Bài 10: Vùng đồng bằng sông Hồng SGK lịch sử và địa lí 9 Cánh diều

Đồng bằng sông Hồng có nhiều thế mạnh về tự nhiên, dân cư, xã hội,… để phát triển kinh tế; là một trong những vùng phát triển hàng đầu của Việt Nam. Vậy tài nguyên thiên nhiên, dân cư và xã hội của vùng có những đặc điểm nổi bật gì? Các ngành kinh tế của vùng phát triển, phân bố như thế nào?

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Mở đầu

Đồng bằng sông Hồng có nhiều thế mạnh về tự nhiên, dân cư, xã hội,… để phát triển kinh tế; là một trong những vùng phát triển hàng đầu của Việt Nam. Vậy tài nguyên thiên nhiên, dân cư và xã hội của vùng có những đặc điểm nổi bật gì? Các ngành kinh tế của vùng phát triển, phân bố như thế nào?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (SGK trang 145)

- Chỉ ra những đặc điểm nổi bật của của tài nguyên thiên nhiên, dân cư và xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng.

- Đọc kĩ phần IV. Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế (SGK trang 147)

- Chỉ ra các ngành kinh tế phát triển và phân bố ra sao.

Lời giải chi tiết:

- Đặc điểm tài nguyên thiên nhiên, dân cư và xã hội:

+ Đặc điểm tài nguyên thiên nhiên: địa hình đồng bằng với đất phù sa, địa hình đồi núi với đất fe-ra-lit; khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh; mạng lưới sông ngòi dày đặc; sinh vật phong phú.

+ Đặc điểm dân cư và xã hội: dân số đông, nhiều dân tộc, mật độ dân số cao nhất, nguồn lao động dồi dào, chất lượng lao động cao, lao động nhiều kinh nghiệm.

- Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế:

+ Công nghiệp: giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng tăng, đa dạng ngành, nhiều trung tâm công nghiệp, tái cơ cấu các ngành công nghiệp.

+ Dịch vụ: giao thông vận tải, thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng.

+ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: nông nghiệp đa dạng cây trồng, vật nuôi; lâm nghiệp đẩy mạnh trồng rừng kết hợp bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng; thủy sản đẩy mạnh nuôi trồng theo hướng sinh thái, hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường.

? mục 1

Dựa vào thông tin và hình 10.1, hãy:

- Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của vùng Đồng bằng sông Hồng.

- Trình bày phạm vi lãnh thổ của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần I. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ (SGK trang 144)

- Chỉ ra những đặc điểm vị trí địa lí của vùng Đồng bằng sông Hồng và phạm vi lãnh thổ của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Lời giải chi tiết:

- Đặc điểm vị trí địa lí: giáp với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía bắc; giáp Trung Quốc. Phần lớn diện tích nằm ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình. Vùng có vị trí đặc biệt quan trọng, Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa,… của cả nước.

- Đặc điểm phạm vi lãnh thổ: diện tích tự nhiên 21,3 nghìn km2, chiếm 6,4% diện tích cả nước. Bao gồm: Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Có vùng biển rộng với hàng nghìn đảo, quần đảo, có 4 huyện đảo là: Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn,…

? mục 2 1

Dựa vào thông tin và hình 10.1, hãy phân tích thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần II – mục 1. Thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên (SGK trang 146)

- Dựa hình 10.1, chỉ ra thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Lời giải chi tiết:

- Địa hình, đất: địa hình đồng bằng chiếm phần lớn diện tích với đất phù sa màu mỡ; địa hình đồi núi phân bố ở Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, chủ yếu đất fe-ra-lit; vùng ven biển có nhiều vũng, vịnh, các đảo và quần đảo,…=> trồng cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp và thủy sản.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh => đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, phát triển vụ đông thành vụ sản xuất chính với các sản phẩm rau, hoa, quả đặc trưng.

- Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi dày đặc với 2 hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình, nhiều ao, hồ; nguồn nước ngầm khá dồi dào => thuận lợi sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

- Sinh vật phong phú, hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài đặc hữu. Rừng tự nhiên và rừng trồng tập trung chủ yếu ở rìa đông bắc, rừng ngập mặn phát triển ở khu vực ven biển => phát triển lâm nghiệp.

? mục 2 2

Dựa vào thông tin và hình 10.1, hãy phân tích thế mạnh để phát triển kinh tế biển đảo của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần II – mục 2. Thế mạnh để phát triển kinh tế biển, đảo (SGK trang 146)

- Dựa vào hình 10.1, chỉ ra thế mạnh để phát triển kinh tế biển đảo của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Lời giải chi tiết:

- Có vùng biển rộng lớn, nhiều đảo và quần đảo, bờ biển kéo dài từ Quảng Ninh đến Ninh Bình => phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển.

- Có ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, nhiều vũng, vịnh và nguồn hải sản có giá trị là điều kiện để phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản.

- Bờ biển dài, có nhiều cửa sông => thuận lợi xây dựng các cảng biển, phát triển giao thông vận tải biển.

- Hệ thống các đảo, vịnh, bãi biển (vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà,…) => phát triển du lịch biển đảo.

- Tiềm năng về khí tự nhiên, muối,…=> phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản biển.

? mục 3 1

Đọc thông tin, hãy:

- Phân tích đặc điểm về dân cư và nguồn lao động của vùng Đồng bằng sông Hồng.

- Trình bày ảnh hưởng của dân cư và nguồn lao động đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần III – mục 1. Đặc điểm dân cư, nguồn lao động (SGK trang 146)

- Chỉ ra đặc điểm về dân cư và nguồn lao động của vùng Đồng bằng sông Hồng và ảnh hưởng của dân cư và nguồn lao động đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng

Lời giải chi tiết:

- Đặc điểm về dân cư và nguồn lao động của vùng Đồng bằng sông Hồng:

+ Là vùng có dân số đông, năm 2021 quy mô dân số là 23,2 triệu người, chiếm 23,6% dân số cả nước; tỉ lệ gia tăng dân số là 1,3%; tỉ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 65,1%; tỉ số giới tính là 98,5 nam/100 nữ. Vùng là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc như: Kinh, Mường, Sán Chay, Sán Dìu, Tày,…

+ Có mật độ dân số cao nhất cả nước, năm 2021 là 1091 người/km2, các địa phương có mật độ dân số cao là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng,… Tỉ lệ dân thành thị chiếm 37,6% dân số toàn vùng.

+ Nguồn lao động dồi dào, chiếm 65,1% dân số, chất lượng lao động ngày càng nâng cao và đứng đầu cả nước. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 37% cao hơn trung bình cả nước (26,1%). Lao động có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, số lượng lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao.

- Ảnh hưởng của dân cư và nguồn lao động đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng:

+ Tạo lợi thế quan trọng để vùng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

+ Tuy nhiên, dân cư và lao động cũng gây sức ép đến vấn đề việc làm, nhà ở, môi trường,…

? mục 3 2

Dựa vào thông tin, hãy phân tích vấn đề đô thị hóa ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần III – mục 2. Vấn đề đô thị hóa (SGK trang 147)

- Chỉ ra vấn đề đô thị hóa ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Lời giải chi tiết:

- Quá trình đô thị hóa diễn ra sớm, các đô thị có lịch sử hình thành lâu đời như: Cổ Loa (đô thị đầu tiên của Việt Nam), Phố Hiến, Hoa Lư,…

- Những thập kỉ gần đây, quá trình đô thị hóa gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Là một trong những vùng có tỉ lệ dân thành thị cao nhất nước ta, năm 2021 là 37,6%. Có mạng lưới đô thị dày đặc, một số đô thị mới hình thành gần đây, quy mô nhiều đô thị mở rộng.

- Các đô thị là hạt nhân phát triển vùng; liên kết với các trung tâm kinh tế và có vai trò kết nối, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các vùng phụ cận.

- Xu hướng của vùng là phát triển các đô thị vệ tinh để giảm sức ép tại các đô thị lớn, phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị hòa bình.

- Tuy nhiên, sự tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn cũng gây khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm, nhà ở và quá tải về cơ sở hạ tầng đô thị.

? mục 3 3

Dựa vào thông tin, hãy trình bày vị thế của Thủ đô Hà Nội.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần III – mục 3. Vị thế của Thủ đô Hà Nội (SGK trang 147)

- Trình bày vị thế của Thủ đô Hà Nội.

Lời giải chi tiết:

- Hà Nội là Thủ đô của nước ta, có vị thế đặc biệt quan trọng đối với cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế.

- Hội tụ nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Năm 2021, GRDP của Hà Nội chiếm khoảng 42% GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng và 12,6% GDP của cả nước, chiếm 4,7% trị giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, chiếm 9% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước.

- Hiện nay, Hà Nội là cực tăng trưởng chủ đạo của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế động lực phía Bắc. Trong tương lai, Hà Nội sẽ có trình độ phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

? mục 4 1

Dựa vào thông tin và hình 10.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV– mục 1. Công nghiệp (SGK trang 148)

- Dựa vào hình 10.2, chỉ ra sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Lời giải chi tiết:

- Ngành công nghiệp được hình thành từ rất sớm, giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng tăng. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đóng góp 37,9% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

- Các ngành công nghiệp của vùng đa dạng, chiếm tỉ trọng cao là: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; cơ khí chế tạo (sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy). Các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế về lao động và tài nguyên phát triển khá mạnh: công nghiệp khai thác than; sản xuất xi măng; công nghiệp dệt, may và giày, dép; công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống,…

- Các trung tâm công nghiệp của vùng: Hà Nội, Hải Phòng, Phúc Yên, Cẩm Phả, Hạ Long, Từ Sơn,…

- Những năm gần đây, dưới tác động của khoa học - công nghệ cùng với vị thế của vùng nên đã tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, chú trọng phát triển công nghiệp xanh.

? mục 4 2

Dựa vào thông tin và hình 10.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV– mục 1. Dịch vụ (SGK trang 149)

- Dựa vào hình 10.2, chỉ ra sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Lời giải chi tiết:

Năm 2021, ngành dịch vụ đóng góp khoảng 42% GRDP của vùng, cơ cấu đa dạng, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

- Giao thông vận tải:

+ Đứng đầu cả nước về khối lượng vận chuyển hàng hóa, chiếm 36,4% cả nước.

+ Mạng lưới phát triển với đầy đủ loại hình, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại nhất cả nước.

+ Các tuyến đường bộ quan trọng: quốc lộ 1, 5, 18; các tuyến đường cao tốc chất lượng cao (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và nhiều tuyến đường sắt xuất phát từ Hà Nội.

+ Có 3 cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn

+ Hải Phòng, Quảng Ninh là các cảng lớn của vùng, trong đó Hải Phòng là cảng đặc biệt, cảng cửa ngõ lớn nhất miền Bắc.

+ Tập trung một số đầu mối giao thông vận tải quan trọng, trong đó Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng nhất cả nước.

- Thương mại:

+ Hoạt động nội thương phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao, tăng liên tục và chiếm 25,9% cả nước 2021. Tập trung nhiều trung tâm thương mại. Hà Nội là trung tâm thương mại lớn nhất, là cầu nối các hoạt động thương mại của vùng với thị trường thế giới.

+ Hoạt động ngoại thương được đẩy mạnh, trị giá xuất khẩu tăng không ngừng, chiếm 33,8% trị giá xuất khẩu cả nước. Các địa phương có trị giá xuất khẩu lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh,…

- Du lịch:

+ Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Là nơi thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tổng thu du lịch của vùng chiếm khoảng 25% tổng thu du lịch của cả nước 2021.

+ Các sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo. Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long là 3 trung tâm du lịch lớn ở phía Bắc.

- Tài chính ngân hàng:

+ Hoạt động tài chính ngân hàng phát triển rộng khắp, Hà Nội là trung tâm tài chính ngân hàng hàng đầu cả nước.

+ Xu hướng phát triển là đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng phù hợp với nhiều loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh, thị trường tiêu dùng, mức độ ứng dụng công nghệ, tăng cường chuyển đổi số.

? mục 4 3

Dựa vào thông tin, hãy nhận xét tình hình phát triển và phân bố ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV– mục 3. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (SGK trang 150)

- Nhận xét tình hình phát triển và phân bố ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Lời giải chi tiết:

Là một trong những vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn ở nước ta. Năm 2021, giá trị sản xuất của vùng chiếm 15,8% giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản cả nước.

- Nông nghiệp: đa dạng cây trồng vật nuôi

+ Lúa là cây lương thực chính, trồng nhiều ở Thái Bình, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương,… Hiện nay đã hình thành các vùng chuyên canh lúa, rau, cây ăn quả.

+ Chăn nuôi lợn, gia cầm phân bố rộng khắp. Đang ứng dụng công nghệ, chăn nuôi quy mô công nghiệp cho năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

- Lâm nghiệp: năm 2021, sản lượng gỗ khai thác đạt 670,3 nghìn m3, tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh. Đẩy mạnh hoạt động trồng rừng kết hợp với bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển. Diện tích rừng trồng mới đạt gần 14 nghìn ha (2021), chủ yếu ở Quảng Ninh.

- Thủy sản: Sản lượng thủy sản chiếm gần 14% sản lượng cả nước, chủ yếu là thủy sản nuôi trồng. Các địa phương có sản lượng lớn: Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng sinh thái, hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường.

Luyện tập

Dựa vào bảng 10, hãy so sánh một số chỉ tiêu về sản xuất lương thực, thực phẩm giữa vùng Đồng bằng sông Hồng với cả nước. Rút ra nhận xét.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần IV– mục 3. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (SGK trang 150)

- So sánh một số chỉ tiêu về sản xuất lương thực, thực phẩm giữa vùng Đồng bằng sông Hồng với cả nước. Rút ra nhận xét.

Lời giải chi tiết:

- Sản lượng lương thực: vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 13% so với sản lượng cả nước. Trong đó sản lượng lúa chiếm đến 13,7% sản lượng lúa cả nước năm 2021.

- Số lượng đàn lợn chiếm 20,7% tổng đàn lợn cả nước năm 2021.

- Số gia cầm chiếm 24,5% tổng đàn gia cầm cả nước năm 2021.

- Sản lượng thủy sản chiếm gầm 14% sản lượng thủy sản cả nước năm 2021.

=> Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn của nước ta. Năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của vùng chiếm 15,8% giá trị sản xuất của cả nước.

Vận dụng

Sưu tầm tư liệu và viết đoạn văn ngắn giới thiệu về vị thế của Thủ đô Hà Nội

Phương pháp giải:

Sưu tầm tư liệu và viết đoạn văn ngắn giới thiệu về vị thế của Thủ đô Hà Nội

Lời giải chi tiết:

Vị thế của thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; trung tâm, động lực phát triển của vùng thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Hà Nội là thủ đô, thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, thành phố vì hòa bình. Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, nền văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang; tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Là trái tim của cả nước, tròn 20 năm kể từ khi được vinh danh là “Thành phố hòa bình” của UNESCO, Hà Nội gia nhập mạng lưới “Các thành phố sáng tạo” của UNESCO năm 2020, tiếp tục những bước tiến mạnh mẽ khẳng định vị thế.

Với tầm nhìn và thương hiệu của một “Thành phố sáng tạo về thiết kế”, Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững. Đồng thời, Hà Nội tham gia quá trình tăng cường hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong mạng lưới, tạo nền tảng cho công tác đối ngoại - một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, luôn được ưu tiên tập trung nguồn lực. Bên cạnh đó, Hà Nội tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia mạng lưới này. Điều này góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Thủ đô trở thành thành phố kết nối toàn cầu, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới, khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô.

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close