Hướng dẫn cách làm bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm lớp 10-Dạng bài: Nghị Luận -Yêu cầu: Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm. -Khái niệm cần làm rõ
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Hướng dẫn phân tích để bài -Dạng bài: Nghị Luận -Yêu cầu: Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm. -Khái niệm cần làm rõ + Bài luận là một đoạn văn được viết để thuyết phục ai đó về điều gì đó hoặc đơn giản là để thông báo cho người đọc về một chủ đề cụ thể. Để người đọc bị thuyết phục hoặc được cung cấp đầy đủ thông tin, bài luận phải bao gồm một số thành phần quan trọng để làm cho nó trôi chảy một cách hợp lý. Dàn bài chung Mở bài - Nêu thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ. - Nêu lí do hay mục đích viết bài luận. Thân bài - Giải thích, nêu biểu hiện, - Nguyên nhân dẫn đến thói quen/quan niệm cần từ bỏ. - Trình bày tác hại của thói quen/quan niệm cần từ bỏ. - Trình bày lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm. - Gợi ý giải pháp từ bỏ thói quen/quan niệm. Kết bài - Khẳng định lại lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm. - Thể hiện niềm tin vào sự cố gắng hay hi vọng ở sự thành công của người được thuyết phục. Ví dụ minh họa 1. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ quá đề cao cái tôi cá nhân: a.Dàn ý chi tiết Mở bài - Nêu quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ: quá đề cao cái tôi cá nhân. - Nêu lí do hay mục đích viết bài luận: mỗi người đều có giá trị của riêng mình, ai cũng có cái “tôi” từ đó hình thành nên những tính cách khác nhau, muôn màu muôn vẻ. Tuy nhiên, trong cuộc sống có nhiều cá nhân quá đề cao cái tôi, dẫn đến những hành vi không tốt. →Cần phải từ bỏ quan niệm đề cao quá mức cái tôi. Thân bài - Giải thích, nêu biểu hiện của quan niệm cần từ bỏ. + Cái tôi: là bản ngã, bản chất, cá tính của mỗi con người, hiện hữu từ khi chúng ta sinh ra,… →Vừa để phân biệt, để mỗi cá nhân tự khẳng định mình. + Quá đề cao cái tôi cá nhân: luôn xem mình là nhất, coi trọng giá trị của bản thân của mình hơn người khác (chỉ công nhận những ưu điểm của bản thân - không chấp nhận nghe những điểm yếu, khuyết điểm của mình; luôn cảm thấy bản thân làm tốt hơn người khác thậm chí là tốt nhất, không ai có thể tốt hơn mình; không chấp nhận sự thay đổi, không muốn học hỏi, nghiên cứu,…) - Tác hại của quan niệm cần từ bỏ. + Khiến cá nhân trở nên ích kỉ, hẹp hỏi, thái độ khinh thường, hống hách với người khác + Không nhận ra được những thiếu sót, hạn chế hay sai lầm của bản thân; không thể thay đổi và tiến bộ. + Làm cho mọi người xung quanh khó chịu, không thoải mái; không nhận được sự góp ý chân thành, sự quan tâm, yêu thương từ họ; - Lợi ích của việc từ bỏ quan niệm. + Trở thành người có thái độ sống tích cực, ham học hỏi, biết lắng nghe,… + Được sự yêu thương, trân trọng từ mọi người xung quanh - Giải pháp từ bỏ quan niệm. + Hạ thấp cái tôi, học cách lắng nghe, chấp nhận, học hỏi,… + Sống với thái độ chân thành, tử tế, cởi ở,… + Không so sánh tiêu cực, nhận thực được giá trị của bản thân (ưu- khuyết điểm) + Thay đổi cách nhìn nhận, tư tưởng,… Kết bài - Khẳng định lại lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm. - Thể hiện niềm tin vào sự cố gắng hay hi vọng ở sự thành công của người được thuyết phục. b.các bài làm tham khảo Bài văn mẫu số 1 Trong tâm hồn mỗi người, tồn tại một yếu tố không thể phủ nhận - "cái tôi." Đây là bản chất và cái tính cá nhân mà mỗi con người tự hào tỏ ra trước thế giới xung quanh. "Cái tôi" là cách mỗi người biểu hiện sự độc đáo của bản thân, từ chối trở thành hình ảnh mờ nhạt và vô hình trong đám đông. Khám phá "cái tôi" là hành trình từ lúc chúng ta chào đời. Mỗi cá nhân đều có một "cái tôi" duy nhất, là nền tảng của tính cách độc đáo, tạo nên sự đa dạng trong một xã hội chung. Có lẽ đúng với định nghĩa cơ bản, "cái tôi" không gì là xấu, miễn sao chúng ta biết linh hoạt điều chỉnh để hòa mình vào các mối quan hệ và ngữ cảnh cuộc sống. Tính cách cá nhân và "cái tôi" không chỉ mang lại sự độc đáo mà còn là nguồn động viên và lý do cho sự tồn tại của mỗi con người. Không có "cái tôi," cuộc hành trình tìm kiếm bản thân sẽ mất hướng và mục đích. Tuy nhiên, sự lạc quan và tích cực của "cái tôi" cũng cần được kiểm soát để tránh rơi vào tình trạng kiêu ngạo và thiếu sự quan tâm đối với người khác. Mỗi người có thể tạo ra giá trị cho "thương hiệu" cá nhân bằng cách thể hiện sự quan tâm, sống vui vẻ, và xây dựng mối quan hệ tích cực với người xung quanh. Mọi nỗ lực nhỏ đều mang lại những kết quả lớn, tạo ra một hình ảnh tích cực và đáng giá cho "cái tôi." Khi "cái tôi" được định hình và phát triển tích cực, người ta trở nên tự tin và mở lòng hơn, tìm ra ý nghĩa và hạnh phúc trong cuộc sống. Sự nhận thức về giá trị thực sự của "cái tôi" giúp họ sống chân thật với bản thân mình và không để môi trường xã hội chi phối quan điểm về "cái tôi" của mình. Tuy nhiên, ranh giới giữa "cái tôi" tích cực và tiêu cực là mỏng manh. Sự phồng to không đúng mức có thể gây ra đổ vỡ và trở ngại trong quá trình phát triển. Những người có "cái tôi" quá lớn có thể trở nên kiêu ngạo và tự mãn, mất đi khả năng đón nhận ý kiến đa dạng từ người khác. Mỗi người cần học cách kiểm soát "cái tôi" của mình để tránh rơi vào sự kiêu căng và hống hách. Việc này đặt ra câu hỏi về cách vượt qua tâm lý tự ti mặc cảm hoặc ngược lại, làm thế nào để không bị mắc kẹt trong sự tự cao tự đại. Điều quan trọng là nhận thức rằng mỗi cá nhân chỉ là một phần rất nhỏ trong vũ trụ lớn, và sự tương tác và hòa nhập với môi trường xã hội là chìa khóa để tránh bị giam cầm bởi "cái tôi" quá lớn. Cuộc sống có hạn, và vì vậy, để thực sự tự do và hạnh phúc, chúng ta cần học cách giải phóng bản thân khỏi gánh nặng của "cái tôi" không cần thiết. Nhìn nhận mình như là một phần nhỏ bé trong sự kỳ diệu của vũ trụ, mỗi người có thể sống tự do, ung dung và đúng với bản thân mình trong cuộc đời này. Bài văn mẫu số 2 Trong thời đại hiện nay, sự coi trọng cái tôi cá nhân đang trở nên ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, một vấn đề phổ biến là nhiều người đặt quá nhiều trọng tâm vào cái tôi mình, đồng thời bỏ qua sự quan trọng của tập thể. Điều này là một quan điểm sai lầm mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thường nghe đến khái niệm "cái tôi," đặc biệt là trong đời sống và văn hóa hiện đại. "Cái tôi" thường được hiểu là khả năng tự nhận thức, tự đánh giá giá trị cá nhân nhằm phân biệt bản thân từ người khác. Tuy nhiên, với quá trình này, có thể xuất hiện sự hiểu lầm, với việc nhận thức không chính xác về giá trị và phẩm chất cá nhân. Chúng ta là những cá nhân, sống trong một môi trường xã hội đa dạng. Nếu chúng ta quá mức tập trung vào cái tôi cá nhân trong tập thể, hậu quả có thể là những vấn đề và khó khăn không mong muốn. Việc quá đánh giá cái tôi cá nhân có thể dẫn đến tình trạng ảo tưởng về chính bản thân, tự đặt mình ở vị trí cao hơn người khác. Điều này có nghĩa là khi cái tôi được phát triển quá mức, chúng ta có thể mất đi sự tỉnh táo để đánh giá sự vật và sự việc theo cách đúng đắn. Điều này có thể dẫn đến sự tự cao quá mức. Những người có cái tôi lớn thường ít lắng nghe và không chấp nhận ý kiến của người khác. Họ tự xem mình như "cái rốn của vũ trụ," coi mình là số 1, không chấp nhận sự thất bại, và không quan tâm đến đúng sai của hành động của mình. Điều này khiến họ trở nên ngạo mạn, tự phụ, và không để ý đến cảm nhận và ý kiến của người khác. Cái tôi hoàn toàn có thể được kiểm soát và điều chỉnh. Để làm điều này, chúng ta cần phải học cách lắng nghe, tiếp thu phản hồi từ xung quanh và chấp nhận ý kiến của người khác. Thay vì để cái tôi cá nhân áp đảo, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể, đa chiều về cuộc sống và lấy lợi ích chung ra so sánh với mục tiêu cá nhân. Cảm nhận về cái tôi không chỉ là vấn đề của người khác mà còn là trách nhiệm cá nhân. Nếu không kiểm soát được cái tôi, chúng ta có thể rơi vào sự tự mãn và kiêu căng, biến mình thành người khác biệt và khó chịu đối với xã hội. Nhìn nhận bản thân như là một phần nhỏ bé trong một thế giới đa dạng có thể giúp chúng ta duy trì sự kỳ diệu của cuộc sống và không bị cuốn theo bởi "cái tôi" quá lớn. 2. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen nói tục chửi bậy a.Dàn ý chi tiết Mở bài Giới thiệu ngắn gọn về thói quen nói tục, chửi bậy và quan niệm của bản thân. Thân bài Tác hại của nói tục - Với người nói: + Gây thất bại trong giao tiếp, người khác nhìn nhận đánh giá tiêu cực, ảnh hưởng đến giá trị nhân phẩm, đạo đức. + Bị mọi người xa lánh, sợ hãi, e ngại,... + Trở thành thói quen khó bỏ, nhiễm bẩn tâm hồn. - Với người khác: + Gây ức chế khó chịu + Gây ảnh hưởng đến gia đình, người thân + Làm vấy bẩn tâm hồn của những đứa trẻ nếu chúng nghe được + Xã hội trở nên kém văn minh, đạo đức suy đồi Nguyên nhân: - Do môi trường sống - Do sự thiếu quan tâm của người thân, gia đình, nhà trường - Do ham muốn thể hiện bản thân, sự thiếu ý thức về tầm quan trọng của lời nói, thái độ dửng dưng, thích bông đùa cợt nhả. →Tuy nhiên không phải toàn bộ giới trẻ đều như vậy, đó chỉ là một bộ phận nhỏ làm ảnh hưởng đến cả tập thể lớn. Còn đa số các bạn trẻ vẫn có lối cư xử, giao tiếp văn minh, đáng khen ngợi. Biện pháp giúp bỏ thói quen nói tục -Tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía bạn bè -Tránh nghe loại nhạc có ngôn từ nhạy cảm và chương trình truyền hình cho phép nói tục khác. -Xác định tác nhân kích thích và tìm cách tránh xa chúng Kết bài -khẳng định lại vấn đề: -Việc cư xử văn minh đúng mực là vô cùng cần thiết, đó là bước đệm cho chúng ta tiến tới các mối quan hệ vững bền tốt đẹp, người có văn hóa sẽ được mọi người tôn trọng và yêu quý hơn cả. b.các bài văn mẫu tham khảo Bài văn mẫu số 1 Ông bà ta xưa đã dạy: “Lời nói không mất tiền mua Nhưng con người hiện nay, đặc biệt là giới trẻ lại bất cẩn khi phát ngôn, nói tục chửi thề một cách thiếu suy nghĩ, thiếu văn hóa. Hiện tượng này thật đáng để mỗi chúng ta cần suy nghĩ. Nói tục chửi thề là nói ra những lời lẽ trái với thuần phong mỹ tục, thiếu văn minh, thiếu tôn trọng người đang giao tiếp với mình. Thật đáng buồn khi chúng ta thấy những lời nói này được phát ngôn bừa bãi, trong mọi hoàn cảnh. Khi bực tức chửi thề đã đành, thậm chí khi vui vẻ cũng lại chửi thề. Những lời nói ấy không những được “văng” ra đối với bạn bè cùng trang lứa mà nói còn được sử dụng ngay khi họ giao tiếp với những người lớn tuổi hơn; không chỉ trong giao tiếp với người khác mà còn ở cả những nơi công cộng. Và những lời lẽ khó nghe ấy được nói ra một cách thản nhiên, không chút suy nghĩ. Đây không chỉ là một hành động xấu, thiếu văn minh, lịch sự trong giao tiếp mà còn xúc phạm đến người khác, cho thấy sự kém hiểu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay. Điều đáng lo ngại là những người thường xuyên phát ngôn một cách khiếm nhã lại coi đó là một thói quen mà không hề ý thức được hậu quả khôn lường của nó. Lời nói là kết quả sau những suy nghĩ của chúng ta, nó góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh của bản thân trong mắt người khác. Vì thế, những lời nói thiếu văn hóa trong giao tiếp sẽ thể hiện ngay người nói là một người kém hiểu biết, thiếu văn minh, dễ để lại ấn tượng xấu với người đối diện, khiến bản thân không được tôn trọng, thậm chí là dần bị xa lánh. Hơn nữa, chửi thề có thể trở thành một thói quen xấu, khó bỏ, lâu dần ảnh hưởng lớn đến đạo đức của bản thân. Chúng ta thậm chí quen miệng mà nói bậy chứ không ý thức hết được những phát ngôn của mình. Tai hại hơn là những lời nói không hay cũng được đưa lên mạng xã hội. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân mà còn là nơi bắt đầu của những mâu thuẫn, những xung đột có hậu quả mà ta không lường trước được. Còn đối với người nghe, cách xử sự kém lịch sự có thể khiến họ cảm thấy không thoải mái, bực bội, thậm chí không muốn tiếp chuyện. Đặc biệt, những lời chửi thề có sự ảnh hưởng rất tiêu cực đến nhận thức của những em nhỏ còn chưa hiểu hết ý nghĩa của chúng. Đối với xã hội, những lời nói không hay được nhân rộng ra có thể làm suy giảm đi nét đẹp văn hóa của cả cộng đồng, làm méo mó đi những quy chuẩn giá trị đạo đức, làm cho ngôn ngữ tiếng việt mất đi sự giàu đẹp và trong sáng vốn có của nó. Vậy hiện tượng nói tục chửi thề có nguyên nhân từ đâu? Về phía khách quan, có thể thấy những tác động tiêu cực của môi trường sống không lành mạnh, của những lời ăn tiếng nói thô thiển xung quanh đến đạo đức, nhận thức và cách ứng xử của mỗi con người. Người ta nói: “Trẻ em như tờ giấy trắng”. Nếu không phải do sớm phải tiếp xúc với sự thiếu văn hóa của những người xung quanh, hay thiếu đi sự quan tâm, giáo dục của những người thân trong gia đình thì đâu có những lời nói khiếm nhã, những câu nói tục chửi thề khi con người lớn lên. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ. Những phát ngôn bừa bãi xuất phát từ những nhận thức chưa thật đúng đắn, đầy đủ và trọn vẹn về tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của lời nói đến cuộc sống của con người. Khi bản thân đã không làm chủ được ta rất dễ bắt chước theo lời nói, hành động xấu của những người kém văn minh mà không thể tự điều chỉnh hành vi của mình. Nhiều người lại cho việc ăn nói thô lỗ là “oai”, muốn thể hiện bản thân trước mọi người. Hay một số người cũng chỉ nói cho vui miệng mà không hề quan tâm đến suy nghĩ và cảm nhận của người khác. Tuy nhiên, bên cạnh một bộ phận hay nói tục chửi thề, thật may khi vẫn còn đó những con người hiểu biết, nhận thức rõ ý nghĩa của tiếng nói biết nói những lời lẽ lịch sự, khiến người nghe hài lòng. Đây quả là những điểm sáng cần nhân rộng để có một xã hội văn minh hơn. Để khắc phục thực trạng nói tục chửi thề đang phổ biến hiện nay, mỗi người chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của lời nói. Từ đó mà có những hành động cụ thể như tuyên truyền vận động mọi người biết dùng lời hay ý đẹp, tránh xa những lời nói kém văn minh; kiên quyết nhắc nhở khi thấy người khác nói tục chửi thề. Còn bản thân phải trau dồi văn hóa, những kỹ năng giao tiếp văn minh lịch sự, phải biết tự dặn mình “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Xã hội đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng hiện đại hơn đòi hỏi con người cũng cần trau dồi, phát triển bản thân để trở nên văn minh hơn. Một trong những điều cần thay đổi cấp thiết là những lời nói thô tục, trau dồi lời hay ý đẹp để góp phần tạo nên phong cách đẹp cho con người thời đại mới. Bài văn mẫu số 2 Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thói hư tật xấu như: bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, nói tục chửi thề, gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục… Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là hiện tượng học sinh “nói tục chửi thề”. Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ. Trước hết ta cần hiểu “nói tục chửi thề” là gì? Nói tục chửi thề là hiện tượng học sinh dùng những từ ngữ thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực để giao tiếp với nhau hằng ngày. Biểu hiện của hiện tượng này, là việc học sinh dùng những từ ngữ thô tục để lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm người khác hoặc đôi khi chỉ nói quen miệng nhưng gây nên sự phản cảm lớn đối với người nghe. Theo cách giải thích ở trên, ta thấy hiện tượng nói tục chửi thề là hiện tượng có nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách, đạo đức của thế hệ học sinh nói riêng và xã hội hiện nay nói chung: “Nói tục chửi thề” làm đạo đức và nhân cách của người học sinh bị suy đồi. Biến con người mình thành kẻ thiếu học thức, bị đánh giá là vô văn hóa, bị mọi người xa lánh, ghê tởm như căn bệnh. Việc nói tục chửi thề làm cho kĩ năng giao tiếp của học sinh trở nên yếu kém vì những phát ngôn lệch chuẩn. Từ đó khiến cho các cuộc giao tiếp trở nên thiếu lịch sự, đôi khi trở thành “thảm họa”. Không chỉ vậy, việc nói tục, chửi thề còn ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Nhất là trong các trường hợp nói tục chửi thề với mục đích lăng mạ, sỉ nhục người đối diện. Hành động đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, lòng tự trọng của người bị lăng mạ. Nếu việc này lặp đi lặp lại xảy ra nhiều lần, có thể gây ra tâm lý bức bối, ức chế, không kiểm soát được bản thân, có những hành động có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Thực sự đã có nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra cũng chỉ vì một lời nói tục, một cái nhìn đểu. Nguy hiểm hơn nữa là việc, nếu không ngăn chặn thói xấu này, dần dà sẽ tạo nên một hệ lụy khôn lường. Một người nói tục, cả bàn nói tục, cả lớp nói tục, cả trường nói tục… lan ra cả ngoài xã hội. Khi đó xã hội văn minh sẽ biến mất mà thay vào đó là một xã hội thiếu văn hóa trầm trọng. Từ việc phân tích tác hại đã nêu ở trên, ta cần tìm ra nguyên nhân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến “nói tục chửi thề” nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau: Nhiều học sinh xuất thân trong gia đình có bố mẹ, anh chị làm nghề tự do. Do có mối quan hệ xã hội phức tạp nên đôi khi mang những lời nói tục tĩu về nhà. Từ đây, việc học cái tốt thì rất khó, nhưng học điều xấu thì lại rất dễ bởi “nghe quen tai, nói quen miệng”. Chắc chắn lời nói của người lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ của giới trẻ. Cũng một phần do học sinh tiếp xúc với nhiều phần tử xấu trong xã hội hoặc học sinh cá biệt. Cũng có thể là do nói quen miệng, khi trở thành thói quen rất khó bỏ. Phía nhà trường chưa có những sự tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh. Từ tác hại và những nguyên nhân trên, ta thấy cần phải có những biện pháp để khắc phục tình trạng nói tục chửi thề này. Trước hết là trong gia đình, cha mẹ phải cẩn trọng với từng lời nói của mình. Phải giáo dục trẻ, để trẻ không giao du với các thành phần xấu. Trong trường lớp thì cần phải tổ chức thêm nhiều hoạt động Đoàn, Đội lành mạnh để các em vui chơi, giao lưu học hỏi những điều tốt đẹp. Bản thân mỗi người cần rèn luyện nhân cách phẩm giá của mình để tránh xa những thói hư tật xấu. Từ đó mỗi người cần rút ra cho mình bài học để không dính vào những tác hại ở trên. Như rèn luyện nhân cách, bản lĩnh; tham gia vào các sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Trau dồi ngôn ngữ chuẩn mực. Học tập lối sống lành mạnh, văn mình. Ăn nói lịch sự, đối xử hòa nhã với bạn bè. Đặc biệt là có ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Tóm lại, nói tục chửi thề là một hiện tượng xấu, có nhiều tác hại ảnh hưởng lớn đến môi trường học đường và đời sống xã hội. Mỗi cá nhân và tập thể cần lên án, đấu tranh và loại bỏ thói xấu ấy ra khỏi môi trường sống của chúng ta. Vì một môi trường học đường văn minh, tất cả hãy nói KHÔNG với “Nói tục chửi thề”.
|