Đề số 1 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 1 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4 Đề bài A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM) I/ Đọc thành tiếng (4 điểm) GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc. 1. Chuyện cổ tích về loài người (Trang 9 – TV4/T2) 2. Bốn anh tài (tiếp) (Trang 13 – TV4/T2) 3. Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (Trang 21 – TV4/T2) 4. Sầu riêng (Trang 34 – TV4/T2) 5. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Trang 48 – TV4/T2) 6. Đoàn thuyền đánh cá (Trang 59 – TV4/T2) 7. Khuất phục tên cướp biển (Trang 66 – TV4/T2) 8. Thắng biển (Trang 76 – TV4/T2) 9. Con sẻ (Trang 90 – TV4/T2) II/ Đọc hiểu (6 điểm) Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: HÌNH DÁNG CỦA NƯỚC Màn đêm đã buông xuống. Trong không gian yên ắng chỉ còn nghe thấy tiếng tí tách của những hạt mưa rơi. Nằm trong nhà bếp ghé mắt ra cửa sổ, anh Đũa Kều hỏi bác Tủ Gỗ. - Bác Tủ Gỗ ơi, nước thì có hình gì bác nhỉ? Không kịp để bác Tủ Gỗ lên tiếng, Cốc Nhỏ nhanh nhảu: - Tất nhiên là nước có hình chiếc cốc rồi. Anh Đũa Kều chưa bao giờ nhìn thấy nước được đựng vừa in trong những chiếc cốc xinh xắn à? Bát Sứ không đồng tình, ngúng nguẩy: - Cốc Nhỏ nói sai rồi! Nước có hình giống một chiếc bát. Mọi người vẫn đựng nước canh trong những chiếc bát mà. Chai Nhựa gần đấy cũng không chịu thua: - Nước có hình dáng giống tôi. Cô chủ nhỏ lúc nào chẳng dùng tôi để đựng nước uống. Cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt. Bác Tủ Gỗ lúc này mới lên tiếng: - Các cháu đừng cãi nhau nữa! Nước không có hình dạng cố định. Trong tự nhiên nước tồn tại ba thể: rắn, lỏng, khí. Ở thể rắn nước tồn tại dưới dạng băng. Ở thể khí nước tồn tại ở dạng hơi nước và nước chúng ta sử dụng hàng ngày để sinh hoạt là thể lỏng. Tất cả mọi người lắng nghe chăm chú và nhìn nhau gật gù: - Ô! Hóa ra là như vậy. Chúng cháu cảm ơn bác Tủ Gỗ. Lê Ngọc Huyền 1. Cốc Nhỏ, Chai Nhựa và Bát Sứ tranh cãi nhau về điều gì? (0.5 điểm) A. Tác dụng của nước. B. Hình dáng của nước. C. Mùi vị của nước. D. Màu sắc của nước
2. Ý kiến của Cốc Nhỏ, Chai Nhựa và Bát Sứ về hình dáng của nước có gì giống nhau? (0.5 điểm) A. Nước có hình chiếc cốc. B. Nước có hình cái bát. C. Nước có hình như vật chứa nó. D. Nước có hình cái chai.
3. Lời giải thích của bác Tử Gỗ giúp ba bạn Bát Sứ, Cốc Nhỏ và Chai Nhựa hiểu được điều gì về hình dáng của nước? (0.5 điểm) A. Nước không có hình dáng cố định. B. Nước có hình dáng giống với vật chứa đựng nó. C. Nước tồn tại ở thể rắn và thê lỏng và khí D. Nước tồn tại ở thể thể lỏng và thể khí.
4. Vì sao ba bạn Cốc Nhỏ, Chai Nhựa và Bát Sứ đã tranh cãi gay gắt? (0.5 điểm) A. Các bạn không giữ được bình tĩnh khi có ý kiến khác mình. B. Các bạn không nhìn sự việc từ góc nhìn của người khác. C. Các bạn không có hiểu biết đầy đủ về điều đang được bàn luận. D. Cả ba ý trên.
5. Câu “Bác Tủ Gỗ lúc này mới lên tiếng.” thuộc mẫu câu nào? (0.5 điểm) A. Ai làm gì? B. Ai là gì? C. Ai thế nào? D. Không thuộc các mẫu câu trên
6. Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì? (0.5 điểm) - Bác Tủ Gỗ ơi, nước thì có hình gì bác nhỉ? A. Đánh dấu phần chú thích trong câu. B. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại. C. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê. D. Cả ba ý trên.
7. Xác định chủ ngữ trong câu: “Cô chủ nhỏ lúc nào cũng dùng tôi để đựng nước uống.” (1 điểm)
8. Chuyển câu khiến của bác Tử Gỗ “Các cháu đừng cãi nhau nữa!” thành hai câu cầu khiến mới bằng cách sử dụng từ cầu khiến khác. (1 điểm)
9. Em hãy đặt một câu kể Ai thế nào? Để chỉ đặc điểm bên ngoài hoặc tính tình một người bạn trong lớp mà em yêu mến. (1 điểm)
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM) I/ Chính tả (4 điểm) Hoa học trò Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm của bông phượng. Hoa phượng là hoa học trò. Mùa xuân, phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e ấp, dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng cậu học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên mất màu lá phượng. Một hôm, bỗng đâu trên những cành cây, báo một tim thắm: Mùa hoa phượng bắt đầu. Đến giờ chơi, cậu học trò ngạc nhiên trông lên: Hoa nở lúc nào mà bất ngờ vậy?
II/ Tập làm văn (6 điểm) Tả chiếc cặp sách của em Lời giải chi tiết A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM) 1/Đọc thành tiếng: (4 điểm) - Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm. - Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm. - Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm. - Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm. II/ Đọc hiểu (6 điểm) 1. (0.5 điểm) B. Hình dáng của nước. 2. (0.5 điểm) C. Nước có hình như vật chứa nó. 3. (0.5 điểm) A. Nước không có hình dáng cố định. 4. (0.5 điểm) D. Cả ba ý trên. 5. (0.5 điểm) D. Cả ba ý trên. 6. (0.5 điểm) B. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại. 7. (1 điểm) Cô chủ nhỏ // lúc nào cũng dùng tôi để đựng nước uống. CN VN 8. (1 điểm) - Các cháu thôi cãi nhau đi! - Đề nghị các cháu không cãi nhau nữa! 9. (1 điểm) Gợi ý: Bạn Ngọc dịu dàng. Bạn Thắng vui tính và tốt bụng.
B. KIỂM TRA VIẾT I/ Chính tả (4 điểm) - Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm - Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm - Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm - Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm II/ Tập làm văn (6 điểm) Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau: * Về nội dung: A. Mở bài (0.75 điểm) Giới thiệu về chiếc cặp sách của em B. Thân bài (2.5 điểm) - Tả bao quát chiếc cặp sách (0.75 điểm) - Tả chi tiết từng bộ phận của chiếc cặp sách (1.25 điểm) - Tả công dụng và sự gìn giữ của em với chiếc cặp (0.5 điểm) C. Kết bài (0.75 điểm) Tình cảm của em đối với chiếc cặp sách * Về hình thức: - Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm - Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm - Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm Bài viết tham khảo: Đồ vật gần gũi và thân thuộc nhất đối với mỗi người học sinh có lẽ là chiếc cặp sách. Bước chân tung tăng tới trường ai ai cũng đều khoác trên vai chiếc cặp sách xinh xinh. Em cũng giống như vậy. Em rất yêu chiếc cặp sách của em. Đó là món quà mà mẹ tặng cho em nhân dịp năm học mới. Cũng là người bạn thân thiết của em. Chiếc cặp của em có hình hộp chữ nhật. Cặp đủ to và rộng để em có thể đem đủ sách vở cho mỗi ngày đến trường. Nó được làm bằng vải bò, chất liệu bền và không dễ bị rách. Có hai quai đeo phía sau để em có thể đeo lên vai mỗi khi tới trường. Mẹ thật tinh ý khi lựa cặp màu xanh lam cho em, đó là màu sắc mà em vô cùng yêu thích. Màu xanh là màu của niềm tin và hy vọng. Em bước vào năm học mới với biết bao kì vọng và mong mỏi gặt hái được thật nhiều thắng lợi. Phía trước cặp có thêu hình chú mèo con đáng yêu đang tung tăng trên đường. Em tuổi mèo và em cũng rất thích mèo. Mỗi lần ngắm nhìn chiếc cặp là em lại đưa tay mân mê chú mèo con xinh xinh ấy. Phía đường viền nắp cặp có màu vàng. Trên nền xanh lại có viền vàng nhìn rất nổi bật và bắt mắt.Từng mũi may được máy một cách tỉ mỉ và tinh xảo. Khóa của cặp được làm bằng sắt xi bóng nhoáng không sợ bị hoen gỉ. Mặt sau của chiếc cặp cũng là màu lam nhưng đậm hơn ở phía trước. Mẹ nói màu đậm như thế này nhìn rất sạch sẽ, dù con có lỡ dây bẩn cũng khó nhìn ra. Dây quai cặp cũng là màu xanh đậm, có lót đệm nên rất êm.Những ngày phải mang nhiều sách vở đến lớp khoác trên vai chiếc cặp em không hề cảm thấy đau một chút nào. Mở cặp ra phía bên trong cặp có ba ngăn, một ngăn chính và hai ngăn phụ.Mỗi ngăn được ngăn cách bởi một lớp vải dù , mềm và chắc. Ngăn chính em xếp sách vở ngay ngắn, gọn gàng vào. Hai ngăn phụ em để dành xếp giấy tờ và dụng cụ học tập. Bố trí khoa học như vậy nên mỗi lúc em mở cặp để tìm kiếm đồ vật gì đều không phải mất quá nhiều thời gian. Đóng nắp cặp lại em còn được nghe tiếng kêu lách tách, nghe thật sự rất vui tai. Chiếc cặp sách là một vật vô cùng hữu ích.Nó giúp em bảo quản sách vở, chứa đựng nguồn tri thức của em. Cặp đồng hành với em mỗi ngày nắng mưa tới trường. Em coi cặp giống như người bạn thân của em. Em sẽ giữ gìn thật cẩn thận để cặp luôn được bền và đẹp. HocTot.Nam.Name.Vn
|