Phân tích tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí lớp 8

1. Mở đoạn: Hồi thứ 14 của tác phẩm đã kể lại lần thứ 3 ra Bắc của Nguyễn huệ với chiến công thần kỳ vào bậc nhất trong lịch sử đại phá 20 vạn quân Thanh chỉ trong 10 ngày và ở đây, hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung với khí phách hào hùng, trí tuệ sáng suốt, tài thao lược hơn người mãi mãi là hình ảnh đẹp trong những trang lịch sử chói ngời của dân tộc.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn: 

Hồi thứ 14 của tác phẩm đã kể lại lần thứ 3 ra Bắc của Nguyễn huệ với chiến công thần kỳ vào bậc nhất trong lịch sử đại phá 20 vạn quân Thanh chỉ trong 10 ngày và ở đây, hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung với khí phách hào hùng, trí tuệ sáng suốt, tài thao lược hơn người mãi mãi là hình ảnh đẹp trong những trang lịch sử chói ngời của dân tộc.

2. Thân đoạn: 

- Sự sáng suốt của Nguyễn Huệ chính là ở việc nhận định tình hình và quyết định lên ngôi hoàng đế.

- Qua việc phân tích tình hình ta, địch, qua việc chuẩn bị kế hoạch 10 năm xây dựng Đại Việt ta có thể khẳng định Quang Trung là con người có tài trí sáng suốt. Đó là điều cần thiết ở một đấng minh quân mà không phải ai cũng có được.

- Dưới ngòi bút của tác giả Ngô gia văn phái, nhân vật người anh hùng áo vải còn mang vẻ đẹp của vị tướng có tài thao lược hơn người.

- Hình ảnh Quang Trung – khí phách hào hùng lẫm liệt.

3. Kết đoạn: 

Ở tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí hồi thứ 14 là một sự cống hiến vô giá của các tác giả về những trang tư liệu hào hùng trong lịch sử dân tộc qua việc khắc hoạ vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng Quang Trung. Hình ảnh Quang Trung trong đoạn trích giống như một thứ ánh sáng trong những phút đầu còn le lói nhưng vẫn sáng ấy, mỗi lúc một cao rộng, lan toả để rồi khắc sâu vào tâm khảm chúng ta vẻ đẹp trí tuệ sáng suốt, tài thao lược hơn người và một khí phách hào hùng lẫm liệt.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Quang Trung – Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Hình ảnh vua Quang Trung tiêu biểu cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 39 tuổi xuân, Quang Trung đã có 22 năm đánh Nam dẹp Bắc – tạo cơ sở cho quá trình thống nhất đất nước; đuổi Xiêm diệt Thanh – góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập nước nhà. Mỗi chiến công trong cuộc đời Quang Trung đánh dấu một mốc son trong lịch sử hào hùng của cả dân tộc.

Nói đến vua Quang Trung, trước hết nói đến một anh hùng với tính cách mạnh mẽ quyết đoán mỗi lần ông hành động. Nghe tin giặc đã kéo đến tận Thăng Long ông đã rất tức giận, đã họp các tướng sĩ, "định thân chinh cầm quân đi ngay". Rồi trong vòng chỉ một tháng, Nguyễn Huệ đã làm bao nhiêu việc lớn: "Tế cáo trời đất", "lên ngôi hoàng đế", "đốc suất đại binh'' ra Bắc, gặp gỡ "người cống sĩ ở huyện La Sơn", tuyển mộ quân lính và mở các cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng. Là con người hành động liên tục, không ngừng làm việc, có tính cách xông xáo, mọi quyết định đều nhanh gọn và rất dứt khoát, xứng đáng là vị chủ tướng trên vạn quân.

Vua Quang Trung còn nổi tiếng là con người có trí tuệ sáng suốt, rất nhạy bén trong mọi trường hợp. Ông có một tầm nhìn xa trông rộng, mưu cao trí lược, hơn nữa cái nhìn khái quát ấy còn giúp ông định hình về tình thế và về thời cuộc ông lên ngôi với mục đích có thể " để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người". Vì vậy, ông đưa ra mọi quyết định đều cân nhắc trước hết, làm thế nào để yên bề tình hình, giúp cho mục đích cuối cùng. Ông phân tích tình hình quân địch, nhận định được thế lực hai bên để phán đoán trong từng bước đi của mình. Ông đưa vào trong bài hịch những tội ác của giặc, chúng đã gây nên tội ác với nhân dân ta, phá huỷ nhiều nếp nhà, khiến cho quân sĩ được khích lệ tinh thần, đồng thời ông cũng nhắc đến nhiều tên tuổi anh hùng bảo vệ dân tộc như: Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng…Ông dùng những lời lẽ mềm mỏng để thuyết phục những kẻ "mềm lòng" dễ thay lòng đổi dạ, lạt mềm buộc chặt, nhưng vẫn không mất cái uy. Quang Trung hiểu rõ sở trường và sở đoản các tướng lĩnh dưới trướng mình bởi vậy ông vẫn trách mắng để họ nhận ra khuyết điểm đồng thời tha cho họ. Việc làm của ông là hành động sáng suốt, giúp thu phục nhân tâm, ai nấy đều phải tâm phục, khẩu phục.

Với Quang Trung, tư tưởng quyết chiến, quyết thắng, tầm nhìn xa, trông rộng rất quan trọng. Ông đã kiên quyết khẳng định chỉ trong vòng mười ngày có thể lấy lại kinh thành Thăng Long, nói được làm được, đây chính là một trong những trận chiến anh hùng nhất trong suốt những năm tháng chống quân xâm lăng của dân tộc ta. Ông đã mềm mỏng dùng ngoại giao để giữ hoà bình và cuộc sống cho nhân dân. Trên chiến trường, ông tổ chức trận đánh hết sức linh hoạt, sáng tạo, với nhiều kế binh hiểm hóc kết hợp nhuần nhuyễn nhiều cánh quân, cách đánh luôn giữ thế chủ động, lúc cần thì phòng thủ, luôn lợi dụng được điểm yếu của quân địch khiến kẻ địch không kịp trở tay. Tài dùng trận thì khỏi bàn cãi: trận Hà Hồi, trống rong cờ mở bắc loa đàn áp tinh thần quân giặc, trận Ngọc Hồi bện rơm tránh lửa, dùng kế gậy ông đập lưng ông, đồng thời đánh chặn chốt giặc khiến chúng hồn xiêu phách lạc.

Từ những đoạn trích trên ta thấy hiện về trong lịch sử một nhân vật xuất chúng: Lẫm liệt oai phong, văn võ song toàn đã ghi vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm sáng ngời truyền thống dân tộc, ngàn đời sau vẫn nhắc tên người anh hùng áo vải Quang Trung.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Hoàng Lê nhất thống chí, cuốn sách của dòng họ Ngô Thì ở làng tả Thanh Oai, một cuốn sách ghi lại nhiều sự kiện lịch sử, trong đó có vua Quang Trung đại phá hơn ba mươi vạn quân Thanh, một tác phẩm đưa con người ngược lại quá khứ để thấy được cuộc sống, xã hội thời bấy giờ và hòa mình vào chiến thắng vẻ vang hào hùng, đắm mình trong không khí tưng bừng lịch sử đó.

Ngô Gia Văn Phái đã tái hiện chân thực nhân vật lịch sử Quang Trung, người có công to lớn, một vị anh hùng của dân tộc trong chống ngoại xâm, giữ gìn đất nước, Quang Trung hiện lên trong tâm trí người đọc là một con người mạnh mẽ, quyết đoán, tài trí song toàn, xả thân vì đất nước, xả thân vì dân tộc, đoán trước được những gì sẽ xảy ra với nhân dân ta khi nghe tin quân Thanh tấn công vào miền Bắc đất nước ta, nhận thấy được mối nguy hại cận kề, sự tàn khốc mà quân Thanh sẽ gây ra cùng với sức mạnh của chúng ông đã lên ngôi hoàng đế tự mình dẫn quân ra Bắc ngăn chặn mối nguy hại đó, một con người tài ba có tài thao lược, con người có thể thấu hiểu lòng dân, thấu hiểu lòng binh sĩ, những lời lẽ của ông khích lệ mạnh mẽ tình yêu dân tộc, sức mạnh, nỗi khát khao trong lòng binh sĩ. Không chỉ thế ông còn có tầm nhìn xa trông rộng, biết cách chọn người tài, đứng đầu nhưng vẫn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để có cái nhìn đúng đắn nhất về sự việc.

Đặc biệt mưu lược hơn người của Quang Trung thể hiện trong cách ông cầm quân, cách mà ông lãnh đạo binh sĩ của mình tiến công thần tốc ra Bắc, cùng với chiến thuật được lên trước đó vô cùng tinh vi, không có một kẽ hở nào trước cuộc tấn công quân Thanh ở Ngọc Hồi, sự tư duy khi ông cho người ghép ván, lấy rơm dấp ván đánh vào tâm lí quân địch khiến chúng hoảng sợ dẫm đạp lên nhau chạy về nước trước sự xuất hiện bất ngờ của quân ta, tính chất bất ngờ là vô cùng quan trọng trong trận thắng lần đó, sự kiêu căng chủ quan vì sức mạnh của bản thân mà coi thường quân dân ta đã dẫn tới thất bại của quân Thanh. Lúc quân thanh còn kiêu ngạo cả tướng lẫn quân cũng là lúc lực lượng của ta chuẩn bị chu đáo, biến đổi từng ngày một, không khinh thường địch, tinh thần dân tộc đồng lòng của nhân dân cũng là nguyên nhân to lớn nhất dẫn tới những trận thắng tiếp theo. vừa ca ngợi mưu trí song toàn của Quang Trung các tác giả nhà Ngô Gia Văn Phái cũng đã rất tinh tế trong tái hiện lại thảm cảnh vô cùng nhục nhã của bè lũ vua quan tướng Ngô Sĩ Nghị và sự mục nát, yếu ớt không có tinh thần của dưới thời vua Lê Chiêu Thống, những con người bất tài vô dụng đó người thì theo thuyền cá về phía Bắc lẩn trốn, người thì tháo chạy không kịp mặc giáp, không kịp đóng yên ngựa.

Ngòi bút tinh tế của mình các tác giả đã dựng lên một thảm cảnh vừa buồn cười vừa tủi nhục của chế độ mục nát, đồng thời ca ngợi sự tài tình của vua Quang Trung, tinh thần dân tộc của quân dân ta kiên cường, phản ánh trận chiến ác liệt và vẻ vang của chiến thắng trong giai đoạn lịch sử không thể quên.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử biết bao thăng trầm, có những sự kiện lớn được lưu vào sổ sách cũng như dựa vào đó làm nguồn cảm hứng cho các nhà văn. Và thời kì những năm cuối thế kỉ XVIII cuối thế kỉ XIX, đã có sự kiện lớn, và đã được các nhà văn Ngô gia văn phái ghi chép lại thông qua tác phẩm " Hoàng Lê nhất thống chí". Có nhận xét rằng: "Hoàng Lê nhất thống chí" của Ngô gia văn phái, có thể nói cảm hứng yêu nước và tự hào dân tộc nhiều khi đã lấn át cả thái độ thiên vị với triều đình Lê. Điều đó đã mang lại những chi tiết thực và hay. Ta có thể thấy rõ điều đó qua hồi 14 của tác phẩm.

Ngô gia văn phái là tập hợp các anh em nhà họ Ngô làm việc cho triều đình nhà Lê. Khi ấy triều đình nhà Lê đang ở thế suy tàn, thối nát,vì vậy nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy và tiêu biểu là phong trào Tây Sơn của anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Các nhà văn họ Ngô đã tái hiện lại một cách chân thực nhất và khách quan nhất về thời kì ấy.

Hồi thứ 14, tác giả đã phác họa lại một cách sinh động nhất về chiến thắng lẫy lừng của Nguyễn Huệ cùng với đó là sự thất bại thảm hại của quân Thanh và vua Lê bán nước. Như đã biết, tác giả họ Ngô làm việc cho triều Lê chắc hẳn phải thiên vị vua tôi, phải coi thường nghĩa quân của Nguyễn Huệ - coi đó là giặc cỏ, nhưng thông qua hồi thứ 14 này, ta có thể thấy rằng họ nhìn mọi sự việc diễn ra vô cùng khách quan, nhận diện được đâu là tốt, xấu. Chính vì vậy, mà những trang lịch sử được viết ra đã mang lại những chi tiết "thực và hay" đến thế.

Nổi bật nhất trong hồi 14 này đó hình ảnh người anh hùng áo vải cầm quân đầy tài năng, đó chính là Nguyễn Huệ. Ông có cái nhìn tổng quan về thời cuộc, biết nhìn xa trông rộng, tính toán chính xác trong từng bước đi. Khi nghe tin quân Thanh đã kéo đến thành Thăng Long mà không tốn một chút công sức, ông tức giận lắm, nhưng ông vẫn không hề nao núng, mà quyết muốn cầm quân đi ngay. Chỉ trong vòng một tháng, ông đã làm được bao nhiêu việc, từ tế cáo trời đất, lên ngôi vua và lấy hiệu Quang Trung, bởi ông muốn có được lòng tin của dân, lấy danh nghĩa để dẹp loạn phương Bắc. Liền tiếp đó, ông đã cầm quân đi ngay, trên đường đi ông không ngừng tuyển thêm binh sĩ tinh nhuệ, đào tạo để thành đội quân. Những việc làm đó thật nhanh chóng, kiên quyết cho thấy được sự quyết liệt và sáng suốt của nhà vua Quang Trung. Ông họp bàn với các tướng sĩ đưa ra các chiến lược vậy mà ông đã có một cái nhìn khẳng định "sau mười ngày sẽ đại phá được quân Thanh". Thêm vào đó, ông còn nghĩ cách để hòa hoãn, tìm cách ngoại giao lại với quân Thanh bởi ông cho rằng đất nước cần phải được yên ổn, xây dựng phát triển, xây dựng lực lượng, tạo những đội quân mạnh cho chính đất nước mình.

Hồi thứ 14 vô cùng đặc sắc bởi nó đã vẽ nên khung cảnh toàn diện nhất của cuộc chiến, nó nêu lên một chiến thắng vẻ vang của dân tộc,và cũng là lời nhắc nhở, cảnh cáo đến những kẻ ngoại xâm, hay bán nước sẽ phải trả giá cho những tội lỗi mà chúng đã làm. Bằng tài năng kể chuyện, nhà văn họ Ngô đã miêu tả chân thực từng nhân vật cũng như các sự kiện cao trào và vô cùng hấp dẫn. Vì vậy "Hoàng Lê nhất thống chí" xứng đáng sống mãi với lịch sử của dân tộc. Nó mãi mãi là những trang viết "thực và hay".

Bài tham khảo Mẫu 1

Văn học trung đại Việt Nam khi nhắc đến thể chí không thể không nhắc đến tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Tác phẩm không chỉ là một mẫu mực của thể loại, mà cùng với ngòi bút chân thực sắc sảo đã cho hậu thế thấy được bản lĩnh của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, cùng sự thất bại thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống và quân Thanh. Điều này đã được phản ánh rõ nét trong hồi thứ mười bốn của tác phẩm này.

Tác phẩm viết theo thể “chí”: một thể văn cổ ghi chép sự vật, sự việc, vừa có tính chất văn học, vừa có tính chất lịch sử. (Đây thực chất là một tiểu thuyết lịch sử, viết theo lối tiểu thuyết chương hồi.) Tác phẩm gồm 17 hồi, 7 hồi đầu do Ngô Thì Chí viết, 7 hồi tiếp theo do Ngô Thì Du viết, 3 hồi còn lại do người khác viết. Tác phẩm được viết ở nhiều thời điểm nối tiếp nhau từ giai đoạn cuối triều Lê đến đầu triều Nguyễn.

Đó là thời kỳ thống nhất đất nước thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh. Đoạn trích là Hồi thứ 14: Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận, bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài. Văn bản là lời ca ngợi chiến thắng lẫy lừng của của Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn và sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh, bè lũ Lê Chiêu Thống.

Mở đầu đoạn trích là sự xuất hiện của Nguyễn Huệ. Ngược về những phần trước, có thể thấy Nguyễn Huệ được miêu tả hết sức tài năng, lẫm liệt: “Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện dũng mãnh lại có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam ẩn hiện như quỷ thần không ai có thể lường hết”. Chỉ bằng những lời hết sức ngắn gọn của người hầu gái trong cung vua ta đã phần nào nhận thấy tài năng hơn người của Nguyễn Huệ.

Quân Thanh kéo vào Thăng Long, bành trướng thế lực, nghe được tin đó Nguyễn Huệ hết sức tức giận, định cầm quân đi tiêu diệt ngay lũ nghịch thù. Nhưng nghe theo lời khuyên của các tướng sĩ, tại núi Bân ông đã tế cáo trời đất lên làm vua, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lệnh xuất quân đi ngay. Việc Nguyễn Huệ lên ngôi vua đã tạo nên cơ sở vững chắc cả về tình và lý, qua đó thấy được tài năng của ông. Dù là người tài năng xuất chúng nhưng ông cũng rất biết lắng nghe ý kiến người khác, cân nhắc kỹ lưỡng trong mọi hành động.

Tài năng cầm quân, thiên tài quân sự trong ông được chứng minh qua cuộc hành quân thần tốc ra kinh thành Thăng Long. Ông lựa thời cơ là những ngày giáp tết Nguyên Đán, khi kẻ địch đang mải mê trên chiến thắng, lo chuyện ăn chơi hưởng lạc, không phòng bị để tiêu diệt chúng. Vừa đi ông vừa chiêu mộ quân sĩ, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi Nguyễn Huệ cùng đội quân của mình đã ra đến Bắc Hà.

Trước khi chuẩn bị tiến đánh, trong bài dụ của mình ông đã khích lệ lòng yêu nước, lòng căm thù giặc cho tướng sĩ: “Người phương Bắc không phải giống nòi nước ta bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc ta, giết hại nhân dân ta, vơ vét của cải người minh không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi […] dấy nghĩa quân đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc”. Đọc lời dụ của ông ta không khỏi nhớ đến bài Hịch tướng sĩ hào hùng của Trần Quốc Tuấn, lời dụ của ông cũng có sức thuyết phục không kém.

Trong cách dùng người, Nguyễn Huệ cũng tỏ ra là người hết sức xuất sắc. Ông nhận thấy được điểm yếu của mình, Sở và Lân chỉ là kẻ hữu dũng, vô mưu bởi vậy ông để lại Ngô Thì Nhậm mưu lược hơn người. Và quả nhiên nhìn nhận của ông hoàn toàn chính xác. Ngô Thì Nhậm phát huy bản thân, “biết nín nhịn để tránh mũi nhọn” của kẻ thù, tránh tổn thất cho quân ta. Đồng thời cũng không trách mắng Sở và Lân.

Bên cạnh đó, ta cũng thấy ông là người có tầm nhìn xa trông rộng, dự đoán chính xác khả năng chiến thắng của ta và tiên liệu những công việc ngoại giao cần làm sau chiến thắng. Ông cử Ngô Thì Nhậm, khéo ăn khéo léo để thương thuyết với kẻ thù, để nhân dân ta nghỉ sức, xây dựng đất nước. Ông quả là một vị vua vừa có tâm lại vừa có tầm.

Đẹp đẽ nhất là khung cảnh Quang Trung lâm trận, suy nghi, khí thế bừng bừng, một mình một mũi tiến quân, tiêu diệt quân giặc. Với tinh thần tôn trọng lịch sử, sự ngưỡng mộ, lòng khâm phục chân thành với vua Quang Trung bằng ngòi bút chân thực, đan xen kể và tả sinh động, các tác giả Ngô gia văn phái đã làm nổi bật hình ảnh vua Quang Trung – người anh hùng áo vải, niềm tự hào lớn của cả dân tộc.

Bên cạnh một Quang Trung uy nghi lẫm liệt trong chiến trận lại là những kẻ bán nước hèn nhát – vua tôi Lê Chiêu Thống. Lê Chiêu Thống và những bề tôi trung thành của ông ta vì lợi ích riêng của dòng họ mà đem vận mệnh của dân tộc đặt vào tay kẻ thù xâm lược. Và lẽ tất nhiên, khi bán nước họ sẽ chịu nỗi sỉ nhục và sự đau đớn. Từ một ông vua Lê Chiêu Thống trở thành kẻ số phận hết sức bi thảm. Phải chạy trốn sang phương Bắc và chết ở nơi đất khách quê người.

Đối lập với hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn là chân dung kẻ thù xâm lược, cụ thể qua hình ảnh kẻ cầm đầu - Tôn Sĩ Nghị. Hắn ta là kẻ kiêu căng, tự mãn, chủ quan, kéo quân vào Thăng Long dễ dàng “ngày đi đêm ngủ” như “đi trên đất bằng”, cho là vô sự, không đề phòng gì.

Khi quân Tây Sơn đánh đến nơi, tướng thì hèn nhát, vô trách nhiệm thì sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp… chuồn trước qua cầu phao; quân thì “ai nấy đều rụng rời sợ hãi xin ra hàng hoặc bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, “quân sĩ các doanh nghe thấy đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều”, “đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”. Miêu tả sự trốn chạy, đại bại của quân tướng nhà Thanh với âm điệu nhanh, mạnh, gấp gáp gợi sự thất bại liên tiếp, thể hiện tâm trạng hả hê, sung sướng của người cầm bút.

Bằng quan điểm lịch sử chân chính của các sử gia, Ngô gia văn phái đã ghi lại một cách chân thực và sắc nét hình ảnh hào hùng của người anh hùng áo vải Quang Trung. Bên cạnh đó là sự thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thống và sự thất bại nhục nhã của quân tướng nhà Thanh. Đoạn trích được trần thuật theo dòng thời gian, giọng điệu linh hoạt, khi trầm buồn, khi gấp gáp, hối hả đã cho thấy tài năng kể chuyện bậc thầy của tác giả.

Bài tham khảo Mẫu 2

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm viết bằng chữ Hán của Ngô gia văn phái. Tác phẩm là những ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê. Đoạn trích thuộc hồi thứ mười bốn đã tái hiện chân thực vẻ đẹp anh dũng, hào hùng, tài trí song toàn của người anh hùng áo vải Quang Trung. Đồng thời cho thấy sự thất bại thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống và bè lũ cướp nước.

Trong tác phẩm nổi bật lên hai chân dung chính: chân dung của vị anh hùng Nguyễn Huệ và chân dung của bè lũ cướp nước cùng vua tôi Lê Chiêu Thống. Với mỗi nhân vật tác giả có cách khắc họa riêng, hết sức tài tình vừa đảm bảo tính chân thực, khách quan vừa thể hiện được cái tôi cá nhân tác giả.

Trước hết về người anh hùng Quang Trung, ông là nhà lãnh đạo quyết đoán, có trí tuệ sáng suốt. Ngay khi vừa hay tin quân Thanh tiến đến Thăng Long, ông đã nhanh chóng quyết định lên ngôi vua, để danh chính ngôn thuận đem quân tiến ra Bắc. Cách làm việc của ông hết sức nhanh chóng, quyết đoán, có tầm nhìn xa, bởi nếu ông không lên ngôi vua thì danh không chính, ngôn cũng không thuận thật khó có thể làm việc lớn.

Lên ngôi vua cũng cách thức làm yên lòng dân và ông ngay lập tức cầm quân ra Bắc. Trên đường tiến quân ra Bắc ông gặp Nguyễn Thiếp một người tài giỏi, mưu lược, ông trân trọng, lắng nghe kế sách của Nguyễn Thiếp. Ông là người rất trân trọng và ủng hộ người tài. Ra đến Nghệ An ông đã tuyển được hơn một vạn tinh binh, mở cuộc duyệt quân lớn. Trước khi cầm quân ra Bắc ông còn đọc lời phủ dụ binh lính, vạch trần âm mưu xâm lược hiểm độc của nhà Thanh, cho thấy bộ mặt xấu xa, tàn ác của kẻ thù; đồng thời cũng nêu lên ý thức kỷ luật cho binh sĩ.

Những lời ông nói như sấm vang, chớp giật, có tác động to lớn trong việc khích lệ tinh thần binh sĩ. Ông còn là người hết sức sáng suốt, có tầm nhìn ra trông rộng. Là một người tài giỏi, Quang Trung đã đoán biết được tình hình của giặc, lập kế sách tiến đánh và khẳng định chỉ trong vòng mười ngày là giành lại được kinh thành Thăng Long. Ông tiến hành một cuộc hành binh thần tốc, 25 tháng Chạp xuất quân ở Phú Xuân, 30 ông đã đến Tam Điệp ở Ninh Bình.

Và ngày đêm 30 bắt đầu tiến quân ra thành Thăng Long. Đây quả là cuộc hành quân thần tốc, có một không hai trong lịch sử nước nhà. Không chỉ vậy ông còn nhìn rõ bản chất quân địch, là nước lớn, sau khi thua nhất định sẽ quay lại báo thù. Bởi vậy, ông đã có kế sách ngoại giao ngay sau khi dành được chiến thắng. Ông quả là một bậc kỳ tài, thấu hiểu những gian nan, thử thách mà dân tộc phải đối mặt, đưa ra những phương hướng, chiến lược đứng đắn, là cơ sở cho sự đại thắng của quân dân ta.

Quang Trung còn có tài dụng binh như thần. Ông thấu hiểu chỗ mạnh chỗ yếu của các tướng sĩ: trách mắng Sở và Lân rất nghiêm khắc cho họ thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, nhưng đồng thời cũng khen ngợi hành động của họ để bảo toàn lực lượng. Ông đánh giá cao Ngô Thì Nhậm về sự mưu trí, mưu lược hơn người. Ông quả là một tướng tài biết nhìn việc, nhìn người.

Tài cầm quân đã xuất sắc, tài đánh trận của ông cũng không hề kém cạnh. Để khích lệ lòng quân ông cho binh sĩ ăn tết trước, hẹn mùng 7 vào Thăng Long mở tiệc lớn. Không những vậy ông còn đảm bảo được yếu tố bất ngờ, bắt sống hết quân do thám và tân binh của giặc, khiến các đồn không thể báo tin cho nhau. Đảm bảo yếu tố bất ngờ, nhằm đúng tết nguyên đán tiến đánh kẻ thù, bởi lúc này chúng đang ngủ quên trên chiến thắng, say mê hưởng lạc, không phòng bị.

Ông thay đổi chiến thuật linh hoạt: trận Hà Hồi dùng nghi binh, đánh Ngọc Hồi cho quân chế tạo những tấm ván ghép bằng rơm ướt, nhờ vậy mà giảm được thương vong. Đặc biệt hơn nữa ông còn đích thân ra trận, chỉ huy một hướng tiến công. Quang Trung là hội tụ vẻ đẹp, tinh hoa và khí phách của dân tộc.

Trái ngược với vẻ đẹp oai phong, lẫm liệt của vua Quang Trung bọn quân tướng nhà Thanh thất bại thảm hại. Tôn Sĩ Nghĩ ban đầu tiến vào nước ta một cách dễ dàng nên luôn kiêu căng tự mãn. Không nắm rõ tình hình, chỉ lo ăn chơi hưởng lạc. Hắn còn là kẻ tham sống, sợ chết, chưa đánh đã sợ mất mật mà bỏ chạy: “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”. Những kẻ khác kẻ thì đầu hàng, kẻ thắt cổ tự vẫn.

Thật là một bọn ô hợp, hèn nhát và bất tài. Ở đoạn văn này ngòi bút miêu tả được tác giả phát huy hết tác dụng, kết hợp với nhịp điệu nhanh, gấp gáp cho thấy sự hoảng hốt và thất bại thảm hại của kẻ thù. Đồng thời còn cho thấy giọng điệu hả hê, sung sướng trước thắng lợi của quân ta và sự đại bại của quân giặc.

Còn về phía vua tôi Lê Chiêu Thống, khi xảy ra biến loạn, quân Thanh tan rã thì vô cùng sợ hãi, bỏ chạy, thậm chí còn cướp cả thuyền của dân để qua sông. Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc phải cạo đầu, tết tóc, trang phục như người Mãn. Thật đáng thương thay từ một bậc quân vương đứng đầu hàng vạn người, vậy mà chỉ vì quyền lợi của bản thân và dòng họ, Lê Chiêu Thống đã bán nước nên phải chịu nỗi nhục vong quốc, nắm xương tàn phải bỏ lại nơi đất khách quê người.

Mặc dù cùng miêu tả về sự thảm bại, nhưng nhịp điệu ở đoạn văn này nhịp điệu lại chậm hơn. Thể hiện sự xót thương, ngậm ngùi cho số phận của Lê Chiêu Thống. Bởi dù sao ông cũng là một cựu thần trung thành của nhà Lê, trước sự sụp đổ triều đại mình tôn thờ không khỏi không ngậm ngùi, chua xót.

Tác phẩm không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn hấp dẫn người đọc ở nghệ thuật trần thuật. Ghi lại những sự kiện lịch sử qua từng mốc lịch sử, cho thấy không khí khẩn trương, gấp gáp và chiến thắng hào hùng của quân ta. Nghệ thuật miêu tả nhân vật sinh động, hấp dẫn. Từng trận đánh được miêu tả chi tiết, cho thấy khí thế hừng hực của quân ta và sự thất bại thảm hại của quân thù. Nghệ thuật đối lập giữa ta và địch: một bên đớn hèn, nhát chết một bền xông xáo, mưa chí, tài lược.

Qua hồi thứ mười bốn của Hoàng Lê Nhất thống chí, tác giả đã cho người đọc một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về vẻ đẹp anh hùng, dũng cảm, mưu lược của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chiến thắng oanh liệt vẻ vang của nhân dân ta trước kẻ thù. Đồng thời còn cho thấy sự thất bại thảm hại của nhà Thanh, và sự đáng thương của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Bài tham khảo Mẫu 3

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm do một số người cùng trong dòng họ Ngô Thi viết. Có thể hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du viết trong những thời điểm nối tiếp nhau.

Ngô Thì Chí (1758 – 1788) là em ruột của danh nhân Ngô Thì Nhậm. Ông làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống, từng chạy theo Lê Chiêu Thống khi Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt lộng thần Nguyễn Hữu Chỉnh và dâng Trung hưng sách bàn kế khôi phục nhà Lê. Sau đó, ông được vua Lê Chiêu Thống cử đi Lạng Sơn chiêu tập những kẻ lưu vong, lập ra đoàn nghĩa binh chống Tây Sơn, nhưng trên đường đi ông bị bệnh và mất đột ngột tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nhiều tài liệu cho rằng ông viết bảy hồi đầu của truyện.

Ngô Thì Du (1772 – 1840) là anh em chú bác với Ngô Thì Chí ông học giỏi nhưng không đổ đạt gì. Dưới triều Tây Sơn, ông ấn mình ở vùng Kim Bảng, Hà Nam. Thời nhà Nguyễn, ông ra làm quan, được bổ nhiệm làm Đốc học Hải Dương, đến năm 1827 thì về nghỉ. Ông là tác giả bảy hồi tiếp theo của Hoàng Lê nhất thống chí, trong đó có hồi mười bốn được trích giảng ở đây. Còn lại ba hồi cuối có thể do một người khác trong Ngô gia văn phái viết vào khoảng đầu triều Nguyễn.

Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn sách ghi chép về những sự kiện của vương triều nhà Lê, có lẽ là vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại quyền cai trị đất Bắc Hà cho vua Lê, về hình thức, tuy tác phẩm chịu ảnh hưởng lối viết tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc, những các tác giả rất tôn trọng sự thật lịch sử. Cho nên, mặc dù do nhiều người viết và viết ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng nội dung tác phẩm về cơ bản vẫn giữ được tính nhất quán.

Trong văn học Việt Nam thời trung đại, có thể coi Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán có quy mô to lớn nhất và đạt được những thành công xuất sắc nhất về mặt nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết.

Tác phẩm đã tái hiện chân thực và sinh động bối cảnh lịch sử đầy biến động ở nước ta trong khoảng hơn ba thập kỷ cuối của thế kỉ XVIII và mấy năm đầu thế kỉ XIX.

Khởi đầu câu chuyện là sự sa đọa, thối nát đến cực độ của các tập đoàn phong kiến. Thời Lê mạt, vua chẳng ra vua. Vua Lê Hiển Tông ốm đau, bạc nhược, chỉ còn biết chắp tay rủ áo, cam phận làm bù nhìn. Câu nói cửa miệng của ông ta là: Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui, Vua Lê Chiêu Thống đê hèn, cúi đầu khuất phục trước giặc Mãn Thanh, mong cứu vãn cái ngai vàng mục ruỗng sắp sụp đổ. Ông vua cuối cùng là Lê Duy Mật thì tệ hại đến mức bị người đời đánh giá cùng chỉ là một cục thịt trong cái túi da mà thôi.

Bên phủ Chúa, Trịnh Sâm sống xa hoa hưởng lạc, hoang dâm vô độ. Vì say mê Đặng Thị Huệ nên Chúa Trịnh sẵn sàng phế con trưởng, lập con thứ, gây nên loạn từ trong nhà loạn ra. Anh em chém giết lẫn nhau. Kiêu binh ỷ thế lộng hành, Sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến đã đến hồi quyết liệt, cần được giải quyết. Trong bối cảnh đó, cuộc nổi dậy với khí thế ngất trời của phong trào Tây Sơn là một tất yếu.

Rồi Nguyễn Huệ đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh, lập nên triều đại Tây Sơn. Nhưng cơ nghiệp nhà Tây Sơn ngắn ngủi. Chúa Nguyền dần dần hồi phục thế lực, dẹp Tây Sơn, lập vương triều mới (1802). Kết thúc tác phẩm là tình cảnh thảm hại, nhục nhã của vua tôi Lê Chiêu Thống khi nương thân ở nước người.

Tất cả những sự kiện lịch sử trên được các tác giả ghi chép lại thật cụ thể, tỉ mi. Nối bật lên trên bối cảnh của thời đại nhiễu nhương ấy là hình bóng của những con người thuộc các phe phái đối lập, đặc biệt là hình ảnh ngời sáng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ – người anh hùng tiêu biểu cho sức mạnh quật cường của dân tộc.

Hồi thứ mười bốn là đoạn trích dài, kể lại diễn biến của nhiều tình tiết, sự kiện. Để hiểu rõ đoạn trích này, chúng ta phải tìm hiểu đôi nét về nội dung của hồi mười hai và mười ba. Khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc lần thứ hai đề bắt viên quan phản bội Vũ Văn Nhậm thì vua Lê Chiêu Thông sợ hãi bỏ kinh thành Thăng Long chạy lên vùng biên ải phía Bắc, chiêu mộ nghĩa binh Gần vương đế chống lại.

Nhưng nhóm nghĩa binh ít ỏi ấy không đủ sức đối địch với quân Tây Sơn. Lê Chiêu Thống bèn cử hai viên quan hầu cận là Lê Duy Đản và Trần Danh Án bí mật trốn sang Trung Quốc, gặp viên Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị để cầu viện. Tôn Sĩ Nghị muốn nhân cơ hội này cướp nước ta liền tâu lên vua Mãn Thanh, xin đưa quân sang đánh.

Được lệnh, Tôn Sĩ Nghị kéo đại quân sang với danh nghĩa phù Lê, diệt Tây Sơn. Trước thế giặc mạnh, quân Tây Sơn rút lui về cố thủ ở Tam Diệp. Quân giặc kéo thẳng tới Thăng Long, không gặp sức kháng cự nào liền sinh ra kiêu căng, tự mãn. Lê Chiêu Thống cùng theo về, nhận sắc phong bù nhìn An Nam Quốc Vương.

Đoạn đầu của hồi thứ mười bốn nói về việc Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào Thăng Long, thấy dễ dàng, cho là vô sự nên không đề phòng gì cả. Điều đó làm cho vua tôi Lê Chiêu Thống vốn đã biết rất rõ tài cầm quân xuất quỷ nhập thần của Nguyễn Huệ, rất lo lắng.

Quân tướng Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long chỉ lo chơi bời, tiệc tùng, không hề để ý đến việc quân, lính thì tự tiện bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang, không còn có kỷ luật gì cả. Người cung nhân cũ đến tâu với thái hậu về thái độ chủ quan coi thường Tây Sơn của giặc Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống có nguy cơ phải chạy sang đất Trung Hoa một chuyến nữa. Thái hậu hoảng hốt nói với vua. Nhà vua lúc bấy giờ mới hoảng sợ, đến doanh trại xin Tôn Sĩ Nghị xuất quân, bị hắn mắng thẳng vào mặt nên sợ hãi lui về.

Ở hồi thứ mười bốn này, với cảm quan lịch sử nhạy bén và niềm tự hào dân tộc to lớn, các tác giả đã khắc hoạ thành công hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, miêu tả sự thảm bại của các tướng lĩnh nhà Thanh và số phận bi đát của vua Lê Chiêu Thống phản nước, hại dân.

Từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyễn Huệ được miêu tả là con người tài ba, hành động một cách quả quyết, xông xáo, nhanh gọn và có chủ đích rõ ràng. Nghe tin giặc Thanh dã chiếm đến tận Thăng Long. Nguyễn Huệ đã thân chinh cầm quân đi ngay. Rồi chỉ trong vòng hơn một tháng (từ 24 tháng 11 đến 30 tháng Chạp), Nguyễn Huệ đã làm được bao nhiêu việc lớn: tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế đốc xuất đại binh ra Bắc, gặp gỡ người cống sĩ ở huyện La Sơn, tuyển mộ quân lính và mở cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và nghĩ đến cả kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.

Một nhân tố quan trọng cần phải xem xét trước hết trong văn bản này là tác giả. Khi sáng tạo tác phẩm, tác giả không chỉ tái hiện hiện thực khách quan mà còn thể hiện những tư tưởng, tình cảm, quan điểm chính trị, xã hội,… của mình.

Tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô gia văn phái – một nhóm tác giả rất trung thành với nhà Lê. Nếu xét theo quan điểm phong kiến thì trong con mắt của Ngô gia, vua Quang Trung là kẻ nghịch tặc. Thế nhưng trong tác phẩm, hình ảnh Quang Trung – Nguyễn Huệ lại được miêu tả khá sắc nét với tài cầm quân “bách chiến bách thắng”, tính quyết đoán cùng nhiều phẩm chất tốt đẹp khác.

Các chi tiết, sự kiện trong phần đầu đoạn trích này cho thấy vua Quang Trung là người rất mạnh mẽ, quyết đoán nhưng không hề độc đoán, chuyên quyền. Ông sẵn sàng lắng nghe và làm theo ý kiến của thuộc: hạ, lên ngôi vua để giữ lòng người rồi mới xuất quân ra Bắc. Ngay khi đến Nghệ An, ông lại cho vời một người cống sĩ đến để hỏi về việc đánh quân Thanh như thế nào.

Chi tiết này cho thấy Quang Trung luôn quan tâm đến ý dân, lòng dân. Khi vị cống sĩ nói: “Chúa công đi ra chuyến này, không quá mười ngày, quân Thanh sẽ bị dẹp tan”, ông “mừng lắm”, không chỉ vì người cống sĩ nói đúng ý mình mà chủ yếu là vì chủ trương của ông, quyết tâm của ông đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bằng chứng là ngay sau đó ông cho tuyển quân “chưa mấy lúc đã được hơn một vạn quân tinh nhuệ”.

Cách ăn nói của vua Quang Trung cũng rất có sức thuyết phục, vừa khéo léo, mềm mỏng vừa rất kiên quyết, hợp tình hợp lý. Khi nói với binh sĩ, ông đã cho họ ngồi (một cử chỉ biểu lộ sự gần gũi mặc dù ông đã xưng vương), từng lời nói đều giảm đi, để hiểu. Sau khi lấy lịch sử từ các triều đại trước ra để cho binh sĩ thấy nỗi khổ của nhân dân dưới ách thống trị ngoại bang, ông không quên tuyên bố sẽ trừng phạt những kẻ phản bội, ăn ở hai lòng. Điều đó khiến cho binh sĩ thêm đồng lòng, quyết tâm chống giặc.

Những lời nói, việc làm của vua Quang Trung thật hợp tình, hợp lý và trên hết là hợp với lòng người. Vừa mềm dẻo vừa kiên quyết, xét đúng công, đúng tội, đặt lợi ích của quốc gia và của dân chúng lên trên hết, ông đã khiến cho binh sĩ thêm cảm phục, càng quyết tâm chống giặc. Đó là một yếu tố rất quan trọng tạo nên những chiến thắng liên tiếp của quân Tây Sơn dưới sự thống lĩnh của vua Quang Trung.

Ở phần tiếp theo của đoạn trích, để diễn tả không khí chiến trận rất khẩn trương, quyết liệt, các tác giả đã chú trọng nhiều hơn đến các sự kiện nhưng không vì thế mà làm mờ nhạt hình ảnh tài năng của vị thống lĩnh. Lời hứa chắc chắn trước lúc xuất quân của ông đã được đảm bảo bằng tài thao lược, xử trí hết sức nhạy bén, mưu trí trong những tình huống cụ thể: đảm bảo bí mật hành quân, nghi binh tấn công làng Hà Hồi, dùng ván phủ rơm ướt để tấn công đồn Ngọc Hồi,… Tài dùng binh khôn khéo đó khiến cho quân Thanh hoàn toàn bị bất ngờ, khi chúng biết được tin tức thì đã không thể chống cự lại được nữa, chỉ còn cách giẫm đạp lên nhau mà chạy.

Phần cuối của đoạn trích chủ yếu diễn tả cuộc tháo chạy hỗn loạn, nhục nhã của đám quan quân nhà Thanh. Ra đi “binh hùng tướng mạnh”, vậy mà chưa đánh được trận này đã phải tan tác về nước. Rất có thể sau khi bại trận, quân số của Tôn Sĩ Nghị (trước đó là hai – mươi vạn) vẫn còn đông hơn quân của vua Quang Trung nhưng trước sức tấn công như vũ bão của quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của một vị tướng tài ba và quyết đoán, chúng đã không còn hồn vía nào để nghĩ đến chuyện chống trả.

Trong đoạn này giọng điệu của các tác giả tỏ ra vô cùng hả hê, vui sướng. Khi miêu tả tài “xuất quỷ nhập thần” của quân Tây Sơn, các tác giả viết: “Thật là: Tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”… Ngược lại, khi viết về Tôn Sĩ Nghị thì: “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mặt, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp…”. Đó không còn là giọng của một người ghi chép lại các sự kiện một cách khách quan mà là giọng điệu sảng khoái của nhân dân, của dân tộc sau khi đã khiến cho bọn xâm lược ngoại bang, Vốn trước ngạo nghễ là thế, giờ đây phải rút chạy nhục nhã.

Đoạn nói về vua tôi nhà Lê càng khẳng định thái độ của các tác giả khi viết tác phẩm này. Mặc dù luôn đề cao tư tưởng trung nghĩa nhưng trước sự nhu nhược, hèn hạ của đám vua tôi nhà Lê, các tác giả vẫn thể hiện ít nhiều thái độ mỉa mai, châm biếm. Số phận những kẻ phản dân, hại nước cũng thảm hại chẳng kém gì những kẻ cậy đông, đem quân đi xâm lược nước khác. Đó là số phận chung mà lịch sử dành cho lũ bán nước và lũ cướp nước.

Cuộc đại phá quân Thanh xâm lược là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Người làm nên kỳ tích ấy là Quang Trung – Nguyễn Huệ, vị “anh hùng áo vải” vừa có tài thao lược vừa luôn hết lòng vì dân, vì nước. Trang sử hào hùng ấy đã được ghi lại bởi Ngô gia văn phái – nhóm tác giả đã vượt qua những tư tưởng phong kiến có hữu để tái hiện lịch sử một cách chân thực.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close