Bài 13: Đàn t'rưng - Tiếng ca đại ngàn trang 61 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Kết nối tri thứcNói những điều em biết về Tây Nguyên.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Khởi động Trả lời câu hỏi khởi động trang 61 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức Nói những điều em biết về Tây Nguyên. Phương pháp giải: Em dựa vào hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi. Lời giải chi tiết: Tây Nguyên là vùng cao nguyên, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, phía tây giáp với các tỉnh Attapeu (Lào) và Ratanakiri và Mondulkiri (Campuchia). Tại khu vực Tây Nguyên hiện nay có 49 dân tộc cùng chung sống, gồm 12 dân tộc bản địa và 37 dân tộc từ nơi khác đến. Đặc điểm của cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên là rất đa dạng về ngôn ngữ, tâm lý, phong tục tập quán và sự phát triển không đều nhau về kinh tế - xã hội. Tổ chức xã hội duy nhất ở đây là làng. Đó là cơ sở tập hợp những người đồng tộc cùng cư trú, với một lãnh thổ nhất định. Bài đọc 1 Trả lời câu hỏi 1 bài đọc trang 62 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức ĐÀN T’RƯNG - TIẾNG CA ĐẠI NGÀN
Đến Tây Nguyên, ta thường được nghe tiếng đàn t’rưng ngân dài theo dòng suối, hoà cùng tiếng gió trên đèo núi hoang vu... Cùng với điệu hát ru, tiếng đàn t’rưng đã đi vào kí ức tuổi thơ của các bạn trẻ Tây Nguyên từ lúc còn được địu trên lưng mẹ. Lớn lên, mỗi bước chân của họ vào rừng kiếm củi, xuống suối lấy nước, ra nương trỉa lúa,... đều vấn vương nhịp điệu khi khoan khi nhặt, khi trầm hùng như tiếng thác đổ, khi thánh thót, rác rách như suối reo của đàn t'rưng. Dưới mỗi gầm chòi cao lêu nghêu ở sát bên chân rẫy, đều có một chiếc đàn t’rưng cong cong như chiếc võng đưa em. Mùa lúa chín, trai làng thay phiên nhau trực ở chòi canh. Chốc chốc, họ lại gõ trên chiếc đàn t’rưng, dạo một bản nhạc “đánh tiếng" đuổi chim muông và thú rừng mon men đến rẫy phá lúa. Tiếng đàn chẳng những rộn rã suốt ngày mà còn thánh thót thâu đêm, làm ấm lòng những chàng trai canh rẫy trong rừng khuya sương lạnh. Từ buôn này sang buôn khác, ta còn thấy những chiếc đàn t’rưng trên đỉnh dốc cao. Người đi qua đây sẽ gõ cho tiếng đàn vang lên để thêm yên tâm, vững bước vượt qua quãng đường rừng u tịch. Cùng với mái nhà rông thân thương, cao vút, tiếng đàn t’rưng rộn ràng, lưu luyến đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ của người Tây Nguyên. (Theo Ay Dun và Lê Tấn) Từ ngữ - U tịch: vắng vẻ và tĩnh mịch.
Bài đọc nói về điểm nổi bật nào của vùng đất Tây Nguyên? - Cảnh thiên nhiên hùng vĩ - Tiếng đàn t’rưng rộn rã - Mái nhà rông cao vút Phương pháp giải: Em đọc đoạn văn đầu tiên của bài đọc để tìm câu trả lời. Lời giải chi tiết: Bài đọc nói về điểm nổi bật của vùng đất Tây Nguyên là: Tiếng đàn t’rưng rộn rã. Bài đọc 2 Trả lời câu hỏi 2 bài đọc trang 62 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức Tiếng đàn t’rưng gắn bó với người Tây Nguyên như thế nào? Phương pháp giải: Em đọc đoạn văn thứ hai của bài đọc để tìm câu trả lời. Lời giải chi tiết: Tiếng đàn t’rưng gắn bó với người Tây Nguyên: tiếng đàn t’rưng đi vào kí ức tuổi thơ của các bạn trẻ Tây Nguyên từ lúc còn được địu trên lưng mẹ; Mỗi bước chân của vào rừng kiếm củi, xuống suối lấy nước, ra nương trỉa lúa,... đều vấn vương nhịp điệu của đàn t’rưng. Bài đọc 3 Trả lời câu hỏi 3 bài đọc trang 62 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức Những chi tiết nào cho thấy đàn t’rưng là nhạc cụ phổ biến, được yêu thích ở Tây Nguyên? Phương pháp giải: Em đọc đoạn văn thứ ba và thứ tư của bài đọc để tìm câu trả lời. Lời giải chi tiết: Những chi tiết cho thấy đàn t’rưng là nhạc cụ phổ biến, được yêu thích ở Tây Nguyên là: - Dưới mỗi gầm chòi cao đều có một chiếc đàn t’rưng. - Mùa lúa chín, trai làng thay phiên nhau trực ở chòi canh. - Tiếng đàn làm ấm lòng những chàng trai canh rẫy trong rừng khuya sương lạnh. - Tiếng đàn vang lên để thêm yên tâm, vững bước vượt qua quãng đường rừng u tịch. - Từ buôn này sang buôn khác, ta còn thấy những chiếc đàn t’rưng trên đỉnh dốc cao. Người đi qua đây sẽ gõ cho tiếng đàn vang lên để thêm yên tâm, vững bước vượt qua quãng đường rừng u tịch. Bài đọc 4 Trả lời câu hỏi 4 bài đọc trang 62 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức Theo em, vì sao tác giả khẳng định tiếng đàn t'rưng đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ của người Tây Nguyên? Phương pháp giải: Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi. Lời giải chi tiết: Tác giả khẳng định tiếng đàn t’rưng đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ của người Tây Nguyên vì đàn t’rưng là nhạc cụ phổ biến, được yêu thích ở Tây Nguyên. Trong mọi hoạt động đời sống của người dân Tây Nguyên không thể thiếu tiếng đàn. Nhờ có tiếng đàn, cuộc sống của người dân ổn định hơn, yên tâm hơn. Bài đọc 5 Trả lời câu hỏi 5 bài đọc trang 62 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức Bài đọc giúp em cảm nhận được điều gì về cuộc sống và con người Tây Nguyên? Phương pháp giải: Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi. Lời giải chi tiết: Bài đọc giúp em cảm nhận được cuộc sống và con người Tây Nguyên thật êm đềm, nhẹ nhàng và du dương. Họ là những người sống tình cảm, yêu quý, trân trọng những vật là bản sắc dân tộc. Cuộc sống vất vả và lao động nhưng luôn vui tươi.
|