quy định đảm bảo an toàn giao thông.

- Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đỗ đúng quy định, khi rẽ ngang hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu báo hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã tư.

- Đi bộ sang đường đúng quy định, tham gia giúp đỡ người già yếu, người tàn tật và trẻ em qua đường đúng quy định.

- Tuyên truyền luật giao thông.

III. Kết bài: An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Hiện nay an toàn giao thông đang là một trong những vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Những khẩu ngữ như: An toàn là bạn, tai nạn là thù”, An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà”… được giăng lên ở khắp các nẻo đường. Nó như một lời nhắc nhở cũng là lời cảnh báo những người đang tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình. Thế nhưng số vụ tai nạn giao thông hằng năm vẫn không hề suy giảm, ngược lại còn tăng lên rất nhiều.

Cứ mỗi năm Việt Nam có tới gần một ngàn vụ tai nạn giao thông. Trong vòng 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp 4 lần. Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về Luật Giao thông. Đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những biện pháp hữu hiệu và sáng tạo hơn, chủ động và tích cực hơn để giáo dục lớp trẻ ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Trách nhiệm này thuộc về nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì cũng vô dụng”. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, mà trước hết là giáo dục ý thức công dân. Chấn chỉnh giao thông học đường không chỉ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, mà quan trọng hơn là giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ tương lai.

Tuổi trẻ chúng ta mầm sống của đất nước, là nguồn nhân lực dồi dào phát triển đất nước. Các bạn trẻ hãy ý thức rằng: “Tử thần không ở đâu xa, mà ở cạnh bên bạn trên từng cây số ” Hãy quý trọng mạng sống bản thân cũng như tôn trọng sinh mạng người khác.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Trong nhiều năm gần đây, giao thông đã và đang trở thành một đề tài nóng thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Tai nạn giao thông diễn ra từng ngày từng giờ trên cả nước và có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, ta cần có những suy nghĩ nghiêm túc và hành động thực tế để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông diễn ra hết sức phức tạp và đa dạng: vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, phóng nhanh vượt quá tốc độ quy định… Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà những thiệt hại do tai nạn giao thông để lại là khác nhau. Nhẹ có thể là xước xát mình mẩy, nặng hơn là gãy chân tay, chấn thương sọ não, thậm chí có thể gây tử vong. Nhưng nhìn chung, tất cả đều gây ra những thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh viễn cho các cá nhân và biến họ trở thành gánh nặng cho gia đình, nhiều người là trụ cột, mầm non tương lai của đất nước ra đi để lại nỗi đau thương mất mát vô bờ cho người thân.

Nguyên nhân của tai nạn là ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Sự thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng làm bị thương đến chục người. Nhiều người vì lòng tham ích kỉ, rải đinh trên đường đi nhằm trục lợi cũng đã để lại những hậu quả không lường trước được.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cho giao thông của nước ta còn nhiều hạn chế cũng là một phần nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Đặc biệt, hiện nay, một bộ phận không nhỏ những bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường do còn non trẻ và thiếu tự chủ, thích đua đòi, đua xe, lạng lách,... cũng đã gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông, thì việc nắm rõ luật giao thông và tuân thủ luật là điều cần thiết. Luật giao thông cần được đưa vào nhà trường để học sinh có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần có tinh thần tự giác chấp hành đồng thời tuyên truyền, tham gia các hoạt động phổ biến luật giao thông tới những người xung quanh.

An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người mỗi gia đình và toàn xã hội. Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, cần có những suy nghĩ đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Xã hội luôn tồn đọng nhiều vấn đề nhức nhối, nan giải nhận được sự quan tâm của toàn dư luận. Một trong số đó phải kể đến chính là giao thông và an toàn giao thông trên lãnh thổ nước ta.

Như chúng ta đã biết nước nhà còn nghèo, cơ sở hạ tầng, đường xá chưa chất lượng, nhiều đoạn đường dù trong nội thành như rất gập ghềnh tiềm tàng nhiều mối nguy hại về vấn đề an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhiều người dân có ý thức tham gia giao thông chưa cao: uống rượu, bia nhưng điều khiển phương tiện; không chấp hành luật giao thông, lạng lách, đánh võng, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi,… cũng là những nguyên nhân dễ gặp phải tai nạn mà chúng ta ai cũng biết.

Nguyên nhân của hiện trạng này đầu tiên phải kể đến là do ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Sự hạn chế về cơ sở vật chất (chất lượng đường thấp, xe cộ không đảm bảo an toàn...) cũng là một nguyên nhân phải kể đến góp phần gia tăng các vụ tai nạn.Những vụ tai nạn giao thông xảy ra gây ra thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh viễn cho các cá nhân và hậu quả nặng nề cho cả cộng đồng. Bên cạnh đó, nó còn gây đau đớn, mất mát, thương tâm cho người thân, xã hội.

Giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề này đó là mỗi người nắm bắt kĩ lưỡng luật giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành theo luật lệ giao thông của nước nhà: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đỗ đúng quy định, khi rẽ ngang hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu báo hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã tư; không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia,…

Bên cạnh đó cũng cần tích cực tuyên truyền luật giao thông cũng như tác hại to lớn khi không chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đến mọi người. Mỗi người có ý thức chấp hành luật giao thông một chút sẽ khiến cho nước nhà giải thiểu thiệt hại và đời sống cũng văn minh hơn.

Bài tham khảo Mẫu 1

Có lẽ vấn đề an toàn giao thông vẫn luôn là vấn đề được mọi người quan tâm nhất hiện nay, khi mà cuộc sống ngày càng hiện đại, lượng người sử dụng xe ngày càng gia tăng thì số lượng tai nạn giao thông cũng tăng theo không ngừng. Đòi hỏi chúng ta cần phải có những hành động và biện pháp khắc phục kịp thời.

Trước hết để hiểu hơn về thực trạng này ta cần phải nắm rõ an toàn giao thông là gì? An toàn giao thông chính là sự việc bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của con người, khi các đối tượng tham gia giao thông đang hoạt động trên đường giao thông công cộng nhưng chủ quan vi phạm quy tắc an toàn giao thông hoặc gặp phải các tình huống, sự cố không kịp phòng tránh đã gây ra thiệt hại nhất định về người và tài sản cho xã hội.

Ở Việt Nam trung bình mỗi năm ghi nhận hàng chục nghìn trường hợp tai nạn giao thông xảy ra và có đến hàng nghìn người tử vong. Quả thật đây là một con số đáng báo động cho tình trạng giao thông hiện nay. Mặc dù, trước kia ta phải đối mặt với cảnh chiến tranh, khủng bố thảm khốc. Nhưng giờ đây khi mọi thứ yên bình trở lại thì tai nạn giao thông bắt đầu ngoi lên, nó chính là một dạng chiến tranh ngầm, nó rập rình xung quanh ta và có thể cướp đi tính mạng của chúng ta bất cứ lúc nào. Vậy nguyên nhân do đâu mà dẫn đến tai nạn vẫn xảy ra thường xuyên như thế, thực chất tất cả xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông còn quá kém, đa phần theo thống kê nguyên nhân là do sử dụng rượu, bia, chất kích thích, hay phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành các tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm, chở quá tải, lấn làn,… Đặc biệt là vào giờ cao điểm các xe qua lại chen lấn, đông đúc tạo nên một viễn cảnh hỗn loạn. Còn vào giờ thấp điểm, khi phương tiện ít lại thì tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu xảy ra, đa phần trong số đó đều là những thanh thiếu niên đang ở trong độ tuổi còn rất nhỏ. Điển hình là vừa qua công an tỉnh Tiền Giang vừa xử lý một nhóm thanh niên tổ chức đua xe trên đường cao tốc và hậu quả khiến cho một thanh niên tử vong do va chạm mất lái tông vào cột điện. Thật sự rất đáng đau buồn cho một thế hệ, chỉ vì muốn thể hiện bản thân mà đem tính mạng của mình ra làm trò đùa với tử thần. Ngoài ra, nguyên nhân một phần là do chất lượng đường xá còn thấp, điều này đã được phản ánh rất nhiều nhưng dường như vẫn chưa có cái kết tốt đẹp cho vấn đề này. Đồng thời, nguyên nhân còn đến từ các cơ quan quản lý về an toàn giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Trong việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe vẫn chưa thực sự nghiêm túc dẫn đến tình trạng nhiều chủ phương tiện khi tham gia giao thông vẫn chưa có đủ năng lực, cũng như sự hiểu biết về an toàn giao thông, điều này làm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra an toàn giao thông bất cứ lúc nào.

Kèm theo những nguyên nhân là những hậu quả hết sức đau buồn, nó để lại sự mất mát vô cùng to lớn, không ít những trường hợp mà mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Hay những người còn sống thì để lại những hậu di chứng về sau. Ngoài ra, những hậu quả như nạn mất trật tự xã hội hay hiện tượng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên làm cho mọi thứ trở nên hỗn loạn và khó kiểm soát. Vậy chúng ta cần phải có những biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này. Trước hết vẫn là vấn đề ý thức của người tham gia giao thông, nếu ý thức chúng ta cao hơn thì có lẽ những hình ảnh của những nạn nhân nằm trên vũng máu của mình, hay cảnh người đầu bạc tiễn người đầu xanh,…. sẽ không còn xảy ra nữa. Hãy tự giác nâng cao ý thức của mình, nếu có thể hãy tuyên truyền đến mọi người về tầm quan trọng của việc chấp hành các nội quy về an toàn giao thông, hãy vì sự an toàn của mình, đừng đối phó hay chống đối, điều này chả có lợi cho ai cả. Đặc biệt, những điều như không vượt đèn đỏ, tốc độ không đúng quy định, không dùng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông,… Cần nghiêm túc chấp hành để tạo nền móng cho một xã hội văn minh, an toàn. Kèm theo đó là việc giáo dục cho trẻ nhỏ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường về vấn đề an toàn giao thông là rất cần thiết, bởi khi được giáo dục từ nhỏ đến lớn chúng sẽ tự hình thành thói quen tham gia giao thông một cách nghiêm túc. Thứ hai là cần phải đẩy mạnh công tác quản lý, thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn, không chỉ có tác dụng phát hiện và ngăn chặn kịp thời mà còn có tác dụng to lớn trong việc răn đe, làm gương, tạo ý thức, thói quen và hành vi đúng đắn cho người dân khi tham gia giao thông. Đặc biệt, cần phải xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của người thực thi công vụ như bao che, nhận hối lộ, cố tình làm sai lệch các vi phạm,… Thứ ba là cần nâng cấp hệ thống cầu đường, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia giao thông. Chỉ khi những biện pháp này được phát huy thì nỗi lo đi đường của người dân sẽ giảm bớt phần nào. Vì thế mọi người dân đều phải nâng cao trách nhiệm của mình để chung tay giảm thiểu bớt tai nạn giao thông.

Là một học sinh em nghĩ nhiệm vụ của mình trước hết là phải tuân thủ đúng luật lệ giao thông, đội mũ bảo hiểm. Khi mình làm đúng thì mới có thể tuyên truyền cho mọi người về sự cấp thiết của an toàn giao thông, cũng như chấp hành đúng luật để đảm bảo an toàn cho bản thân và tất cả mọi người.

Bài tham khảo Mẫu 2

Mỗi một năm trôi qua đất nước lại phát triển thêm một nấc mới. Đời sống của con người cũng khấm khá hơn. Không chỉ nâng cao chất lượng trong bữa ăn, giấc ngủ mà trong việc đi lại cũng đã cải thiện hơn rất nhiều trong những năm qua. Nếu như trước đây con người chủ yếu đi lại bằng xe đạp, xe kéo thì giờ đây rất hiếm khi chúng ta nhìn thấy những chiếc xe đạp chạy ngoài đường. Xe kéo thì hoàn toàn không thấy bóng dáng. Thay vào đó là xe máy, ô tô. Nhưng chính sự phát triển của các loại phương tiện lại khiến cho an toàn giao thông đi xuống.

Trong năm 2018 vừa qua theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cả nước xảy ra hơn 18.700 vụ tai nạn làm hơn 8.200 người chết và khoảng 14.800 người bị thương. Tính trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn và làm 23 người tử vong. Bên cạnh thiệt hại về người thì tai nạn giao thông cũng làm thiệt hại nhiều về tài sản. Từ đầu năm 2019 đến nay số vụ tai nạn giao thông vẫn liên tiếp diễn ra.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông có rất nhiều. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là do ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều người nắm rõ luật nhưng lại không tuân thủ theo luật. Lấy đơn cử như việc dừng đèn đỏ. Nhiều người vì muốn nhanh hơn một chút nên thường xuyên vượt đèn đỏ. Nhưng có không ít người trong số đó nhanh một phút nhưng chậm cả đời. Có người ra đi vĩnh viễn, có người trở thành người tàn phế. Bên cạnh đó có những người lại không hiểu về luật an toàn giao thông. Người đi xe máy lại đi vào làn đường ô tô, trong khu vực đông dân lại đi với tốc độ cao,… Thậm chí có những người uống rượu bia say nhưng vẫn lái xe. Họ không chỉ xem thường tính mạng của bản thân mình mà còn làm ảnh hưởng đến sự an nguy của người khác. Có những người đi bộ, người bán hàng rong nhưng lại ngang nhiên lấn chiếm lòng đường. Họ tràn xuống đường khiến cho các phương tiện giao thông khác bị cản trở. Bên cạnh nguyên nhân về con người còn có nguyên nhân đến từ phương tiện giao thông. Nhiều người sử dụng phương tiện thô sơ, tự chế khi tham gia giao thông không đảm bảo được sự an toàn. Một nguyên nhân không thể không nhắc đến nữa là do cơ sở hạ tầng yếu kém. Mặc dù đường xá hàng năm đều được nâng cấp nhưng thực tế có những tuyến đường bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Rất nhiều cung đường xấu là ác mộng đối với người điều khiển giao thông. Những cung đường ấy thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Hậu quả của việc không chấp hành an toàn giao thông chắc hẳn ai cũng rõ. Trước tiên chúng gây ùn tắc giao thông và làm mất trật tự xã hội. Đôi khi chỉ vì ý thức của một vài người nhưng lại làm ảnh hưởng tới hàng triệu con người. Không chấp hành an toàn giao thông có thể gây ra thiệt hại về tiền của, vật chất của con người và thậm chí là thiệt mạng. Còn nhớ vừa qua có vụ tai nạn một người phụ nữ lái xe Mercedes đã đâm vào 3 phương tiện giao thông khác và làm cả 4 cả phương tiện cháy rụi cùng một người tử vong tại chỗ.

Nếu muốn cải thiện tình hình giao thông ở nước ta hiện nay không chỉ trong ngày một ngày hai, cũng không thể nói vài câu là có thể thay đổi được. Là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy cùng nhau tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục để mọi người nâng cao hơn ý thức khi tham gia giao thông. Việc tuyên truyền không chỉ dành cho học sinh trong trường mà nên mở rộng quy mô để toàn bộ người dân đều hiểu. Đối với những người không chấp hành luật lệ giao thông luật pháp phải có hình phạt phù hợp để răn đe mọi người. Đối với cơ sở hạ tầng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và kịp thời khắc phục chất lượng.

Giữ an toàn giao thông không phải chỉ cho chính mình mà còn là giữ an toàn cho những người khác nữa. Người gặp tai nạn giao thông nếu không may qua đời sẽ để lại nỗi đau lớn cho người thân, nếu bị thương tật thì sẽ trở thành gánh nặng cho người thân. Chính vì vậy mà bạn hãy nâng cao hơn nữa ý thức tham gia giao thông của mình trước là để bảo vệ mình sau là để giữ an toàn cho những người cùng tham gia giao thông.

Bài tham khảo Mẫu 3

Đã từ lâu, an toàn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những năm gần đây, số tai nạn giao thông xả ra ở nước ta ngày càng nhiều. Số người chết vì tai nạn giao thông theo từng giờ, từng ngày đã lên đến mức báo động.

Vậy chúng ta, nhất là những người trẻ, có suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông? Trước hết, ta cần hiểu tai nạn giao thông là như thế nào? Khi tham gia giao thông trên đường, bất ngờ ta bị tai nạn do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Nhẹ thì chỉ thiệt hại về tài sản, nặng thì để lại thương tật suốt đời hoặc thậm chí là mất cả tính mạng, để lại biết bao đau thương, tiếc nuối cho những người thân. Từ khi con người sáng chế ra những phuơng tiện để di chuyển thì cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện tai nạn giao thông, dù là ở nhiều hình thức khác nhau. Có thể nói, cứ mười lần bước ra đường phố thì đã nhìn thấy hết bảy lần xảy ra tai nạn giao thông. Vậy tại sao lại có được một con số thật khó tưởng tượng, vì đâu mà tai nạn giao thông lại xảy ra một cách quá phổ biến? Có nhiều lý do để giải thích, như đã nói ở trên là do khách quan và chủ quan mà nguyên nhân chủ quan lại chiếm đa số.

Nguyên nhân đầu tiên là do sự thiếu hiểu biết. Số đông dân chúng còn có quan niệm răng tai nạn nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là do số mệnh con người quyết định. Họ không thấy rằng phần lớn tai nạn giao thông là có thể phòng tránh được. Thứ hai là có hiểu biết về luật giao thông nhưng do ý thức kém nên đã không chấp hành: uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm ở phần đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, chở trên ba người phóng nhanh vượt ẩu… Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất, làm đau đầu các nhà quản lí. Một phần nữa vì không có biện pháp kiểm soát, bắt nóng ngay khi phạm luật nên mọi người cứ vô tư phạm luật khi không thấy có cảnh sát giao thông. Xét về nguyên nhân khách quan, cơ sở hạ tầng của rất nhiều tuyến đường kém chất lượng do sự tắc trách của các cơ quan xây dựng, ăn hối lộ, rút xén vật liệu….đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông.

Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông, biết nghĩ đến sự an toàn cho người lưu thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội. Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông thì mọi người đều phải chấp hành nghiêm luật giao thông, đi đúng tốc độ,đúng phần đường,không điều khiển xe khi đã uống rượu bia,đi trên đường không nên ganh đua với người khác. Đặt biển báo giới hạn tốc độ, làm gờ giảm tốc, đèn hiệu giao thông, vạch dành cho người đi bộ ở khu vực có đông trẻ em. Phía nhà trường cần đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Tích cực phát huy tính kỷ luật nghiêm khắc của một nơi gọi là môi trường giáo dục học sinh, có như thế thì sẽ hạn chế tối đa tình trạng vi phạm luật an toàn giao thông của học sinh.

Riêng về phần học sinh chúng ta, ngay bây giờ,khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tích cực tham gia các hoạt động thiết thực do Đoàn trường tổ chức để tuyên truyền luật giao thông cho mọi người và gia đình, chấp hành nghiêm luật giao thông, đội mũ khi đi xe gắn máy. Không phải thực hiện theo cách đối phó mà hãy thực hiện vì chính sự an toàn của bản thân mình. Bản thân tôi cũng sẽ có gắng chấp hành luật giao thông thất tốt, góp một phần nhỏ nào đó làm giảm thiểu tai nạn giao thông, đem lại an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.

Tóm lại, tai nạn giao thông là một vấn đề bức bách cần giải quyết. Vấn đề này cần sự ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể của từng cá nhân trong xã hội này. Hy vọng là một ngày gần đây, tình trạng tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu tối đa, đem lại nhiều niềm vui cho những ai tham gia giao thông.

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close