Soạn bài Chữ người tử tù SGK Ngữ văn 11 tập 1 Cánh diều - siêu ngắnTìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nguyễn Tuân, xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; lựa chọn và ghi chép lại một số thông tin giúp em đọc hiểu văn bản. Video hướng dẫn giải Chuẩn bị 1 Câu 1 (trang 76, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nguyễn Tuân, xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; lựa chọn và ghi chép lại một số thông tin giúp em đọc hiểu văn bản. Phương pháp giải: Chú ý lựa chọn thông tin phù hợp, phục vụ cho việc đọc hiểu. Lời giải chi tiết: * Tiểu sử - Nguyễn Tuân (1910- 1987) - Ông sinh ra trong gia đình nhà Nho khi Hán học đã suy tàn. - Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công ông đến với cách mạng, tự nguyện dùng ngòi bút phục vụ hai cuộc kháng chiến. - Nguyễn Tuân là nhà văn tài hoa , thích xê dịch, sang trọng lịch lãm, phóng túng và rất ngông. - Các tác phẩm chính: Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1940), Thiếu quê hương (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1960),... - Phong cách nghệ thuật: Tài hoa uyên bác độc đáo. + Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời tôn thờ và tận hiến cho cái đẹp. + Với niềm đam mê khám phá mọi vật đến kỳ cùng thông tỏ Nguyễn Tuân đã huy động vốn kiến thức uyên bác của mọi lĩnh vực đời sống như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, thể thao,..... + Nguyễn Tuân luôn thay đổi thực đơn cho các giác quan, ham mê những cái mới lạ, phi thường tuyệt đỉnh, tuyệt đối. + Có nhiều sáng tạo độc đáo trong việc dùng từ đặt câu, sử dụng các biện pháp tu từ. * Tác phẩm: Chữ người tử tù - Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn sau được tuyển in trong tập Vang bóng một thời. - Vang bóng một thời in lần đầu năm 1940 gồm 11 truyện ngắn kết tinh tài năng tâm huyết của nhà văn, là văn phẩm đạt đến sự toàn thiện toàn mỹ. Chuẩn bị 2 Câu 2 (trang 76, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Tìm hiểu thêm về văn học lãng mạn của Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, ghi chép lại những thông tin cơ bản, chỉ ra vị trí của Nguyễn Tuân ở khuynh hướng sáng tác này. Phương pháp giải: Chú ý lựa chọn thông tin phù hợp, phục vụ cho việc đọc hiểu. Lời giải chi tiết: - Những mầm mống của chủ nghĩa lãng mạn đã xuất hiện ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX với thơ văn, từ khúc của Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Dương Lâm, Đào Tấn…Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa lãng mạn thể hiện khá đầy đủ những đặc trưng của nó trong thơ Tản Đà và trong văn của Hoàng Ngọc Phách (tiểu thuyết Tố Tâm). Đến giai đoạn 1930-1945, với lớp nhà văn Tây học trẻ tuổi, cái tôi cá nhân mới thực sự được thể hiện sâu sắc. Chủ nghĩa lãng mạn do đó phát triển thành trào lưu rầm rộ với đầy đủ đặc trưng của nó trên các thể loại: thơ, truyện ngắn, bút ký, tùy bút. * Quá trình phát triển – Thời kỳ 1932-1935: + Bắt đầu quá trình sinh thành của Thơ mới, bài thơ được gọi là Thơ mới và dư luận khen chê sôi nổi là bài Tình già của Phan Khôi được ra mắt bạn đọc trên Phụ nữ Tân văn số 122, ngày 10-3-1932, cùng với bài giới thiệu lấy tên Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ. Lưu Trọng Lư là người diễn thuyết hăng hái nhất bênh vực thơ mới và là người có công khai sinh ra thơ mới. Bài thơ Ðường đời và Vắng khách thơ là những bài thơ mới của Lưu Trọng Lư xuất hiện sau bài Tình già của Phan Khôi. Thời kỳ đầu tinh thần dân tộc đó chính là tiếng vọng lại xa xôi của phong trào cách mạng (1930-1931). – Thời kì 1936-1939: Thời kì này xuất hiện nhà thơ Xuân Diệu trường hợp mới nhất trong các nhà thơ mới (thi nhân Việt Nam). Xuân Diệu xuất hiện chiếm hẳn địa vị độc tôn trên thi đàn. Tiếng thơ của Xuân Diệu như luồng gió mát thổi tâm hồn trẻ: Xuân Diệu là nhà thơ đầu tiên của Việt Nam đã áp dụng thuyết hiện sinh vào thi ca (Nguyễn Tấn Long-Việt Nam thi nhân tiền chiến). Thời kì này còn xuất hiện Nguyễn Bính: nhà thơ chân quê; Huy Cận – Nguyên Tuân, người dồn cả cái buồn thời đại vào thơ, văn, Hàn Mặc Tử với hồn thơ đau thương kỳ dị… - Thời kỳ 1940- 1942: Do đại chiến thế giới lần hai, xã hội Việt Nam bước vào những năm khủng hoảng tột độ. Văn học công khai diễn ra hỗn loạn. Từ 1940 về sau thơ mới càng đi xa con đường đấu tranh cách mạng. Trong khi đọc 1 Câu 1 (trang 76, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Xác định ngôi kể và điểm nhìn của truyện Phương pháp giải: Đọc toàn bài, chú ý xưng hô giữa các nhân vật. Lời giải chi tiết: Truyện được viết theo ngôi thứ 3 với góc nhìn của một người đứng ngoài cuộc theo dõi toàn bộ động thái của các nhân vật trong truyện. Trong khi đọc 2 Câu 2 (trang 77, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Chú ý cách nhà văn giới thiệu Huấn Cao. Phương pháp giải: Chú ý lời hỏi của viên quan coi ngục. Lời giải chi tiết: Lời giới thiệu về nhân vật Huấn Cao qua lời hỏi của viên quan coi ngục khi tiếp nhận danh sách phạm nhân. Tuy nhiên, không phải là hỏi về tội trạng mà hỏi có phải người có tài năng viết nhanh đẹp. Trong khi đọc 3 Câu 3 (trang 78, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Chú ý những từ ngữ chỉ không gian, thời gian trong truyện. Phương pháp giải: Đọc đoạn văn miêu tả khung cảnh dưới ngục. Lời giải chi tiết: + Trại giam tối om + Thu không + Trời tối mịt + Tiếng kiểng, tiếng chó sủa ma… → Không gian trong ngục vào lúc tối cùng với nhiều tiếng kêu xung quanh. Trong khi đọc 4 Câu 4 (trang 79, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Ấn tượng của em về hình ảnh nhân vật quản ngục là gì? Phương pháp giải: Đọc đoạn văn miêu tả nhân vật quản ngục về ngoại hình. Lời giải chi tiết: + Đầu đã điểm hoa râm + Râu đã ngả màu + Mặt nước ao xuân, kín đáo, êm nhẹ. → Nhân vật viên quản ngục được khắc họa là người đàn ông đã có tuổi, mái tóc đã có tóc trắng, râu ngả màu. Trong khi đọc 5 Câu 5 (trang 80, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Huấn Cao có những hành động, cử chỉ, lời nói như thế nào? Phương pháp giải: Đọc đoạn đầu phần 2 để tìm ra những hành động, cử chỉ, lời nói. Lời giải chi tiết: Khi xuất hiện, Huấn Cao đứng đầu gông, quay lại bảo các đồng chí khác là "Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi." Và khi bị tên lính nói lời coi thường, ông chỉ lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. → Huấn Cao không để ý việc mình bị bắt, ông vẫn để lộ phong thái của một kẻ "sĩ". Trong khi đọc 6 Câu 6 (trang 79, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Vì sao quản ngục đối xử đặc biệt với Huấn Cao? Phương pháp giải: Đọc đoạn đầu phần 2, chú ý những hành động cử chỉ của viên quản ngục với Huấn Cao. Lời giải chi tiết: - Viên quản ngục nhìn phạm nhân trong đó có Huấn Cao với nét mặt hiền từ, tỏ rõ sự kiêng nể nhưng vẫn cố gắng tỏ một cách kín đáo. → Vì ông ta kiêng nể, tôn trọng tài năng của Huấn Cao. Trong khi đọc 7 Câu 7 (trang 81, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Chú ý thái độ, hành động ngôn ngữ của Huấn Cao và viên quản ngục. Phương pháp giải: Đọc đoạn cuối phần 2, chú ý hành động viên quản ngục và Huấn Cao. Lời giải chi tiết: Khi xuất hiện trực tiếp, Huấn Cao có những hành động, cử chỉ, lời nói bình thản, không hề run sợ, lo lắng mà ngược lại, tỏ rõ khí phách của mình qua hành động “dỗ gông”, “Huấn Cao lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt.” Trong khi đọc 8 Câu 8 (trang 82, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Quản ngục mong muốn điều gì? Vì sao ông lại có mong muốn đó? Phương pháp giải: Đọc đoạn cuối phần 2, chú ý hành động mong muốn của viên quản ngục với Huấn Cao. Nhớ lại những chi tiết bên trên để giải thích được lí do. Lời giải chi tiết: - Quản ngục mong ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết để ông có thể xin chữ của ông Huấn Cao. - Vì cái sở nguyện của viên quản ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Bởi chữ ông Huấn Cao rất đẹp. Có được chữ của ông Huấn Cao đó là báu vật của đời. Trong khi đọc 9 Câu 9 (trang 83, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Vì sao Huấn Cao đồng ý cho chữ viên quản ngục? Phương pháp giải: Đọc đoạn đầu phần 3, chú ý câu trả lời với thầy thơ lại để chuyển lời cho viên quản ngục. Lời giải chi tiết: Vì ông Huấn Cao cảm nhận được tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quan quản ngục. Ông ấy đã biết viên quan quản ngục có sở thích cao quý và cảm thấy thiếu chút nữa đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Trong khi đọc 10 Câu 10 (trang 83, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Cảnh cho chữ diễn ra trong không gian, thời gian như thế nào? Phương pháp giải: Đọc đoạn giữa phần 3, chú ý những từ ngữ chỉ không gian, thời gian. Lời giải chi tiết: - Cảnh cho chữ diễn ra trong khoảng thời gian đêm khuya: “Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. - Không gian: Cảnh cho chữ thiêng liêng lại được diễn ra trong cảnh u ám của ngục tối. Bối cảnh được khắc họa trên nền đất ẩm thấp, mùi hôi của gián, chuột… Trong khi đọc 11 Câu 11 (trang 83, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Tư thế của các nhân vật được tác giả miêu tả như thế nào? Phương pháp giải: Đọc đoạn cuối phần 3, chú ý những con người, từ ngữ chỉ hình dáng của những người tham gia vào khung cảnh cho chữ. Lời giải chi tiết: - Ông Huấn Cao cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. - Viên quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. - Thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. - Khung cảnh lạ lùng khi người tử tù lại mang dáng vẻ tự tin, hiên ngang còn viên coi ngục và thầy thơ lại vốn được biết đến là những người có uy quyền nhất trong nhà tù lại đang khúm núm, hầu bên cạnh. Sau khi đọc 1 Câu 1 (trang 84, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Tác phẩm Chữ người tử tù kể câu chuyện gì? Em có nhận xét gì về không gian, thời gian của câu chuyện đó? Phương pháp giải: Đọc toàn bài, chú ý những tình huống và từ ngữ chỉ không gian, thời gian. Lời giải chi tiết: - Truyện xoay quanh hai nhân vật đó là Huấn Cao và viên quản ngục với cảnh cho chữ chưa từng có. + Cảnh cho chữ diễn ra trong khoảng thời gian Đêm khuya. + Không gian: Cảnh cho chữ thiêng liêng lại được diễn ra trong cảnh u ám của ngục tối. Bối cảnh được khắc họa trên nền đất ẩm thấp, mùi hôi của gián, chuột… → Cảnh tượng cho chữ đó diễn ra trong một không gian chật hẹp, đầy mùi ẩm mốc, tối tăm của ngục tù. Thế nhưng ý nghĩa của nó lại vô cùng cao quý. Sau khi đọc 2 Câu 2 (trang 84, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Xác định tình huống truyện và vai trò, vị trí của các nhân vật trong tác phẩm. Tình huống ấy có tác dụng gì trong việc thể hiện đặc điểm của các nhân vật và tạo nên kịch tính cho câu chuyện? Phương pháp giải: Đọc toàn bài, chú ý những tình huống và các nhân vật, vị trí vai trò. Lời giải chi tiết: - Tình huống truyện: Khung cảnh cho chữ chưa từng có. - Vị trí: Hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục, bình diện xã hội đối lập nhau. Một người là tử tù một người là quan quản ngục - đại diện cho trật tự xã hội. Ở họ có chung tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp nên họ trở thành tri kỷ, tri âm của nhau. → Tạo dựng tình huống éo le khi để họ gặp nhau giữa chốn ngục tù, tối tăm nhơ bẩn, tác giả tạo nên cuộc kỳ ngộ đáng nhớ và kì lạ. - Tác dụng: + Làm nổi bật trọn vẹn vẻ đẹp về nhân cách, tài năng của Huấn Cao. + Làm sáng tỏ tấm lòng “biệt nhỡn nhân tài” của quản ngục. + Chủ đề tác phẩm từ đó cũng được thể hiện. Sau khi đọc 3 Câu 3 (trang 84, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Nêu cảm nhận của em về nhân vật Huấn Cao. Phương pháp giải: Đọc toàn bài, chú ý cách giới thiệu về Huấn Cao, những cử chỉ, hành động của Huấn Cao khi trong tù. Lời giải chi tiết: Huấn Cao là một con người rất tài hoa, văn võ song toàn. Ông là người nổi tiếng có tài viết chữ đẹp, “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”, thiên hạ truyền rằng “có được chữ Huấn Cao mà treo là có một báu vật trên đời”. Huấn Cao là người có khí phách hiên ngang, không khuất phục trước uy quyền bạo lực. Sau khi đọc 4 Câu 4 (trang 84, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Nhân vật viên quản ngục đẻ lại cho em những suy nghĩ gì? Vì sao nhân vật này được coi là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”? Phương pháp giải: Đọc toàn bài, nêu cảm nhận cá nhân và giải thích được lí do. Lời giải chi tiết: - Suy nghĩ về nhân vật viên quản ngục: có sự vận động của tính cách: từng là người tử tế, biết yêu cái đẹp, nhưng ra vào chỗ tối tăm, đã bị hoen ố đi nhiều. Giờ đây gặp được Huấn Cao - người mà viên quản ngục khát khao được gặp, lòng yêu cái đẹp sống dậy, mãnh liệt đến bất chấp cả tính mạng. - Nhân vật này được coi là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”: + Viên quản ngục có tấm lòng biệt nhỡn liên tài. + Sự khát khao và trân trọng cái đẹp. Sau khi đọc 5 Câu 5 (trang 84, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Phân tích cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục và nêu nhận xét của em về cảnh tượng ấy. Phương pháp giải: Đọc đoạn cuối phần 3, phân tích cụ thể về không gian, thời gian, tư thế mọi người. Đưa ra nhận xét. Lời giải chi tiết: + Việc cho chữ - hoạt động nghệ thuật thanh cao diễn ra trong căn buồng tối tăm, chật hẹp, ẩm ướt, hôi hám. + Cái đẹp tỏa sáng, người nghệ sĩ tô từng nét chữ không phải người được tự do mà là kẻ tử tù. + Hình tượng người tử tù uy nghi, cao đẹp >< quản ngục, thơ lại là kẻ tự do + Trật tự trong nhà tù bị đảo ngược: Người tù ban phát cái đẹp, răn dạy quản ngục còn quản ngục khúm núm, hầu hạ bên cạnh. → Sự chiến thắng của thiện lương, của ánh sáng nghệ thuật chân chính. Tô đậm nhân cách thanh cao, ngang tàng của Huấn Cao. Sau khi đọc 6 Câu 6 (trang 84, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Đối lập là biện pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong các tác phẩm lãng mạn. Hãy chỉ ra các biểu hiện và phân tích tác dụng của biện pháp đó trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Phương pháp giải: Gợi nhớ lại kiến thức về biện pháp đối lập. Chỉ ra sự xuất hiện trong tác phẩm và phân tích tác dụng về hình thức và đối với nội dung ý nghĩa tác phẩm. Lời giải chi tiết: - Đối lập: + Nhan đề đã xuất hiện sự đối lập: “Người tử tù” là đại diện của cái xấu, cái ác, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Nhưng lại là “Chữ người tử tù”, chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra tình huống truyện éo le, gợi dậy sự tò mò của người đọc. + Vị thế xã hội của hai nhân vật. Huấn Cao kẻ tử tù, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam, đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và trân trọng cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. + Cảnh cho chữ: là ở không gian tặng chữ. Việc cho chữ là một việc cao quý thường diễn ra trong không khí trang nghiêm, trang trọng nhưng trong câu chuyện này, nó lại diễn ra trong một căn ngục tối tăm, ẩm thấp. Tư thế cho chữ: Huấn Cao trang nghiêm uy nghi, viên quản ngục; thầy thơ lại khúm núm, hầu hạ. - Tác dụng: Qua sự đối lập này đã làm nổi bật hơn giá trị của con chữ, của những con người tôn trọng cái đẹp, cái tài. Đồng thời làm cho tác phẩm giàu sức gợi hình gợi cảm, tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Sau khi đọc 7 Câu 7 (trang 84, SGK Ngữ Văn 11, tập một): Điều em tâm đắc nhất sau khi đọc truyện Chữ người tử tù là gì? Theo em, qua tác phẩm, nhà văn Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm về “chữ” và “thú chơi chữ" như thế nào? Phương pháp giải: Đọc lại toàn bộ tác phẩm, nêu được chủ đề chính và phục của tác phẩm. Đưa ra quan niệm của tác giả về “chữ” và “thú chơi chữ". Lời giải chi tiết: - Điều tâm đắc: Quan niệm về cái đẹp và cái thiện của nhà văn Nguyễn Tuân: Cái đẹp không thể chung sống lẫn lộn với cái xấu, cái ác. - Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống. Chữ là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh, ngợi ca. Những người chơi chữ là những người yêu cái đẹp và cao quý không phân biệt họ có địa vị gì trong xã hội.
|