Viết bài văn Nghị luận về vấn đề: Vượt khó vươn lên trong học tập lớp 10I.Dàn ý chi tiết 1. Mở bài - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó học giỏi, nêu một số tấm gương đó và trình bày suy nghĩ của mình.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý chi tiết 1. Mở bài - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó học giỏi, nêu một số tấm gương đó và trình bày suy nghĩ của mình. 2. Thân bài a. Giải thích - Trong cuộc sống, không phải ai cũng có hoàn cảnh tốt để phát triển bản thân, có nhiều người họ có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là không được lành lặn như người thường nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống của mình và trở thành người có ích cho xã hội. b. Phân tích - Biểu hiện của người có tinh thần vượt khó + Họ không chấp nhận hoàn cảnh éo le của mình, muốn cho bản thân mình có cuộc sống tốt đẹp hơn, cống hiến được cho xã hội nhiều hơn. + Họ luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi, kiên trì với việc mình làm và với mục tiêu mình đề ra. + Khi vấp ngã, họ biết đứng dậy đi tiếp, biết nhìn vào những người đi trước để học tập. -Lợi ích, ý nghĩa của việc vượt khó + Giúp họ phát triển bản thân, có được cuộc sống tốt đẹp hơn, được xã hội nhìn nhận và đánh giá theo chiều hướng tích cực hơn, thoát khỏi thực tại khó khăn của họ. + Truyền tải đi những thông điệp quý báu để những người khác có hoàn cảnh tương tự biết vươn lên và gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. + Việc mỗi cá nhân vượt khó góp phần quan trọng làm cho nước nhà phát triển tích cực hơn. c. Chứng minh - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, ra đi với hai bàn tay trắng nhưng khi Người trở về với khối óc vĩ đại của mình sau những năm vượt khó Người đã đưa nước nhà dành lại nền độc lập. - Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dù bị liệt nhưng với tinh thần ham học hỏi, vượt lên trên số phận, anh đã trở thành vị nhà giáo vĩ đại với những cống hiến quan trọng được người đời tôn vinh. → Dù là ai, trong thời gian hay hoàn cảnh nào nếu biết vươn lên trong cuộc sống, dù cống hiến vĩ đại hay thầm lặng cũng đều đáng để học tập và tôn vinh. d. Phản biện + Trong cuộc sống vẫn còn những người ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, không cố gắng vươn lên trong cuộc sống,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích. e. Suy nghĩ của bản thân về tấm gương vượt khó + Mỗi một tấm gương vượt khó mang đến cho chúng ta những bài học, những câu chuyện khác nhau thúc đẩy, cổ vũ chúng ta cố gắng hơn trong cuộc sống này. + Không ai sinh ra đã ở vạch đích, muốn được xã hội tôn trọng và có cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta cần lựa chọn cho mình những con đường đúng đắn nhất. 3. Kết bài - Khái quát lại vấn đề nghị luận: tấm gương nghèo vượt khó đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình. Bài siêu ngắn Mẫu 1 Có những con người không may mắn khi chào đời. Tạo hóa đã thật bất công với họ. Trong số ấy không ít người chấp nhận số phận, thở ngắn than dài ngậm ngùi cho qua ngày tháng. Nhưng, vẫn có rất nhiều người trong số họ đã ko chấp nhận sự bằng lòng, họ đã dũng cảm và bền bỉ vượt lên sự an bài của tạo hóa. Thật đáng quý! Một Nguyễn Ngọc Kí liệt cả hai tay vẫn kiên trì tìm cách viết bằng chân. Từ chỗ viết được, đến viết đẹp là cả một quá trình. Không dừng lại ở đó, anh còn quyết tâm thực hiện giấc mơ đại học. Và, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực của đời anh. Để hôm nay, anh trở thành thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí trên giảng đường Sư phạm. Đó còn là một Nguyễn Minh Phú, nạn nhân của chất độc màu da cam, mất cả hai tay từ khi cất tiếng khóc chào đời, không chịu thua số phận, vươn lên học tốt và học giỏi, giúp đỡ gia đình. Họ là những tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công đáng để cho ta ngưỡng mộ, tự hào. Ở họ cái đáng quý nhất chính là nghị lực, ý chí vươn lên ko ngừng. Sự thua thiệt vốn rất dễ dẫn đến con người mặc cảm tự ti. Từ đó, không còn ham muốn, ước mơ, hoài bão. Con người sống lay lắt, trông chờ vào lòng thương hại của người khác. Không, không phải là sống mà chỉ là tồn tại. Những tấm gương ấy đã không nằm trong số đó. Tạo hóa đã không công bằng với họ nhưng không có nghĩa là lấy tất cả của họ. Họ vẫn còn một trái tim, một khối óc. Họ vẫn có thể sống đàng hoàng, tự tin như bao nhiêu người khác nếu họ biết vươn lên, chiến thắng số phận. Những tấm gương vượt lên số phận, thành công trong học tập ấy không chỉ giúp chúng ta thấm thía giá trị của ý chí và nghị lực mà còn hiểu sâu hơn ý nghĩa về một cuộc sống có ý nghĩa. Có lẽ hơn ai hết, họ hiểu cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta biết sống có ích, sống đẹp với nó. Vậy nên họ đã không chịu an bài trước số phận. Họ đã chứng tỏ được rằng, cuộc đời cuộc đời vẫn rất cần đến sự có mặt của họ trên thế gian này. Những gì họ đã làm, đang làm và sẽ làm vẫn đang từng ngày, từng phút, từng giây góp mặt cho đời. Sự đóng góp của họ thật đáng để chúng ta soi ngắm lại chính mình. Thật buồn khi trong chúng ta, những học sinh, sinh viên được tạo hóa ban tặng, ưu ái nhiều điều, vậy mà, một số họ lại chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ. Xem nhẹ việc học tập, trau dồi đạo đức, nhân cách làm người, họ lao vào ăn chơi hưởng thụ tỏ ra rất tự hào khi thấy mình sành điệu . Được khuyên nhủ, nhắc nhở, họ lại cười nhạo vào những tấm gương cao đẹp ấy và buông ra những lời bất nhẫn. Hiểu vậy, biết để mỗi người trong chúng ta, nhất là thế hệ trẻ càng phải hiểu mình phải sống ra sao, sống thế nào cho xứng với chân giá trị làm người. Soi vào những tấm gương cao cả ấy để không ngừng hoàn thiện bản thân. Con đường dẫn đến thành công không bằng phẳng bao giờ. Vậy nên, càng phải thấm rằng: “ Trên đường dẫn đến thành công không có vết chân của kẻ lười biếng “. Bài siêu ngắn Mẫu 2 Chúng ta khi sinh ra vốn dĩ đã không được lựa chọn cho mình một gia đình giàu có hay đầy đủ cả. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có người sinh ra đã làm cậu ấm cô chiêu. Nhưng có những người khi sinh ra họ đã phải chịu sự thiếu thốn, khó khăn, vì những khó khăn ấy nên họ luôn mang trong mình một nghị lực rất lớn và hiện nay có rất nhiều tấm gương cho ta thấy được rằng mặc dù không được lựa chọn hoàn cảnh nhưng chính bản thân họ có thể thay đổi được hoàn cảnh của mình tốt lên. Những tấm gương ấy chẳng đâu xa xôi, khi hằng ngày chúng ta lướt tin tức vẫn thấy những trang báo đưa tin về những em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Hoặc những tấm gương đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ như Cao Bá Quát, ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng với ý chí và nghị lực ông đã vượt qua hoàn cảnh trở thành một nhà thơ nhà văn lỗi lạc, thậm chí người đương thời thường nói rằng “Văn như Siêu, Quát vô triều Hán” tức là trước thời Hán không có ai giỏi văn như Siêu và Quát. Hay ta có thể thấy một nhân vật rất quen thuộc với hình ảnh đôi chân biết viết đó là thầy Nguyễn Ngọc Ký, sẽ ít ai hình dung được rằng một người bại liệt hai tay có thể trở thành một nhà giáo ưu tú, nhà văn, nhà thơ. Đúng vậy tất cả nhờ vào sự nỗ lực không ngừng, vẫn biết mình khiếm khuyết nhưng thầy không bao giờ nhụt chí, sự vượt khó của thầy khiến cho ai nhìn thấy cũng nể phục. Dù là ai đi chăng nữa chỉ cần có ý chí, có nghị lực thì cho dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn đến mấy chúng ta đều có thể vượt qua được. Hai nhân vật trên cho ta thấy rằng. Một người có sự kiên trì, nhẫn nại, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, không sợ hiểm nguy, khổ cực là những người có một ý chí rất lớn. Khi họ đã chấp nhận với hoàn cảnh éo le của mình để cố gắng tức là họ đang đối đầu với vô vàn khó khăn mà cuộc sống này mang lại. Họ luôn biết cách tạo ra cho mình những cơ hội trong lúc khó khăn, họ luôn tìm tòi học hỏi để thay đổi số phận của mình. Bởi lẻ, họ sinh ra đã không có cuộc sống trọn vẹn như bao người, nên vì thế họ chỉ có con đường duy nhất là cố gắng hết sức để xã hội công nhận họ. Để có thể vươn lên và có một cuộc sống tốt hơn. Bài siêu ngắn Mẫu 3 Không phải ai sinh ra trên cuộc đời này đều có đủ các điều kiện vật chất, kinh tế gia đình tốt và có cuộc sống nhung lụa, sa hoa. Nhiều hoàn cảnh thực tế trong cuộc sống hiện nay dễ dàng ta thấy được nhiều người rất khó khăn, cực khổ, tần tảo sớm hôm kiếm tiền mưu sinh từng ngày, thậm chí nhiều người không có được hình hài cơ thể trọn vẹn như bao người khác. Mặc cho hoàn cảnh có khó khăn, trở ngại đến mấy họ không chịu đầu hàng, khuất phục trước nghịch cảnh mà không ngừng cố gắng nỗ lực vươn lên để trở thành những người thành công. Những đức tính và những biểu hiện nào thể hiện vượt khó học giỏi. Những ai có ý chí, bản lĩnh sự quyết tâm, sự kiên trì vượt qua mọi khó khăn, gian nan, thử thách của cuộc sống để chắp cánh ước mơ, để đạt những hoài bão, kỳ vọng của bản thân. Họ không ngừng cố gắng, nỗ lực, rèn luyện, kiên trì với những việc mình làm, phấn đấu để đạt những mục tiêu, kế hoạch dự định đặt ra. Khi gặp thất bại, bị vấp ngã trên con đường chinh phục ước mơ, họ vẫn giữ vững lòng tin, bản lĩnh vững vàng để bước tiếp không bao giờ đầu hàng và luôn cố gắng học tập trau dồi tri thức, kỹ năng sống để tạo cho mình một hành trang vững chắc để tự mình mở khóa cánh cửa thành công. Họ luôn nêu cao tinh thần tự giác, tự lập và biết tìm tòi học hỏi những anh chị, bạn bè giỏi hơn mình để bổ sung vốn hiểu biết, kiến thức cho bản thân. Những người có ý chị, nghị lực phấn đấu nỗ lực trong học tập thì sẽ giúp họ phát triển bản thân, có cuộc sống tốt đẹp hơn, được xã hội nhìn nhận và đánh giá một cách tích cực, sự ngưỡng mộ bởi mọi người xung quanh là tinh thần động lực cho mọi người nêu gương theo. Biết được vai trò to lớn của việc học nên những người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần họ phải cố gắng nỗ lực gấp nhiều lần so với những người bình thường khác và những người sinh ra đã có vạch đích sẵn và có đầy đủ điều kiện kinh tế để phát triển năng lực. Chính vì biết được những tầm quan trọng mà việc học mang lại và chỉ có học mới là con đường duy nhất và con đường ngắn nhất giúp họ thoát nghèo mà thôi. Mỗi cá nhân ý thức, tự giác học tập nỗ lực phấn đấu học tập thật giỏi sẽ góp phần quan trọng trong cuộc xây dựng quê hương, đất nước tiến bộ, văn minh và giàu mạnh. Những tinh thần vượt khó học giỏi sẽ truyền tải, lan tỏa khắp xã hội và được mọi người tôn trọng, yêu quý ngưỡng mộ và hằng năm cũng có những tấm gương học giỏi được các báo đài truyền thông trên internet để truyền đi những thông điệp quý báu, để những người khác có hoàn cảnh tương noi theo và tự biết vươn lên và gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Bài tham khảo Mẫu 1 Cuộc sống không phải luôn mỉm cười với bất kỳ ai. Một danh nhân đã nói: "Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi". Thật vậy, trong cuộc sống có biết bao tấm gương vượt lên số phận như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, thương binh Nguyễn Trọng Hợp,... Họ đã vượt lên và chiến thắng số phận, khiến bao người phải cảm phục. Trong lịch sử văn học Việt Nam, có lẽ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ bất hạnh nhất. Trên đường lên kinh ứng thí, nghe tin mẹ mất, ông chẳng màng mười năm đèn sách mà quay ngay về nhà để chịu tang mẹ. Cậu bé Nguyễn Đình Chiểu mất ba từ thuở bé, giờ đến tuổi trưởng thành mẹ lại ra đi. Do quá thương nhớ mẹ, Nguyễn Đình Chiểu đã khóc thật nhiều và sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, đôi mắt ông trở nên mù lòa. Mẹ mất, gia cảnh sa sút. Thế là gia đình vốn có hôn ước với ông nay đã trở mặt, bội tín. Cuộc đời ông rơi vào bế tắc với bao đau khổ, cùng cực. Đối với người khác, như vậy là quá đủ để chấm dứt cuộc đời hay sống buông thả, thờ ơ mặc dòng đời đẩy đưa. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không như thế. Ông vẫn quay về quê nhà bốc thuốc chữa bệnh cho dân, lấy sức lấy tài của mình để mở lớp dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, bằng lòng yêu nước nồng nàn, ông tích cực tham gia sáng tác những "vũ khí văn học" lợi hại để khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân. Thực dân Pháp đã nhiều lần mua chuộc Nguyễn Đình Chiểu bằng những hứa hẹn về việc chữa khỏi đôi mắt của ông và cho ông một cuộc sống giàu sang, sung sướng. Nhưng với ý chí kiên trung, bất khuất, ông đã không nghiêng mình trước những cám dỗ ấy. Thế nên, ông trở thành nhà thơ tiêu biểu của Nam Bộ và của cả nước ta thời bấy giờ. Với những nỗ lực của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã chứng tỏ với mọi người rằng ông là người tàn chứ không phế. Nguyễn Ngọc Ký, cái tên rất đỗi thân thuộc với nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, đã trở thành biểu tượng của lòng quyết tâm và sự kiên trì. Cậu bé Ký bị bại liệt cả hai tay khi mới bốn tuổi. Đôi cánh tay ấy buông thõng như hai sợi dây đeo bên vai cậu. Không được may mắn như bao bạn khác, cậu bé chỉ dám đứng bên cửa sổ nghe lỏm cô giáo giảng bài. Cô giáo thương tình quá nên cho phép Ký vào lớp. Cậu bắt đầu những chuỗi ngày luyện tập gian khổ: luyện viết bằng chân. Có những lúc đôi chân co quắp lại, đau điếng vì bị chuột rút, những ngón chân sưng phồng lên nhưng vẫn phải kẹp chặt mẩu bút,... Tất cả những điều đó vẫn không làm cậu học trò nhỏ chùn bước. Cuối cùng, cậu đạt được giải Vở sạch chữ đẹp của trường, rồi của quận. Thật đáng nể! Nhờ chính đôi chân và lòng quyết tâm, cậu bé Ký năm xưa giờ đã vào được đại học và trở thành nhà giáo ưu tú. Không những thế, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký còn sáng tác những chín đầu sách văn học. Mỗi ngày sống và làm việc, thầy giáo Ký đã dùng đôi chân thay đôi tay với bao nhọc nhằn, gian khó, từng bước viết nên huyền thoại về cuộc đời mình. Và còn nhiều nhiều nữa những tấm gương đẹp như thế. Họ bất hạnh vì bệnh tật, tai nạn hay bẩm sinh. Họ không có khả năng lao động chân tay hiệu quả như bao người khác. Không ít người trong số họ đã buông xuôi, tuyệt vọng. Quả thật, áp lực tâm lý đối với những người bị tật nguyền là rất lớn. Đó là những mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết trên cơ thể mình, là những gánh nặng mà họ đem đến cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, những người vượt lên được số phận chỉ cho rằng những khiếm khuyết của mình khiến mình đặc biệt hơn những người khác nhưng không đáng kể. Bức tường mặc cảm không tài nào ngăn được họ hòa nhập với thế giới xung quanh như bao người bình thường khác. Họ phấn đấu, nỗ lực hết mình để chứng tỏ bản lĩnh bởi họ không muốn sống quỵ lụy, yếu đuối và phụ thuộc vào người khác. Từ gánh nặng của xã hội, họ gắng sức phấn đấu, trở thành những công dân có ích, xóa đi những khoảng cách, rào cản giữa người bình thường và người khuyết tật. Khó khăn đấy, vất vả đấy nhưng họ vẫn gắng hết mình chiến thắng số phận vì họ biết rằng: "Chúng ta chỉ thực sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng". Những thành công mà họ đạt được không dễ dàng, mà ẩn chứa trong đó là bao mồ hôi, nước mắt, bao khó khăn, tủi cực,... Điều đó càng khiến chúng ta thêm khâm phục họ, những con người không chịu thua số phận. Tấm gương sáng ngời của những mảnh đời bất hạnh đã giúp chúng ta soi lại chính mình. Cuộc sống đối với một số người là muôn vàn gian lao, thử thách. Ngược lại, đối với một số người khác, cuộc sống như tấm thảm nhung êm ái trải đầy hoa hồng. Chúng ta chính là những con người may mắn ấy. Chúng ta còn được sống giữa vòng tay ấm áp, yêu thương của gia đình. Hơn nữa, khác hẳn họ, chúng ta được sinh ra và lớn lên giữa thời bình, không thiếu thốn về kinh tế. Nhưng thật sự chúng ta đã biết quý trọng cuộc sống ấy chưa? Thật đáng tiếc nếu chúng ta sống quá an phận, tự để mình mờ nhạt và chìm vào quên lãng giữa cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay. Có phải chúng ta vẫn học qua loa, đối phó mà không bận tâm rằng ngay lúc ấy có biết bao cô cậu bé đứng bên cửa sổ lớp học, thèm được nghe cô giáo giảng bài. Qua những tấm gương vượt qua số phận, chúng ta chợt cảm thấy mình quá bé nhỏ, tầm thường. Chúng ta học tập ở họ không chỉ ở lòng kiên trì, nhẫn nại, say mê học tập mà còn ở lối sống lạc quan, yêu đời. Những tấm gương, những huyền thoại về những con người bất hạnh nhưng phi thường đã gieo trong tim ta niềm tin yêu cuộc sống. Lặng lẽ như nụ chồi từ bóng tối vươn ra ánh sáng, họ đã vượt lên chính mình để có một ngày mai tươi sáng hơn. Bài tham khảo Mẫu 2 Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều người sống trong hạnh phúc, sung sướng và thành đạt nhưng cũng có rất nhiều người bất hạnh sống trong khổ đau và tủi phận. Khi sinh ra, họ sớm bị thiệt thòi vì khuyết tật. Bất hạnh đến với họ từ nhiều phía, có thể là do bẩm sinh, do tai nạn, do bệnh tật hoặc rủi ro... Nói chung, sự khiếm khuyết đó luôn đem đến cho họ một nỗi đau buồn triền miên, sự xa lánh mọi người hoặc sự mặc cảm sâu sắc. Thể xác hị tuy không bằng người nhưng tâm hồn của họ vẫn rất trong sáng, lành mạnh. Họ tự khẳng định mình là những con người "tàn mà không phế". Nghị lực sống và ý nghĩa cuộc đời của họ luôn là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta. Một trong số những con người đã bứt ra khỏi sự tuyệt vọng đó là thầy Nguyễn Ngọc Kí, một người cần cù và có lòng quyết tâm vượt lên số phận. Thầy đã vươn lên bằng nghị lực phi thường mà ít ai có được. Ngay từ hồi còn bé, thầy bị teo hai cánh tay sau một lần bị ốm, nỗi đau thể xác không ghê gớm bằng nỗi khổ về tinh thần. Sự thiếu cảm thông của những người xung quanh và cảm giác mặc cảm buồn luôn đè nặng trong lòng khiến tuổi thơ của thầy thiếu thốn niềm vui, sự hồn nhiên tươi trẻ. Cuộc sống lúc đó luôn là sự né tránh của mọi người, kể cả với người thân. Thầy đã bỏ học và suốt ngày chỉ ru rú trong nhà, quyết không chịu ra ngoài. Một hôm, cô giáo trường làng đến tận nhà gặp gỡ, trò chuyện và khuyên bảo. Cô cho rằng con người ngoài hình thức còn một thứ quan trọng hơn, đó là đời sống tâm hồn, là trí tuệ. Cô động viên cậu bé Kí rất nhiều. Cô không đồng ý với lối sống chỉ cho riêng mình của Kí bấy nay. Theo cô, làm người quan trọng là sống có ích cho mọi người. Suy ngẫm trước sau, thầy Kí hiểu ra nhiều điều mới mẻ. Thầy nhận thức được cuộc sống khép kín của mình không chỉ làm đau khổ cho một mình thầy mà còn làm cho nỗi đau của người thân nhân lên gấp bội phần. Hơn ai hết thầy thấm thía sâu sắc ý nghĩa cuộc sống của những người như mình là tàn tật về thể xác không sợ bằng tật nguyền về tâm hồn. Từ đó, con người thầy như được hồi sinh,lòng quyết tâm vươn lên để sống cởi mở và học tập như mọi người được hình thành trong lòng con người khuyết tật này trở nên thật mãnh liệt. Không có tay thì thầy dùng chân để viết. Viết bằng chân là cả một sự vất vả, ở đó có sự khổ luyện sẽ bội phần khó khăn. Vậy mà thầy đã vượt qua tất cả để trở thành một người trò giỏi hồi phổ thông, một sinh viên gương mẫu trong giảng đường của trường đại học Tổng Hợp và sau này ra đời đã là người thầy giáo mẫu mực cho bao thế hệ học trò noi theo. Không phải ai cũng làm được như người thanh niên giàu nghị lực đó, nghĩa là đủ khả năng đứng lên sau một nỗi tuyệt vọng sâu sắc. Tấm gương của thầy khiến những người lành lặn như chúng ta thấy cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa. Ngoài ra, anh Bạch Đình Vinh cũng là một con người mà chúng ta hết lòng khâm phục. Con người tàn tật này là sinh viên của ba trường Đại học : giao thông vận tải, thương mại và Khoa công nghệ thông tin- Đại học Bách Khoa Hà Nội. Câu chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi. Ngày 14 tháng 3 năm 1993 ấy, một tai nạn khủng khiếp bất ngờ ập xuống đầu khi anh đang trên đường đi học về. Một chiếc se máy đâm sầm vào đằng sau, hất tung a xuống đường khiến anh ngất đi và hôn mê sâu nhiều ngày. Khi tỉnh dậy, sức khỏe giảm sút nhiều, toàn thân bại liệt, bị chấn thương mạnh nội tạng, khuôn mặt biến dạng mất cả tiếng nói. Tất cả tưởng chừng như chấm hết với người thanh niên này! Vậy mà ý chí vươn lên mãnh liệt, lòng quyết tâm cao độ cùng với sự động viên, giúp đỡ tận tình của gia đình, đặc biệt là người bố, đã đưa anh từng bước trở lại với cuộc sống. Nói ra thì đơn giản nhưng để làm được điều đó những con người muốn tự mình làm ra chính số phận chính mình này đã phải trả giá bằng biết bao nước mắt, đau khổ, xót xa thậm chí có cả sự tuyệt vọng và máu nữa. Ngày tháng trôi đi, chàng thanh niên ít may mắn đó đã chiến thắng. Nụ cười trở về với anh sau bao đêm gian khổ vật lộn với đau thương để làm chủ được mình. Đặc biệt sự, hòa nhập kì diệu nhất là ngồi trên xe lăn, phát âm khó khăn, tay khoèo vào mà anh đã đi học trở lại và tấm bằng cử nhân Thương mại, kỹ sư giao thông, kỹ sư Khoa Công nghệ thông tin - Đại học Bách khoa Hà Nội đã thuộc về anh trong ngày trao bằng tốt nghiệp. Việc này ngay những người bình thường như chúng ta không phải ai cũng làm được, vậy mà chàng trai tật nguyền Bạch Đình Vinh đã thành công. Hạnh phúc của anh không phải chỉ cho cá nhân mà còn là niềm tự hào của tất cả chúng ta. Biết khâm phục một con người đã dũng cảm vượt lên số phận cay đắng của mình cũng có nghĩa là chúng ta hoàn thiện chính bản thân mình. Hiện nay, hạnh phúc tình yêu cũng theo nghị lực và niềm tin cuộc sống đến cùng với anh. Một người con gái bé nhỏ, chân thành của xứ Huế đã đem lòng yêu mến và cảm phục anh. Cô đã tự nguyện xa gia đình, xa nơi chôn nhau cắt rốn để gắn bó với anh trọn đời! Mọi người chúng ta vẫn không quên chị Nhữ Thị Khoa, cô gái khuyết tật ngồi xe lăn, bán bánh mì ở Lò Đúc và Trần Xuân Soạn. Người con gái nông thôn gầy gò, bé nhỏ đã tự mình ra thành phố để kiếm sống vì không muốn nhờ vả và sống dựa vào bất cứ ai, kể cả người thân của mình. Ở nơi đất khách quê người, không thân thích mà cô tự nuôi được mình, tự lo được cuộc sống riêng tư quả là không dễ gì. Một ngày nào đó cô đã đến với thể thao như một cơ duyên hay như một sự tất yếu của những con người không chịu đầu hàng số phận. Và lại một điều kỳ diệu nữa đã xảy ra, mà chỉ có ở những người tràn đầy nghị lực như cô. Cô và những người bạn của mình đã đem về cho đất nước những tấm Huy chương vàng của Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á. Vinh quang mà họ giành được đã tôn vinh sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam ta trên trường quốc tế. Bài tham khảo Mẫu 3 Lá xanh tươi rồi cũng sẽ về với cội, cuộc sống con người hối hả cũng sẽ lắng vào dòng cát bụi của thời gian. Nên lá kia đâu có thể mãi màu xanh tháng năm. Nên tuổi đời con người đâu có thể hai lần thắm lại. Nên là người thì phải sống một cuộc sống ý nghĩa. Phải có ý chí, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh khó khăn, gian nan phía trước. Giống như anh Nguyễn Ngọc Ký, anh Hoa Xuân Tứ, anh Đỗ Trọng Khơi họ đều là những người không may mắn nhưng họ vẫn tự mình vươn lên. Họ là “những người không chịu thua số phận “làm tấm gương sáng cho chúng ta học tập. Trước hết ta cần hiểu khái niệm số phận. Số phận ở đây được hiểu là những nỗi khốn khổ về hoàn cảnh hoặc bất hạnh( tàn tật, khiếm khuyết…) Về thể xác của một ai đó, xưa nay số phận thường được nhiều người coi là sự an bài của ông trời, do ông trời định đoạt : “ Ngẫm hay muôn sự tại trời” ( Truyện kiều, Nguyễn Du) “ Ngẫm dài có số, tươi héo bởi trời” ( Chuyện người con gái nam xương) bởi vậy người có số phận bất hạnh thường có tâm lý cam chịu, trời phạt đành chịu… Ngược lại với họ” Những người không cam chịu số phận “mà mạnh mẽ vươn lên để sống một cuộc sống có ích và có ý nghĩa đó là lối sống đẹp. Có thể nói, những con người không chịu thua số phận là những người đáng quý. Họ có nhận thức đúng đắn về số phận. Họ nhận thức đúng đắn về số phận. Họ nhận ra rằng cuộc sống này thật tươi đẹp, thật ý nghĩa. Họ biết chắc rằng số phận nằm trong tay mỗi người và họ quyết tâm vươn lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và người thân. Mục tiêu, lý tưởng sống của họ chính là trở thành người có ích cho xã hội. Họ có nhiều đóng góp cho xã hội, họ tự phục vụ mình, làm ra của cải nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cho xã hội, cống hiến cho xã hội. Một trong số con người đó phải kể đến Nick vujicic- chàng trai người úc sinh ra với cơ thể không tay không chân, nhưng điều đó không khiến anh nản chí. Vượt qua những khiếm khuyết trên cơ thể mình. Anh trở thành một diễn giả nổi tiếng khắp thế giới, được mọi người biết đến như tấm gương của sự vượt khó. Họ là những tấm gương sáng. Những tấm gương ấy vươn lên trên nỗi bất hạnh của mình để cất lên những tiếng hát ca ngợi cuộc đời. Nhói lên niềm tin, lẽ sống cho mọi người. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, mặc dù liệt hai tay,từ nhỏ nhưng thầy vẫn quyết tâm đến trường, kiên trì học viết bằng chân, học hết đại học trở thành nhà giáo ưu tú, nhà văn nhà thơ. Từ nghị lực và ý chí vượt khó vươn lên của bản thân,thầy Nguyễn Ngọc Ký đã viết lên trang huyền thoại cho mình và trở thành tấm gương của biết bao thế hệ học sinh, thanh niên Việt Nam . Và hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, từ khi còn nhỏ đã mắc bệnh hiểm nghèo khiến anh bị liệt toàn thân nhưng anh vẫn cố gắng học tập, mở trung tâm tin học dành cho người khuyết tật, giúp đỡ họ có một hướng đi trong đời mình có niềm tin vào cuộc sống. Anh làm cho mọi người khâm phục bởi ý chí phi thường vươn lên trong cuộc sống, sống có ích, có cống hiến cho xã hội. Tất cả họ chính là những tấm gương tiêu biểu cho một lẽ sống đẹp, không chịu khuất phục sự nghiệt ngã. Nhờ đâu họ có sức mạnh để vươn lên số phận, sức mạnh ấy được nhen nhóm từ ý chí, nghị lực, niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống. Họ đã tạo dựng cuộc sống từ muôn vàn khó khăn, gian khổ, thử thách bằng sự kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm chiến thắng số phận mình. Họ là bông hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời. Bên cạnh đó, nhờ có sự động viên khích lệ của gia đình, bạn bè xã hội nên họ có đủ dũng cảm, tự tin để vượt qua hoàn cảnh, số phận và những chông gai phía trước. Có thể nói, nếu con chim mang tiếng hót cho đời thêm vui, nếu bông hoa mang vẻ đẹp cho đời thêm hương sắc, thì nghị lực, không chịu thua số phận đã mang lại cho họ nhiều điều đáng quý. “ Không chịu thua số phân” giúp họ có tinh thân, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để sống có ích, sống có cống hiến cho xã hội, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Tàn nhưng không phế, bằng khả năng của mình họ đã có nhiều thành công và khẳng định được mình trong xã hội. Và họ là những tấm gương sáng để lại trong chúng ta bài học sâu sắc về nghị lực và ý chí vươn lên. Chính những tấm gương về họ dạy cho chúng ta phải biết vươn qua những khó khăn trong cuộc sống để thực hiện ước mơ, hoài bão. Không ai khác, họ là thần tượng của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày hôm nay. Cuộc đời luôn có hai mặt đúng- sai, phải- trái cho nên bên cạnh ca ngợi những tấm gương vượt khó thì chúng ta cũng cần phải phê phán những cá nhân không kiên cường, nhụt chí trước những chông gai cuộc sống. Mỗi khi gặp khó khăn thường rất dễ nản lòng, chưa thật sự cố gắng đầu hàng số phận, dễ buông xuôi hoặc ỷ lại, hoặc phản ứng tiêu cực…. Đó là những người hèn nhát, không dám đối diện với sự thật nên khó thành công trong mọi việc. Như vậy, không đao to búa lơn, chính cuộc đời họ những người không chịu thua số phận là thông điệp cao cả về lối sống có ích, làm thơ viết văn, dạy học… Bằng những công việc thầm lặng, họ cống hiến cho xã hội như cây xanh làm đẹp cho đời, điểm tốt cho cuộc sống. Họ là bài học lớn cho thế hệ trẻ hôm nay, trong hoàn cảnh đầy đủ tiện nghi, sung túc, được sống trong sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, xã hội thì không ít học sinh, thanh niên tự đánh mất mình, lao vào tệ nạn xã hội, lối sống vô nghĩa ăn chơi, hưởng thụ, không biết cố gắng phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội, đất nước. Cho nên chúng ta cần giúp đỡ, quan tâm những người tàn tật. Phần lớn những người may mắn như chúng ta đã bao giờ cho rằng giúp đỡ những người tàn tật là vấn đề cần được quan tâm nữa không? Đúng vậy giúp đỡ người tàn tật là trách nhiệm của cả cộng đồng. Và giúp đỡ người tàn tật là biểu hiện sâu sắc nhất của lòng nhân ái. Tóm lại, Những người không chịu thua số phận mãi mãi được mọi người yêu quý, khâm phục. Chúng ta nên ngưỡng mộ hộ, lấy họ làm tấm gương trong cuộc sống.
|