Đề số 4 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 4 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4

Đề bài

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Đường đi Sa Pa (Trang 102 - TV4/ Tập 2)

2. Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất (Trang 114 - TV4/ Tập 2)

3. Dòng sông mặc áo (Trang 118 - TV4/ Tập 2)

4. Ăng-co Vát (Trang 123 - TV4/ Tập 2)

5. Con chuồn chuồn nước (Trang 127 - TV4/ Tập 2)

6. Vương quốc vắng nụ cười (tiếp theo) (Trang 143 - TV4/ Tập 2)

7. Con chim chiền chiện (Trang 148 - TV4/ Tập 2)

8. Ăn “mầm đá” (Trang 157 - TV4/ Tập 2)

 

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Quê ngoại

          Nắng chiều ở quê ngoại

          Óng ả vàng ngọn chanh

          Lích chích trên cành khế

          Tiếng chim trong lá xanh.

 

         Những ngày ở quê ngoại

         Tắm mát trên dòng sông

         Rất nhiều hoa cỏ lạ

         Thoang thoảng hương trên đồng.

 

         Em đi trên bờ lúa

         Lấp lánh những giọt sương

         Một ngày thật êm ả

         Hiền như cỏ ven đường.

 

         Rồi mai về thành phố

         Bao nhiêu là khói xe

         Miên man em cứ nhớ

         Quê ngoại với nắng hè.

(Theo Phạm Thanh Chương)

1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì? (0.5 điểm)

A. Thể thơ tự do

B. Thể thơ bốn chữ

C. Thể thơ năm chữ

D. Thể thơ lục bát

 

2. Bạn nhỏ trong bài thơ về quê ngoại vào mùa nào? (0.5 điểm)

A. Mùa xuân

B. Mùa hè

C. Mùa thu

D. Mùa đông

 

3. Bài thơ nhắc đến những loài cây nào ở quê ngoại? (0.5 điểm)

 Cây chanh

☐ Cây táo

☐ Cây khế

☐ Cây lúa

☐ Cây gạo

 

4. Bài thơ còn nhắc đến những sự vật nào khác ở quê ngoại? (0.5 điểm)

☐ Nắng chiều

☐ Chim chóc

☐ Đàn cá

☐ Dòng sông

☐ Hoa cỏ lạ

☐ Cánh diều

☐ Giọt sương

☐ Cỏ ven đường

 

5. Bạn nhỏ cảm nhận vẻ đẹp của quê ngoại qua những giác quan nào? (0.5 điểm)

☐ Thị giác

☐ Xúc giác

☐ Vị giác

☐ Khứu giác

 Thính giác

 

6. Nội dung chính của bài thơ là gì? (0.5 điểm)

A. Vẻ đẹp của một bản làng người dân tộc trong những ngày hè nắng đẹp.

B. Vẻ đẹp của quê ngoại trong những ngày hè mà bạn nhỏ được về chơi.

C. Tình yêu của bạn nhỏ đối với thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên

D. Kỉ niệm về một chuyến đi tham quan đáng nhớ với những người bạn của mình.

 

7. Tìm câu kể Ai là gì? trong đoạn thơ sau? (1 điểm)

Cửa sổ là mắt nhà thơ

Nhìn lên trời rộng, nhìn ra sông dài

Cửa sổ là bạn của người

Giơ lưng che cả khoảng trời gió mưa.

 

8. Tìm các trạng ngữ chỉ nơi chốn, địa điểm trong các câu sau? (1 điểm)

a. Trong rừng, cây cối đã bắt đầu đâm chồi, nảy lộc.

b. Trên đường, xe cộ đi lại tấp nập.

c. Dọc theo những con đường mới đắp, người ta nô nức đua nhau đi xem hội.

d. Trên cánh đồng, lúa đã ngả màu vàng

 

9. Xác định bộ phận chủ ngữ trong các câu sau? (1 điểm)

a. Nắng phố huyện vàng hoe.

b. Những em bé H’mông, những em bé Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hàng.

c. Từng đoàn người và ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.

d. Màu vàng trên lưng chú lấp lánh.

 

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Cây cau

Cây cau thuộc họ cau. Thân cây tròn, nổi rõ từng đốt, mấu, có cây cao trên mười mét. Tàu lá cau giống như tàu dừa, nhưng ngắn và nhỏ hơn.

Hoa cau nở thành chùm, trắng ngần, thơm dịu, thoang thoảng. Quả cau kết thành buồng, mỗi buồng có đến vài chục đến vài trăm quả. Quả cau hình trứng, có đầu nhọn, núm cau năm cánh, ôm chạt lấy quả. Vỏ cau xanh, ruột trắng ngà, bọc kín hạt cau. Hạt cau tròn, đỏ thẫm, khi bổ ra nổi rõ hoa văn rất đẹp.

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Viết bài văn tả một cây ăn quả.

Lời giải chi tiết

A. KIỂM TRA ĐỌC

I/ Đọc thành tiếng

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu

1. (0.5 điểm) C. Thể thơ năm chữ

2. (0.5 điểm) B. Mùa hè

3. (0.5 điểm)

Bài thơ nhắc tới những loài cây ở quê ngoại đó là: cây chanh, cây khế, cây lúa

4. (0.5 điểm)

Những sự vật khác được nhắc đến ở quê ngoại đó là:

- Nắng chiều

- Chim chóc

- Dòng sông

- Hoa cỏ lạ

- Giọt sương

- Cỏ ven đường

5. (0.5 điểm)

Bạn nhỏ đã cảm nhận vẻ đẹp của quê ngoại qua các giác quan là: thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác.

Thị giác (bằng mắt): màu vàng óng ả, màu xanh,

Thính giác (bằng tai): tiếng chim kêu trong cành lá xanh

Khứu giác (bằng mũi): thoang thoảng mùi thơm của cỏ lạ                          

Xúc giác (bằng tay, qua da): cảm nhận được sự mát mẻ từ dòng nước trên sông qua da.

6. (0.5 điểm) B. Vẻ đẹp của quê ngoại trong những ngày hè mà bạn nhỏ được về chơi.

Nội dung chính của bài thơ là miêu tả vẻ đẹp của quê ngoại trong những ngày hè mà bạn nhỏ được về chơi. Từ đó thấy được tình yêu, niềm vui thích của bạn nhỏ đối với quê ngoại, một vùng nông thôn tươi đẹp và thanh bình.

7. (1 điểm)

Những câu kể Ai là gì? có trong đoạn thơ đó là:

Cửa sổ là mắt nhà thơ.

Cửa sổ là bạn của người.

8. (1 điểm)

Các trạng ngữ chỉ nơi chốn được gạch chân, in đậm:

a. Trong rừng, cây cối đã bắt đầu đâm chồi, nảy lộc.

b. Trên đường, xe cộ đi lại tấp nập.

c. Dọc theo những con đường mới đắp, người ta nô nức đua nhau đi xem hội.

d. Trên cánh đồng, lúa đã ngả màu vàng.

9. (1 điểm)

Chủ ngữ là phần được gạch chân trong câu:

a. Nắng phố huyện vàng hoe.

b. Những em bé H’mông, những em bé Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hàng.

c. Từng đoàn người và ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.

d. Màu vàng trên lưng chú lấp lánh.

 

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau (4 điểm)

A. Mở bài (0.75 điểm)

Giới thiệu chung về cây ăn quả mà em muốn tả

B. Thân bài (2.5 điểm)

a. Tả bao quát

- Thân cây:

- Cành lá:

b. Tả chi tiết

- Lá mít: màu sắc, hình dáng

- Quả : phát triển qua các thời kì như thế nào

c. Công dụng, kỉ niệm về cây ăn quả đó

C. Kết bài

Tình cảm đối với cây ăn quả đó

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

 

Bài văn tả cây mít tham khảo

        Hè năm ngoái em về quê ngoại chơi và thấy cây mít ông bà trồng từ lâu đã bắt đầu sai trĩu quả trông rất thích mắt.

        Em đứng lặng ngắm cây mít. Thân cây khá to cỡ hơn một vòng tay em ôm lận. Thân màu nâu sẫm, khi đứng cạnh trông em trở nên bé nhỏ so với nó. Cành lá sum suê, vươn rộng tỏa bóng mát cả một góc vườn. Dưới gốc cây ông em còn đóng một cái xích đu be bé để dành riêng cho hai chị em em ngồi. Những ngày hè nóng nực, chỉ cần ra vườn ngồi nghỉ dưới gốc cây sẽ thấy rất mát mẻ và dễ chịu.

        Lá mít rất to, dày, xanh đậm. Mặt trước của lá sáng bóng còn mặt đằng sau thì ngược lại, xanh nhạt hơn. Từ thân cây, nảy ra những trái mít non. Lúc đầu chúng be bé màu xanh cỡ cái cốc rồi lớn dần lên đến khi có thể ăn được thì to hơn cái ấm tích của bà. Khi chín, vỏ mít chuyển màu sáng màu sậm. Nhìn bên ngoài vỏ mít sần sùi nhiều gai là thế nhưng bên trong thì vô cùng thơm ngon.

        Khi mít chín thì thơm lan tỏa khắp vườn. Mùi thơm ấy ngọt ngào len lỏi từ vườn vào trong nhà. Em háo hức lắm nên cứ giục ông ra thăm cây liền. Ông nở nụ cười thân thương rồi đến cây mít, nhẹ nhàng cắt bỏ cuống rồi ôm quả vào lòng. Ông vui lắm đấy vì cây mít ông trồng từ lâu đã có thể hái cho các cháu ăn. Bổ quả mít ra, những múi mít vàng ươm nằm xen kẽ với xơ mít trông rất hấp dẫn. Mùi thơm khi bổ tăng lên gấp bội.

      Cả nhà quây quần dưới hiên ngồi ăn mít và trò chuyện thật vui vẻ. Những múi mít ngọt đậm, thơm lừng khiến ai ăn cũng phải tấm tắc khen. Hạt mít có thể luộc hoặc rang ăn rất bùi và ngon. Vào những trưa hè đầy nắng, em rất thích nằm dưới gốc mít nghe bà kể chuyện và xem ông tỉa lá vì đã có tán lá rợp rộng tỏa bóng mát dễ chịu.

      Cây mít gắn bó với cuộc sống của ông bà em và in đậm trong kí ức của em như vậy đấy. Em mong mỗi năm lại có thể có thêm nhiều lần được về quê với ông bà, cùng ông bà ngắm nhìn sự trưởng thành từng ngày của cây mít trong vườn.

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close