Tinh thần yêu nước trong bài thơ Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam)

Yêu nước và tự hào dân tộc là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người dân Việt Nam.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu vài nét cơ bản về tác phẩm Nam quốc sơn hà.

- Nêu vấn đề cần nghị luận: Tinh thần yêu nước trong bài thơ Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam).

2. Thân bài

* Lời tuyên bố đanh thép về chủ quyền của đất nước: "Nam quốc... thiên thư" (Sông núi nước Nam... sách trời)

- Câu 1: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" (Sông núi nước Nam vua Nam ở)

+ Giọng thơ hào hùng, đanh thép => Mang ý nghĩa khẳng định nước Nam ta là một đất nước độc lập, có chủ quyền riêng, vua chính là đại diện tối cao cho dân tộc.

+ Cách sử dụng từ ngữ "quốc" (nước), "đế" (vua) => Niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tự coi nước Nam là nước ngang hàng với nước Bắc, vua Nam sánh vai với hoàng đế Trung Quốc.

- Câu 2: "Tiệt nhiên định phận tại thiên thư" (Rành rành định phận tại sách trời)

+ Cách lập luận chặt chẽ, giọng điệu dứt khoát => Khẳng định đanh thép nước Nam là của người Nam, điều đó đã là chân lý, là trời định, đã được ghi rõ ràng ở sách trời không thể chối cãi.

* Tinh thần yêu nước với ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc: "Như hà... bại hư" (Cớ sao... tơi bời)

- Câu 3: Hình thức là câu hỏi trực tiếp quân giặc "Cớ sao chúng bay sang xâm phạm?" => Thái độ quyết liệt, rõ ràng coi kẻ xâm lược là "nghịch lỗ" (giặc  dữ) chỉ rõ sự phi lí, phi nghĩa trong hành động xâm lược của kẻ thù.

- Câu 4: Khơi gợi tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân nước Nam "Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" => Kẻ thù ngang ngược, làm trái sách trời sẽ khiến chúng tự chuốc lấy bại vong.

=> Lời cảnh cáo đanh thép vang lên khẳng định giặc sẽ thất bại thảm hại, ta sẽ giành chiến thắng.

3. Kết bài

- Khẳng định lại tinh thần yêu nước trong Nam quốc sơn hà.

- Nêu nhận xét, đánh giá của bản thân về giá trị của tác phẩm.

Bài mẫu

      Yêu nước và tự hào dân tộc là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người dân Việt Nam. Tình cảm ấy thấm đẫm trong tâm hồn dân tộc và dạt dào lai láng trên những trang thơ văn. Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) là một áng thơ như thế!

      Sông núi nước Nam không phải là sáng tác duy nhất thời Lý -Trần khơi nguồn từ cảm xúc về đất nước, về dân tộc. Gắn bó với một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt - thời đại hào hùng đấu tranh chống ngoại xâm, dường như đất nước và dân tộc là mối quan tâm hàng đầu của các nhà văn, nhà thơ. Và do đó, tình cảm yêu nước và tự hào dân tộc đã trở thành cảm hứng chủ đạo cho các sáng tác văn chương thời kì này.

      Nhìn lại các sáng tác thời Lý - Trần, tuy tình cảm đất nước bộc lộ ở những khía cạnh khác nhau, trong những thời điểm khác nhau, nhưng đều rất sâu sắc. Trong Chiếu dời đô, nỗi lo lắng cho vận số của đất nước, dân tộc, hạnh phúc của muôn dân, trăm họ là niềm trăn trở lớn nhất của vị hoàng đế đầu tiên của triều Lý. Ở Hịch tướng sĩ, lòng căm thù giặc, nỗi xót đau trước cảnh đất nước bị giày xéo tàn phá, ý chí sẵn sàng xả thân vì nước trào dâng mãnh liệt trong lòng vị thân vương họ Trần. Còn trong Phò giá về kinh, lại là hào khí chiến thắng của dân tộc và khát vọng về một nền thái bình muôn thuở cho đất nước của thượng tướng thái sư Trần Quang Khải.

      Ra đời trong máu lửa của cuộc kháng chiến chống Tống, Sông núi nước Nam là tuyên ngôn của Đại Việt về độc lập, chủ quyền đất nước. Đây là tuyên ngôn của hàng triệu trái tim Đại Việt nồng nàn, thiết tha yêu nước mình.

      Ta hãy đọc kỹ lại bản tuyên ngôn để cảm nhận được tình cảm mãnh liệt, sục sôi của một dân tộc:

Nam Quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

 Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

      Dịch:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

 Chúng bay nhất định phải tan vỡ.

(Theo Lê Thước và Nam Trân dịch)

      Sông núi nước Nam là của người Nam, đó là tư tưởng của hai câu thơ đầu của bài thơ. Tư tưởng này đối với chúng ta ngày nay tự nhiên như cơm ăn, nước uống. Nhưng ngày ấy, cái thời mà bọn phong kiến phương Bắc đã từng biến nước ta thành quận huyện và đang cố sức khôi phục lại địa vị thống trị, thì tư tưởng ấy mới thực sự thiêng liêng và có ý nghĩa biết chừng nào! Lòng tự tôn dân tộc hun đúc qua mấy mươi thế kỷ đã hoá thành tư thế đứng thẳng làm người, mặt đối mặt với kẻ thù. Đọc câu thơ, lòng ta không khỏi rưng rưng xúc động.

      Nếu nhìn từ góc độ nguyên tác Hán tự, ta thật kinh ngạc. Câu thơ như một làn roi quất thẳng vào bộ mặt bá vương hợm hĩnh của triều đình phong kiến Trung Quốc - kẻ đang phát động chiến tranh xâm lược để thực hiện mưu đồ bá chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử bành trướng, chúng gặp phải ý chí quật cường đến thế, một tinh thần khẳng khái đến thế! Chúng đã có Bắc Quốc (Trung Quốc) thì ta cũng có Nam Quốc chúng có Bắc đế thì ta cũng có Nam đế; nào có thua kém gì nhau! Từ ngôn từ và ý thơ thế hiện một niềm tự hào cao độ về đất nước và dân tộc mình. Đây là niềm tự hào mà mỗi thần dân Đại Việt đều có trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù.

      Lòng tự hào ấy, hơn ba thế kỷ sau được Nguyễn Trãi nhấn mạnh thêm:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

(Bình Ngô đại cáo)

      Như vậy ý thức độc lập tự chủ đâu phải là mới thai nghén

      Hôm nay, nó đã hình thành từ rất lâu trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt, có lẽ là từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Trải qua bao thăng trầm trong lịch sử, qua rất nhiều biến cố đau thương, nhưng ý chí độc lập không bao giờ bị dập tắt. Máu xương của cha ông đã đổ mấy ngàn năm chẳng phải là để giành lại xã tắc đó sao? Ngày hôm nay, một lần nữa, tinh thần dó được phát biểu thành một tuyên ngôn hùng hồn, đanh thép. Hơn nữa, là niềm tin sắt đá vào sự thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

(Giặc dữ cớ sao phạm tới đây

Chúng bay nhất định phải tan vỡ).

      Dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc thù. Đó chính là biểu hiện tập trung nhất, cao độ nhất của lòng yêu nước trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

      Sau này, trong văn chương nước nhà, ta còn bắt gặp không ít những áng thơ văn dạt dào sâu lắng tình yêu quê hương đất nước mình như thế trong đó Sông núi nước Nam mãi xứng đáng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất về lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close