Văn bản Giáo dục khai phóng ở Việt Nam nhìn từ Đông Kinh Nghĩa Thục (Nguyễn Nam)Thành lập năm 1907 ở Hà Nội, Đông Kinh Nghĩa Thục là sự tích hợp những thành tựu cải cách giáo dục Đông - Tây vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 12 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa Giáo dục khai phóng ở Việt Nam nhìn từ Đông Kinh Nghĩa Thục Nguyễn Nam Thành lập năm 1907 ở Hà Nội, Đông Kinh Nghĩa Thục là sự tích hợp những thành tựu cải cách giáo dục Đông - Tây vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Mặc dù giáo dục khai phóng có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau nhưng tất cả đều có chung một điểm là cung cấp một nền tảng tri thức rộng mở, giúp người học phát triển tư duy phản biện, kĩ năng lập luận, phân tích và biểu đạt các ý tưởng, thông tin một cách rõ ràng. Những nền tảng tri thức và kĩ năng này sẽ chuẩn bị cho người học năng lực xử lí các vấn đề phức tạp của thế giới và ứng phó với những thay đổi không thể lường trước trong tương lai. Nền tảng thực hành của một truyền thống giáo dục như thế có lịch sử lâu đời không chỉ ở các nước phương Tây mà còn ở các nước phương Đông như Ấn Độ, Trung Hoa, hay Ai Cập. Năm 1907, Đông Kinh Nghĩa Thục (thường được dịch sang tiếng Anh là “The Tonkin Free School”) ra đời trong bối cảnh thuộc địa đánh dấu một bước phát triển mới trong truyền thống giáo dục khai phóng Việt Nam. Đông Kinh Nghĩa Thục là sự tích hợp những thành tựu cải cách giáo dục Đông – Tây vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của thời đại, đặc biệt là vấn đề canh tân đất nước về mọi mặt để mưu cầu tiến bộ, bình đẳng, hợp tác và độc lập dân tộc. Thời gian tồn tại ngắn ngủi của Đông Kinh Nghĩa Thục trong vòng khoảng mười tháng tỉ lệ nghịch cực đại với ảnh hưởng sâu rộng của ngôi trường này đối với truyền thống giáo dục Việt Nam nói riêng và đối với sự phát triển theo định hướng mới của xã hội Việt Nam nói chung. Những biến động chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự ở khu vực Đông Á cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX đã có tác động mạnh mẽ đến một nước Việt Nam bị phân cắt thành ba kì (Bắc, Trung, Nam), nằm trong vòng kiểm soát của những hệ thống chính trị bảo hộ – thuộc địa của Pháp. Thất bại của Mậu Tuất Duy tân ở Trung Hoa năm 1898 đã dẫn đến sự lưu vong của Khang Hữu Vi (Kang Youwei, 1858 – 1927) và Lương Khải Siêu (Liang Qichao, 1873 – 1929) ở Nhật, và đó cũng chính là một trong những khởi điểm quan trọng cho việc tiếp xúc và truyền bá tư tưởng chính trị, triết học phương Tây (đã được dịch khá nhiều ở Nhật) vào thế giới Đông Á (bao gồm Việt Nam) qua hình thức “tân thư”. Chiến thắng của Nhật Bản trong chiến tranh Nhật – Nga (1905) cùng với những thành tựu cải cách chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội của nước này trong giai đoạn Minh Trị Duy tân (1868 - 1889) đã khiến các nước Đông Á phải nhận thức lại tiềm lực cách mạng cải cách của chính mình để đối đầu với hiểm hoạ thôn tính từ phương Tây. Dân trí, dân khí và dân sinh nổi lên như những yếu tố cốt tuỷ, then chốt mở lối cho dân tộc tự cường và hiện đại, cần được đặc biệt quan tâm và triển khai từ nền tảng giáo dục. Mô hình giáo dục Nhật Bản, đặc biệt là Khánh Ứng Nghĩa Thục (Keio Gijuku) được Phan Bội Châu (1867 – 1940) và Phan Châu Trinh (1872 – 1926) cùng thăm thú, quan sát năm 1906, đã trở thành nguồn cảm hứng cho việc thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục do cụ cử Lương Văn Can (1854 – 1927) làm hiệu trưởng ở phố Hàng Đào (Hà Nội) năm 1907. Điểm nhấn then chốt trong lịch sử giáo dục Việt Nam Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khoảng mười tháng, từ tháng Ba dương lịch năm 1907 cho đến khi bị chính quyền thuộc địa đóng cửa vào đầu năm 1908 (tháng Chạp năm Đinh Mùi âm lịch), Đông Kinh Nghĩa Thục là một trong những cải cách quan trọng nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam, được tiến hành không phải từ trên xuống, mà từ dưới lên, bắt nguồn trong dân chúng, do nhân sĩ đề xướng, theo định hướng độc lập dân tộc, khát vọng yêu nước, mong cầu tiến bộ về tri thức, tư duy và dân chủ nhằm phá bỏ những kìm hãm, trì trệ của xã hội thuộc địa và quân chủ Việt Nam đầu thế kỉ XX. Hẳn là nguyên nhân chính khiến chính quyền thực dân Pháp quyết định đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục không phải chỉ vì những nội dung giáo dục tiến bộ về khoa học phổ thông của nhà trường, mà quan trọng hơn là vì nguy cơ nối kết giữa việc đào tạo con người có tư duy khoa học, cởi mở – phản biện, nặng lòng ái quốc, có ý thức học hỏi – tiếp nhận từ năm châu bốn bể nhưng luôn hướng đến độc lập quốc gia với những cuộc khởi nghĩa vũ trang vẫn đang tồn tại, luôn chờ dịp bùng phát trong cả nước. Có một khoảng cách đáng kể giữa thời gian hiện hữu của Đông Kinh Nghĩa Thục và thời gian ra đời của những khảo cứu về ngôi trường lịch sử này. Phải đến gần ba mươi năm sau khi bị đình chỉ, những tập chuyên luận đầu tiên về nhà trường mới được biên soạn, nhưng số phận của chúng cũng thật truân chuyên. Sách Đông Kinh Nghĩa Thục của Đào Trinh Nhất (1900 – 1951) do nhà in Mai Lĩnh xuất bản số lượng lớn (10000 bản vào tháng 12 năm 1937 ở Hà Nội), vừa đến với người đọc vài tháng đã bị cấm cùng với một khảo cứu khác của ông có tên Đời cách mệnh Phan Bội Châu, không ai được “giới thiệu, lưu hành, bày bán, phân phối trên toàn cõi An Nam từ ngày 17 tháng 3 năm 1938. Cũng từ năm 1936, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (1902 – 1977) đã có ý thức thu thập thông tin và trình bày rải rác về Đông Kinh Nghĩa Thục trên các tuần báo Thế giới (Sài Gòn) và Tân Việt Nam (Hà Nội). Đến năm 1945, khi tài liệu đã khá dày dặn, ông soạn thành sách Đông Kinh Nghĩa Thục, kí bút danh Mai Lâm, nhưng do chiến tranh tạo loạn, bản thảo bị lạc mất khỏi tay người soạn. Sau đó hơn chục năm, Hoa Bằng mới có thể hoàn thành một bản thảo khác về ngôi trường lịch sử này, nhưng rất tiếc cho đến nay vẫn chưa được chính thức ấn hành. Trong một thời gian dài, tên gọi “Đông Kinh Nghĩa Thục” đã là một từ cấm kị, trở thành nỗi ám ảnh của chính quyền thực dân bắt đầu từ năm 1908 khi nó bị chính quyền thuộc địa dán cho cái nhãn “hội kín” (société sécrèle) và gắn nó với những hoạt động cách mạng bạo động như vụ đầu độc lính Pháp ở Hà thành năm ấy. Giáo dục khai phóng của Đông Kinh Nghĩa Thục Nếu những điều sâu sắc nhất là những gì đọng lại trong kí ức sau một hành trình dài của thời gian, thì những điều Giám học Nguyễn Quyền còn nhớ được về Đông Kinh Nghĩa Thục sau gần ba mươi năm nhà trường bị rút giấy phép, những người sáng lập bị bắt bớ, tù đày tất yếu phải là những thành tựu đáng tự hào nhất của nhà trường. Ông tóm tắt mục đích – tôn chỉ giáo hoá của Đông Kinh Nghĩa Thục trong sáu điểm như sau: Giảng dạy bằng ba thứ chữ Pháp, Hán, Việt: Với cấp phổ thông thì chú trọng giảng dạy quốc văn, thay thế hoàn toàn giáo dục Hán văn bằng quốc ngữ “để diễn dịch những thường thức và tư tưởng mới”. Trường chia làm ba cấp: Tiểu, Trung và Đại học. Chữ Pháp và chữ Hán được giảng dạy các bậc Trung và Đại học. Trường thu nhận cả nam sinh và nữ sinh ở bậc Tiểu học; có cả giáo viên nữ giảng dạy. Tất cả các lớp đều chỉ cốt “học để làm người dân, chớ không học lối từ chương khoa cử. Nhà trường dạy miễn phí, cấp cả sách vở, giấy bút, "muốn cho ai cũng có thể tới và học được”. Trường dạy “những khoa học thường thức, công nghệ thường thức cho người ta lấy đó mà mưu sanh, tự tồn”. Được phép của nhà cầm quyền, Đông Kinh Nghĩa Thục mỗi tuần được tổ chức diễn thuyết công khai một lần về các vấn đề giáo dục, khoa học; các buổi diễn thuyết ban đầu chỉ ở Hà Nội nhưng sau còn phái cả người di diễn thuyết ở các nơi khác. Đông Kinh Nghĩa Thục được tổ chức với mục đích thực nghiệm để sẵn sàng mở rộng ra khắp ba kì. Tác phẩm khuyết danh Văn minh lần học sách (1904) có thể xem là cương lĩnh giáo dục của nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Theo đó, có thể thấy trường khuyến khích tinh thần sáng tạo khoa học của người học, khuyến cáo xã hội nên học theo mẫu hình châu Âu mà “hạ lệnh cho khắp nước hễ ai học được kiểu mới, chế được đồ mới thì cũng theo lối Âu châu cấp cho bằng khen làm lưu chiểu, thưởng cho phẩm hàm để ngợi khen họ, cấp lương bổng để khen thưởng họ, cho giữ quyền sáng tạo để hậu đãi họ.”. Quan trọng nhất là tinh thần tự do học thuật dựa trên thực học, “cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không phải nề hà. Không cần thể cách gì hết [...] để cho cái mà học sinh học và thi không trái với công việc thực tế họ phải làm”. Tất nhiên, những nội dung dạy và học ở Đông Kinh Nghĩa Thục trong khoảng gần mười tháng ngắn ngủi thời. Chú ý các từ ngữ, cách đó tuy vẫn còn rất sơ khai nhưng cái dũng khí dám từ bỏ lối học từ chương, giáo điều hàng nghìn năm áp đặt, kìm hãm tâm trí người dân cần được ghi nhận như một mốc lịch sử giáo dục quan trọng. Tinh thần khai phóng đó cho phép người học trải nghiệm tụ do học thuật, hướng họ vào đường thực học, cho phép họ kiểm nghiệm những điều đã học được trong thực tế, tập cách suy nghĩ cởi mở, với tinh thần phản biện mà không phải kiêng dè chi cả. Cùng với quốc văn, Hán văn và Pháp văn là những ngôn ngữ – văn tự cho phép người học mở rộng và hoà nhập hiệu quả với thế giới hiện đại mà không bị cắt đứt khỏi căn rễ văn hoá của mình, Đông Kinh Nghĩa Thục đã tiếp nối và phát huy tinh thần khai phóng của giáo dục Việt Nam trong khung cảnh thuộc địa của đất nước và trong bối cảnh biến động phức tạp của thế giới đầu thế kỉ XX như thế đó. (Theo Nguyễn Nam, báo Vietnamnet, ngày 09/11/2022) |