Nêu suy nghĩ của em về vấn đề vô cảm thông qua tác phẩm Cô bé bán diêm lớp 8

1. Mở bài: - Sự thờ ơ, vô cảm qua tác phẩm Cô bé bán diêm của An-đéc-xen.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: 

- Sự thờ ơ, vô cảm qua tác phẩm Cô bé bán diêm của An-đéc-xen.

2. Thân bài:

+ Thờ ơ, vô cảm trở thành một vấn đề xã hội mà mọi người quan tâm và suy nghĩ. Nó dường như trở nên phổ biến và càng nhanh chóng phát triển.

+ Người đáng lên án đầu tiên đó chính là cha của cô bé, một người cha tàn ác, nhẫn tâm, không thể lo nổi cho con mình còn bóc lột, hành hung cô bé một cách tàn nhẫn. Đó chính là sự tha hóa, băng hoại về đạo đức con người.

+ Không chỉ vậy, chính xã hội cũng thờ ơ, vô cảm với em. Họ không thể mua cho cô bé lấy nổi 1 bao diêm hay cho cô bé bất cứ một thứ gì mà chỉ quan tâm đến bản thân mình. Khi thấy xác cô bé bên đường, sự vô tâm lại càng khiến ta tức giận khi họ chỉ buông một câu xanh rờn “Chắc nó muốn sưởi ấm!”.

3. Kết bài:

+ Lên án, tố cáo sự thơ ơ, vô tâm, vô cảm của một lớp người trong xã hội.

+ Chúng ta phải biết đồng cảm, thương xót trước số phận bất hạnh.

+ Đồng cảm với những ước mơ, khát khao giản dị, chân thành của con người nhỏ bé.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Trong chương trình học Ngữ văn lớp 6, cuốn sách Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen đã để lại ấn tượng sâu sắc và gợi nhà nhiều suy ngẫm trong em.

Cô bé là một đứa trẻ vô cùng bất hạnh. Từ nhỏ, bé đã mất mẹ và bà, sống trong sự ghẻ lạnh của cha, không được yêu thương, quan tâm hay chăm sóc. Cả hai cha con phải sống trong căn gác xép tồi tàn với cửa sổ hỏng, chẳng thể chống lại cái lạnh. Mặc dù còn nhỏ tuổi, cô bé không được học hành mà phải đi bán diêm để kiếm sống cho gia đình. Vào đêm giao thừa, cô bé không dám về nhà khi không bán được một que diêm nào bởi lo sợ cha sẽ đánh mắng. Vì rét buốt, cô đã đốt những que diêm lên để sưởi ấm và qua những ảo ảnh hiện ra từ lửa, cô bé đã có được những giấc mơ đẹp cho mình. Lần đốt diêm thứ tư, cô bé đã gặp lại người bà kính yêu và quyết định đốt que diêm thứ năm để đi theo bà lên thiên đàng. Cuối cùng, ước mơ của cô bé đã thành hiện thực khi bà xuất hiện và mang cô bé đi cùng. Sáng sớm hôm sau, người ta tìm thấy cô bé chết cóng bên đường cùng những que diêm cuối cùng.

Cô bé bán diêm gợi lên trong em những suy ngẫm về biết bao trẻ em vô tội trong xã hội hiện đại ngày nay. Bên cạnh những bạn nhỏ nhận được yêu thương, quan tâm và chăm sóc từ gia đình, còn có biết vô vàn trẻ em bị bỏ rơi, bị ngược đãi, đánh đập và phải chịu bạo hành từ người thân hay cả những người xa lạ. Vì còn quá nhỏ, chúng em chưa đủ khả năng tự yêu thương và chăm sóc bản thân, cũng không thể chống cự trước những kẻ ác độc ấy.

Vì vậy, em tin rằng chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ để cứu giúp những trẻ em gặp bất hạnh. Đầu tiên, chúng ta cần thông qua việc giáo dục về quyền của trẻ em và lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực đối với trẻ nhỏ. Tiếp theo, cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc những hành vi tình dục và lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của mọi người xung quanh. Nếu ai cũng có lòng yêu thương và sẵn lòng thông cảm với những người xung quanh, thì sẽ không còn nỗi lo về việc những đứa trẻ nhỏ bị bỏ rơi hay bị hành hạ. Để đạt được điều đó, em cho rằng việc giáo dục học sinh ngay từ trên ghế nhà trường là điều vô cùng quan trọng.

Khép lại cuốn sách Cô bé bán diêm, trong trái tim em có thật nhiều cảm xúc khó diễn tả. Đó là tình yêu thương, lòng đồng cảm sâu sắc, nỗi căm hận dành cho những kẻ tàn ác, vô tâm đã bỏ rơi và bạo hành những em nhỏ đáng thương. Em mong rằng thế giới này sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, nơi mà mọi trẻ em được sống một cuộc sống an lành và hạnh phúc, không ai phải chịu cảnh nghèo đói, giá rét hay đau thương như cô bé bán diêm đã trải qua.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Tác phẩm “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen đã phác họa nên một bức tranh đầy thương cảm với số phận, cảnh ngộ của cô bé bán diêm. Thông qua hình ảnh của cô bé bán diêm, nhà văn không chỉ khơi dậy trong chúng ta sự cảm thương sâu sắc với số phận của cô bé mà còn đề cập tới vấn đề tình người trong cuộc sống.

Trong xã hội kia, đâu phải chỉ riêng có một cô bé bán diêm khốn khổ, bất hạnh mà còn vô số những hoàn cảnh bất hạnh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên nhà văn đã khéo léo xây dựng nên cảnh ngộ của em và kết thúc với bi kịch đầy nghiệt ngã. Cô bé bán diêm, phải đi bộ khắp các con phố để bán những bao diêm, ngày nào cũng như ngày nào, em chẳng những không được đi học, được vui chơi mà còn phải lao động vất vả, do chính người cha vô dụng bắt em phải làm.

Đó chính là phản ánh về chính chúng ta trong xã hội này, còn biết bao em nhỏ mồ côi cha mẹ, không người thân thích đang rong ruổi kiếm miếng ăn qua ngày, biết bao gia đình hoàn cảnh khốn khổ không đủ cơm ăn, không đủ áo mặc. Chúng ta phải nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với họ, là một thành phần của xã hội, chúng ta cần giúp đỡ nhau để cùng tồn tại và phát triển. Giống như câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Những số phận ấy không may mới phải chịu cảnh bất hạnh, chúng ta may mắn hơn họ, chúng ta phải biết cảm thông và chia sẻ, giúp đỡ họ để cuộc sống này thêm phần tốt đẹp hơn, đó là điều ý nghĩa nhất mà trong tình cảm giữa con người với con người nên có.

Truyện “Cô bé bán diêm” chính là khơi dậy lòng nhân ái, bao dung và nhân hậu, biết cảm thông chia sẻ giữa con người với nhau. Mỗi người đều có trách nhiệm của mình đối với số phận và cuộc đời của những người như cô bé bán diêm.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Thế giới tuổi thơ của chúng ta lung linh màu sắc nhờ có những câu chuyện đẹp của nhà văn An- đéc- xen. Đến với truyện "cô bé bán diêm" em vô cùng xúc động trước hình ảnh cô bén bán diêm đêm giao thừa. Em hoàn toàn đối lập với những người xung quanh. Giữa đường phố Bắc Âu lạnh lẽo, em đầu trần chân đất. Trong khi cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn thì em đi giữa đường lạnh buốt, tối om. Trong phố sực nức mùi ngỗng quay còn em thì lại rất đói. Cảnh ngội em thật đáng thương! Em đâu dám về nhà vi sợ những trận đòn của người cha khắc nghiệt. lạnh quá, em bé quẹt những bao diêm và những mộng tưởng kì diệu đã hiện ra sau ánh lửa diêm huyền ảo. Mộng tưởng nào cũng đẹp rực rỡ nhiều màu sắc như sụ hồn nhiên của em. Lò sưởi, ngỗng quay, cây thông nô en và cả người bà nhân hậu cũng hiện ra trước mắt. Rồi tất cả vut tắt, những hình ảnh đẹp đẽ đã rời xa em. Em bé đã cùng bà bay lên thiên đường để đón lấy niềm vui đầu năm. Nhưng thiên thần nhỏ ấy cũng đã vĩnh viển rời xa dương tế, em đã chết vì giá rét trong đem giao thừa. Với những hình ảnh đối lập, sự sắp xếp khéo léo các trình tự sự việc, sáng tạo trong cách kẻ chuyện của nhà văn an - đéc - xen đa truyền cho chúng ta lòng thương cảm đối với một em bé bất hạnh đồng thời lên án xã hội thiếu tình thương đã đẩy em bé vào cái chết thật xót xa. Em thầm mong trên thế giới này không còn em bé nào rơi vào cảnh ngộ như thế nữa.

Bài tham khảo Mẫu 1

Câu chuyện "Cô bé bán diêm" của Andersen đã khiến em thật sự xúc động và đau lòng trước số phận thảm thương của cô bé. Khép lại trang sách, những suy tư về tình yêu thương con người luôn mãi trăn trở trong tâm trí em. Liệu nếu là người qua đường trong câu chuyện "Cô bé bán diêm", chúng ta sẽ lựa chọn thờ ơ hay đồng cảm, phớt lờ hay sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn?

Trong đêm giao thừa lạnh giá, cô bé bán diêm đã ra đi với cái chết đau lòng. Cái chết của em là lời tố cáo đanh thép cho sự vô tình và bất công của xã hội đương thời. Đồng thời cũng để lại trong lòng độc giả những rung động, nỗi niềm xót thương khó tả. Em bé bán diêm đã phải chịu đựng sự tàn nhẫn của thế giới xung quanh, không ai quan tâm đến lời chào hàng tha thiết của em. Thậm chí khi em bé qua đời, thi thể lạnh giá của em cũng chỉ nhận được sự lạnh lùng và tàn nhẫn từ những người xung quanh. Dẫu biết rằng đêm giao thừa, ai ai cũng chỉ muốn mau chóng về nhà, đoàn tụ với gia đình, người thân. Nhưng người ta đã lỡ quên đi hoặc cố tình phớt lờ sự van xin thương xót, van xin chút tình người của cô bé đáng thương. Có lẽ chết trong đêm tuyết rơi cũng chẳng giá lạnh bằng không nhận được chút tình người ấm áp nào.

Nhưng trong thế giới đầy tàn bạo đó, nhà văn An-đéc-xen đã dành cho em tình yêu và sự thương cảm sâu sắc. Chính tình cảm đó đã khiến ông miêu tả em cuối truyện với đôi má hồng và nụ cười trên môi, mơ tưởng về cuộc hành trình trở về thiên đường của hai bà cháu. Tuy nhiên, câu chuyện này đem lại cho chúng ta một cảnh tượng đau lòng, gợi lên sự đau xót vô bờ bến cho những kiếp người nghèo khổ.

Sự thờ ơ, vô cảm trước những mảnh đời bất hạnh đâu chỉ có từ thời của An-đéc-xen. Ngay trong chính xã hội hiện đại, đủ đầy vật chất ngày nay, con người ta đôi lúc cũng quên đi việc phải đồng cảm, sẻ chia với những người khó khăn. Hoặc có thể nhiều người đã quá nhàm chán và quen với những tin tức về đói nghèo, bạo lực, chiến tranh... đôi khi là lừa đảo... Tuy nhiên, đừng chỉ vì một vài trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" mà chán ghét, thờ ơ với nhiều người đang thật sự khó khăn cần giúp đỡ. Hãy hành động bằng sự sẻ chia với người đang gặp khó khăn, lên án những việc làm thờ ơ, vô cảm với người khác, lên án những hiện tượng lừa đảo, hay bạo hành, ngược đãi trẻ em. Đó mới là quyết định đúng đắn khi bạn đang phân vân liệu nên lựa chọn thờ ơ hay đồng cảm, phớt lờ hay sẻ chia.

“Cô bé bán diêm” là câu chuyện đầy nhân văn, khơi gợi trong lòng người đọc những xúc cảm và trách nhiệm về lòng nhân ái, bao dung, cảm thông và sẻ chia với mọi người. Dù ra đời đã lâu nhưng cho đến tận ngày nay, những giá trị cao cả ấy vẫn được lưu giữ vẹn nguyên.

Bài tham khảo Mẫu 2

Người ta vẫn nói rằng Nam cực là hoang mạc lạnh của Trái đất, còn tôi, tôi lại cho rằng hoang mạc lạnh của Trái đất chính là nơi tận cùng của sự vô tâm, vô cảm của trái tim con người. Quả đúng như vậy, đọc truyện “Cô bé bán diêm” của nhà văn Andecxen, bạn sẽ thấu hiểu điều đó.

Câu chuyện lấy bối cảnh vào một đêm giao thừa rét buốt ở xứ ở Bắc Âu lạnh giá. Ai cũng biết, giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc được người ta xem là thiêng liêng và trang trọng nhất: thời khắc của sự sum vầy đoàn tụ, thời khắc của những bữa tiệc no đủ và sung túc, thời khắc tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới cùng với niềm hạnh phúc bên cạnh những người mà mình yêu thương. Thế nhưng...đâu đó ngoài kia vẫn còn đó hình ảnh một cô bé bán diêm nhà nghèo, mồ côi mẹ, đầu trần, chân đất, bụng đói đang dò dẫm trong bóng tối, đối mặt với những trận gió bấc thổi vi vút, với cái lạnh thấu xương của tuyết phủ kín mặt đất và điều đáng thương hơn đó là cả ngày em chưa bán được bao diêm nào.

Cô bé ngồi đó, cố nép mình trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà... Em thu đôi chân vào người nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn. Thế nhưng em không thể về nhà nếu không bán được ít bao diêm hay khống ai bố thí cho một đồng xu nào mang về vì như vậy nhất định em sẽ bị cha cha đánh...

Thế đấy! Cô bé bán diêm, một cô bé không có tên, không có tuổi nhưng cô có tất cả những nỗi bất hạnh mà con người trên đời không nên có: mẹ chết, bà nội, người gần gũi với em nhất cũng qua đời. Em mất mẹ, mất bà, mất luôn cả ngôi nhà xinh xắn có giây trường xuân bao quanh; mất cả những giây phút sum vầy hạnh phúc, thậm chí mất luôn cả cái quyền tối thiểu nhất mà một đứa trẻ phải có đó là được học hành, chăm sóc, yêu thương. Có lẽ em chỉ còn cha...Thế nhưng người cha này cũng chỉ suốt ngày đánh đập, chửi rủa em, bắt em đi kiếm tiền và ném em, một đứa trẻ thơ dại đáng thương, vào vòng xoáy của cuộc mưu sinh. Em bé ngồi đó, chơ vơ, đơn độc như một cái bóng vô hình, không ai để ý đến sự tồn tại của em. Bởi vì, cha em vẫn đang đắm chìm trong những nỗi cay cú của sự khốn đến nỗi khô héo cả tình máu mủ để khiến em rơi vào cảnh ngộ: có nhà, dù là căn gác rách nát, nhưng không thể về; có người thân nhưng không thể gọi là gia đình; và không có nổi một chút hơi ấm của tình yêu thương con người. Sự giá lạnh đáng sợ mà cô bé đang phải chịu không phải là sự giá lạnh của đất trời mà đó là sự giá lạnh trong tâm hồn của con người. Tất cả họ, trong bộ quần áo ấm áp, vội vã đi đến những cuộc hội tụ, sum vầy. Chẳng ai bận tâm đến sự khốn khổ của cô bé bất hạnh. Có thể nói sự tồn tại của em trong đêm giao thừa như một nốt nhạc trầm trong bản nhạc sôi động của ánh sáng, của niềm vui và hạnh phúc trong các gia đình vào khoảnh khắc chuyển giao của thời gian.

Một khắc, hai khắc...tiếng chuông đồng hồ vẫn điểm, cô bé vẫn ngồi đó, đói rét và cô độc. Không gian mịt mùng, lạnh giá bủa vây lấy thân thể bé dại của em. Lẽ ra em sợ... Nhưng em không sợ nữa... cái đói, cái rét, và cả nỗi đơn độc đã chiếm chỗ của nỗi sợ hãi... Em không dám mong sẽ được sum vầy hạnh phúc trong những ngôi nhà có cửa sổ sáng rực ánh đèn, cũng không dám mong được ngồi trong một bàn ăn thịnh soạn. Mong ước của em lúc này là “giá có thể quẹt một que diêm mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ?”. Chao ôi, một đứa trẻ, ngày vui đón năm mới, lẽ ra phải ước được tặng quà, được ăn ngon mặc đẹp, được chạy nhảy vui vẻ, còn cô bé này...chỉ ước được quẹt một que diêm cho đỡ rét thôi. Thật là xót xa...Giá trị vật chất của một que diêm thì quá nhỏ nhoi nhưng nếu được làm điều đó thì đối với em đó là cả một điều hết sức lớn lao. Em phải ước... “giá như”. Ồ, hoá ra một que diêm đối với người khác có thể chẳng là gì nhưng với em thì đó là một điều xa xỉ, vì nó là toàn bộ cuộc sống sinh tồn của hai cha con em! Thật đáng thương biết nhường nào! Ấy thế nhưng trong cái xã hội ấy, trong cái không gian bao la mịt mùng ấy, em bé, hoàn cảnh của em bé chỉ như một chấm nhỏ bị lẩn khuất trong muôn vàn niềm vui, hạnh phúc của mọi người mà thôi.

Hiện thực đó quá nghiệt ngã, nghiệt ngã như chính số phận của cô bé bán diêm. Chính vì thế những ảo ảnh mà cô bé nhìn thấy khi quẹt các que diêm có thể tan biến rất nhanh nhưng ít ra trong cái thế giới của ảo ảnh đó không có đói, không có rét, không có cô độc, không có đòn roi. Hay nói chính xác hơn, dù chỉ là mơ thôi, nhưng chính những giấc mơ đó đã cứu rỗi linh hồn của em bé, để em bớt đau thương hơn, bớt bất hạnh hơn và ít ra trước khi lìa bỏ cõi đời này em còn lưu lại được “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”. Và một lần nữa ở phần kết của câu chuyện, Andecxen lại cho ta thấy sự thờ, lạnh lùng của người đời khi họ chứng kiến cái chết của cô bé bán diêm. Phát hiện ra thi thể của em bé ngồi giữa những bao diêm nhưng người ta chỉ lạnh lùng bảo với nhau: “chắc nó muốn sưởi cho ấm”, cũng chẳng ai thèm cúi xuống, ôm ấy thi thể của em bé, hay thể hiện một chút lòng thương cảm. Chao ôi, điều đáng buồn nhất trên đời không phải là đói khát, rét mướt hay thậm chí là đau khổ. Điều đáng sợ nhất đó là sống trong xã hội loài người mà con người không tồn tại hai chữ: yêu thương, để đến nỗi cạn khô hết cả cảm xúc và tình cảm.

Câu chuyện đã khép lại nhưng trước mắt tôi vẫn hiện ra hình ảnh thi thể của cô bé bán diêm với “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười” và văng vẳng bên tai tôi tiếng mọi người bảo nhau “chắc nó muốn sưởi cho ấm”. Tôi cảm thấy day dứt, day dứt vì số phận bi đát, đáng thương của một em bé thơ dại, day dứt vì cách ứng xử vô tâm giữa những con người trong xã hội. Và có thể biết đâu quanh đây, nơi tôi sống, nơi tôi từng “vội vã” đi qua cũng tồn tại vô số những mảnh đời như thế. Và biết đâu có thể đôi lúc, tôi cũng vô tình như những con người trong câu chuyện này. Đọc “Cô bé bán diêm” của Andecxen, tôi mới thực sự thấm thía câu: Hãy sống chậm lại, nghĩ ít đi và yêu thương nhiều hơn. Cảm ơn nhà văn xứ Đan Mạch đã cho tôi nhận ra được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, của tình yêu thương con người. Bởi như nhà văn đã từng nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện cổ tích được viết lên từ chính cuộc sống”!

Bài tham khảo Mẫu 3

An-đéc-xen đã không dùng đôi cánh tưởng tượng để thoát li mà cúi sát xuống hiện thực khốc liệt của cuộc sống, để cảm thông và yêu thương những số phận bất hạnh, để nhận ra và trân trọng những ước mơ trong sáng, thánh thiện của con người. Ta thấy rõ được sự thờ ơ, vô cảm qua tác phẩm Cô bé bán diêm của An-đéc-xen.

Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ đối với cuộc sống, với những người ở xung quanh chúng ta. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác. Hiện nay khi đất nước ngày càng phát triển thì vô cảm càng dễ dẫn đến thành một loại bệnh. Cần phải tìm “phương thuốc” để chữa trị, xích gần hơn nữa tình cảm giữa người với người, phương pháp ấy sẽ xóa bỏ được lối sống lãnh đạm, thờ ơ này ở con người trong xã hội này. Căn bệnh vô cảm khi đã tồn tại trong con người thì sẽ ăn sâu, bám rễ không chịu buông. Mỗi người cần có cách thức, có phương pháp để hạn chế căn bệnh nguy hiểm có thể ăn mòn trái tim của mỗi người.

Truyện của An-đéc-xen khép lại nhưng lòng người đọc vẫn không nguôi băn khoăn, trăn trở, day dứt suy nghĩ về con người, cuộc đời, về tình người, tình đời. Nhà văn không né tránh hiện thực nghiệt ngã. Cô bé có tâm hồn trong sáng, thánh thiện ấy đã chết, chết trong chính đêm giao thừa, trong cái đói, cái rét hành hạ. Một năm mới sang hứa hẹn những khởi đầu mới nhưng cô bé đã kết thúc cuộc hành trình của mình tại chính ngưỡng cửa của năm mới. Chẳng có cơ hội, chẳng có tương lai nào cho em. Trước khi chết vì đói, vì rét, em đã chết vì chính sự lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn, ích kỉ của con người. Em không dám về nhà vì sợ những lời chửi mắng, đánh đập của bố, em trơ trọi, bơ vơ, tuyệt vọng chống chọi với cái giá rét trước ánh mắt vô cảm, thờ ơ của những người qua đường, em cô đơn, buồn tủi khi mọi người vui vẻ, hân hoan đón chào năm mới, em nằm đó trong những lời đàm tiếu vô tâm của mọi người. Em từ giã cõi đời, giã từ cuộc sống vì không ai thương em, không ai che chở, bảo vệ em. Cái chết của em mãi để lại nỗi xót thương, niềm day dứt như một câu hỏi ám ảnh trong lòng mỗi người: làm sao để không bao giờ trên mặt đất này còn có những trẻ em bất hạnh như cô bé bán diêm ?

Truyện nhẹ nhàng, dung dị nhưng đặt ra những vấn đề vô cùng sâu sắc, thể hiện giá trị nhân văn cao đẹp qua tấm lòng yêu thương, trân trọng con người của nhà văn. Cái kết truyện như một câu hỏi đầy day dứt, như một lời đề nghị nhà văn gửi tới độc giả nhiều thế hệ, ở mọi phương trời về cách sống, về thái độ, tình cảm đối với những người xung quanh, nhất là những mảnh đời bất hạnh.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close