Ôn tập chủ đề 6 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 - Chân trời sáng tạo

Quan sát bạn học sinh đang chạy ở hình bên và thực hiện các yêu cầu sau: a) Cho biết các cơ quan được đánh số từ 1 đến 5 thuộc hệ cơ quan nào. b) Trình bày hoạt động của từng hệ cơ quan và sự phối hợp của chúng khi bạn học sinh đang chạy.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

CH 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Quan sát bạn học sinh đang chạy ở hình bên và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Cho biết các cơ quan được đánh số từ 1 đến 5 thuộc hệ cơ quan nào.

b) Trình bày hoạt động của từng hệ cơ quan và sự phối hợp của chúng khi bạn học sinh đang chạy.

Quan sát bạn học sinh đang chạy ở hình bên và thực hiện các yêu cầu sau

Phương pháp giải:

Quan sát hình trên

Lời giải chi tiết:

a) 

STT

Cơ quan

Hệ cơ quan

1

Não bộ

Hệ thần kinh

2

Phổi

Hệ hô hấp/ hệ bài tiết

3

Tim

Hệ tuần hoàn

4

Gan/ túi mật

Hệ tiêu hóa/ hệ bài tiết (Gan vừa thuộc hệ tiêu hóa vừa thuộc hệ bài tiết)

5

Cơ và xương

Hệ vận động

b) Hoạt động của từng hệ cơ quan và sự phối hợp của chúng khi bạn học sinh đang chạy: 

- Khi chạy, hệ vận động tăng cường hoạt động dẫn đến hệ tuần hoàn cũng tăng cường hoạt động hơn để cung cấp đủ oxygen và các chất dinh dưỡng cho các cơ quan hoạt động; hoạt động của hệ hô hấp cũng tăng lên để đáp ứng nhu cầu trao đổi khí liên tục của cơ thể; da thuộc hệ bài tiết tăng cường tiết mồ hôi, giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt; hệ thần kinh tăng cường hoạt động để điều khiển, điều hòa và phối hợp các hệ cơ quan nhằm thực hiện hoạt động chạy.

CH 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Vì sao ở người già, xương giòn và dễ bị gãy?

Phương pháp giải:

Dựa vào cấu tạo của xương.

Lời giải chi tiết:

Xương được cấu tạo từ hai thành phần là chất hữu cơ và chất vô cơ, trong đó chất vô cơ (chủ yếu nhất là calcium) làm cho xương cứng chắc còn chất hữu cơ giúp xương có tính mềm dẻo. Ở người già, tỉ lệ chất vô cơ tăng dần lên và tỉ lệ chất hữu cơ giảm xuống khiến cho xương giòn và dễ gãy.

CH 3

Trả lời câu hỏi 3 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Hãy tìm hiểu và chia sẻ trước lớp về 10 nguyên tắc vàng (theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO) cần thực hiện trong quá trình chế biến thức ăn.

Phương pháp giải:

Tìm hiểu qua sách báo, internet.

Lời giải chi tiết:

10 nguyên tắc vàng (theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO) cần thực hiện trong quá trình chế biến thức ăn:

1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.

2. Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.

 

3. Ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.

4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại.

6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

9.  Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

CH 4

Trả lời câu hỏi 4 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Giải thích tại sao máu ở tĩnh mạch phổi lại giàu khí oxygen hơn máu ở tĩnh mạch chủ

Phương pháp giải:

Dựa vào quá trình trao đổi khí.

Lời giải chi tiết:

Máu ở tĩnh mạch phổi giàu khí oxygen hơn máu ở tĩnh mạch chủ vì: Tĩnh mạch phổi chứa máu vừa nhận oxygen và thải carbon dioxide (máu giàu oxygen) từ quá trình trao đổi khí ở phổi để vận chuyển về tim. Trong khi đó, tĩnh mạch chủ chứa máu vừa nhận carbon dioxide và thải oxygen (máu nghèo oxygen) từ quá trình trao đổi khí ở tế bào để vận chuyển về tim.

CH 5

Trả lời câu hỏi 5 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Một gia đình có bố nhóm máu O, mẹ nhóm máu AB, hỏi các con của họ có thể có nhóm máu O hoặc AB không? Vì sao?

Phương pháp giải:

Lý thuyết về nhóm máu.

Lời giải chi tiết:

Các con của họ không thể có nhóm máu O hoặc AB. Vì 

- Bố có nhóm máu O, không có kháng nguyên trên hồng cầu và có cả kháng thể α và β trong huyết tương → Bố không truyền cho con kháng nguyên nào nhưng có thể truyền cho con kháng thể α hoặc β.

- Trong khi đó mẹ có nhóm máu AB, có cả kháng nguyên A và B trên hồng cầu nhưng không có kháng thể trong huyết tương → Mẹ có thể truyền kháng nguyên A hoặc B cho con nhưng không truyền kháng thể cho con.

→ Do đó, con họ không thể có nhóm máu O – nhóm máu không có kháng nguyên vì mẹ luôn truyền cho con kháng nguyên A hoặc B. Con họ cũng không thể có nhóm máu AB – nhóm máu không có kháng thể vì bố luôn truyền cho con kháng thể α hoặc β.

CH 6

Trả lời câu hỏi 6 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

HIV là nguyên nhân gây ra bệnh AIDS. Chúng gây nhiễm ngay trên tế bào bạch cầu lympho T, làm rối loạn chức năng của tế bào dẫn tới hội chứng suy giảm miễn dịch. Người nhiễm HIV thường chết bởi các bệnh cơ hội do nhiều loại virus, vi khuẩn gây nên.

a) Tại sao người nhiễm HIV lại mất khả năng miễn dịch đối với nhiều loại virus, vi khuẩn?

b) AIDS là bệnh có thể phòng tránh được nhờ tiêm phòng vaccine không? Tại sao?

Phương pháp giải:

Dựa vào lí thuyết về HIV/AIDS.

Lời giải chi tiết:

a) Người nhiễm HIV mất khả năng miễn dịch đối với nhiều loại virus, vi khuẩn vì virus HIV gây nhiễm ngay trên tế bào bạch cầu lympho T, làm rối loạn chức năng của tế bào, mà tế bào lympho T có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch → Làm suy giảm miễn dịch, cơ thể mất khả năng miễn dịch đối với nhiều loại virus, vi khuẩn.

b) AIDS là bệnh không thể phòng tránh được nhờ tiêm phòng vaccine vì: Bệnh AIDS là do virus HIV gây ra, mà virus này có khả năng tạo ra nhiều biến thể mới một cách nhanh chóng gây khó khăn cho việc chế tạo vaccine. Do đó, hiện nay chưa có vaccine phòng chống virus HIV.

CH 7

Trả lời câu hỏi 7 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Bằng kiến thức đã học về hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, hãy giải thích câu nói: Nếu chỉ cần ngừng thở 3 – 5 phút thì máu qua phổi sẽ không có khí oxygen để nhận.

Phương pháp giải:

Bằng kiến thức đã học về hệ hô hấp và hệ tuần hoàn

Lời giải chi tiết:

Nếu chỉ cần ngừng hô hấp 3 – 5 phút thì máu qua phổi sẽ không có khí oxygen để nhận vì: Trong 3 – 5 phút ngừng thở, không khí trong phổi sẽ ngừng lưu thông. Trong khi đó, máu không ngừng lưu thông qua các mao mạch ở phổi để thực hiện trao đổi khí (lấy oxygen và thải carbon dioxide) ở phổi. Điều này khiến nồng độ oxygen trong không khí ở phổi liên tục giảm thấp. Kết quả dẫn đến nồng độ oxygen trong không khí ở phổi không đủ áp lực để khuếch tán vào máu.

CH 8

Trả lời câu hỏi 8 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Để có được một hệ bài tiết nước tiểu khỏe mạnh, em đã có thói quen nào tốt, thói quen nào chưa tốt?

Phương pháp giải:

Liệt kê thói quen tốt và chưa tốt của em.

Lời giải chi tiết:

Gợi ý các thói quen tốt và thói quen chưa tốt:

- Thói quen tốt để có hệ bài tiết nước tiểu khỏe mạnh:

+ Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lí: hạn chế thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối, hạn chế uống nước giải khát có gas.

+ Uống đủ nước theo nhu cầu và thể trạng cơ thể.

+ Rèn luyện thể dục, thể thao phù hợp.

+ Cần tiểu tiện khi buồn tiểu, hạn chế tối đa việc nhịn tiểu.

+ Thường xuyên giữ vệ sinh cho cơ thể và hệ bài tiết nước tiểu.

+ Không ăn thức ăn ôi thiu và nhiễm chất độc hại.

+ Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

+ Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, tránh tiếp xúc với mầm bệnh.

- Thói quen chưa tốt:

+ Ăn quá mặn, quá chua, nhiều đường.

+ Không uống đủ nước.

+ Nhịn đi tiểu khi buồn tiểu.

+ Không giữ vệ sinh hệ bài tiết nước tiểu.

+ Chưa thực hiện khám sức khỏe định kì.

CH 9

Trả lời câu hỏi 9 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Hai bạn A và B tranh luận, A cho rằng vào thời điểm trước bữa ăn (nồng độ glucose trong máu thấp hơn so với sau khi ăn no), nồng độ insulin cao hơn sau khi ăn no; bạn B lại cho rằng nồng độ insulin trước bữa ăn thấp hơn sau khi ăn no. Theo em, ý kiến của bạn nào đúng? Giải thích

Phương pháp giải:

Học sinh tự nêu ý kiến của bản thân.

Lời giải chi tiết:

Ý kiến của bạn B là đúng. Vì sau khi ăn, nồng độ glucose trong máu tăng lên, kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin, giúp tế bào cơ thể tăng nhận glucose, gan tăng nhận và chuyển hóa glucose thành dạng glycogen dự trữ, nhằm đưa nồng độ glucose trong máu giảm xuống mức bình thường. Kết quả nồng độ insulin sau khi ăn no cao hơn trước bữa ăn.

CH 10

Trả lời câu hỏi 10 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Khi đang đi bộ trên đường, nếu vô tình giẫm phải đinh hoặc gai nhọn thì chúng ta có phản ứng như thế nào? Theo em, hệ cơ quan nào đã điều khiển phản ứng này của cơ thể?

Phương pháp giải:

Dựa vào lý thuyết hệ thần kinh và giác quan.

Lời giải chi tiết:

- Khi đang đi bộ trên đường, nếu vô tình giẫm phải đinh hoặc gai nhọn chúng ta có phản ứng rụt chân lên nhanh và kêu đau. 

- Phản ứng trên là một phản xạ của cơ thể trước tác nhân kích thích từ môi trường → Hệ cơ quan điều khiển phản ứng này của cơ thể là hệ thần kinh.

CH 11

Trả lời câu hỏi 11 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Hãy giải thích:

a) Vì sao không nên đọc sách nơi thiếu ánh sáng hoặc trên tàu, xe bị xóc?

b) Vì sao không nên sử dụng tai nghe thường xuyên với âm lượng lớn?

Phương pháp giải:

Vận dụng lý thuyết về hệ thần kinh và giác quan

Lời giải chi tiết:

a) Không nên đọc sách nơi thiếu ánh sáng hoặc tên tàu, xe bị xóc vì: Đọc sách ở nơi thiếu ánh sáng khiến cho mắt phải liên tục điều tiết nhiều để nhìn rõ hình ảnh, chữ trên sách; đọc sách trên tàu xe bị xóc khiến khoảng cách giữa mắt và sách luôn thay đổi cũng khiến mắt phải liên tục điều tiết. Điều này dẫn đến làm mắt nhức mỏi, giảm khả năng hoạt động và làm tăng nguy cơ mắc các tật về mắt như cận thị hoặc viễn thị.

b) Không nên sử dụng tai nghe thường xuyên với âm lượng lớn vì: Âm thanh với cường độ cao thường xuyên có thể làm tổn thương các tế bào cảm thụ âm thanh nằm ở ốc tai. Khi các tế bào cảm thụ âm thanh bị tổn thương, tùy mức độ tổn thương, sẽ hạn chế hoặc làm mất khả năng hình thành xung thần kinh để truyền tới trung khu thính giác, dẫn đến việc cảm nhận âm thanh bị hạn chế (giảm thính lực). Ngoài ra, đeo tai nghe thường xuyên với âm lượng lớn có thể làm tăng áp lực lên ống tai gây ảnh hưởng đến chức năng tiền đình trong tai dẫn đến đau đầu, chóng mặt.

CH 12

Trả lời câu hỏi 12 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Tìm hiểu và cho biết tại sao trong khẩu phần ăn thiếu iodine sẽ làm cho trẻ chịu lạnh kém, trí tuệ kém phát triển. Từ đó, cho biết ý nghĩa của cuộc vận động Toàn dân mua và sử dụng muối iodine (02/11).

Phương pháp giải:

Tìm hiểu qua sách báo, internet,...

Lời giải chi tiết:

 

- Khẩu phần ăn thiếu iodine sẽ làm cho trẻ chịu lạnh kém, trí tuệ kém phát triển vì iodine là thành phần chính cấu tạo nên hormone thyroxine – hormone do tuyến giáp tiết ra có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong tế bào. Do đó, trong khẩu phần ăn thiếu iodine làm giảm quá trình trao đổi chất, giảm sinh nhiệt dẫn đến trẻ chịu lạnh kém và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương dẫn đến trí tuệ kém phát triển.

- Ý nghĩa của cuộc vận động “Toàn dân mua và sử dụng muối iodine (02/11)”: Nhằm vận động người dân dùng muối iodine để cung cấp đủ lượng iodine cho cơ thể, từ đó giúp ngăn chặn các bệnh tật như bệnh bướu cổ, giảm sút trí tuệ,…

CH 13

Trả lời câu hỏi 13 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Giải thích cơ sở khoa học của câu nói: “Trời nóng chóng khát, trời mát chóng đói”

Phương pháp giải:

Học sinh giải thích dựa vào lý thuyết chủ đề 6.

Lời giải chi tiết:

Cơ sở khoa học của câu nói: “Trời nóng chóng khát, trời mát chóng đói”:

- Khi trời nóng, cơ thể cần hạ bớt thân nhiệt → Cơ thể tăng tỏa nhiệt nhờ hoạt động thải nước qua tiết mồ hôi để mang theo nhiệt thải ra ngoài → Cơ thể cần nhiều nước (chóng khát) để bù đắp lượng nước đã mất đi.

- Khi trời mát, cơ thể cần nhiều nhiệt để bù đắp cho lượng nhiệt đã mất đi vào môi trường

→ Cơ thể cần nhiều thức ăn (chóng đói) để biến đổi thành chất dinh dưỡng nhằm cung cấp vật chất cho quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng để tăng sinh nhiệt.

CH 14

Trả lời câu hỏi 14 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Khi một người phụ nữ không thấy xuất hiện kinh nguyệt nữa, hãy dự đoán những nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng trên.

Phương pháp giải:

Dựa vào chu kì kinh nguyệt.

Lời giải chi tiết:

Dự đoán những nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng người phụ nữ không thấy xuất hiện kinh nguyệt nữa:

- Do người đó đang mang thai.

- Do các bệnh lý hoặc rối loạn nội tiết tố.

- Do người này bước sang giai đoạn mãn kinh (tuổi không còn khả năng sinh sản).

CH 15

Trả lời câu hỏi 15 trang 198 SGK Khoa học tự nhiên 8 Chân trời sáng tạo

Mang thai ngoài ý muốn có thể gây ra những hậu quả gì?

Phương pháp giải:

Lý thuyết bảo vệ hệ sinh dục.

Lời giải chi tiết:

Mang thai ngoài ý muốn có thể gây ra những hậu quả sau: 

- Đối với người mẹ: 

+ Mang thai ngoài ý muốn gây cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và định hướng tương lai của người phụ nữ. 

+ Nếu mang thai ở tuổi vị thành niên – khi cơ thể chưa phát triển chưa hoàn thiện có thể dẫn đến các biến chứng như sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, băng huyết,... làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ.

+ Việc mang thai ngoài ý muốn có thể dẫn đến người mẹ nạo phá thai khiến người mẹ phải chịu những tổn thương nặng nề về tâm lí và sức khỏe do những biến chứng do nạo phá thai gây ra như viêm nhiễm phần phụ; sót nhau; băng huyết; tổn thương tử cung, âm đạo, vòi trứng dẫn đến vô sinh;…

- Đối với thai nhi:

+ Do sức khỏe và tâm lí người mẹ không ổn định nên dễ dẫn đến thai nhi bị chết lưu, đẻ non hoặc được sinh ra thì thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc nhiều bệnh tật,...

+ Thiếu điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất, bị tổn thương tình cảm,...

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close