Đề số 25 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 25 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề bài

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh.

Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm.

Vậy cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự thương yêu nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mắt. Dù thế nào cũng không phải bằng sự buông xuôi. Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để biến “nhà” thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.

Bạn của tôi ơi, tôi còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, cùng ngồi chung một chiếc ghế mây dưới tán mận trong vườn nhà, mẹ của bạn đã hát cho chúng ta nghe câu này:

“Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà”

(trích Ai qua là bao chốn xa…, Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân, PhuongNam Book, 2012)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2: Theo anh/chị, tại sao nhàgia đình là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui, tình yêusự thấu hiểu là phần mềm?

Câu 3: Tác giả viết “…sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập”. Vậy từ văn bản, hãy cho biết làm thế nào để ta có thể tham gia vào quá trình thiết lập đó?

Câu 4: Trong văn bản có trích dẫn lời hát: Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà.

Trong Tràng giang, Huy Cận lại thoáng buồn khi nhớ về một “mái nhà”:

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không mái hoàng hôn cũng nhớ nhà

Theo anh/chị, tình cảm dành cho “nhà” của tác giả Phạm Lữ Ân và Huy Cận có gì tương đồng. Với cá nhân anh/chị, một “mái nhà” có ý nghĩa gì?

PHẦN II: LÀM VĂN

Câu 1:

Trong văn bản ở phần đọc hiểu, tác giả viết: Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Từ đó, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) bàn luận về trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình. Trong đó có sử dụng một thao tác lập luận đã được học trong chương trình Ngữ văn 11 (chú thích rõ thao tác lập luận đã sử dụng).

Câu 2:

Đọc hai đoạn trích dưới đây:

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài đứng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ… Thôi thì bổn phận bà làm mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:

Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng bằng lòng…

Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

Nhà ta nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.

Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài… Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...

(Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục)

Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:

- Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tội bố nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – và lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

- Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? – Đột nhiên tôi hỏi.

- Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…

[…]

Người đàn bà đã khóc khi nghe tôi nhắc đến thằng Phác. Nhưng tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài. Trong cái đám con cái đông đúc đang sống ở dưới thuyền, mụ không yêu một đứa nào bằng thằng Phác, cái thằng con từ tính khí đến mặt mũi giống như lột ra từ cái lão đàn ông đã từng hành hạ mụ, và không khéo sẽ còn hành hạ mụ cho đến khi chết – nếu không có cách mạng về.

(Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục)

Hãy trình bày cảm nhận của anh chị về tình yêu thương của những người mẹ trong hai đoạn trích trên.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

- “Nhà, gia đình” là cái có sẵn, đã được thiết lập, nhưng nó mới chỉ là cái vỏ bên ngoài, chưa được vun đắp bằng tình yêu, chưa có hạnh phúc.

- “Bình yên, hạnh phúc, niềm vui, tình yêu” là những thức ta phải vun đắp, xây dựng bằng tình yêu, sự chân thành, nỗ lực cố gắng của tất cả các thành viên trong gia đình mới có được. Bình yên, hạnh phúc,… không là mãi mãi nếu chúng ta ngưng vun xới, bồi đắp chúng sẽ biến mất, bởi vậy, chúng là “phần mền” có thể biến đổi linh hoạt, hoặc nhiều hoặc ít.

Câu 3:

Hành động tham gia tái thiết lập sự bình yên:

- Bằng sự khoan dung, vị tha với nhau.

- Giữa những người trong gia đình cần phải đối xử bằng tình yêu thương, sự nhẫn nhịn.

- Luôn thông cảm và sẻ chia với nhau mọi điều trong cuộc sống.

- Luôn luôn nỗ lực hàn gắn, không được buông xuôi.

Câu 4:

- Điểm giống nhau giữa tình cảm dành cho “nhà” của Phạm Lữ Ân và Huy Cận: Dù ở bất cứ đâu lòng thương nhớ về gia đình, về “nhà” vẫn luôn tha thiết, mãnh liệt, cháy bỏng trong mỗi con người. Qua đó cả hai tác giả đều khẳng vai trò, tầm quan trọng của “nhà” với cuộc đời mỗi chúng ta.

- Liên hệ:

+ Nhà là nơi ta được sinh ra, được nuôi lớn bằng sự bao dung, đùm bọc, yêu thương của cha mẹ và mọi người.

+ Nhà là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách con người.

+ Nhà là bến đỗ bình yên cho ta trở về sau những giông bão của cuộc đời.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giới thiệu vấn đề

Giải thích vấn đề:

- Gia đình là gì?

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.

Bàn luận vấn đề

- Vai trò của gia đình với cuộc sống con người:

+ Gia đình là nơi ta được sinh ra, được nuôi lớn bằng sự bao dung, đùm bọc, yêu thương của cha mẹ và mọi người.

+ Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách con người.

+ Gia đình là bến đỗ bình yên cho ta trở về sau những giông bão của cuộc đời.

- Trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình:

+ Luôn nghe lời cha mẹ, nghe những điều cha mẹ dạy bảo.

+ Mỗi cá nhân cần quan tâm giúp đỡ cha mẹ, làm những việc phù hợp với năng lực, lứa tuổi của mình.

Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

- Bên cạnh những người luôn hiếu thảo với cha mẹ, lại có một bộ phận chỉ lo nghĩ cho lợi ích cá nhân, không chia sẻ, giúp đỡ gia đình, không vun đắp hạnh phúc gia đình. Khiến cho tình cảm gia đình rạn nứt. Đó là hành vi vị kỉ, đáng lên án và cần phải thay đổi.

- Mỗi con người là một kiểu cá tính, tâm lí, có một nhu cầu, ý muốn khác nhau. Để tạo nên mối quan hệ bền vững và tốt đẹp trong gia đình, mỗi người cần biết cân bằng, điều chỉnh bản thân và có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc các thành viên khác.

- Liên hệ bản thân.

Lưu ý: đề yêu cầu các em sử dụng một thao tác lập luận đã được học ở lớp 11, các em vận dụng linh hoạt và phù hợp với bài văn của mình. Có thể lựa chọn một trong những thao tác lập luận sau: phân tích, so sánh, bác bỏ và bình luận hoặc cũng có thể kết hợp các thao tác lập luận.

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích

* Tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt:

- Kim Lân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam và là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông là khung cảnh làng quê và hình tượng người nông dân. Đó là mảng hiện thực mà ông gắn bó và hiểu biết sâu sắc.

- Ông viết chân thực và xúc động về đời sống người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết, thủy chung với quê hương và cách mạng. Sáng lên trong các tác phẩm của ông là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, chất phác, lạc quan, hóm hỉnh và tài hoa.

- Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, được đánh giá là “vô tiền khoáng hậu”. Tác phẩm có giá trị hiện thực sâu sắc, có giá trị nhân đạo cao cả, xứng đáng được xem là một trong những kiệt tác của văn xuôi hiện đại Việt Nam.

* Tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa:

- Nguyễn Minh Châu được coi là người mở đường tinh anh và năng của văn học Việt Nam. Ông đi đầu trong khuynh hướng đổi mới văn học sau chiến tranh: nghĩ và viết nhiều về “đời thường”, về những vấn đề bức xúc đằng sau những chiến công, những vấn đề xã hội, về số phận và phẩm cách con người trong thực trạng phức tạp của đất nước.

- Hành trình sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.

- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu, là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông.

→ Hai đoạn trích trong tác phẩm cho người đọc thấy được hình ảnh người mẹ Việt Nam với tình cảm mẫu tử thiêng liêng và cao đẹp.

2. Phân tích

2.1 Giới thiệu nhân vật

* Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân

- Là người phụ nữ nghèo khổ, cơ cực: dân ngụ cư tha phương cầu thực; chồng và con gái mất sớm.

- Tình cảnh éo le: cả đời lận đận, chỉ có tâm nguyện lớn nhất là lấy vợ cho con nhưng mãi không dành dụm được tiền, trong lúc nghèo đói đến cùng cực người con trai lại nhặt được vợ.

* Nhân vật người phụ nữ hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu

- Lai lịch: Không gọi tên nhân vật ⟶ đây chỉ là một đại diện cho những người phụ nữ khốn khổ, đại diện cho những người đàn bà hàng chài ở ven biển.

- Ngoại hình: Chạc ngoài 40 tuổi.Thân hình cao lớn với những đường nét thô kệch.Xấu xí, rỗ mặt. Gương mặt mệt mỏi, tái ngắt sau một đêm thức trắng kéo lưới.

- Số phận khổ đau, bất hạnh:

+ Cuộc sống nghèo khổ, lam lũ.

+ Là nạn nhân của bạo hành gia đình.

 2.2 Cảm nhận về tình mẫu của hai nhân vật qua hai đoạn trích

a. Điểm tương đồng: Cả hai nhân vật đều yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời.

* Nhân vật bà cụ Tứ:

- Khi biết người phụ nữ theo không con mình về làm vợ, bà cụ Tứ lặng người, cúi đầu nín lặng, khóc, vừa xót xa cho số kiếp con trai, vừa tủi thân, tủi phận cho chính mình vì nghèo mà không lấy nổi vợ cho con.

- Đồng cảm với người vợ nhặt “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình”, đồng cảm với con trai “…Mà con mình mới có được vợ”, vun vén cho hạnh phúc của đôi trẻ “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên, phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”…

* Nhân vật người đàn bà hàng chài:

- Tình yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời khiến chị phải nhẫn nhục, chịu đựng sự đày ải tàn nhẫn của người chồng để con thuyền có người đàn ông khỏe mạnh “chèo chống khi phong ba” và “để cùng làm ăn nuôi nấng một sấp con”

- Khi đối thoại với Phùng và Đẩu ở Tòa án huyện, chị đã nói “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”.

- Hạnh phúc của chị là được nhìn thấy đàn con mình ăn no

b. Sự khác biệt:

* Tình yêu thương con của bà cụ Tứ là sự vị tha, bao dung, lạc quan.

- Thấu hiểu việc vượt quyền cha mẹ của Tràng.

- Cảm thông, xót thương cho tính cách và trân trọng giá trị của người vợ nhặt.

- Suy nghĩ, hành động, lời nói luôn lạc quan, hướng về tương lai trong những ngày đói.

+ Bà truyền cho con cái niềm hi vọng “không ai khó ba đời”

+ Hành động xăm xắm thu dọn, quét tước nhà cửa.

+ Dự định ngăn buồng cho đôi trẻ, mua đôi gà, bữa cơm mừng dâu mới với “chè khoán”…

* Tình yêu thương con của người đàn bà hàng chài là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục:

- Người đàn bà hàng chài chịu đựng, hi sinh xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh khi các con đã lớn vì sợ các con sẽ bị tổn thương khi chứng kiến cảnh bạo lực đau lòng.

- Vì lo những phản ứng dữ dội của thằng Phác có thể làm điều dại dột với ba nó mà chị phải cắn răng gửi thằng con chị yêu thương nhất lên rừng ở với ông ngoại đã nửa năm nay.

- Khi chồng đánh đập đau đớn chị lặng lẽ chịu đựng, nhẫn nhục như một người câm nhưng khi thằng Phác lao vào đánh bố để cứu mẹ, chị lại không nén nổi nỗi đau đớn. Chị “mếu máo” gọi con, “ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra”, “chắp tay vái lấy vái để rồi ôm chầm lấy”. Đó là nỗi đau của người mẹ khi không che chắn nổi cho tuổi thơ của các con được trong sáng, nỗi sợ hãi cho sự phát triển tính cách của con trong môi trường tăm tối, bạo lực…

2.3 Đánh giá

- Qua hai nhân vật trong hai tác phẩm, người đọc đã cảm nhận được dù ở cứ hoàn cảnh, địa vị nào, người mẹ luôn luôn dành cho con những tình yêu vô hạn và mỗi người mẹ sẽ có cách yêu thương và bảo vệ người con mình khác nhau. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng bất diệt.

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại HocTot.Nam.Name.Vn

 HocTot.Nam.Name.Vn

Tải về

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close