Giải tiếng Việt trang 84 sách bài tập Ngữ văn 9 - Chân trời sáng tạo

Xác định điển tích, điển cố và nêu tác dụng của việc sử dụng điển tích, điển cố trong các trường hợp sau:

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 84 SBT Văn 9 Chân trời sáng tạo

Xác định điển tích, điển cố và nêu tác dụng của việc sử dụng điển tích, điển cố trong các trường hợp sau:

a.

Có quan tổng đốc trọng thần,

Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài.

Đẩy xe vâng chỉ đặc sai,

Tiện nghi bát tiểu việc ngoài đổng nhung.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

b.

Nhân khi bàn bạc gần xa,

Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.

Rằng: Trong Thánh trạch dồi dào,

2490.                      Tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu.

Bình thành công đức bấy lâu,

Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao.

Ngẫm từ gây việc binh đao,

Đống xương Vô định đã cao bằng đầu.

Làm chi để tiếng về sau,

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!

Sao bằng lộc trọng quyền cao,

Công danh ai dứt lối nào cho qua?

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

c. Phan nói:

- Nương Tử nghĩa khác Tào Nga, hờn không Tinh Vệ mà phải ôm mối hận gieo mình xuống nước. Nay thóc cũ không còn, thóc mới vừa gặt, há lại không tưởng nhớ đến quê hương ư?

Vũ Nương nói:

- Tôi bị chồng ruồng rẫy, thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ còn mặt mũi nào về nhìn thấy người ta nữa!

(Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương)

Phương pháp giải:

Xem lại kiến thức về điển tích, điển cố kết hợp đọc kĩ các ví dụ.

Lời giải chi tiết:

a. Đẩy xe (chữ Hán là thôi cốc). Đời xưa, khi sai tướng đi đánh giặc, vua tiễn ra cửa thành và lấy tay đẩy xe của viên tướng một cái để tỏ ý vua ủy thác việc quan trọng. Cả câu “Đẩy xe vâng chỉ đặc sai/ Tiện nghi bát tiễu việc ngoài đổng nhung” ý muốn nói việc vua nhà Minh sai Hồ Tôn Hiến đi đánh Từ Hải là một việc rất quan trọng.

=> Tác dụng: Việc sử dụng điển đẩy xe làm cho cách diễn đạt cô đọng, hàm súc, qua đó cho thấy với triều đình phong kiến, việc Hồ Tôn Hiến đi Đánh Từ Hải là một việc quan trọng, có sự tính toán, sắp đặt rất cẩn trọng, kĩ lượng. Đồng thời, người đọc cũng cảm nhận rõ hơn về tính chất phi thường, tài giỏi của nhân vật Từ Hải.

b. Vô Định: tên một con sông ở Thiểm Tây (Trung Quốc). Ngày xưa, con sông này đã xảy ra cuộc chiến tranh giữa người Hán và người Hung Nô, làm cho rất nhiều người chết,  xương chất như núi. Đường thi có các câu: “Khả liên Vô Định hà biên cốt/ Do thị tâm khuê mộng lí nhân (dịch nghĩa: thương thay nắm xương khô bên sông Vô Định/ Vẫn còn là người trong mộng của kẻ chốn khuê phòng).

=> Tác dụng: Việc sử dụng điển Vô Định làm cho câu thơ có tính hàm súc, tác động đến tình cảm, cảm xúc của Kiều khi nói về mặt trái của chiến tranh nếu Từ Hải tiếp tục không chịu quy hàng triều đình.

Hoàng Sào: gợi nhớ đến câu chuyện về một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa cuối đời Đường, đã từng vây hãm kinh đô Trường An, tung hoành trong suốt mười mấy năm trời.

=> Tác dụng: Việc sử dụng điển Hoàng Sào làm cho việc diễn đạt hàm súc, giàu giá trị biểu hiện, thể hiện sự đánh giá của Kiều về con đường của Từ Hải với mục đích khuyên Từ Hải ra hàng.

c. Tào Nga: gợi nhắc đến câu chuyện về một cô gái thời nhà Hán nhảy xuống sông vớt xác cha không được, đã tự tử; khi xác cha nổi lên, người ta thấy nàng đã ôm được cha mình.

Tinh Vệ: Tên một loài chim sống gần biển, gợi nhắc đến câu chuyện về con gái vua Viêm Đế chết đuối, hóa thành chim Tinh Vệ, ngày ngày ngậm đá toan lấp biển.

=> Tác dụng của việc sử dụng hai điển Tào NgaTinh Vệ: làm cho việc diễn đạt trở nên hàm súc, giàu sức biểu cảm, qua đó trực tiếp bộc lộ thái độ của Phan Lang đối với Vũ Nương: Phan Lang bày tỏ sự thấu hiểu, cảm thông cho hoàn cảnh của Vũ Nương, khẳng định Vũ Nương chết vì bị oan, khác với cái chết của hai người con gái nói trên, và có ý khuyên nàng nhớ đến quê hương, gia đình, chồng con.

Câu 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 86 SBT Văn 9 Chân trời sáng tạo

Em hiểu như thế nào về chữ Nôm và chữ Quốc ngữ? Xác định các tác phẩm viết bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ trong một số tác phẩm sau:

Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Qua đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến), Đề đền Sầm Nghi Đống (Hồ Xuân Hương), Quê hương (Tế Hanh), Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)

Phương pháp giải:

Học sinh đọc lại mục Một số hiểu biết sơ giản về chữ viết tiếng Việt: chữ Nôm và chữ Quốc ngữ trong SGK.

Lời giải chi tiết:

- Tác phẩm viết bằng chữ Nôm:

+ Qua đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan)

+ Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)

+ Đề đền Sầm Nghi Đống (Hồ Xuân Hương)

+ Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)

- Tác phẩm viết bằng chữ Quốc Ngữ:

+ Quê hương (Tế Hanh)

+ Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng)

Câu 3

Trả lời câu hỏi 3 trang 86 SBT Văn 9 Chân trời sáng tạo

Phân tích hiệu quả của việc sử dụng (những) thành ngữ được in đậm trong các trường hợp sau:

a.                        

                          Kiều càng sắc sảo mặn mà,

                          So bề tài sắc, lại là phần hơn.

                          Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.      

                        Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

b.                              Trăm nghìn gửi lạy tình quân

                        Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

                               Phận sao, phận bạc như vôi?

                      Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

c.                                                     Đội trời đạp đất ở đời

Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ các ví dụ, xác định các thành ngữ được in đậm và nêu hiệu quả.

Lời giải chi tiết:

a. Nghiêng nước nghiêng thành: như khuynh quốc khuynh thành, chỉ ý “có vẻ đẹp tuyệt hảo với sức lôi cuốn kì diệu” (khuynh: nghiêng). Ý nghĩa của thành ngữ này được gợi lên từ bài thơ của Lý Diên Niên đời Hán, trong đó có câu ca ngợi sắc đẹp của một mĩ nhân:

Nhất cố khuynh nhân thành;

Tái cố khuynh nhân quốc,

(Dịch nghĩa: Quay lại nhìn một lần thì làm nghiêng thành người,

                    Quay lại nhìn lần nữa thì làm nghiêng nước người.)

Hiệu quả: Trong trường hợp đã cho, thành ngữ này được sử dụng để diễn tả vẻ đẹp của Kiều, qua đó thể hiện thái độ ca ngợi của tác giả đối với tài sắc của nàng.

b. Bạc như vôi: thành ngữ bạc như vôi giúp người đọc hình dung cụ thể về sự bạc bẽo của số phận đối với nàng Kiều, thấu hiểu rõ hơn nỗi đau của nàng trong lời độc thoại đầy xót xa, ai oán ấy.

c. Đội trời đạp đất: thành ngữ đội trời đạp đất biểu đạt sinh động phong cách và hành động tự do, hiên ngang, không chịu ràng buộc, quy phục trước bất cứ uy quyền nào của Từ Hải, từ đó giúp người đọc hình dung rõ hơn về khí phách anh hùng của nhân vật này.

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close