Soạn bài Nói và nghe - Luyện tập và vận dụng - Ôn tập Học kì 2 SGK Ngữ Văn 10 HK2 Kết nối tri thức - chi tiết

Thảo luận về vấn đề: cần xử lí như thế nào mối quan hệ giữa việc tuân thủ ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trong vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống?

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Chọn thực hiện theo nhóm học tập một trong các nội dung sau:

Nội dung 1

Thảo luận về vấn đề: cần xử lí như thế nào mối quan hệ giữa việc tuân thủ ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trong vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống?

Nội dung 2

Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu? Hãy cùng thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm văn học được nhóm chọn đọc chung.

Nội dung 3

Tự hiểu mình có dễ không và làm thế nào để hiểu? Hãy thực hiện bài thuyết trình về vấn đề trên.

Nội dung 1

Video hướng dẫn giải

Thảo luận về vấn đề: cần xử lí như thế nào mối quan hệ giữa việc tuân thủ ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trên vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống?

Phương pháp giải:

- Tìm hiểu mối quan hệ giữa việc tuân thủ ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trong vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống.

- Dựa vào những hiểu biết của cá nhân và kết quả thảo luận nhóm để thuyết trình về vấn đề trên.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Nêu vấn đề

     Khái quát suy nghĩ của bản thân về mối quan hệ giữa việc tuân thủ ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trong vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống.

2. Giải quyết vấn đề

- Cuộc sống là những lựa chọn, nó mở ra cho ta rất nhiều lối đi nhưng vấn đề là phải chọn được lối đi phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Lựa chọn con đường đi chính là đưa ra những sự lựa chọn trong cuộc đời mình để có thể đạt được những điều mình mong muốn.

- Việc lựa chọn đường đi nên tuân thủ ý chí của người khác hay thuận theo mách bảo của nội tâm chính mình?

+ Lắng nghe ý kiến của người khác như một sự gợi ý để bạn tham khảo, việc tuân theo ý chí của người khác không hẳn là xấu, đôi khi ý kiến của người khác cũng có thể là sự lựa chọn đúng đắn.

+ Thuận theo mách bảo của bản thân vì chính bạn là người lựa chọn, là người đi trên con đường ấy. Chỉ có bản thân bạn mới hiểu bạn, biết bạn muốn gì và cần gì. Chỉ bạn là người hiểu được những thế mạnh, những điểm yếu của cá nhân mình.

- Để đưa ra một sự lựa chọn đúng nên dựa vào ý chí của người khác và mách bảo của bản thân, kết hợp hai ý kiến để có sự lựa chọn tốt nhất.

3. Kết luận

      Khẳng định lại mối quan hệ trên và ý nghĩa của sự lựa chọn đường đi trong cuộc sống.

Bài nói mẫu

     Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối mặt với sự lựa chọn, lựa chọn những ngã rẽ trong cuộc sống. Những lựa chọn ấy có thể là quyết định từ sâu trong suy nghĩ của mình hoặc là quyết định dựa trên ý chí của người khác (bố mẹ, người thân, gia đình) - sự lựa chọn mà họ cho là tốt nhất. Vậy chúng ta có thể làm gì khi đứng trước mối quan hệ giữa việc tuân thủ ý chí của người khác hay thuận theo mách bảo của nội tâm chính mình trong lựa chọn con đường tương lai của chính mình.

      Cuộc sống là những lựa chọn, nó mở ra cho ta rất nhiều lối đi nhưng vấn đề là phải chọn được lối đi phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Lựa chọn con đường đi chính là đưa ra những sự lựa chọn trong cuộc đời mình để có thể đạt được những điều mình mong muốn. Lối đi ấy có thể xa xôi, đầy chông gai thử thách. Người bước trên con đường ấy sẽ phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của mình để đi được đến đích cuối cùng. Tuy nhiên, đó lại là con đường tốt nhất, phù hợp nhất với ta, con đường đưa ta tới thành công, thực hiện ước mơ và lí tưởng, hoài bão.

     Đôi khi chúng ta tự hỏi việc lựa chọn đường đi nên tuân thủ ý chí của người khác hay thuận theo mách bảo của nội tâm chính mình? Trong quá trình lựa chọn đường đi, chúng ta có thể gặp phải nhiều sự băn khoăn, phân vân không biết nên làm gì và khi ấy chúng ta sẽ nhờ tới sự giúp đỡ của những người xung quanh, sự giúp đỡ từ bố mẹ, gia đình, bạn bè. Lắng nghe ý kiến của người khác như một sự gợi ý để bạn tham khảo, việc tuân theo ý chí của người khác không hẳn là xấu, đôi khi ý kiến của người khác cũng có thể là sự lựa chọn đúng đắn. Những chúng ta cũng không nên hoàn toàn thuận theo ý họ mà bỏ quên suy nghĩ của bản thân, đánh mất ý kiến cá nhân của riêng mình.

     Khi lựa chọn, chúng ta cũng cần phải tự hỏi bản thân, sự suy nghĩ xem mình muốn gì, nên làm gì. Thuận theo mách bảo của bản thân vì chính bạn là người lựa chọn, là người đi trên con đường ấy. Chỉ có bản thân bạn mới hiểu bạn, biết bạn muốn gì và cần gì. Chỉ bạn là người hiểu được những thế mạnh, những điểm yếu của cá nhân mình. Ý kiến của cá nhân không hẳn đã đúng nhưng nó là suy nghĩ, sự lựa chọn từ sâu trong bạn, là điều bạn mong muốn. Tất cả đều phụ thuộc vào chính bản thân bạn.

     Mọi vấn đề đều có hai mặt, mặt trái và mặt phải, mặt tối và mặt xấu. Ý chí của người khác và thuật theo bản thân cũng vậy, hai ý kiến chưa hẳn là tốt nhất, cũng không chắc sẽ là xấu nhất mà chúng bổ sung cho nhau. Để có thể đưa ra một sự lựa chọn thích hợp, bạn nên dựa vào ý chí của người khác cùng với sự mách bảo của bản thân, kết hợp hai ý kiến để có thể đưa ra quyết định tốt nhất.

Nội dung 2

Video hướng dẫn giải

Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu? Hãy cùng thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm văn học được nhóm chọn đọc chung.

Phương pháp giải:

- Chọn một tác phẩm văn học để đọc và cùng nhau tìm hiểu về cái hay của tác phẩm.

- Dựa vào những hiểu biết của cá nhân và kết quả thảo luận nhóm để thuyết trình về vấn đề trên.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Nêu vấn đề

     Khái quát về tác phẩm Bảo kính cảnh giới (Bài 43) và cái hay của bài thơ.

2. Giải quyết vấn đề

- Câu thơ đầu là câu lục ngôn nói lên một cách sống của thi nhân. Câu thơ bình dị như một lời nói vui vẻ, thoải mái, hồn nhiên: “Rồi hóng mát thuở ngày trường”

+ “Ngày trường” là ngày dài. “Rồi” là tiếng cổ, nghĩa là rỗi rãi, nhàn hạ, cả trong công việc lẫn tâm hồn.

+ Câu thơ phản ánh một nếp sống sinh hoạt nhàn nhã: trong buổi ngày rỗi rãi, lấy việc hóng mát làm niềm vui di dưỡng tinh thần.

- Các câu 2,3,4 nói về cảnh sắc, hai câu 5,6 tả âm thanh chiều hè.

+ Cảnh sắc hè trước hết là bóng hoè, màn hoè. Lá hoè xanh thẫm, xanh lục. “Hoè lục đùn đùn tán rợp trương” -> Ngôn ngữ thơ bình dị, hàm súc và ấn tượng.

+ “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”. “Thức” là tiếng cổ chỉ màu vẻ, dáng vẻ. Trong cành lá xanh biếc, những đoá hoa lựu như chiếc đèn lồng bé tí phóng ra, chiếu ra, “phun” ra những tia lửa đỏ chói, đỏ rực.

+ “Hồng liên trì đã tịn mùi hương”. “Tịn” là hết (tiếng cổ), sen hồng vẫn nở thắm ao làng, nhưng hương đã nhạt, đã dần phai. Sen là biểu tượng cho cái sắc mùa hè làng quê ta. Khi sen trong ao làng đã “tịn mùi hương” tức là đã cuối hè.

- Hai câu kết diễn tả ước mong của nhà thơ: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương” -> Con người Ức Trai lúc nào cũng hướng về nhân dân, mong ước cho nhân dân được ấm no và nguyện hi sinh phấn đấu cho hòa bình, hạnh phúc của dân tộc.

- Nghệ thuật: giọng thơ thâm trầm, hồn hậu đáng yêu. Nhiều tiếng cổ, cấu trúc câu thơ thất ngôn xen lục ngôn. Phép đối chặt chẽ về ngôn từ, thanh điệu, hình ảnh và ý tưởng.

3. Kết luận

     Tổng kết lại cái hay của bài thơ Bảo kính cảnh giới (Bài 43).

Bài nói mẫu

     Đề tài mùa hè, cảnh hè được nói nhiều trong thơ văn cổ dân tộc, các tác giả Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... đều có một số bài thơ viết về mùa hè rất hay. Bảo kính cảnh giới nằm trong tập Quốc Âm thi tập là một thi phẩm khá tiêu biểu cho ngôn ngữ thi ca ức Trai, đậm đà dấu ấn thời đại, thời Lê, thế kỉ XV, hàm chứa nội dung giáo huấn trực tiếp, nhưng bài thơ số 43 rất đậm đà chất trữ tình, cho ta nhiều thú vị, nói lên cảnh sắc mùa hè làng quê và nỗi ước mong của nhà thơ. Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở đề tài, cảm hứng hay nội dung mà nó còn ở nghệ thuật thơ của Nguyễn Trãi, từ cảnh sắc thiên nhiên nói lên nỗi lòng của nhà thơ.

     Bài thơ Bảo kính cảnh giới (bài số 43) là bài thơ Nôm Đường luật, đặc biệt là sự kết hợp giữa những câu thơ thất ngôn và lục ngôn. Nếu câu thơ đầu nói lên cách sống của thi nhân thì năm câu thơ tiếp theo lại tả cảnh làng quê Việt Nam xa xưa. Câu thơ đầu tiên là câu lục ngôn với sáu chữ ngắn gọn, bình dị như một lời nói vui vẻ, thoải mái, hồn nhiên: “Rồi hóng mát thuở ngày trường”. Hình ảnh Ức Trai hiện lên trong câu thơ là một người tự do, tự tại, không bị ràng buộc bởi “áng mận đào”, vòng “danh lợi” của triều chính nữa, mà trở thành người có thú vui nơi vườn ruộng, làm bạn với cây cỏ, hoa lá nơi quê nhà. Nguyễn Trãi sử dụng những từ ngữ bình dị “ngày trường” là ngày dài, “rồi” là tiếng cổ, nghĩa là rỗi rãi, nhàn hạ, cả trong công việc lẫn tâm hồn càng thêm sự gần gũi với người đọc hơn. Câu thơ phản ánh một nếp sống sinh hoạt nhàn nhã: trong buổi ngày rỗi rãi, lấy việc hóng mát làm niềm vui di dưỡng tinh thần. Đọc câu thơ, ta có thể phán đoán Ức Trai viết về bài thơ này khi ông đã lui về Côn Sơn ở ẩn.

     Các câu 2,3,4 nói về cảnh sắc, hai câu 5,6 tả âm thanh chiều hè. Cảnh sắc hè trước hết là bóng hoè, màn hoè. Lá hoè xanh thẫm, xanh lục. Cành hoè sum suê, um tùm, lá “đùn đùn” lên thành chùm, thánh đám xanh tươi, tràn đầy sức sống: “Hoè lục đùn đùn tán rợp trương”. Cây hoè vốn được trồng nhiều ở làng quê; vừa làm cảnh, vừa cho bóng mát. Hoè nở hoa vào mùa hè, màu vàng, làm dược liệu, làm chè giải nhiệt. Tán hoè toả bóng mát, che rợp sân, ngõ, vườn nhà, lên như chiếc ô, chiếc lọng căng tròn. Mỗi từ ngữ là một nét vẽ màu sắc tạo hình, gợi tả sức sống của cảnh vật đồng quê trong những ngày hè: lục, đùn đùn, tán, rợp trương. Một lần nữa Nguyễn Trãi sử dụng ngôn ngữ thơ bình dị, hàm súc và ấn tượng để miêu tả cảnh thiên nhiên làng quê Việt Nam.

     Xuyên suốt cả bài thơ, Nguyễn Trãi đã sử dụng câu chữ bình dị, những hình ảnh gần gũi, quen thuộc với người dân Việt Nam từ cây hòe đến hình ảnh khóm thạch lựu ở hiên nhà trổ hoa rực rỡ: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”. Trong câu thơ có sử dụng từ “thức” là tiếng cổ chỉ màu vẻ, dáng vẻ nhằm gợi tả không gian cành lá xanh biếc, những đoá hoa lựu như chiếc đèn lồng bé tí phóng ra, chiếu ra, “phun” ra những tia lửa đỏ chói, đỏ rực. Chữ “phun” được dùng rất hình tượng và thần tình, gợi lên hình ảnh khóm thạch lựu với những bông hoa nở đỏ rực trước sân nhà, một dấu hiệu cho thấy mùa hè đã đến rồi.

     Đến câu thơ thứ tư, người đọc bắt gặp hình ảnh hoa sen – một biểu tượng cho cái sắc mùa hè làng quê ta: “Hồng liên trì đã tịn mùi hương”. Không chỉ sử dụng những hình ảnh quen thuộc, Nguyễn Trãi cũng đưa vào thơ những tiếng cổ để tạo ra hình ảnh thơ sinh động hơn. “Tịn” là hết (tiếng cổ), sen hồng vẫn nở thắm ao làng, nhưng hương đã nhạt, đã dần phai. Khi sen trong ao làng đã “tịn mùi hương” tức là đã cuối hè. Nguyễn Trãi đã chọn hoè, thạch lựu, sen hồng (hồng liên) để tả và đưa vào thơ. Cảnh sắc ấy vô cùng xinh đẹp và bình dị. Nhà thơ đã gắn tâm hồn mình với cảnh vật mùa hè bằng một tình quê đẹp. Thiên nhiên trong thơ ông rất hữu tình và thân thuộc đến vậy. Đây cũng chính là cái hay của bài thơ, cái đặc biệt của thơ Ức Trai.

     Hè rất đẹp, rộn ràng trong khúc nhạc làng quê. Ngoài tiếng cuốc, tiếng chim hú, tiếng sáo diều còn có tiếng ve, tiếng cười nói “lao xao” của đời thường:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.

     Tiếng “lao xao” từ một chài cá làng chài xa vọng đến, đó là tín hiệu cuộc đời dân dã đầy muối mặn và mồ hôi. Nhà thơ lắng nghe nhịp sống đời thường ấy với bao niềm vui. “Lao xao” là từ láy tượng thanh gợi tả sự ồn ào, nhộn nhịp. Hòa nhịp với tiếng lao xao chợ cá là tiếng vang lên rộn rã, nhịp nhàng. “Cầm ve”, hình ảnh ẩn dụ, tả âm thanh tiếng ve kêu như tiếng đàn cầm. “Dắng dỏi” nghĩa là inh ỏi, âm sắc tiếng ve trầm bổng, ngân dài vang xa. Nhà thơ lấy tiếng ve để đặc tả khung cảnh một chiều hè làng quê lúc hoàng hôn buông dần xuống mái lầu (lầu tịch dương) là một nét vẽ tinh tế đầy chất thơ làm nổi bật cái không khí êm ả một chiều hè nơi thôn dã. Tiếng ve lúc hoàng hôn thường gợi nhiều bâng khuâng, vì ngày tàn, màn đêm đang dần dần buông xuống. Nhưng với Ức Trai, nó đã trở thành nhặt khoan trầm bổng, dắng dỏi vang xa, làm cho khung cảnh làng quê một buổi chiều tà bỗng rộn lên bao niềm vui cuộc đời.

     Hai câu kết diễn tả ước mong của nhà thơ, toát lên một tình yêu lớn.

“Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”

     Trong thơ ức Trai, hai câu kết luôn luôn là sự hội tụ bừng sáng của những tư tưởng tình cảm cao cả, đẹp đẽ. Hai câu kết với cảm xúc trữ tình được diễn tả bằng một điển tích phản ánh khát vọng cao đẹp của nhà thơ. Ức Trai chân thành bày tỏ: Hãy để cho ta gảy đàn thần của vua Thuấn, ta sẽ gảy lên khúc Nam phong cầu mong cho mọi nhà, mọi chốn, khắp các phương Trời (đòi phương) được ấm no, giàu có. Con người ức Trai lúc nào cũng hướng về nhân dân, mong ước cho nhân dân được ấm no và nguyện hi sinh phấn đấu cho hòa bình, hạnh phúc của dân tộc.

     Bài thơ Nôm Bảo kính cảnh giới (bài số 43) đã gợi cho chúng ta thấy một khung cảnh trữ tình mùa hè nơi đồng quê, đã đem đến cho chúng ta nhiều thú vị văn chương. Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở nội dung mà nó còn hay bởi một giọng thơ thâm trầm, hồn hậu đáng yêu với sự kết hợp của nhiều tiếng cổ, cấu trúc câu thơ thất ngôn xen lục ngôn. Phép đối ở phần thực và phần luận khá chặt chẽ về ngôn từ, thanh điệu, hình ảnh và ý tưởng cũng là một phần không thể thiếu để tạo nên cái hay ấy. Cảnh sắc và âm thanh mùa hè quê ta xa xưa như sống dậy qua những vần thơ nhuần nhị đầy cá tính sáng tạo. Ức Trai đã gửi gắm một tình yêu thiên nhiên nồng hậu, một tấm lòng thiết tha với cuộc sống, một niềm ước mong tốt đẹp cho hạnh phúc của nhân dân.

Nội dung 3

Video hướng dẫn giải

Tự hiểu mình có dễ không và làm thế nào để hiểu? Hãy thực hiện bài thuyết trình về vấn đề trên.

Phương pháp giải:

- Tự đặt câu hỏi suy ngẫm về việc tự hiểu bản thân.

- Dựa vào những hiểu biết của cá nhân và kết quả thảo luận nhóm để thuyết trình về vấn đề trên.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Đặt vấn đề

     Khái quát về quan điểm của bản thân về vấn đề tự hiểu bản thân.

2. Giải quyết vấn đề

- Hiểu được bản thân là điều đầu tiên để phát triển, để từ đó làm việc mình thích và có một cuộc đời như mơ ước. Việc này không phải một sớm một chiều mà có thể xong được.

- Hiểu được mình, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết được mình thích gì, muốn gì, mình phù hợp với cái gì để từ đó có thể mài giũa bản thân một cách tốt hơn.

- Để bắt đầu tìm hiểu chính mình, điều cần làm là ngừng so sánh mình với người khác, ngừng suy nghĩ tiêu cực về bản thân, học cách lắng nghe và yêu thương chính mình.

+ Nếu hoàn toàn mù mờ về bản thân thì bạn có thể bắt đầu bằng những thứ cơ bản: các trắc nghiệm tính cách.

+ Các môn từ phương Đông đến phương Tây như tử vi, chiêm tinh học, các cung hoàng đạo… có thể xác định được phần nào sở thích, tính cách, thế mạnh và những công việc phù hợp với một người.

+ Một cách khác để hiểu bản thân hơn là hỏi. Đặt ra những câu hỏi cho những người xung quanh mình, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, người yêu… những người bạn nghĩ rằng họ hiểu bạn.

=> Hiểu mình là bước đầu tiên để có một cuộc đời mơ ước, nhưng từ đó đến cuộc sống trong mơ là cả một chặng đường dài.

3. Kết luận

      Tổng kết lại những suy ngẫm và kinh nghiệm của bản thân.

Bài nói mẫu

      Franklin đã từng nói “Có ba thứ cực kỳ cứng: thép, kim cương và tự thấu hiểu bản thân.” Việc hiểu người khác có thể thông qua suy nghĩ, cử chỉ, hành động của họ để phán đoán tính cách, sở thích, hiểu sơ bộ về họ nhưng để hiểu được bản thân mình là một điều rất phức tạp và khó khăn. Không ít người đã đặt ra câu hỏi làm thế nào để hiểu được chính mình nhưng rồi họ lại ngừng hỏi vì không tìm thấy câu trả lời.

     Mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt. Ai cũng có những thế mạnh, sở trường. Hiểu được bản thân là điều đầu tiên để phát triển, để từ đó làm việc mình thích và có một cuộc đời như mơ ước. Điều quan trọng có lẽ là mình hiểu được mình, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết được mình thích gì, muốn gì, mình phù hợp với cái gì để rồi từ đó mài giũa bản thân một cách tốt hơn. Nhưng để hiểu được chính mình không phải điều dễ dàng, không phải chỉ trong một sớm một chiều mà có thể xong được, nó là cả một quá trình đầy sự khó khăn.

     Có rất nhiều cách để tự hiểu chính mình và điều đầu tiên bạn cần làm là ngừng so sánh mình với người khác, ngừng suy nghĩ tiêu cực về bản thân, học cách lắng nghe và yêu thương chính mình. Bạn nên học cách lắng nghe chính bản thân mình, không nên quá để ý những lời nhận xét, đánh giá từ bên ngoài, có thể nghe ý kiến của người khác nhưng không được để nó chi phối bản thân mình. Khi bạn để những lời đánh giá, lời nói tiêu cực làm ảnh hưởng đến mình thì việc hiểu bản thân mình sẽ càng khó hơn, những suy nghĩ của bạn sẽ không còn rõ ràng và tỉnh táo để có thể tự hỏi chính bản thân mình nữa. Hãy giữ một cái đầu lạnh và tỉnh táo để tự hỏi, để lắng nghe suy nghĩ của chính bản thân.

     Ngoài việc lắng nghe bản thân từ bên trong thì sự trợ giúp hữu ích từ bên ngoài cũng là một sự gợi ý khi tìm hiểu bản thân. Nếu hoàn toàn mù mờ về bản thân thì bạn có thể bắt đầu bằng những thứ cơ bản là làm các bài trắc nghiệm tính cách: Trắc nghiệm MBTI (viết tắt của Myers – Briggs Type Indicator), Trắc nghiệm hướng nghiệp “mật mã Holland”, Trắc nghiệm các loại hình trí thông minh Gardner,… Các bài trắc nghiệm tính cách là một công cụ khá hữu ích, có thể giúp bạn tự tin hơn khi phần nào nhận ra những tiềm năng riêng của bản thân mình. Các bạn cũng có thể tham khảo các môn từ phương Đông đến phương Tây như tử vi, chiêm tinh học, các cung hoàng đạo… có thể xác định được phần nào sở thích, tính cách, thế mạnh và những công việc phù hợp với một người. Việc xem tử vi, chiêm tinh học, cung hoàng đạo, … có thể ít chính thống hơn nhưng đối với một số người nó cũng khá và chính xác và có ích cho việc hiểu bản thân hơn.

     Một cách khác để hiểu bản thân hơn là hỏi. Đặt ra những câu hỏi cho những người xung quanh mình, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, người yêu… những người bạn nghĩ rằng họ hiểu bạn. Hỏi họ nghĩ bạn là người như thế nào, họ miêu tả bạn ra sao, nếu dùng năm từ khác nhau để mô tả bạn, họ sẽ dùng những từ gì. Hãy hỏi họ nghĩ điều gì ở bạn mà bạn nên thay đổi, và nên giữ nguyên. Đặt câu hỏi hay nhờ họ đưa ra những gợi ý cho việc định hướng nghề nghiệp nên hoặc không nên làm, những việc gì sẽ phù hợp với bạn hơn. Bạn có thể tham khảo câu trả lời của họ cùng với những suy nghĩ, đánh giá từ sâu trong nội tâm để hiểu hơn về bản thân mình.

     Như đã nói, việc tự tìm hiểu bản thân mình mình là một quá trình lâu dài và khó khăn nhưng bạn không nên từ bỏ vì quá nản lòng. Việc tự hiểu bản thân là bước đầu tiên để có một cuộc đời mơ ước, nhưng từ đó đến cuộc sống trong mơ là cả một chặng đường dài. Cuộc sống và ước mơ là do chính bản thân tự quyết định, chỉ khi bạn hiểu được mình thì bạn mới thật sự thành công trong cuộc sống.

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close