Hướng dẫn quy trình viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

Xác định yêu cầu của đề bài: - Một sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử chống ngoại xâm hoặc mở mang bờ cõi đất nước, được người dân tôn vinh, thờ phụng.

1. Hướng dẫn quy trình viết

 Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

Xác định đề tài

Xác định yêu cầu của đề bài:

- Một sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử chống ngoại xâm hoặc mở mang bờ cõi đất nước, được người dân tôn vinh, thờ phụng.

- Một sự việc có thật liên quan đến nhân vật anh hùng trong kháng chiến chống Pháp chống Mỹ cứu nước.

- Một sự việc có thật liên quan đến các sự kiện, nhân vật có công đổi mới hoặc có thành tích trong lao động, sản xuất

Thu tập tư liệu

Thu thập tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau như hình ảnh, hiện vật, lời kể của người dân địa phương…)

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Để có ý tưởng cho bài viết, em cần:

- Xác định một số định hướng chung như: mối quan hệ giữa sự việc có thật và nhân vật/ sự kiện lịch sử liên quan qua các tư liệu, bằng chứng; phối hợp sử dụng các loại tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, sử dụng tranh ảnh về nhân vật hoặc hiện vật liên quan đến sự kiện/ nhân vật…

- Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.

Lập dàn ý

Em có thể dựa vào sơ đồ dưới đây để lập dàn ý chi tiết cho bài viết;

Mở bài

- Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại

- Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan

Thân bài

1. Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật/ sự kiện

- Câu chuyện, huyền thoại liên quan

- Dấu tích liên quan

2. Thuật lại nội dung/ diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử

- Bắt đầu – diễn biến – kết thúc

- Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn,…); kết hợp kể chuyện với miêu tả

3. Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/ sự kiện lịch sử

Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc

 

Bước 3: Viết bài

Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài. Riêng thân bài, cần lưu ý:

- Khi thuật lại nội dung diễn biến, cần chỉ ra mối liên hệ giữa sự việc với nhân vật/ sự kiện lịch sử qua các bằng chứng, nhân chứng, vật chứng hoặc tư liệu đáng tin cậy

- Sử dụng yếu tố miêu tả một cách hợp lí, chọn lọc (tả chân dung nhân vật, tả cảnh quan, tả vật chứng, nhân chứng,… khi cần); kết hợp kể chuyện với miêu tả một cách hài hòa, tự nhiên.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Xem lại và chỉnh sửa

Tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết.

Sau đó, đọc lại bài viết một lần nữa, bổ sung những nội dung còn thiếu và các lỗi chính tả, diễn đạt

Rút kinh nghiệm

- Việc viết bài văn này giúp em có thêm kinh nghiệm gì trong khi viết một văn bản kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử?

- Nếu được thực hiện lại bài viết này, em sẽ điều chỉnh thế nào để bài viết tốt hơn?

2. Ví dụ minh họa

Nhân dịp Tết năm Nhâm Dần, tôi đã có dịp ghé thăm Hội xuân Yên Tử ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) để dự lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an Xuân Yên Tử 2022. Đây là một trong những lễ hội truyền thống mùa xuân lớn và kéo dài nhất cả nước. Lễ hội Xuân Yên Tử được diễn ra hằng năm, bắt đầu từ ngày mùng 10 Tết âm lịch kéo dài đến khoảng 3 tháng. Vào dịp này, hàng nghìn người dân ở khắp mọi nơi đến dâng hương, tưởng nhớ Phật Hoàng Trần Nhân Tông và người dân tham gia lễ hành hương lên Yên Tử. 

Tôi được biết, Yên Tử là do Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến tu hành và sáng tạo ra Thiền phái Trúc Lâm mang đậm màu sắc dân tộc Việt. Ông là một vị vua hiền minh, đức độ và vô cùng thương yêu dân chúng.

Đến với buổi lễ dâng hương xuân Yên Tử lòng tôi có một cảm xúc bồi hồi khó tả. Nơi dâng hương bắt đầu từ vườn tháp Huệ Quang lên đến chùa Hoa Yên. Vườn tháp Huệ Quang với 64 gọn thóp và mộ với bề dày lịch sử. Sân tháp được bao quanh với những bức tường cao rộng. Vị trí trung tâm của tháp đặt tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng chất liệu cẩm thạch, trong tư thế một nhà sư ngồi thiền định, mình khoác áo cà sa hở ngực phải, các nếp áo chảy tràn ra mặt bệ tượng. Hình ảnh ấy vô cùng trang nghiêm mà cổ kính. Trong không khí trang nghiêm ấy, các vị sư thầy cùng rước lễ lên đến chùa Hoa Yên. Nơi có các nền kiến trúc mang một màu sắc rêu phong, cổ kính. Người dân bao quanh buổi lễ, các sư thầy và lãnh đạo tỉnh bắt đầu chủ trì buổi lễ. 

Trong không khí trang nghiêm ấy, bài diễn văn cầu bình an được diễn ra. Mọi người ai nấy cũng cầm một nén hương để dâng lên Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Mong năm nay sẽ là một năm an khang, nhiều may mắn, quốc thái dân an. 

Sau khi dâng hương xong, mọi người bắt đầu tản ra người đi đi ngắm cảnh xung quanh, người thì kéo nhau bắt đầu hành hương Yên Tử. Họ nô nức kéo nhau đi lên đỉnh chùa Đồng nơi có bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vô cùng Vĩ đại. 

Quả thật, công lao của Trần Nhân Tông đến nay vẫn còn lưu giữ nghìn đời. Chính vì vậy, lễ hội Xuân Yên Tử cũng là một trong những lễ hội để tưởng nhớ công lao của ông. Lễ hội Xuân Yên Tử từ lâu đã trở thành một truyền thống không thể thiếu của người dân Quảng Ninh nói riêng và người dân cả nước nói chung. Lễ hội này luôn thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close