Đề số 1 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi giữa học kì 1) – Tiếng Việt 4

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 1 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 4

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. KIỂM TRA ĐỌC:

I. Đọc thành tiếng:

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:

CHIẾC VÒNG ĐEO TAY

Từ lâu, Hằng ao ước có một chiếc vòng đeo tay. Chị Diệu bên hàng xóm có một chiếc vòng màu trắng ngà rất đẹp. Chị bảo: “Nếu em thích, chị để cho. Mười ngàn đấy!”. Nhưng tiền Hằng để dành mới được ba ngàn... Chiều ấy, mẹ đưa Hằng tờ mười ngàn gấp đôi, bảo Hằng mang trả bác Liên bán rau. Trên đường đi, Hằng gặp chị Diệu. Chị hỏi Hằng có tiền mua vòng chưa.  Hằng thò tay vào túi mân mê đồng tiền mẹ đưa. Lạ chưa? Hình như có hai tờ chứ không phải một. Hằng lấy ra xem thì đúng là hai tờ mười ngàn. Thì ra hai tờ tiền kẹp díp mà mẹ không biết. Thấy vậy, chị Diệu nhón lấy một tờ rồi giúi vào tay Hằng chiếc vòng.

Đã có chiếc vòng như mong ước nhưng Hằng lại cảm thấy bứt rứt. Mẹ làm việc suốt ngày, kiếm được từng đồng để nuôi chị em Hằng. Thế mà...

Tối ấy, Hằng đặt chiếc vòng vào tay mẹ, mếu máo: “Mẹ tha lỗi cho con...”, rồi kể mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ cầm chiếc vòng lên xem, ôn tồn bảo: “Lần sau, con thích gì thì bảo mẹ mua. Đừng làm thế nhé!”. Nghe mẹ nói vậy, Hằng thở phào nhẹ nhõm. Đêm ấy, cô bé đã ngủ một giấc thật ngon lành.

Theo Phong Thu                                                                                                                   

Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất.

1. Hằng ao ước chiếc vòng đeo tay và đã có được nó bằng cách nào?

A. Hằng mua bằng số tiền mẹ đưa thừa.

B.  Mẹ đã mua cho Hằng.

C.  Mẹ cho Hằng tiền mua.

2. Khi có được chiếc vòng rồi, vì sao Hằng lại bứt rứt?

A. Vì Hằng không còn thích chiếc vòng nữa.

B. Vì Hằng thấy tiếc tiền, không muốn mua nữa.

C. Vì Hằng thương mẹ, ân hận vì đã nói dối mẹ.

3. Hằng đã làm gì sau đó?

A. Không đeo chiếc vòng nữa.

B. Đưa vòng cho mẹ và kể lại mọi chuyện.

C. Trả chiếc vòng cho chị Diệu, lấy lại tiền.

4. Vì sao cuối cùng Hằng cảm thấy lòng nhẹ nhõm?

A. Vì Hằng rất hài lòng với chiếc vòng.

B. Vì mẹ đã đồng ý cho Hằng mua vòng.

C. Vì Hằng đã nói thật với mẹ.

5. Câu chuyện muốn nói với em điều gì?

A. Sống trung thực sẽ vui vẻ, thanh thản.

B. Các bạn gái rất thích đồ trang sức.

C. Hãy mua những gì mình yêu thích.

6. Dòng nào dưới đây chỉ gồm những từ láy?

A. ao ước, mếu máo, ngon lành, nhẹ nhõm

B. mân mê, mong ước, nhẹ nhõm, mếu máo

C. bứt rứt, mếu máo, ôn tồn, nhẹ nhõm.

7. Trong câu: “Tối ấy, Hằng đặt chiếc vòng vào tay mẹ, mếu máo: “Mẹ tha lỗi cho con...rồi kể mọi chuyện cho mẹ nghe” dấu hai chấm dùng phối hợp với dấu ngoặc kép có tác dụng gì?

A.  Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

B.  Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của một nhân vật.

C.  Báo hiệu những từ ngữ đứng sau được dùng với ý nghĩa đặc biệt.

8. Trong câu “Hằng đặt chiếc vòng vào tay mẹ” có?

A.  Hai danh từ chung.

B.  Ba danh từ chung.

C. Bốn danh từ chung.

B. KIỂM TRA VIẾT:

I. Chính tả: Nghe – viết. 

II. Tập làm văn: (VDC) Viết đoạn văn về một nhân vật yêu thích trong câu chuyện em đã được nghe kể

Gợi ý:

Câu chuyện em đã được nghe kể là gì?

Em thích nhất nhân vật nào trong câu chuyện đó?

Em thích nhất điều gì ở nhân vật đó?

Em có suy nghĩ, cảm xúc về nhân vật?

Đáp án

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

1.A

2.C

3.B

4.C

5.A

6.C

7.B

8.B

A. KIỂM TRA ĐỌC

I. Đọc thành tiếng.

II. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:

1.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Cách giải:

Phương án đúng: Hằng mua bằng số tiền mẹ đưa thừa.

Chọn A.

2.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Cách giải:

Phương án đúng: Vì Hằng thương mẹ, ân hận vì đã nói dối mẹ.

Chọn C.

3.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Cách giải:

Phương án đúng: Đưa vòng cho mẹ và kể lại mọi chuyện.

Chọn B.

4.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và phân tích

Cách giải:

Phương án đúng: Vì Hằng đã nói thật với mẹ.

Chọn C.

5.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và phân tích

Cách giải:

Phương án đúng: Sống trung thực sẽ vui vẻ, thanh thản.

Chọn A.

6.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Từ láy.

Cách giải:

Phương án đúng: bứt rứt, mếu máo, ôn tồn, nhẹ nhõm.

Chọn C.

7.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Dấu hai chấm.

Cách giải:

Phương án đúng: Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của một nhân vật.

Chọn B.

8.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Danh từ.

Cách giải:

Phương án đúng: Ba danh từ chung.

Chọn B.

B. KIỂM TRA VIẾT

I. Chính tả. 

- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng hình thức đoạn văn.

- Không mắc các lỗi chính tả, trình bày đẹp, sạch sẽ

II. Tập làm văn.

Phương pháp: căn cứ nội dung các bài học kể lại một nhân vật trong truyện.

Cách giải:

Bài tham khảo 1:

Em vừa được nghe cô giáo kể chuyện Cây bút thần. Trong truyện, em thích nhất là nhân vật Mã Lương. Cậu rất thích vẽ. Cậu thường xuyên tập vẽ. Một đêm, Mã Lương nằm mơ thấy một cụ già. Cậu được tặng cho một chiếc bút thần. Cậu dùng cây bút thần để giúp đỡ người nghèo và trừng trị kẻ ác. Em cảm thấy Mã Lương rất tốt bụng và dũng cảm.

Bài tham khảo 2:

Hôm qua, mẹ đã kể cho em nghe truyện cổ tích Sọ Dừa. Trong truyện, em rất ấn tượng với nhân vật Sọ Dừa. Câu vừa sinh ra đã có ngoại hình khác thường. Dù vậy, Sọ Dừa lại chăm chỉ và tốt bụng. Kết thúc truyện, Sọ Dừa được sống hạnh phúc cùng với vợ. Nhân vật này đã dạy cho em bài học về ở hiền thì sẽ gặp lành.

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close