Giải Viết trang 50 sách bài tập Ngữ văn 9 - Chân trời sáng tạoĐọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Câu 1 Trả lời Câu hỏi 1 trang 52 SBT Văn 9 Chân trời sáng tạo Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu: a) Vẽ sơ đồ thể hiện các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản. b) Em có nhận xét gì về cách sắp xếp luận điểm của tác giả trong bài viết? c) Nhận xét về cách văn bản phân tích chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Phương pháp giải: Đọc kĩ văn bản và thực hiện các yêu cầu Lời giải chi tiết: a) b) Nhận xét về cách sắp xếp luận điểm của tác giả trong bài viết: Nêu luận điểm về hình thức nghệ thuật của bài thơ, sau đó nêu luận điểm về chủ đề. c) Nhận xét về cách văn bản phân tích chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật: Đầu tiên, người viết đưa ra luận điểm, sau đó sử dụng lí lẽ và các bằng chứng lấy từ tác phẩm để làm rõ cho luận điểm. Ví dụ: Ở luận điểm 1, người viết đưa ra lí lẽ 1 “Bài thơ có sự kết hợp giữa hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng mà đặc sắc nhất là loại hình ảnh thứ hai". Để làm rõ cho lí lẽ này, người viết đã phân tích các hình ảnh thực (hàng tre quanh lăng, mặt trời đi qua trên lăng, dòng người,...) kết hợp với các hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng (mặt trời trong lăng, tràng hoa, trời xanh, vầng trăng,...) để làm rõ tình cảm tôn kính, yêu thương chân thành, sâu sắc của tác giả bài thơ dành cho Bác. Câu 2 Trả lời Câu hỏi 2 trang 52 SBT Văn 9 Chân trời sáng tạo Dựa vào bảng kiểm ở Bài 2 (Giá trị của văn chương - Ngữ văn 9, tập một, bộ sách Chân trời sáng tạo), thiết kế bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một bài thơ: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Phương pháp giải: Xem lại bảng kiểm ở Bài 2 (Giá trị của văn chương - Ngữ văn 9, tập một, bộ sách Chân trời sáng tạo), thiết kế bảng kiểm. Lời giải chi tiết:
Câu 3 Trả lời Câu hỏi 3 trang 52 SBT Văn 9 Chân trời sáng tạo Thực hiện đề bài sau: Đề bài: Câu lạc bộ Văn học trường em tổ chức cuộc thi với chủ đề “Văn học và tuổi trẻ”. Em hãy chọn một bài thơ/ đoạn trích ngâm khúc mà mình yêu thích (thể thơ song thất lục bát, lục bát,...) để viết bài nghị luận và tham khảo cuộc thi. Phương pháp giải: Xem lại phần hướng dẫn trong SGK/80, lựa chọn bài thơ/ đoạn trích ngâm khúc em yêu thích để biết bài nghị luận. Lời giải chi tiết: Bước 1: Chuẩn bị - Xác định đề tài: nghị luận đoạn thơ trong trích đoạn Chị em Thúy kiều - Mục đích: nghị luận về giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ - Người đọc: thầy cô, bạn bè Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý * Tìm ý (dựa vào Phiếu tìm ý phân tích bài thơ SGK/ 81) - Tên đoạn trích: Chị em Thúy Kiều - Tác giả: Nguyễn Du - Nội dung: Vẻ đẹp nhân cách và tài năng của Thúy Kiều - Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật + Thể thơ lục bát truyền thống + Nghệ thuật đòn bẩy … * Lập dàn ý Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề Thân bài - Luận điểm 1: Nội dung, chủ đề của đoạn trích + Khía cạnh 1: Vẻ đẹp của Thúy Kiều + Khía cạnh 2: Tài năng của Thúy Kiều - Luận điểm 2: Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật Kết bài: Khẳng định lại ý kiến về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật; nêu suy nghĩ, tình cảm, bài học rút ra từ tác phẩm. Bước 3: Viết bài HS tham khảo bài viết sau: Chế Lan Viên đã từng viết: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. Có thể nói, “Đoạn Trường Tân Thanh” với những dòng lục bát tuyệt diệu là niềm tự hào cho nền văn chương Việt Nam. “Truyện Kiều” là cốt cách, là vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam. Ở “Truyện Kiều” ta thấy được một tài năng nghệ thuật bậc thầy của tác giả để rồi có được những câu thơ vút bay trên bầu trời thi ca dân tộc. Tiêu biểu cho ngòi bút tài năng ấy là đoạn trích: “Chị em Thúy Kiều”. Đoạn trích đã miêu tả được nét đẹp sắc nước hương trời Thuý Kiều - một vẻ đẹp mười phân vẹn mười trong văn học trung đại Việt Nam. Nếu như trong những câu thơ trước tác giả tập trung giới thiệu về vẻ đẹp duyên dáng thanh, thanh cao, trong trắng của cả hai chị em Vân - Kiều đồng thời khắc họa vẻ đẹp cao sang, đoan trang, quý phái, phúc hậu của Thúy Vân thì ở mười hai câu này Nguyễn Du đã dùng bút lực của mình để phác họa Thúy Kiều: “Kiều càng sắc sảo mặn mà So bề tài sắc lại là phần hơn Làn thu thủy nét xuân sơn Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh Một hai nghiêng nước nghiêng thành Sắc đành đòi một tài đành họa hai” Khi miêu tả Thuý Vân, tác giả chỉ rõ vẻ đẹp của từng bộ phận trên cơ thể, rồi đem ví với thiên nhiên, thì ở Thúy Kiều, hầu như Nguyễn Du chỉ gợi nhẹ, dùng bút pháp chấm phá để người đọc tự liên tưởng ra bức tranh Thúy Kiều. Sắc của Kiều làm cho người ta ngưỡng mộ say mê đến nỗi có thể “mất nước, mất thành”, còn thiên nhiên thì ganh ghét đố kị, “hoa ghen, liễu hờn”. Bậc đại thi hào dân tộc ấy cũng dùng những hình tượng nghệ thuật ước lệ “thu thủy” (nước mùa thu), “xuân sơn” (núi mùa xuân), “hoa”, “liễu” để gợi tả sắc đẹp của Kiều nhưng không thiên về cụ thể như tả Vân mà gợi một ấn tượng chung về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế. Tác giả không tả nhiều chi tiết mà chỉ đặc tả đôi mắt theo lối “điểm nhãn” vẽ hồn của chân dung: “làn thu thủy, nét xuân sơn” những hình ảnh ẩn dụ này gợi lên đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt như làn nước mùa thu, đôi lông mày thanh tú nổi bật trên gương mặt trẻ trung như nét núi mùa xuân. Đôi mắt đó là cửa sổ tâm hồn thể hiện phần tinh anh của trí tuệ sự trong trẻo mơ màng và thanh tao, cao quý của nàng Kiều. Vẻ đẹp của Kiều khiến hoa phải ghen, liễu phải hờn làm nước nghiêng thành đổ báo hiệu một số phận “lành ít dữ nhiều”: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Không chỉ mang một vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, Kiều còn là một cô gái rất mực thông minh và tài hoa: “Thông minh vốn sẵn tính trời Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm Cung thương làu bậc ngũ âm Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương Khúc nhà tay lựa nên chương Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân” Tài năng của Kiều đạt đến mức lý tưởng theo quan niệm thẩm mỹ phong kiến: đủ cả cầm, kỳ, thi, họa lĩnh vực nào cũng đạt đến độ giỏi giang, toàn diện “đủ mùi ca ngâm”, “làu bậc ngũ âm”. Đặc biệt là tài đàn của nàng, đó là sở trường, là năng khiếu đáng khâm phục “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương/ Khúc nhà tay lựa nên chương/ Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân”. Cực tả cái tài của Kiều cũng là để ca ngợi cái tâm đặc biệt của nàng bởi cung đàn “Bạc mệnh” mà Kiều sáng tác chính là tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm, nồng nhiệt, một tâm hồn tinh tế nhạy cảm. Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của sắc - tài - tình, tất cả đều đạt đến mức lí tưởng hoàn hảo. Thế nhưng chân dung Thúy Kiều là chân dung mang tính cách số phận, một số phận éo le, đau khổ một định mệnh nghiệt ngã bởi vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp mà khiến tạo hóa ghen ghét, các vẻ đẹp khác đố kị, cùng với cái tài hoa thông minh là tâm hồn đa sầu đa cảm. Dung nhan tươi thắm, thanh tân cùng cung đàn sầu não mà nàng viết lên lại nhấn mạnh sự đối kháng, không tương hợp giữa con người với thiên nhiên. “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” nên vẻ đẹp của Thúy Kiều dường như là một dự báo về cuộc đời nổi chìm, nhiều giông bão, lắm gian truân, bất hạnh. Thông qua đó Nguyễn Du còn bày tỏ thái độ trân trọng ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ đồng thời xót thương về kiếp người hồng nhan bạc mệnh, “sắc tài thay mà lại lắm truân chuyên”. Đến đây chúng ta thấy được tài năng độc đáo của Nguyễn Du trong việc khắc họa chân dung nhân vật. Từ vẻ đẹp chân dung, nhà thơ thể hiện những dự cảm về tính cách, cuộc đời, số phận của nhân vật. Và mặc dù, ở những câu thơ phía trước, tác giả giới thiệu Thúy kiều là chị, em là Thúy Vân nhưng sau đó, nhà thơ lại miêu tả chân dung nhân vật Vân trước, Kiều sau. Đó là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ trong việc tạo ra thủ pháp "đòn bẩy". Điều đó có tác dụng nhấn mạnh và làm nổi bật được vẻ đẹp độc đáo, vượt trội về cả sắc lẫn tài và tình của nhân vật Thúy Kiều. Vì thế, tuy cùng sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng khi miêu tả hai nhân vật nhưng chúng ta thấy được mức độ đậm nhạt khác nhau ở mỗi người. Với cảm hứng nhân đạo và tài nghệ thơ, Nguyễn Du đã vẽ nên bức chân dung Thuý Kiều bằng những gì đẹp đẽ, mỹ lệ nhất. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” được coi là đỉnh cao mẫu mực của nghệ thuật miêu tả (tả người) trong văn thơ trung đại xưa. Đặc biệt, với nhân vật Thúy Kiều tác giả không chỉ miêu tả vẻ đẹp sắc sảo, đằm thắm về ngoại hình mà còn tập trung bút lực vào vẻ đẹp tài năng, trí tuệ, cốt cách bên trong của nàng. Sự tinh tế trong cảm nhận, khéo léo dụng ý trong lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh miêu tả, Nguyễn Du với “Chị em Thúy Kiều” đã mang đến một bức chân dung hoàn mĩ có một không hai trong lịch sử văn học dân tộc. Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa, rút kinh nghiệm HS đánh giá dựa vào bảng kiểm
|