Phân tích bài thơ Đường về quê mẹ

Đường về quê mẹ là những dòng hoài niệm của người con về những lần cùng mẹ về quê ngoại. Trong kí ức đẹp đẽ ấy, cứ mỗi độ xuân về mẹ lại dẫn đàn con về quê của mẹ

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Bài mẫu 1

Đường về quê mẹ là những dòng hoài niệm của người con về những lần cùng mẹ về quê ngoại. Trong kí ức đẹp đẽ ấy, cứ mỗi độ xuân về mẹ lại dẫn đàn con về quê của mẹ. Theo bước chân của mấy mẹ con, thiên nhiên và con người quê ngoại dần hiện lên. Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân thật đẹp với những rặng đề, dòng sông trắng, bãi tía, cồn xanh.. Cảnh vật vừa sinh động, tràn đầy sức sống, hiện lên như một bức tranh thôn quê với những màu sắc và đường nét được phối hài hòa. Con người nơi đây đang rộn ràng trong khung cảnh lao động quen thuộc: Người xới cà, ngô rộn cánh đồng. Khung cảnh bình yên, ấm áp quá. Qua những cảm nhận của người con, quê ngoại là cả một vùng kí ức êm đềm và thơ mộng. Người mẹ chính là nhân vật trung tâm của bài thơ. Dấu ấn của con về mẹ là một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết. Hình ảnh về người mẹ với khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu, mắt sáng, môi hồng, má đỏ.. vẫn in đậm trong tâm trí con, có lẽ bởi mẹ xinh đẹp, đằm thằm quá khiến con phải thốt lên ngỡ ngàng: Trông mẹ chẳng khác thời con gái. Qua lời khen của những người dân quê, mẹ hiện lên với nết "thảo hiền" dễ mến. Dù lấy chồng xa xứ nhưng mẹ vẫn không quên đường về quê mẹ. Bài thơ đã diễn tả được tâm trạng vui mừng, háo hức của người con mỗi lần cùng mẹ về quê ngoại. Đồng thời còn thể hiện tình cảm yêu mến, niềm tự hào của con về vẻ xinh đẹp, nết na của mẹ.

Bài mẫu 2

Hoài Thanh đã viết: “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”. Câu nói đã như một lời khẳng định Đoàn Văn Cừ luôn hướng ngòi bút của mình tới quê hương, và “Đường về quê mẹ” là một trong số tác phẩm như thế.

Chỉ với sáu khổ thơ, tuy không dài nhưng cũng không ngắn nhưng cũng đã đủ thể hiện tình cảm yêu thương về quê hương, đặc biệt về mẹ của tác giả. Trong sáu khổ thơ, hai khổ thơ đầu của bài đã thể hiện rõ nỗi nhớ về quê hương và kỉ niệm về con đường về quê cùng mẹ.

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bảy sắc trắng ngần,
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê.
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,
Người xới cà, ngô rộn bốn bề.

       “U tôi”, một tiếng gọi thân thương cũng như một lời khẳng định. Vào mỗi mùa xuân, u sẽ đưa tôi về quê ngoại, nhận lại họ hàng và thăm mọi người ở quê. Có con đường nào đẹp bằng con đường về quê, nơi có người luôn yêu thương và chờ đợi ta. Con đường về quê luôn đẹp với những rặng liễu, rặng đề ven đường, trời trong xanh với những áng mây trắng bay. Đường về quê luôn có dòng sông trắng uốn lượn chào đón, luôn có những cồn xanh bãi tía cùng người nông dân bộn bề việc nông. Quang cảnh tả thực chứ không hề tô vẽ, phóng đại. Tuy nhiên, cái đẹp của quang cảnh cũng không thể nào sánh được với vẻ đẹp của u.

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

       U chính là đại diện cho những nét đẹp của người con gái Việt Nam thời xưa. Dù đã lớn tuổi nhưng u vẫn không khác gì thời con gái với thúng cắp bên hông, đầu đội nón lá, đeo khuyên vàng, mặc yếm thắm, áo the nâu. Tuổi tác cũng không che được những nét hồng hào ở u. Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au, tất cả đã làm bừng sáng cả bài thơ. Đối với tác giả, với cương vị là người con và dưới con mắt đa tình của nhà thơ, u luôn đẹp, luôn trẻ, luôn hiện hữu bên cạnh mình, để chỉ cần nhấc bút là có thể vẽ lên mẹ trên những vần thơ.

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,
Đoàn người về ấp gánh khoai lang,
Trời xanh cò trắng bay từng lớp,
Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

       Tuy nhiên, sự thật vẫn luôn là sự thật. Ở khổ thơ bốn, tác giả đã mượn cảnh đông vui của làng quê để che giấu đi nỗi buồn, nỗi cô đơn trong lòng mình. Dù con đường về quê vẫn vậy, dù cảnh sắc thiên nhiên vẫn thế, nhưng mùa xuân này, tác giả lại về quê một mình. Thời gian cứ trôi, con người vẫn luôn miệt mài trong cuộc sống của họ, những hình ảnh bình dị về quê hương như những buổi chiều mát, con đường đón nhận những tia nắng vàng cùng đoàn người gánh khoai lang ra về. Tất cả vẫn còn hiện hữu, chỉ có người cùng mình về quê mỗi mùa xuân là không còn. Mùa xuân đến cũng là lúc lá bàng lìa khỏi cây. “Xác lá bàng” ở đây chỉ là cái lá rụng rơi trên mặt đất còn hồn lá bàng đã đi theo sự tan biên của mùa đông. Qua hình đó, tác giả đã thể hiện sự biết ơn và nỗi nhớ về mẹ.

Tà áo nâu in giữa cánh đồng,
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.
Bóng u hay bóng người thôn nữ
Cúi nón mang đi cặp má hồng.

Tới đường làng gặp những người quen.
Ai cũng khen u nết thảo hiền,
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.

       Hai khổ thơ cuối đã cho ta thấy những hoài niệm của tác giả về u. Không chỉ mang nét đẹp ngọt ngào, dịu dàng mà còn mang nét đẹp lao động cần mẫn, chăm chỉ. Tà áo nâu cùng chiếc nón lá, u “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Dưới gió chiều bụi mịt mù, bóng lưng chăm chỉ làm tác giả phân vân không biết là của mẹ hay của thiếu nữ nào.

Còn gì vui hay tự hào khi về quê, nghe được những lời khen ngợi về gia đình. Cũng chính vì nết na, thảo hiền, lại chăm chỉ, biết lẽ đúng, u luôn được người làng khen ngợi hết lời. U không chỉ là đại diện cho nét đẹp thời xưa của con gái Việt Nam mà còn là biểu tượng đẹp nhất trong lòng con.

      Với ngôn từ giản dị, với những nét bút tả thực, hình ảnh làng quê cùng người mẹ đã hiện lên thật đẹp và ý nghĩa. Có thể nói, với mỗi nhà thơ, nhà văn, việc viết lên trang giấy những dòng chữ cùng chính là cách mà họ lưu giữ lại những kỉ niệm, những điều mà họ muốn giữ lại đến muôn đời, và mẹ cùng đường về quê mẹ chính là thứ mà Đoàn Văn Cừ muốn lưu giữ cho bản thân mình.

Bài mẫu 3

Đường về quê mẹ của Đoàn Văn Cừ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, 6 khổ, 24 câu, vẽ lại hình ảnh người phụ nữ nông thôn VN khi xưa, muốn cho con cái không quên cội nguồn, người mẹ trẻ dắt các con về thăm quê ngoại.

Bài thơ chỉ miêu tả khung cảnh đồng quê trên đường đi mà không bình luận. Tác giả ’’chộp’’ lấy khoảng thời gian, không gian, khung cảnh cánh đồng, làng quê… đẩy cảm xúc nghệ thuật lên cao rồi ghi lại.  Chỉ với 4 câu kết, nhà thơ mới gián tiếp bày tỏ tâm tư thông qua nhận xét của dân làng: Dẫn là thân phận ’’nữ nhi ngoại tộc’’, người phụ nữ thảo hiền vẫn không quên quê cha đất tổ…

Theo nguyên tắc của thể thơ Đường, tác giả vào đề bằng hồi ức của đứa con vẫn giữ lại trong trí tưởng hình ảnh lúc bé theo mẹ về thăm quê ngoại:

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.

U – là cách gọi mẹ của dân mấy huyện xung quanh thành Nam. (gọi cha, bố là Thầy). Nguyễn Bính người huyện Vụ Bản cũng xưng hô với mẹ như thế. Ông đưa vào bài thơ Chân quê: Thầy U mình với chúng mình chân quê (1). Thế nhưng dân ở hai huyện Giao Thủy, Hải Hậu – cũng là đất Nam Định – thì vẫn xưng hô: Bố – Mẹ.

Hai thân (hay song thân) – là cách gọi bố mẹ của những người có học thể hiện sự kính trọng, văn hoa. Nhà thơ dùng cụm từ:: ’’dặm liễu – mây bay – (sắc) trắng ngần’’ – vừa như tả cảnh trí (mây trắng bay…) nhưng cũng thể hiện cách điệu sắc đẹp ngoại hình của mẹ: Tinh tế, thướt tha, uyển chuyển…

Tôi nhớ đi qua những rặng (cây) Đề
Những dòng sông trắng lượn ven đê
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp
Người xới cà, ngô – rộn bốn bề.

Quê cụ Đoàn làng Đô Quan, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực – nằm cách chân đê sông Hồng không xa.

Tại sao lại có Những dòng sông trắng lượn ven đê ?

Dọc con đê, phía ngoài là sông Hồng – sông lớn nhất ở miền Bắc, ven đê phía trong lại có những sông con lượn quanh. Nguyên do: Để chống lại những cơn lũ gây vỡ đê khi nước sông dâng cao mỗi mùa lũ tới, dân cư hai bên bờ tả ngạn (Nam Định) – hữu ngạn (Thái Bình), đào đất trên cánh đồng, đem bồi đắp đê ngăn nước. Đê sông Hồng là con đê to nhất miền Bắc, bởi vậy đất đào nhiều, tạo thành những con sông chạy dọc theo đê. Khoảng cách giữa đê chính và sông đào tuy không xa nhưng khoảnh đất này khá lớn lại khó có thể trồng lúa vì khi xưa không có bơm điện nên ở đây úng lụt.

Không để lãng phí đất, dân quê phải tôn lên cao (vượt), tạo thành những cồn đất. Còn bãi – thường nằm dưới chân đê cạnh mép nước sông. Trên bãi, dân cư trồng hoa màu như ngô, khoai, rau cải, cà pháo, cà tím, đâu… các cây trồng đã tạo cảnh sắc ’’Cồn xanh (màu lá rau cải…) bãi tía (tím nhạt) – cà tím, khoai tía…) kề liên tiếp’’…

Dọc bờ sông đào được trồng những hàng cây đề, tạo thành rặng cây. Cây đề cùng họ rễ buông với cây đa. Trên bờ, đê buông rễ xuống mặt nước… đây đó từng đoạn vài trăm mét lại có một lều cất vó hoặc những con thuyền nan có những cụ già buông cần câu cá, làm phong cảnh sông nước, đồng quê thật bình yên, tĩnh lặng, nên thơ…

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông U chẳng khác thời con gái
Mắt sáng môi hồng má đỏ au.

Người phụ nữ thời xưa thường dùng (cái) thúng – đan bằng tre, vành cạp mây – đựng đồ vật để buôn bán hay di chuyển, mang đi. Thi sĩ Nguyễn Vĩ đã viết trong Gửi Trương Tửu: Còn tôi bưng thúng theo đàn bà/ ra chợ bán văn ngày tháng qua .  Lần về này, mẹ mang thúng đựng quà tặng thầy, u và người thân. Vì trọng lượng thúng nhẹ – dăm ba cân, đi gần – mẹ cắp bên hông chứ không đội.

Người mẹ mà nhà thơ miêu tả – dắt theo mấy đứa con (…dẫn chúng tôi…), chắc thời con gái mẹ đẹp lắm. Bây giờ dù đã có đàn con, nhưng nhìn trang phục: Yếm thắm, khuyên vàng, áo the nâu và ’’má (vẫn) đỏ ău’’, cậu bé có cảm nhận mẹ mình vẫn như thời con gái! Dưới cái nhìn của câu, người mẹ thân yêu thật đẹp. Đó cũng là hình ảnh của những người mẹ trẻ đương thời, vì khi nhà thơ viết Đường về quê mẹ đã ở tuổi 29 (1913 – 1942). Kí ức về mẹ của tác giả chỉ còn rất ít, vì khi theo mẹ về quê ngoại, nhà thơ mới 5 tuổi…

Tà áo nâu in giữa cánh đồng
Gió chiều cuốn bốc bụi sau lưng
Bóng U như bóng người thôn nữ
Cúi nón mang đi cặp má hồng

Về làng, mẹ con phải vượt qua cánh đồng. Tấm áo the nâu của mẹ mỏng tang. Gió chiều thổi mạnh, cuốn bốc bụi sau lưng. Mẹ khép mình, như tránh những làn bụi hắt vào thân thể. Cúi đầu, kéo nón che cả khuôn mặt để tránh bụi bay vào mắt. ’’Cúi nón’’ – khiến cho cả má hồng của mẹ. Trông mẹ như e ấp… cậu bé cảm thấy mẹ mình như bao cô gái quê ở tuổi cập kê – khép nép, dịu dàng…

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng
Đoàn người về ấp gánh khoai lang
Trời xanh , cò trắng bay từng lớp
Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

Làng Đô Quan, phía nam là vùng đất trũng chỉ trồng được lúa. Phía bắc giáp với các làng Thôn Nội, Liên Tỉnh… là vùng đất cao, pha cát, thích hợp trồng hoa màu nên dân cư không trồng lúa…

Khoai lang của vùng đất pha cát – rất đặc biệt: Củ to bằng bắp chân người lớn, nặng từ 300 đến 1 kilô. Có nhiều củ nặng đến vài ba kí lô. Khi luộc, bột khoai bở, nuốt phát nghẹn. Có loại khoai nghệ, luộc chín, bóc vỏ, ruột khoai vàng như nghệ, đường ứa ra ngọt như chấm mật nên dân Nam Định gọi là khoai nghệ – khoai mật.

Thời gian mẹ về quê vào buổi chiều nên gặp nhiều nông dân bới khoai gánh về thôn ấp. Chiều quê hương thật đẹp: Bầu trời xanh cao thăm thẳm, từng đàn cò trắng bay về tổ, in trên nền xanh làm nổi hẳn những cánh cò trắng phau. Qua chiếc chợ ở đầu làng (người mua kẻ bán đã về hết), những chiếc lều quán xiêu vẹo ngập xác lá (cây) bàng, thứ cây thường được trồng ở những nơi dân cư tụ tập (chợ, trường học, đình làng…) để lấy bóng râm, che cho người đứng dưới mát mẻ, giảm oi nồng trong mùa hè nóng nực.

Bài mẫu 4

Bài thơ “Đường về quê mẹ” là một bài thơ khá tiêu biểu của nhà thơ Đoàn Văn Cừ, in trong tập “Thôn ca” năm 1942. Năm 1941, khi giới thiệu thơ Đoàn Văn Cừ trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã viết: “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ “. Hoài Thanh lại cũng rất đúng khi viết: “Nhưng nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến tết”. Trong dịp tết Nguyên Đán này, chúng ta cùng theo Đoàn Văn Cừ lên ” Đường về quê mẹ”, để tìm ra con đường về quê thơ của tác giả hơn năm mươi năm trước hồn hậu và thương mến biết chừng nào…

Bài thơ có sáu khổ, viết theo bút pháp tả thực, chân mộc và giản dị theo kiểu tranh thuỷ mạc, không chuốt lục tô hồng, không siêu hình siêu thực, không uốn éo vặn vẹo mà lại rất thơ. Ấy là bởi Đoàn Văn Cừ nói bằng tình thực: “U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân / Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần / Lại dẫn chúng tôi về nhận họ / Bên miền quê ngoại của hai thân”. Có thể, một vài bạn làm thơ trẻ bây giờ, đọc tới những dòng trên của Đoàn Văn Cừ hơn nửa thế kỷ trước, chép miệng, tặc lưỡi chê: thơ thẩn gì mà quê mùa thế !

Vâng Đoàn Văn Cừ quê mùa thật, cái quê mùa của thi ca, của hạt lúa củ khoai, của nông thôn nước Việt. Thơ Đoàn Văn Cừ thật như hình ảnh “U tôi ngày ấy”, như “Dặm liễu mây bay” và chân thành, chân chất như “Miền quê ngoại”…chỉ nhìn được, cảm được, nhưng không phân tích được…Khổ thơ bốn câu ba vần, nhà thơ sử dụng vần ân: xuân, gần, thân tạo cho người đọc cảm giác rân rân, gần gần, phân thân, bần thần…như một tiếng chuông ngân dài mãi nỗi phân vân “U tôi” ngày ấy. Thơ họ Đoàn là bức tranh tĩnh vật, nhưng là tĩnh vật của tĩnh vật, tuy có bóng người đang hoạt động đấy nhưng vì nó xưa quá, xa quá nên lặng lẽ quá, yên bình quá tưởng như không còn thấy thơ đâu cả, chỉ toàn vật sinh tâm, tâm sinh cảnh, cảnh sinh tình, tình sinh…thơ: “Tôi nhớ đi qua những rặng đề / Những dòng sông trắng lượn ven đê / Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp / Người xới cà ngô rộn bốn bề”.

Nếu khổ thơ thứ nhất, nhà thơ tả cảm giác về không gian và thời gian, khổ thơ thứ hai tả khái quát toàn cảnh quê hương, nơi nhà thơ thời bé theo mẹ về quê ngoại ngày đầu xuân, thì khổ thứ ba là khổ thơ thành công nhất của bài thơ vì nó tả rất hay người mẹ Việt Nam xưa: “Thúng cắp bên hông, nón đội đầu / Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu / Trông u chẳng khác thời con gái / Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au”. Bài thơ từ tĩnh chợt chuyển sang động, hoạt và bừng lên như giữa vầng lá xanh chợt đột ngột hiện một bông hồng chớm nở. Người mẹ hiện lên đẹp như buổi sáng mùa xuân, gọn gàng và duyên dáng từ diện mạo, thần sắc đến trang phục như nét thanh tân dịu dàng của một cô Tấm, của một Giáng Kiều bước ra từ bức tranh Tố Nữ làng quê. Khổ thơ này tả người nhưng thực ra để tả tình, tả tình nhưng là cốt để nâng cảnh nông thôn Việt Nam lên cho quyến rũ và đa tình, cho thân thương và hấp dẫn.

Cái duyên ngầm của người mẹ xưa cũng chính là cái duyên ngầm của thơ vậy. Khi mắt người đọc đã đọc sang tiếp khổ thơ khác, nhưng lòng thì đã ở lại, nhập vào hồn vía của câu thơ “Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au” từ lúc nào rồi. Khổ thơ này về ngoại hình thì động, nhưng hồn của nó lại ở thể tĩnh. Người mẹ xưa đã bước vào thơ Đoàn Văn Cừ, để tuổi đôi mươi duyên dáng lại mãi với bài thơ, không bao giờ già đi, mất đi như người mẹ thật ngoài đời. Thời gian ngừng lại không qua mùa hạ mùa thu, mà mãi mãi là mùa xuân với bà mẹ tuổi xuân xanh trong thơ họ Đoàn muôn thuở. Nhà thơ dùng bút pháp tĩnh lặng của thi ca phương Đông để làm xao động lòng người đọc: lấy tĩnh mà khởi động, lại biết lấy động mà đạt tĩnh là nghệ thuật của tranh Tống vậy.

Khổ thơ thứ tư  tác giả mượn cảnh giãi bày tâm trạng, mượn cái đông vui để diễn tả nỗi cô đơn và cái buồn của trời đất: “Chiều mát đường xa nắng nhạt vàng / Đoàn người về ấp gánh khoai lang / Trời xanh cò trắng bay từng tốp / Xóm chợ lều phơi xác lá bàng”. Ba câu thơ đầu của khổ thơ này phải nói là vui như tết, mắt ta đọc đến nhưng tình chưa đến kịp. Nhưng đến câu thơ thứ tư, mắt ta chưa đọc hết mà tình đã đến trước rồi vậy:” Xóm chợ lều phơi xác lá bàng”. Hoá ra mùa xuân vừa đến, hồn của mùa đông vừa lìa khỏi xác lá bàng. Không phải cái lá bàng mà xác lá bàng, chỉ còn xác, vì cái hồn lá bàng đã về hư vô cùng với mùa đông vừa biến mất. Xác lá bàng rải rác trên các lều chợ kia đỏ như vệt máu đau thương của mất mát, chính là nỗi buồn xưa còn vương lại trong bài thơ. Nhà thơ ngầm cám ơn cái lá bàng rụng xuống cho mùa xuân về, cũng chính là nỗi lòng biết ơn quá khứ, biết ơn người mẹ.

Chính quy luật sinh diệt của tạo hóa trong số phận xác lá bàng kia khiến ta cùng với nhà thơ, cố gắng lần cuối, níu lấy ngày xưa, níu lấy thì con gái của mẹ và níu lấy tuổi thơ thần tiên của mình, nhưng chừng như nón quai thao xưa đã mang đi tất cả : ” Bóng u hay bóng người thôn nữ / Cuối nón mang đi cặp má hồng”. Chiếc nón thời gian đã che mất cặp má hồng của quá khứ, chỉ còn là hoài niệm, nỗi buồn cũng cần phải biết lắng xuống như phù sa, để niềm an ủi nổi lên, để làng xóm bình phẩm về đức hạnh của mẹ, cũng là đức hạnh của nông thôn Việt Nam và là đức hạnh của thơ Đoàn Văn Cừ: “Tới đường làng gặp những người quen / Ai cũng khen u nét thảo hiền / Dẫu phải theo chồng thân phận gái / Đường về quê mẹ vẫn không quên”.

Có thể bạn trẻ làm thơ bây giờ cho là người bình bài thơ này tán hươu tán vượn, chứ thơ Đoàn tiên sinh thật như đếm, nôm na như mô – đen nâu sồng giờ không ai mặc nữa. Có thể thơ họ Đoàn còn chút nôm na, nhưng là cái nôm na của rơm rạ, của khói bếp làm nên vẻ răng đen bồ hóng, của hồn quê đất nước nhà tranh vách đất, của cái nôm na níu kéo tình người. Đọc bài thơ này của ông, không hiểu sao tôi cứ có cảm giác cái đẹp hồn hậu, cái đẹp chân nhiên nhất bao giờ cũng biết khoác lên mình chút vẻ sương khói của nỗi buồn vạn cổ. Mùa xuân, chúng ta hãy tìm về với nông thôn, nơi không chỉ là quê hương của dân tộc Việt, mà còn là quê hương của thi ca, quê hương của hồn người, tình người muôn thuở , để cảm ơn nhà thơ Đoàn Văn Cừ, còn giữ lại cho ta cái bâng khuâng  thương mến , cái mỹ cảm của một thời đại đã đi qua.

(Nguồn: sưu tầm)

  • Phân tích bài thơ Nếu mai em về Chiêm Hóa

    Mai Liễu (1949 - 2020), người dân tộc Tày, quê ở Tuyên Quang. Viết nhiều đề tài nhưng Mai Liễu dành mối quan tâm đặc biệt cho quê hương và tình người miền núi

  • Phân tích văn bản Nắng mới

    “Thơ là người thư kí chân thành của trái tim” (Duralay). Rung lên từ tâm hồn người nghệ sĩ, thơ tựa như một bản hoà ca với những giai điệu trầm bổng khác nhau.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close