Đề kiểm tra 45 phút kì I Ngữ văn 12 - Đề số 11 có lời giải chi tiết

Tải về

Đề kiểm tra 45 phút kì I Ngữ văn 12 - Đề số 11 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 12 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Đề bài

Đề bài:

Nêu cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.

(Trích Đất Nước – trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)

Lời giải chi tiết

1. Giới thiệu chung

- Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt nổi bật trong văn học kháng chiến chống Mỹ.

- Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, dồn nén thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân.

- Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Đây là bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị vùng bị tạm chiếm ở miền Nam trước năm 1975. Nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ, đứng về nhân dân, đất nước; ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, họ đứng dậy xuống đường đấu tranh hoà nhập với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc.

- Đoạn trích Đất nước thuộc phần đầu chương V của trường ca là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.

- Trong tác phẩm này nổi bật là tư tưởng Đất nước của Nhân dân và nó đã được tác giả thể hiện rõ nét trong đoạn trích trên.

2. Phân tích

1. Giải thích

Tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân": Khác với quan điểm thời phong kiến cho rằng đất nước thuộc về vua chúa, trích đoạn đã làm nổi bật tư tưởng đất nước là của nhân dân - của tất cả mọi người không phân biệt giai cấp tầng lớp. Đất nước là do nhân dân tạo dựng, bảo vệ và làm chủ.

2. Chứng minh

- Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được tác giả chứng minh trên phương diện lịch sử

- Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử "Hãy nhìn rất xa - vào bốn nghìn năm Đất Nước", nhà thơ càng thấm thía công lao xây dựng, vun đắp, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là của lớp người trẻ tuổi. Đó là những con người bình dị, năm tháng nào cũng có, cũng giống như anh và em của hôm nay.

- Trong thời bình, họ hiền lành và chăm chỉ trong công việc lao động để xây dựng đất nước, đưa đất nước đi lên. Nhìn về quá khứ của dân tộc để thấy được năm tháng nào cũng người người lớp lớp không phân già trẻ, gái trai cũng luôn vừa cần cù làm lụng để kiếm miếng ăn vừa đánh giặc cứu nước, bất chấp hy sinh, gian khổ:

Năm tháng nào cũng người người, lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

- Còn trong thời loạn, "khi có giặc" ngoại xâm:

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

- Và trong cái chiều dài của lịch sử dân tộc ấy, có biết bao lớp người con gái, con trai giống như lớp tuổi chúng ta bây giờ, họ đã sống và chết một cách giản dị và bình tâm không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng mà nhà thơ đã khẳng định vai trò của họ đối với đất nước thật vô cùng to lớn. Họ chính là những con người bình thường, giản dị, nhưng có một tình cảm sâu đậm đối với đất nước. Khi đất nước lâm nguy, bị kẻ thù xâm chiếm, họ tạm gác lại những tình cảm riêng tư, lên đường đi chiến đấu, đem máu xương của mình hiến dâng cho Tổ quốc. Chính họ là những con người "làm ra Đất Nước".

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước

- Không chỉ lao động xây dựng đất nước, đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, mà những thế hệ người Việt trong suốt bốn nghìn năm còn gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau mọi giá trị văn hoá vật chất và tinh thần:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cái

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại 

3. Bình luận

- Về nội dung tư tưởng: Đây không phải tư tưởng mới, tư tưởng này đã xuất hiện trong thơ xưa đến nay như xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi: "Nhân dân bốn cõi một nhà"; trong thơ hiện đại của Nguyễn Đình Thi: "Ôi đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng"...

- Về nghệ thuật

+ Đoạn thơ giàu tính chính luận. Đưa ra các dẫn chứng để chứng minh đất nước của nhân dân.

+ Nội dung chính luận lại được thể hiện một cách trữ tình, trong những hình tượng nghệ thuật, sử dụng sáng tạo chất liệu dân gian, đi vào lòng người mà không hề khô khan.

+ Thể hiện giọng điệu tâm tình tha thiết lắng sâu, như câu chuyện của đôi lứa yêu nhau. Mang lại những rung cảm thẩm mỹ đẹp đẽ trong lòng người đọc.

3. Tổng kết vấn đề

HocTot.Nam.Name.Vn

Tải về

close