Đề số 29 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ vănTải vềĐáp án và lời giải chi tiết - Đề số 29 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn Đề bài I. Đọc hiểu Đoạc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi: Ngày nọ, một thương nhân gửi con trai mình đến một nhà thông thái không ai bằng để nhờ ông dạy cho người con bí quyết để đạt được hạnh phúc. Anh con trai đi ròng rã bốn mươi ngày xuyên qua sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga ngự trên núi cao. Nhà thông thái anh muốn tìm đang ở đó…. anh ta phải chờ suốt hai tiếng mới đến lượt mình được tiếp. Nhà thông thái lắng nghe anh trình bày rồi đáp rằng hiện ông không rảnh để chỉ dạy anh về bí quyết của hạnh phúc. Ông bảo anh hãy đi xem khắp tòa lâu đài rồi hai tiếng sau trở lại. Anh con trai đi ròng rã bốn mươi ngày từ sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga trên núi cao. “Nhưng ta yêu cầu anh làm hộ một điều”, nhà thông thái nói rồi đưa cho anh một muỗng con đựng hai giọt dầu “trong lúc đi xem thì anh cầm theo một muỗng này và nhớ đừng làm sánh dầu nhé”. Anh ta lên lầu, xuống lầu mắt không rời cái muỗng. Sau hai giờ anh quay lại gặp nhà thông thái. “Sao?” ông hỏi “Anh đã thấy cái tấm thảm Ba Tư quý giá trong phòng ăn của ta chứ?”. Cả cái vườn tráng lệ mà người làm vườn đã phải khổ công mười năm xây dựng? và những cuộn giấy da tuyệt hảo trong thư viện của ta nữa?” anh ta ngượng ngùng thú thật rằng chẳng hề để mắt đến gì khác vì cứ phải chăm chăm ngó nhìn muỗng dầu đã được giao phó. “Thế thì anh hãy đi thêm lần nữa và ngẫm cho kĩ những thứ tuyệt mỹ trong thế giới của ta”, nhà thông thái nói. “Không thể đặt tin tưởng vào một người khi mình không hề biết người ấy sống trong một ngôi nhà như thế nào”. Yên dạ hơn, anh ta lại cầm muỗng đi một vòng. Lần này anh chăm chú xem xét những vật quý treo trên tường và trên trần nhà. Anh ngắm khu vườn có núi vây quanh với đủ thứ hoa thơm cỏ lạ và mỗi tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ đều được để đúng chỗ thích hợp. Trở lại gặp nhà thông thái, anh kể chi tiết tất cả những gì đã thấy. “Thế còn hai giọt dầu ta nhờ anh giữ đâu rồi”, nhà thông thái hỏi. Nhìn cái muỗng, anh ta hốt hoảng thấy mình đã làm sánh mất rồi. “Đây là điều duy nhất mà ta có thể khuyên anh: bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian này mà không hề quên hại giọt dầu trên muỗng”. (Nhà giả kim – Paulo Coelho, tr.50,51,52) Câu 1: Đặt tên và xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. Câu 2: Chi tiết “anh con trai đi ròng rã bốn mươi ngày từ sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga trên núi cao” có ý nghĩa gì? Câu 3: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Đây là điều duy nhất mà ta có thể khuyên anh: bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian này mà không hề quên hại giọt dầu trên muỗng”. Câu 4:Nêu hai bài học mà anh/chị rút ra từ câu chuyện. II. Làm văn Câu 1: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày quan niệm của anh/chị về hạnh phúc. Câu 2: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau đây: “Mơ khách đường xa, khách đường xa Áo em trắng quá nhìn không ra Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà?” (Trích Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mạc Tử, SGK Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục) “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có thấy dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” (Trích Tây Tiến, Quang Dũng, SGK Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo dục) Lời giải chi tiết I. Đọc hiểu Câu 1: - Tên văn bản: Bí quyết để hạnh phúc. - Phương thức biểu đạt: Tự sự. Câu 2: - Chi tiết đó thể hiện khát vọng, mong muốn, sự kiên trì của anh con trai trong hành trình tìm cách để được hạnh phúc. Câu 3: - Biện pháp nghệ thuật: Ẩn dụ (hai giọt dầu). → Tác giả muốn nhấn mạnh, sống trong cuộc đời phải biết tận hưởng tận cả những gì đẹp đẽ nhất mà chúng đem đến nhưng cũng không quên gìn giữ, trân trọng những giá trị giản dị mà quan trọng của cuộc sống: gia đình, bạn bè,.. Câu 4: - Hạnh phúc là do mỗi người vun trồng, xây dựng, không ai có có thể dạy chúng ta hạnh phúc. - Hạnh phúc là khi được hưởng thụ mọi tinh hoa, vẻ đẹp trong cuộc sống nhưng cũng không quên đi những giá trị bền vững, cốt lõi nhất của mỗi người, đó chính là gia đình. II. Làm văn Câu 1: * Giới thiệu vấn đề * Giải thích vấn đề - Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. * Bàn luận vấn đề - Ý nghĩa của hạnh phúc + Khiến bản thân luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ. + Lan tỏa niềm hạnh phúc với mọi người xung quanh. - Làm thế nào để hạnh phúc. + Biết thỏa mãn với những gì mình đang có. Nhưng không vì vậy mà không ngừng nỗ lực, cố gắng. + Cân bằng giữa mọi thứ trong cuộc sống. Có khả năng kiểm soát bản thân trước mọi cám dỗ trong cuộc đời. + Luôn trân quý những thứ tình cảm giản dị mà đẹp đẽ trong cuộc đời, như tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè,… * Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân - Hiện nay, ta đang sống trong thời đại kinh tế xã hội ngày càng phát triển nên phần nào thoả mãn được nhu cầu của con người. Vì thế quan niệm về hạnh phúc cũng phần nào thay đổi. - Nhưng hạnh phúc không phải chỉ là những điều to lớn mà còn nằm trong những việc gần gũi, giản dị hằng ngày mà đôi khi ta đã vô tâm mà bỏ lỡ. Vì thế, biết cách cảm nhận những rung động từ cuộc sống thường nhật đôi khi lại đem đến những niềm hạnh phúc rất dạt dào. - Để niềm hạnh phúc trọn vẹn hơn mỗi ngày, mỗi con người nên rèn luyện cho mình một sức khoẻ tốt và một trái tim luôn rộng mở để có thể cảm nhận vẻ đẹp từ cuộc sống. Câu 2: 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ lớn của phong trào thơ Mới. Cuộc đời ông tuy ngắn ngủi, nhiều “đau thương” nhưng sức sáng tạo lại rất dồi dào, mạnh mẽ. - Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những thi phẩm nổi tiếng của ông. Bài thơ lấy cảm hứng từ tấm bưu ảnh của một người con gái xứ Huế gửi cho ông khi ông đang trong tình trạng cô đơn, xa cách với tất cả. Nhưng nó là tiếng lòng đầy uẩn khúc của một tình yêu đơn phương mãnh liệt mà vô vọng, là nỗi khát sống, niềm thiết tha gắn bó với cuộc đời của một thi sĩ gặp “hoạn nạn nơi trần thế” khi tuổi còn rất trẻ. - Bài thơ được xếp trong tập Thơ Điên (sau đổi thành Đau thương). - Quang Dũng là nhà thơ nổi tiếng của nền thi ca Việt Nam. Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Hồn thơ của ông phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lình Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình. - Tây Tiến là một trong những thi phẩm xuất sắc của Quang Dũng. Bài thơ được in trong tập Mây đầu ô (1986). 2. Phân tích hai khổ thơ 2.1 Khổ thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử - Câu 1: Cõi người được cụ thể hóa trong hình bóng giai nhân: + “Khách đường xa”: có thể hiểu là người ở thôn Vĩ Dạ, cũng có thể hiểu là chính nhà thơ. Điệp từ “khách đường xa” gợi sự xa xôi, cách trở. + “Mơ”: cõi mộng, không phải ở cõi thực, không thể nắm bắt. - Câu 2: + “Trắng quá”: cực tả sắc trắng ở mức độ tột cùng. → Cảm giác thay thế bằng ảo giác, hình ảnh thay thế bằng ảo ảnh, hình bóng giai nhân mất hết đường nét, chỉ để lại một khoảng trống hẫng hụt trong cõi lòng thi nhân. → Hướng ra ngoài kia để rồi nhận cảm giác hẫng hụt, đành quay về thế giới trong mộng tưởng. - Câu 3: + “Mờ nhân ảnh”: thiếu vắng tình người → nỗi đau nhất, chỉ khao khát mà không thể làm gì được. + Sợi dây giao nối duy nhất là tình cảm → vô hình. - Câu 4: + Đặt câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà?” với 2 đại từ phiếm chỉ, gợi 2 cách hiểu: > “Ai” chính là cô gái ngoài kia, là Hoàng Thị Kim Cúc là cõi người, có biết được tình cảm của Hàn Mặc Tử đậm đà hay không? > “Ai” là mình ở trong này có biết được người ngoài kia có dành tình cảm đậm đà cho mình hay không. → Sự hoài nghi, băn khoăn vì sợi dây giao nối quá mong manh. → Sự cô đơn trống vắng, khao khát yêu thương đến khắc khoải của Hàn Mặc Tử. → Tình yêu người, yêu đời, yêu sống thiết tha của Hàn Mặc Tử. 2.2 Khổ thơ trong bài Tây Tiến – Quang Dũng: Bốn câu thơ cuối là bức tranh sông nước miền Tây trong chiều sương: - Trước hết là khung cảnh thiên nhiên: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ + Không gian được bao trùm bởi một màn sương giăng mắc trở nên mờ ảo, như hư, như thực. Sương chiều bảng lảng đầy thi vị, chứ không còn là “sương lấp đoàn quân mỏi” khi màn đêm buông xuống. + Sông nước, bến bờ lặng tờ, hoang dại như thời tiền sử, chỉ có màu lau trắng trải dài tít tắp, phất phơ theo chiều gió thổi, xôn xao ẩn chứa những nỗi niềm của con người… Thiên nhiên như có linh hồn, “hồn lau” hài hòa với “hồn thơ” của những người lính đa cảm. Cũng có thể hiểu “hồn lau” là một ẩn dụ đặc sắc gợi về vẻ đẹp giản dị, gần gũi, hồn hậu của những con người miền Tây- những người lao động trên sông nước mênh mông. - Trên nền thiên nhiên tĩnh lặng và thơ mộng đó nổi bật hình ảnh con người: Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa + “Dáng người trên độc mộc” phải chăng đó là dáng hình mềm mại, uyển chuyển của thiếu nữ sơn cước trên chiếc thuyền độc mộc trên dòng sông Mã, tạo nên chất thơ làm tiêu tan vẻ dữ dội của “dòng nước lũ” hung hãn + Như để hoà hợp với con người, những bông hoa rừng cũng đong đưa làm duyên trên dòng nước xiết. “Hoa đong đưa” là một hình ảnh lạ, hoa lá vô tri như được thổi hồn vào, gợi ra ánh mắt lúng liếng tình tứ của những cô gái vùng núi xinh đẹp trẻ trung + Dường như trong khổ thơ nào của bài thơ cũng thấp thoáng bóng dáng của người đẹp như vậy: - Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi - Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói - Mai Châu mùa em thơm nếp xôi (đoạn 1) - Kìa em xiêm áo tự bao giờ - Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (đoạn 3) → Hình ảnh người đẹp thấp thoáng trong các khổ thơ đã điểm cho kí ức Tây Tiến chút lãng mạn, mơ mộng, khiến cho câu chữ trở nên mềm mại hơn và lòng người cũng nhẹ nhàng hơn… - Những từ có thấy, có nhớ là những lời tự hỏi lòng mình đầy bâng khuâng, lưu luyến khi đã cách xa với Tây Tiến cả về không gian và thời gian… 2.3 So sánh sự giống và khác nhau: * Giống nhau: - Cả hai đoạn thơ đều sử dụng bút pháp lãng mạn. - Khung cảnh hiện ra trong tâm tưởng, trong kí ức. - Đều có sự xuất hiện của bóng dáng “người đẹp”. - Cảm xúc đều đặt trong hoàn cảnh của sự chia li, trong những dự cảm về sự khó có thể tái ngộ. * Khác nhau: - Hoàn cảnh sáng tác: + Đây thôn Vĩ Dạ ra đời trong thời kì thơ Mới với hoàn cảnh cá nhân rất đặc biệt của tác giả - đó là khi ông bị bệnh. Bài thơ được viết trong tâm thế của một kẻ sắp chết, là lời từ biệt với cuộc đời. + Tây Tiến được viết trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Nhân vật trữ tình là một người lính với tình thần anh dũng và tâm hồn lãng mạn. - Cảm hứng: + Hàn Mặc Tử viết bài thơ từ cảm hứng của tấm bưu thiếp được gửi từ người con gái mà tác giả thầm thương trộm nhớ - tình yêu đơn phương. Dù có thể hiện lòng yêu cuộc sống tha thiết, nhưng trong sâu thẳm ta vẫn cảm nhận thấy nỗi cô đơn, tuyệt vọng của ông. + Quang Dũng viết bài thơ từ nỗi nhớ về vùng đất “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” và những người đồng đội đã cùng mình vào sinh ra tử. Tác phẩm mang cảm hứng bi tráng, nói về những cái chết nhưng không hề bi lụy.Văn bản là bài ca ngợi ca vẻ đẹp anh dũng, kiên cường, hào hùng của họ. * Lí giải: Hai yếu tố phong cách và thời đại chi phối. + Hàn Mặc Tử: xuất hiện trong phong trào thơ Mới với một hồn thơ nhuốm màu sắc bi thương. + Quang Dũng: xuất hiện trong thời kì kháng chiến chống Pháp với hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn và tài hoa, hồn hậu. 3. Kết luận - Khái quát lại vấn đề. Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại HocTot.Nam.Name.Vn HocTot.Nam.Name.Vn
|