Bài 6: Ngôi nhà chung của buôn làng trang 137 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Chân trời sáng tạo

Nói với bạn điều em biết về những ngôi nhà ở Tây Nguyên.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Khởi động

Trả lời câu hỏi khởi động trang 136 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Nói với bạn điều em biết về những ngôi nhà ở Tây Nguyên.

Phương pháp giải:

Em dựa vào kiến thức của bản thân và nói với bạn điều em biết về những ngôi nhà ở Tây Nguyên.

Lời giải chi tiết:

Nhà rông là nơi thờ cúng chung, hội họp chung, tiếp khách chung, vui chơi chung của tất cả dân làng. Kiến trúc bên trong nhà rông khá đặc biệt: nhà trống rỗng, chẳng vướng víu một cây cột nào, có nhiều bếp lửa luôn đượm khói, có nơi dành để chiêng trống, nông cụ,... Đêm đêm, bên bếp lửa bập bùng, các cụ già kể lại cho con cháu nghe biết bao kỉ niệm vui buồn ngôi nhà rông đã từng chứng kiến. Vì vậy, nhà rông đối với tuổi thơ trẻ Tây Nguyên thân thương như cái tổ chim êm ấm.

Nội dung bài đọc

Bài đọc cung cấp thêm những thông tin về ngôi nhà chung ở Tây Nguyên của mỗi dân tộc như tên gọi, hình dáng, trang trí, đặc biệt mỗi ngôi nhà đều có những giá trị văn hóa, tinh thần và sinh hoạt rất cao với người dân nơi đây.

Bài đọc 1

Trả lời câu hỏi 1 bài đọc trang 137 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Ngôi nhà chung của buôn làng

Đồng bào Tây Nguyên thường có ngôi nhà chung, gọi là "nhà rông" hoặc “nhà gươl”, uy nghi toạ lạc ở trung tâm buôn làng.

Nhà rông được xây dựng bằng trí tuệ, tâm sức và đôi tay tài hoa của cả cộng đồng. Đây là không gian sinh hoạt chung, nơi tổ chức lễ hội, tiếp đón khách quý,... Đây cũng là nơi lưu giữ báu vật, của cải chung của buôn làng, như cồng, chiêng, ché,...

Mỗi buôn làng có lối tạo dáng, trang trí hoa văn riêng cho ngôi nhà chung của mình. Mái nhà rông của người Gia-rai như một lưỡi rìu khổng lồ hướng lên trời xanh. Nhà rông của người Ba-na cao lớn, sừng sững với nóc nhà được trang trí bằng dải hoạ tiết chính là hình cây rau dớn. Nóc nhà gươl của người Cơ-tu tạc hình hai con gà trống đang vươn cổ gáy, hoặc hình hai con trâu đực nằm nối đuôi nhau. Trên đầu cầu thang, người Gié-Triêng chạm hình núm chiêng, hình mũi thuyền; người Gia-rai tạc hình quả bầu đựng nước,...

Cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng nhà rông, nhà gươl vẫn là nơi nuôi dưỡng, neo đậu tình cảm quê nhà, nơi gắn kết cộng đồng, nơi quyện hoà cùng thiên nhiên của bà con các dân tộc Tây Nguyên.

Xuân Tường tổng hợp

- Gia-rai, Ba-na, Cơ-tu, Gié-Triêng: tên một số dân tộc thiểu số ở nước ta.

- Rau dồn: một loại cây thuộc họ dương xi, rễ và thân ngắn.

 

 

Hai đoạn đầu giới thiệu những gì về nhà rông của đồng bào Tây Nguyên?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ hai đoạn đầu của bài đọc để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

Hai đoạn đầu giới thiệu tên gọi, ý nghĩa về nhà rông của đồng bào Tây Nguyên.

Bài đọc 2

Trả lời câu hỏi 2 bài đọc trang 137 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Tìm những hình ảnh miêu tả nhà rông của các dân tộc Tây Nguyên.

- Gia-rai

- Ba-na

- Cơ-tu

- Gié-Triêng

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn thứ ba của bài đọc để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

- Gia-rai: Mái nhà rông của người Gia-rai như một lưỡi rìu khổng lồ hướng lên trời xanh. Trên đầu cầu thang, người Gia-rai tạc hình quả bầu đựng nước,...

- Ba-na: Nhà rông của người Ba-na cao lớn, sừng sững với nóc nhà được trang trí bằng dải hoạ tiết chính là hình cây rau dớn.

- Cơ-tu: Nóc nhà gươl của người Cơ-tu tạc hình hai con gà trống đang vươn cổ gáy, hoặc hình hai con trâu đực nằm nối đuôi nhau.

- Gié-Triêng: Trên đầu cầu thang, người Gié-Triêng chạm hình núm chiêng, hình mũi thuyền.

Bài đọc 3

Trả lời câu hỏi 3 bài đọc trang 137 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Đoạn cuối của bài đọc nói lên điều gì?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn cuối của bài đọc, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Đoạn cuối của bài đọc nói lên ý nghĩa vĩnh cửu của nhà rông.

Bài đọc 4

Trả lời câu hỏi 4 bài đọc trang 137 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo

Tóm tắt nội dung của mỗi đoạn văn bằng một câu.

Phương pháp giải:

Em dựa vào nội dung bài đọc để tóm tắt.

Lời giải chi tiết:

Đồng bào Tây Nguyên thường có ngôi nhà chung, gọi là "nhà rông" hoặc “nhà gươl”. Nhà rông là không gian sinh hoạt chung, nơi tổ chức lễ hội, tiếp đón khách quý, lưu giữ báu vật, của cải chung của buôn làng... Mỗi buôn làng có lối tạo dáng, trang trí hoa văn riêng cho ngôi nhà chung của mình. Cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng nhà rông, nhà gươl vẫn là nơi nuôi dưỡng, neo đậu tình cảm quê nhà, nơi gắn kết cộng đồng, nơi quyện hoà cùng thiên nhiên của bà con các dân tộc Tây Nguyên.

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close