Bài 13: Duyên Hải Nam Trung Bộ SGK lịch sử và địa lí 9 Cánh diều

Duyên hải Nam Trung Bộ là một bộ phận lãnh thổ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều tiềm năng và đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 9 tất cả các môn - Cánh diều

Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Mở đầu

Duyên hải Nam Trung Bộ là một bộ phận lãnh thổ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều tiềm năng và đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Vậy điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, sự phân bố dân cư, dân tộc của Duyên hải Nam Trung Bộ có đặc điểm gì? Các đặc điểm đó đã tạo chuyển biến như thế nào trong phát triển và phân bố kinh tế ở Duyên hải Nam Trung Bộ?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần II và phần III để chỉ ra những đặc điểm của điều kiện tự nhiên và phân bố, dân tộc của Duyên hải Nam Trung Bộ (SGK trang 160)

- Các đặc điểm đó đã tạo chuyển biến như thế nào trong phát triển và phân bố kinh tế ở Duyên hải Nam Trung Bộ.

Lời giải chi tiết:

- Đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, sự phân bố dân cư, dân tộc:

+ Điều kiện tự nhiên: địa hình, đất; khí hậu cận xích đạo; nguồn nước dồi dào; rừng có diện tích lớn; khoáng sản các loại; vùng biển rộng, nhiều đảo và quần đảo; biến đổi khí hậu, thiên tai.

+ Sự phân bố dân cư và dân tộc: dân số 9,4 triệu người, thành phần dân tộc đa dạng; dân cư tập trung đông ở đồng bằng ven biển và các đô thị, khu vực đồi núi và nông thôn dân cư thưa thớt.

- Chuyển biến trong phát triển và phân bố kinh tế:

+ Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa.

+ Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ chuyển biến tích cực, hình thành các lãnh thổ kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

? mục 1

Dựa vào thông tin và hình 13.1, hãy:

- Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của Duyên hải Nam Trung Bộ.

- Trình bày đặc điểm phạm vi lãnh thổ của Duyên hải Nam Trung Bộ.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần I. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ (SGK trang 159)

- Dựa vào hình 13.1, chỉ ra đặc điểm vị trí địa lí của Duyên hải Nam Trung Bộ và đặc điểm phạm vi lãnh thổ của Duyên hải Nam Trung Bộ.

Lời giải chi tiết:

- Đặc điểm vị trí địa lí: tiếp giáp với Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên; giáp nước Lào và vùng biển rộng lớn phía đông.

- Đặc điểm phạm vi lãnh thổ: diện tích là 44,6 nghìn km2 (chiếm 13,5% diện tích cả nước); gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng và 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Vùng biển có nhiều đảo, quần đảo, trong đó có 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa; có 4 huyện đảo: Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Phú Quý. Lãnh thổ kéo dài theo chiều bắc - nam, hẹp ngang theo chiều đông - tây, tất cả các tỉnh đều giáp biển.

? mục 2

Dựa vào thông tin và hình 13.1, hãy phân tích đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, các thế mạnh và hạn chế chính của Duyên hải Nam Trung Bộ.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (SGK trang 160)

- Dựa vào hình 13.1, chỉ ra đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, các thế mạnh và hạn chế chính của Duyên hải Nam Trung Bộ.

Lời giải chi tiết:

- Địa hình, đất: cấu trúc địa hình khá đa dạng, gồm dải đồng bằng ven biển nhỏ hẹp ở phía đông, có đất phù sa và các cồn cát ven biển; vùng đồi núi phía tây với nhiều dãy núi chạy sát ra biển tạo các vịnh biển, đất fe-ra-lit chiếm diện tích lớn => thuận lợi phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản,…

- Khí hậu mang tính chất cận xích đạo, nền nhiệt cao, số ngày nắng trong năm nhiều, có 2 mùa mưa - khô rõ rệt => thuận lợi cho phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo.

- Nguồn nước khá dồi dào với các sông: Vu Gia, Thu Bồn, Trà Khúc,…nhiều mỏ suối khoáng nóng (Hội Vân, Bình Châu, Vĩnh Hảo,…) => thích hợp xây dựng các nhà máy thủy điện, phát triển công nghiệp sản xuất đồ uống, du lịch,…

- Rừng có diện tích lớn, chiếm 16,6% diện tích cả nước, đa dạng sinh học cao với nhiều vườn quốc gia (Sông Thanh, Phước Bình, Núi Chúa), khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, khu bảo tồn thiên nhiên,… => phát triển lâm nghiệp, công nghiệp khai thác gỗ, du lịch.

- Khoáng sản có các loại: sét, cao lanh, cát thủy tinh, ti-tan => phát triển công nghiệp khai thác và cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác.

- Biển đảo: vùng biển rộng với đường bờ biển dài, nhiều đảo và quần đảo, nhiều vũng, vịnh (Dung Quất, Quy Nhơn, Cam Ranh, Vân Phong), nhiều bãi biển đẹp (Mỹ Khê, Nha Trang, Dốc Lết), nguồn lợi thủy sản phong phú với các ngư trường: Hoàng Sa, Trường Sa, Ninh Thuận - Bình Thuận,… => lợi thế lớn cho phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển.

- Hạn chế về tự nhiên: biến đổi khí hậu, thiên tai (bão, hạn hán), sa mạc hóa => ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và gây khó khăn đối với đời sống của người dân.

? mục 3

Dựa vào thông tin, hãy trình bày sự phân bố dân cư, dân tộc ở Duyên hải Nam Trung Bộ.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần III. Phân bố dân cư và dân tộc (SGK trang 161)

- Trình bày sự phân bố dân cư, dân tộc ở Duyên hải Nam Trung Bộ.

Lời giải chi tiết:

- Năm 2021, có hơn 9,4 triệu người, mật độ dân số là 211 người/km2, thấp hơn trung bình cả nước; thành phần dân tộc đa dạng: Kinh, Chăm, Ra Glai, Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Hoa, Cơ Ho, Tày,…

- Dân cư tập trung đông hơn ở đồng bằng ven biển và các đô thị, khu vực đồi núi phía tây và nông thôn dân cư thưa hơn. TP Đà Nẵng có mật độ dân số cao nhất Duyên hải Nam Trung Bộ (931 người/km2). Khu vực đồng bằng và ven biển là nơi sinh sống chủ yếu của người Kinh và một số dân tộc khác, khu vực phía tây tập trung nhiều hơn các dân tộc thiểu số.

? mục 4 1

Dựa vào thông tin, hãy phân tích những chuyển biến trong phát triển kinh tế của Duyên hải Nam Trung Bộ.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV – mục 1. Chuyển biến trong phát triển kinh tế (SGK trang 162)

- Chỉ ra những chuyển biến trong phát triển kinh tế của Duyên hải Nam Trung Bộ.

Lời giải chi tiết:

- Quy mô GDP tăng nhanh, năm 2021 chiếm 7,6% GDP cả nước.

- Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: giảm tỉ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản; tăng tỉ trọng nhóm công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển, công nghiệp năng lượng tái tạo, lọc hóa dầu,… gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững chủ quyền biển đảo.

- Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ có sự chuyển biến tích cực: hình thành các lãnh thổ kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Khu vực phía tây phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp; khu vực phía đông phát triển các khu kinh tế ven biển với nhiều ngành thế mạnh: giao thông vận tải biển, du lịch biển, lọc hóa dầu,… Hình thành các khu kinh tế ven biển tạo sự kết nối các hành lang kinh tế đông - tây, nam- bắc, tạo động lực cho vùng phát triển.

? mục 4 2

Dựa vào thông tin và hình 13.2, hãy phân tích sự phát triển của một số ngành kinh tế thế mạnh ở Duyên hải Nam Trung Bộ.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV – mục 2. Một số ngành kinh tế mạnh (SGK trang 164)

- Phân tích sự phát triển của một số ngành kinh tế thế mạnh ở Duyên hải Nam Trung Bộ.

Lời giải chi tiết:

- Kinh tế biển đảo: phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển

+ Giao thông vận tải biển: giữ vai trò quan trọng, là 1 trong 3 đầu mối giao thông chính đối với khu vực và quốc gia với nhiều cảng biển quan trọng: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định.

+ Du lịch biển đảo: ngày càng thu hút khách trong và ngoài nước, đa dạng về sản phẩm và loại hình du lịch (du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao biển,… Các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí hiện đại được đầu tư, xây dựng cọc ven biển. Các điểm du lịch nổi tiếng: Mỹ Khê, Cù Lao Chàm, Nha Trang, Mũi Né,…

+ Khai thác hải sản: tăng nhanh về sản lượng, gắn với đẩy mạnh đánh bắt xa bờ bằng tàu công suất lớn, công nghệ đánh bắt tiên tiến. Năm 2021, sản lượng hải sản khai thác chiếm 34,3% sản lượng cả nước. Các tỉnh có sản lượng khai thác lớn: Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận,…

+ Khai thác khoáng sản biển đa dạng: cát thủy tinh (Khánh Hòa), ti-tan (Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận), muối (Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận)

- Công nghiệp: giá trị sản xuất năm 2021 chiếm 5,1% cả nước.

+ Cơ cấu ngành đa dạng, ưu tiên phát triển các ngành có lợi thế, thúc đẩy các ngành công nghiệp hiện đại với những sản phẩm có thế mạnh. Các ngành công nghiệp truyền thống: cơ khí, công nghiệp đóng tàu (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định); chế biến thực phẩm và đồ uống (Phú Yên, Ninh Thuận); dệt, may và giày, dép (Đà Nẵng); nhiều ngành công nghiệp mới được đẩy mạnh phát triển: cơ khí ô tô (Quảng Nam); lọc hóa dầu, sản xuất kim loại, nhiệt điện (Quảng Ngãi); năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận).

+ Phân bố không gian công nghiệp gắn với các cảng biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, các đường quốc lộ nối với Tây Nguyên.

- Dịch vụ: chiếm 39,8% cơ cấu GDP của vùng, đa dạng các ngành:

+ Du lịch phát triển nhanh với sản phẩm đặc trưng là du lịch biển đảo và lịch sử văn hóa. Năm 2021, thu hút khoảng 11% lượt khách nội địa, từ 10 - 22% lượt khách quốc tế của cả nước. Các địa phương thu hút lượng khách lớn: Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa,…

+ Thương mại phát triển, tăng nhanh tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; sự đa dạng, hiện đại của hệ thống cung ứng hàng hóa. Năm 2021, đóng góp 9,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước, với hàng trăm siêu thị, trung tâm thương mại tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Khánh Hòa.

+ Tài chính ngân hàng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, Đà Nẵng là một trong những trung tâm tài chính lớn của cả nước.

? mục 5

Dựa vào thông tin, hãy trình bày khái quát về vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần V. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (SGK trang 165)

- Trình bày khái quát về vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Lời giải chi tiết:

- Vùng KTTĐ miền Trung được thành lập năm 1997, gồm các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; đến năm 2004 mở rộng thêm tỉnh Bình Định.

- Vùng nằm trên trục đường giao thông Bắc - Nam, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên và cửa ngõ ra biển của Lào, đông bắc Cam-pu-chia và đông bắc Thái Lan.

- Vị trí của vùng có ý nghĩa chiến lược, tạo điều kiện hình thành hành lang kinh tế quan trọng nối vùng Tây Nguyên và các nước Mi-an-ma, Thái Lan, Cam-pu-chia, Lào với tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương.

- Có sự phong phú về tài nguyên biển, di sản văn hóa, khoáng sản, rừng,…

- Các ngành thế mạnh gồm: du lịch, giao thông vận tải biển, công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống, công nghiệp dệt, may và giày, dép, khai thác thủy sản,…

Luyện tập

Hoàn thành bảng thể hiện các ngành kinh tế thế mạnh ở Duyên hải Nam Trung Bộ và lợi thế phát triển của các ngành đó theo gợi ý dưới đây vào vở ghi.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV – mục 2. Một số ngành kinh tế mạnh (SGK trang 164)

- Hoàn thành bảng thể hiện các ngành kinh tế thế mạnh ở Duyên hải Nam Trung Bộ và lợi thế phát triển của các ngành đó.

Lời giải chi tiết:

Ngành thế mạnh

Lợi thế phát triển

Kinh tế biển đảo

Vùng biển rộng, đường bờ biển dài, có nhiều đảo và quần đảo, nhiều vũng, vịnh, nhiều bãi biển đẹp, nguồn lợi thủy sản phong phú với nhiều các ngư trường.

Công nghiệp

Khí hậu cận xích đạo nền nhiệt cao nắng nhiều, nguồn nước dồi dào, các mỏ suối khoáng nóng, diện tích rừng lớn, khoáng sản đa dạng, nguồn lợi thủy sản phong phú.

Dịch vụ

Nhiều bãi biển, bãi tắm đẹp, nhiều đảo và quần đảo, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa thế giới, nhiều vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, các cảng biển.

Dân cư đông, thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Vận dụng

Tìm hiểu và viết báo cáo ngắn về một khu kinh tế ven biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ theo gợi ý dưới đây:

- Thời điểm thành lập.

- Quy mô diện tích, phạm vi lãnh thổ.

- Phân khu chức năng.

- Các ngành kinh tế chính.

- Đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (ngân sách, việc làm,…).

Phương pháp giải:

 Đọc kĩ và tìm hiểu và viết báo cáo ngắn về một khu kinh tế ven biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ

Lời giải chi tiết:

Khu kinh tế (KKT) Vân Phong là một KKT nằm bao quanh vịnh Vân Phong ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Khu này được thành lập vào năm 2006 với mục tiêu trở thành một hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là một trong ba khu kinh tế trọng điểm của cả nước.

KKT Vân Phong rộng 1500 km² trong đó phần trên biển rộng tới 800 km². Phần trên đất liền bao gồm một phần huyện Vạn Ninh và một phần thị xã Ninh Hòa.

KKT Vân Phong được chia thành 19 phân khu với tổng diện tích 75.166 ha (kể cả đất lấn biển).

+ Khu vực Bán đảo Hòn Gốm và Đảo Hòn Lớn có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 14.786ha gồm các phân khu: (1) Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn; (2) Khu du lịch Núi Khải Lương; (3)Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn; (4) Khu đô thị - du lịch Vĩnh Yên, Mũi Đá Son; (5) Khu đô thị, thương mại - dịch vụ du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang.

+ Khu vực Cổ Mã - Tu Bông có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 16.550ha gồm các phân khu: (6) Khu du lịch Đảo Điệp Sơn; (7) Khu đô thị sinh thái Đại Lãnh; (8) Khu đô thị, du lịch Cổ Mã - Tu Bông; (9) Khu sinh thái núi Tây Tu Bông.

+ Khu vực Vạn Giã và vùng phụ cận có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 24.429ha gồm các phân khu: (10) Khu sinh thái núi Tây Vạn Giã; (11) Khu đỗ thị Vạn Giã và vùng phụ cận; (12) Khu đô thị Nam Vạn Giã; (13) Khu công nghiệp, đô thị dịch vụ Vạn Hưng,

+ Khu vực Đông - Bắc Ninh Hòa có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 7.021ha gồm các phân khu: (14) Khu đô thị du lịch Ninh Hải - Dốc Lết; (15) Khu dịch vụ đô thị, công nghiệp Tây Ninh An; (16) Khu dịch vụ đô thị và dân cư Đông Bắc Ninh Hòa.

+ Khu vực Đông - Nam Ninh Hòa có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 12.380ha gồm các phân khu: (17) Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo; (18) Khu đô thị dịch vụ trung tâm Ninh Hòa; (19) Khu chức năng công nghiệp và cảng biển Nam Vân Phong.

KKT Vân Phong là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Đây cũng là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi, giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Riêng giai đoạn 2016-2020, KKT Vân Phong đóng góp nguồn thu ngân sách của tỉnh khoảng 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% nguồn thu ngân sách của tỉnh; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 32,9% của tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động.

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close