Cảm nhận của anh, chị về bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc TửHàn Mặc Tử, với cuộc sống ngắn ngủi, tâm hồn đa cảm, mong manh đã để lại cho đời những bài thơ đặc sắc. “Mùa xuân chín” là một trong số đó. Trong không gian của buổi giao mùa, một góc tâm tình của tác giả: Nhớ làng, nhớ quê… Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa... Hàn Mặc Tử, với cuộc sống ngắn ngủi, tâm hồn đa cảm, mong manh đã để lại cho đời những bài thơ đặc sắc. “Mùa xuân chín” là một trong số đó. Trong không gian của buổi giao mùa, một góc tâm tình của tác giả: Nhớ làng, nhớ quê… và một cái gì đó rất mơ hồ, gợi trong lòng người đọc biết bao suy nghĩ. “Mùa xuân chín” – một khoảng trời riêng của cảm xúc đang “chín” trong lòng nhà thơ, trong lòng người đọc. Đọc tựa bài, ta hầu như đã cảm nhận được cái “ngon lành”, cái đỉnh cao tận cùng của “Mùa xuân chín”. Nếu có “xuân chín” thì hẳn cũng có “xuân xanh”; “xuân già”. Nằm giữa ranh giới của cái “non trẻ”, cái “già nua”, “Mùa xuân chín” trở nên giá trị nhưng cũng ngắn ngủi, mong manh vô cùng. Để lòng say đắm trong giây phút hoàn hảo nhất của vũ trụ ấy thì còn gì bằng! Trong làn nắng ửng: khói mơ tan, Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. Từ “ửng” trong “nắng ửng” mang một ý nghĩa đặc biệt. Ta có thể liên tưởng đến ngay cái “chín ửng” của quả đào, quả hồng, cái “ửng” hây hây của đôi má các cô gái trong tiết lạnh đầu xuân. Cũng như vậy, xuân đang “chín” lên trong cái “ửng” của nắng. Những làn khói sương tan trong nắng lượn lờ, bồng bềnh nâng tâm hồn thi sĩ lên khỏi mặt đất, khỏi thực tại, bước vào cõi “mơ”. Những “lấm tấm vàng” là hạt nắng hay chính là những ảo ảnh trong đôi mắt của người đang say. Không phải say “quên trời, quên đất” mà cái say của nhà thơ là những phút giây đắm chìm, mê mải, chăm chú; cả âm thanh, hình ảnh và màu sắc cùng hòa làm một: khói tan, mái nhà lấm tấm vàng, gió sột soạt tà áo, giàn thiên lý. Đó là “bóng xuân”. Chỉ là “bóng”, rất mơ hồ, huyền ảo mùa xuân cô gái đẹp, đẹp như trong mơ, đẹp như quả chín, đẹp hoàn hảo lướt qua trong tâm hồn nhà thơ. “Bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Tiếng hát của những cô gái đánh thức Hàn Mặc Tử, đưa nhà thơ trở lại với thực tại. Toàn khổ thơ là tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi: “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy; Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…” Nhà thơ nghĩ đến ngày mai đây, cảnh vật, con người sẽ đổi khác, những cô gái sẽ không còn những giây phút hồn nhiên, vô tư ca hát với mùa xuân, cũng như xuân rồi sẽ qua, “xuân chín” rồi thì xuân sẽ tàn. Tâm hồn đa cảm ấy, không thể không rung lên xúc động. “Đám xuân xanh ấy” - Mùa xuân tươi đẹp của đời người cũng là mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên mà thi sĩ vẽ ra trước mắt người đọc. Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi, Hổn hển như lời của nước mây… Thầm thì với ai ngồi dưới trúc Nghe ra ý vị và thơ ngây… Trí tưởng tượng của tác giả đã lên đến tột độ, tiếng hát thánh thót như đang “vắt vẻo lưng chừng núi”, đang “hổn hển như lời của nước mây”. Những âm thanh không bay cao, bay xa mà vẫn “thầm thì với ai ngồi dưới trúc”. Từ “ai” cho ta thấy những cảm xúc vô cùng tinh tế trong tâm hồn thi sĩ. Tiếng hát bay khắp không gian, thi sĩ “thu” lại chỉ riêng cho “ai”. Chính là mình rồi tự thốt lên: Nghe ra ý vị và thơ ngây. Có mấy ai đảm nhận hết cả đất trời như vậy! Nghĩ đến đất trời, về những cuộc đổi thay, về mùa xuân, tác giả lại nghĩ về mình “Khác xa gặp lúc mùa xuân chín”. Tác giả nhận ra mình chỉ là một người tha phương, lẻ loi, cô độc, gặp “mùa xuân chín” mới có được giây phút ấm lòng. Hàn Mặc Tử nhớ về làng xưa: “trí bâng khuâng sực nhớ làng” Nhớ về quê xưa, hình ảnh đầu tiên đến với cái “sực nhớ” của tác giả là hình ảnh người con gái. Đây là cái “sực nhớ”, điều mà ý thức không kiểm soát được mà là của con tim đang dồn dập, nóng bỏng vì nỗi nhớ điều khiển. Những từ, tiếng vần liền “trắng, nắng”, “chang chang” tạo cho người đọc cảm giác rõ rệt về một bờ sông cát trắng, nắng chói rất thật và rõ ràng tạo thành hình ảnh con người thật đẹp: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Mùa xuân luôn là cảm hứng của bao nhiêu thi sĩ. “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử rất đặc sắc và sâu đậm, không những chỉ có “mùa xuân chín” mà còn “chín” cả lòng người thi sĩ, “chín” cả nỗi nhớ làng, nhớ người xưa trong thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ dạt dào cảm xúc khiến lòng người đọc bâng khuâng. Với tâm hồn lãng mạn cùng những lời thơ tình đặc sắc, Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một bức tranh xuân, một hình ảnh xuân, một nét xuân đằm thắm dịu dàng. Người thi sĩ đã đi xa nhưng tình người còn vương vấn mãi. Bài thơ ấy cùng với cái tôi Hàn Mặc Tử vẫn tồn tại muôn đời.
|