Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Kết nối tri thức - Đề số 13

Đề thi giữa kì 2 Văn 10 bộ sách kết nối tri thức đề số 13 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 10 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU:

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Con mẹ Nuôi, tay cầm lá đơn, đứng ở sân công đường. Nó hớt hơ hớt hải qua cổng chòi, rồi sợ sệt bỡ ngỡ, không biết quan ngồi buồng nào. Bỗng một người mặc áo cánh nái nhuộm vỏ già chạy xồng xộc đến trước mặt nó, và hỏi:

- Đi đâu?

Con mẹ biết ngay rằng đó là cậu lính lệ. Và như hiểu rõ phép vào quan, nó giúi đưa cậu lệ hai hào đã cầm sẵn ở trong tay, rồi nói nhỏ:

- Nhờ cậu bẩm quan cho tôi vào hầu.

Cậu lệ tuy đã cầm tiền, nhưng làm như ta không để ý đến việc nhỏ nhen ấy, bèn vừa thò tay, vừa nói to:

- Đưa xem đơn, việc gì?

Rồi trong khi nhà Nuôi kể lể, thì cậu lệ đánh vần để đọc lá đơn. Đoạn cậu lắc đầu, nhăn mặt bảo:

- Vào kia, nhờ bác nho Quý bác ấy làm hộ cho. Đơn này không được.

Con mẹ tái mặt, hỏi:

- Không được thế nào, thưa cậu?

Cậu lệ giơ hai tay ra giảng:

- Nghĩa là nếu nhà chị muốn việc chóng xong, nghe chưa?

- Thưa cậu, cậu cứ vào trình quan hộ. Chả nói giấu gì cậu, nhà tôi bị mất trộm hết sạch cả đồ đạc lẫn tiền nong.

Sáng nay, vay mãi mới được đống hai bạc, để đi trình quan, cậu làm ơn thương hộ cho. Cậu lệ nhìn nét mặt nằn nì của nhà Nuôi, song vẫn thản nhiên:

- Tôi bảo nhà chị không nghe thì tôi mặc kệ. Tôi thấy nhà chị ăn mặc thế này, lại bị lúc vận hạn đen đủi, tôi lại chẳng động lòng hay sao? Nhưng ở đây, cái lệ nó thế. Tôi tử tế, nên bảo trước. Nếu nhà chị không theo, thì quan quở, chớ có trách tôi đấy.

Muốn chứng thực lời nói của mình, mẹ Nuôi cởi nút dải yếm ra, rồi xỉa năm đồng hào đôi còn lại lên gan bàn tay, và nói:

- Đây này, chẳng tin, cậu đếm mà xem, chỉ còn vừa vặn tiền trình thôi.

Cậu lệ lắc đầu. Con mẹ vừa buộc lại tiền, vừa nhăn nhó, van lơn:

- Lạy cậu, thương cháu, cho cháu được nhờ. Cậu cứ vào bẩm quan hộ. Hễ quan bắt làm lại đơn, thì cháu xin ra nhờ bác nho Quý ngay.

Bỗng một tiếng chuông gọi. Cậu lệ dạ giật một tiếng, rồi ù té chạy. Con mẹ Nuôi nhìn theo, biết rằng buồng quan ngồi ở chỗ ấy. Nó đánh liều tiến đến, vừa tiến, vừa lo. Nó bước chân lên thềm, trống ngực bắt đầu nổi mạnh. Nó đã trông thấy quan. Nó lại sợ nữa. Vì lo sợ quá, nên quên đứt rằng chính nó đi trình việc mất trộm.

Nó lại tưởng như nó là đứa trộm vậy. Nó rón rén, đứng nép vào cạnh cửa, thập thò, ghé vào trong, và lắng tai nghe. Nó thấy quan đang dặn cậu lệ xuống bảo nhà bếp ninh cho thật dừ cái chân giò. Và đến khi cậu lệ dạ tiếng cuối cùng và đi vào sân sau, mé cửa trong, thì nó hiểu ngay rằng đã mất toi hai hào cho thằng xỏ lá nó chẳng bẩm cho mình một tiếng nào. Bỗng hai con gà tây béo sù quàng quạc kêu ở sân trước. Nó thốt giật nảy mình. Quan đang ngồi, choàng một cái, ngài đứng dậy, chạy vội ra hiên, đứng ngay cạnh nhà Nuôi, và gọi váng:

- Có đứa nào đấy, lừa hai con gà vào cho tao!

Tức thì, người ta chạy tán loạn để xua gà, và nhà Nuôi thì chắp hai tay, quỳ ngay xuống gạch, và nâng ngang đầu cái lá đơn. Khi đôi gà đã chạy về, quan bèn nhìn con mẹ và bảo:

- Vào đây.

Nó mừng quá, lóp ngóp đứng dậy, vội vã theo vào trong buồng giấy. Nó đứng ở cạnh bàn, run lên bần bật. Nó liếc nhìn quan. Ngài oai vệ quá. Nó lại sợ hơn nữa. Nhưng dù run hay sợ, nó cũng không quên được việc vi thiềng quan. Nhưng tiền trình diện quan, nó lại buộc vào trong dải yếm. Nó cởi ra mới lấy được. Nó mới lúi húi rút cái nút buộc ra. Nó sợ quan chờ lâu, nên phải vội vàng. Mà vì vội vàng, lại lo quan gắt, nên nó lóng cóng. Cái nút vừa xổ ra, thì loẻng xoẻng, cả món tiền rơi tiệt cả xuống gạch. Năm đồng hào đôi nảy lên mấy cái, và từng ấy tiếng kêu làm nó giật mình. Tự nhiên, nó choáng cả người và hoa cả mắt. Nó cúi nhìn chỗ nhiều hào rơi nhất, ngay bên cạnh nó. Đồng thì chui nằm ẹp gần chân nó, đồng thì xoay tít mấy vòng, đồng thì bắn ra góc buồng. Mấy đồng nữa thì thi nhau lăn ra tận chỗ xa. Nó không thấy quan nói gì, nên cũng hơi tĩnh tâm. Nó bèn cúi xuống để nhặt tiền. Một đồng, hai đồng. Đồng thứ ba nghiêng ở mé tường. Nó tìm đồng thứ tư. Mãi nó mới thấy ở tận gần chân bàn giấy của quan. Nó tìm đồng thứ năm. Quái, nó tìm mãi, mà không thấy đâu cả. Nó phải có năm hào đôi. Năm hào đôi mới thành đồng bạc được. Vừa ban nãy, nó giở ra cho cậu lệ xem, và lại buộc cẩn thận vào dải yếm. Không lẽ đồng hào ấy có ma, đã biến đi đâu mất chóng thế được.

Vậy chỉ quanh quẩn ở trong buồng này mà thôi. Nhưng nó đã tìm kỹ lắm rồi. Mà trình đơn tám hào, tất nó bị quan chửi. Không biết làm thế nào được, nó tần ngần chắp hai tay, vái:

- Lạy quan lớn ạ.

Rồi nó lùi lùi bước ra cửa. Rồi nó đi về...

Ông huyện Hinh cứ ngồi yên sau bàn giấy để nhìn theo con mẹ khốn nạn. Rồi khi thấy nó đã đi khuất, ông mới đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giầy ra một tý. Và vẫn tự nhiên như không, ông cúi xuống thò tay, nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giầy bám vào, rồi bỏ tọt vào túi.

Trích Đồng hào có ma – Nguyễn Công Hoan

Câu 1. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

Câu 2. Người đàn bà đến gặp quan lớn để làm gì?

A. Người đàn bà đến gặp quan lớn để xin quan giúp đỡ trong cảnh nghèo túng.

B. Người đàn bà đến gặp quan để xin thưa kiện về chuyện nhà bị mất trộm

C. Người đàn bà đến gặp quan để kiện người hàng xóm lấy cắp hai đồng bạc.

D. Người đàn bà có việc oan ức đến cửa quan kêu oan.

Câu 3. Vì sao người đàn bà không gặp được quan lớn ngay khi đến?

A. Vì quan lớn đi vắng.

B. Vì theo quy tắc chốn quan trường

C. Vì thói hạnh họe, sách nhiễu của đám lính.

D. Vì lá đơn của chị không đạt yêu cầu.

Câu 4. Khi gặp được quan lớn vì sao người đàn bà lại đi về mà không thưa chuyện?

A. Chị quá sợ hãi trước vẻ uy nghi, cao lớn của quan huyện khiến hành động trở nên lúng túng.

B. Chị biết quan cũng sẽ không đứng về phía người dân nghèo nên không dám thưa chuyện.

C. Chị không còn đủ tiền để thưa chuyện với quan lớn.

D. Lá đơn của chị viết sai nên không thể thưa chuyện với quan lớn.

Câu 5. Hành động cuối truyện của quan huyện thể hiện hắn là người như thế nào?

A. Tinh quái, thông minh, mưu trí.

B. Điềm tĩnh, cẩn trọng.

C. Tham lam, hạch sách dân nghèo.

D. Bên ngoài đạo mạo, bên trong tham lam, hèn mọn.

Câu 6. Người đàn bà trong tác phẩm là đại diện cho hình ảnh nào dưới đây?

A. Những người phụ nữ yêu đuối trong xã hội xưa bị chèn ép, tước đoạt mọi quyền lợi.

B. Những kiếp người nông dân thấp cổ bé họng bị thế lực cầm quyền sách nhiễu, chèn ép.

C. Những kiếp người nô lệ, bán sức lao động cho giai cấp thống trị.

D. Những người phụ nữ lâm vào cảnh bần cùng hóa do xã hội bất công.

Câu 7. Thông qua đoạn trích trên, em nhận thấy phong cách nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Công Hoan được thể hiện như thế nào?

Câu 8. Theo em, hình ảnh của tên lính đại diện cho hình ảnh nào trong xã hội xưa?

Câu 9. Theo em, giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo được tác giả đề cập tới trong truyện là gì?

II. VIẾT:

Câu 1. Phân tích giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của truyện ngắn trên.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Đáp án

PHẦN I – TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1

(0.25đ)

Câu 2 (0.25đ)

Câu 3

(0.25đ)

Câu 4

(0.25đ)

Câu 5 (0.25đ)

Câu 6 (0.25đ)

A

B

C

C

D

B

 

Câu 1. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

Phương pháp:

Căn cứ vào kiến thức đã học về các phương thức biểu đạt.

Lời giải chi tiết

Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt tự sự.

→ Đáp án: A

Câu 2. Người đàn bà đến gặp quan lớn để làm gì?

A. Người đàn bà đến gặp quan lớn để xin quan giúp đỡ trong cảnh nghèo túng.

B. Người đàn bà đến gặp quan để xin thưa kiện về chuyện nhà bị mất trộm

C. Người đàn bà đến gặp quan để kiện người hàng xóm lấy cắp hai đồng bạc.

D. Người đàn bà có việc oan ức đến cửa quan kêu oan.

Phương pháp:

Đọc, tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Người đàn bà đến gặp quan để xin thưa kiện về chuyện nhà bị mất trộm.

→ Đáp án: B

Câu 3. Vì sao người đàn bà không gặp được quan lớn ngay khi đến?

A. Vì quan lớn đi vắng.

B. Vì theo quy tắc chốn quan trường

C. Vì thói hạnh họe, sách nhiễu của đám lính.

D. Vì lá đơn của chị không đạt yêu cầu.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Người đàn bà không gặp được quan lớn ngay khi đến vì bị tên lính canh cổng hạnh họe, sách nhiễu đủ điều.

→ Đáp án: C

Câu 4. Khi gặp được quan lớn vì sao người đàn bà lại đi về mà không thưa chuyện?

A. Chị quá sợ hãi trước vẻ uy nghi, cao lớn của quan huyện khiến hành động trở nên lúng túng.

B. Chị biết quan cũng sẽ không đứng về phía người dân nghèo nên không dám thưa chuyện.

C. Chị không còn đủ tiền để thưa chuyện với quan lớn.

D. Lá đơn của chị viết sai nên không thể thưa chuyện với quan lớn.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản, phân tích, suy luận.

Lời giải chi tiết:

Khi gặp được quan lớn, vì run sợ nên người đàn bà là làm rơi tiền, đến khi nhặt lại thì chị đếm thiếu mất một hào. Theo lẽ, vào cửa quan phải nộp tiền, nay thiếu mất một hào không đủ tiền thưa kiện nên đành cáo quan ra về.

→ Đáp án: C

Câu 5. Hành động cuối truyện của quan huyện thể hiện hắn là người như thế nào?

A. Tinh quái, thông minh, mưu trí.

B. Điềm tĩnh, cẩn trọng.

C. Tham lam, hạch sách dân nghèo.

D. Bên ngoài đạo mạo, bên trong tham lam, hèn mọn.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản, phân tích, suy luận.

Lời giải chi tiết:

Dưới con mắt của những người dân cụ thể là người đàn bà đến thưa kiện, quan lớn hiện lên vô cùng đạo mạo, uy nghiêm nhưng đến cuối chuyện quan lớn đã ngang nhiên lấy tiền của người dân bằng biện pháp vô cùng hèn mọn.

→ Đáp án: D

Câu 6. Người đàn bà trong tác phẩm là đại diện cho hình ảnh nào dưới đây?

A. Những người phụ nữ yêu đuối trong xã hội xưa bị chèn ép, tước đoạt mọi quyền lợi.

B. Những kiếp người nông dân thấp cổ bé họng bị thế lực cầm quyền sách nhiễu, chèn ép.

C. Những kiếp người nô lệ, bán sức lao động cho giai cấp thống trị.

D. Những người phụ nữ lâm vào cảnh bần cùng hóa do xã hội bất công.

 Phương pháp giải

Căn cứ vào nội dung văn bản, phân tích, suy luận.

Lời giải chi tiết

Người đàn bà trong tác phẩm là đại diện cho những kiếp người nông dân thấp cổ bé họng bị thế lực cầm quyền sách nhiễu, chèn ép.

→ Đáp án: B

Câu 7. Thông qua đoạn trích trên, em nhận thấy phong cách nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Công Hoan được thể hiện như thế nào?

 Phương pháp giải

Căn cứ vào nội dung văn bản, phân tích, suy luận.

Lời giải chi tiết

Gợi ý:

- Thông qua đoạn trích, ta thấy rõ phong cách trào phúng trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.

- Tác giả sử dụng ngôn từ hết sức bình dị và gần gũi với người nông dân ví như: “con mẹ”, “nói xỏ”,...

- Giọng văn mỉa mai, châm biếm pha chút hài hước.

Câu 8. Theo em, hình ảnh của tên lính đại diện cho hình ảnh nào trong xã hội xưa?

Phương pháp

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

Gợi ý:

Hình ảnh của tên lính canh cổng đại diện cho những kẻ tai sai của quan lại, ỷ thế ức hiếp người dân.

Câu 9. Theo em, giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo được tác giả đề cập tới trong truyện là gì?

 Phương pháp

Căn cứ vào nội dung văn bản, phân tích, suy luận.

Lời giải chi tiết

Gợi ý:

- Giá trị hiện thực:

+ Sự khốn cùng của người dân

+ Thói sách nhiễu, sự bóc lột vô nhân tính của quan lại.

- Giá trị nhân đạo:

+ Lên án sự tham lam, bóc lột của quan lại và giai cấp thống trị lên ngươi dân.

+ Thể hiện niềm cảm thông sâu sắc đến thân phận của những người nông dân nghèo.

PHẦN II – LÀM VĂN (4 điểm)

Câu 1. Phân tích giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của truyện ngắn trên.

Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

* Đảm bảo kết cấu (mở bài, thân bài, kết bài).

a. Nêu vấn đề: Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong truyện ngắn Đồng hào có ma.

b. Phân tích:

* Giá trị nội dung:

- Khái quát nội dung: Câu chuyện kể về "con mẹ Nuôi" đi trình mất trộm, phải đi vay một đồng hai hào để vào trình quan. Nhưng sau khi đút lót cậu lính hai hào, vào công đường thì bà ta là rơi mớ tiền xuống đất. Tìm mãi những cũng chỉ được bốn đồng, bà ta đành lùi lũi đi về. Sau khi bà ta đi khuất, quan huyện Hinh mới xê chân, nhặt đồng hào dưới đất, thổi cát rồi bỏ tọt vào túi. Cho thấy bộ mặt thối nát của bọn quan lại phong kiến tham ô, bóc lột người dân tới tận cùng.

- Đặc sắc về cách tạo dựng tình huống truyện: Qua tình huống của "con mẹ Nuôi" trong câu chuyện mà thấy rõ được bộ mặt tham quan của tên huyện Hinh. Hắn đã dùng cả những cách thức hèn mọn nhất để ăn cắp tiền của nhân dân.

- Giá trị hiện thực:

+ Sự khốn cùng của người dân

+ Thói sách nhiễu, sự bóc lột vô nhân tính của quan lại.

- Giá trị nhân đạo:

+ Lên án sự tham lam, bóc lột của quan lại và giai cấp thống trị lên ngươi dân.

* Giá trị nghệ thuật:

- Nghệ thuật xây dựng ngôn từ:

+ Sử dụng các ngôn từ hết sức dân dã, bình dị như "nói xỏ", "lẹt đẹt", "con mẹ", ...

+ Lời văn mang tính mỉa mai, châm biếm.

c. Kết thúc: Kết luận lại vấn đề

HocTot.Nam.Name.Vn

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close