Bài 11. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 12 Kết nối tri thức

Em hãy kể một số quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong học tập.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Mở đầu

Trả lời câu hỏi Mở đầu trang 84 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Em hãy kể một số quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong học tập.

Phương pháp giải:

Em hãy dựa vào hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Một số quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong học tập:

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013:

Điều 59: Quy định về quyền học tập của công dân.

Điều 60: Quy định về nghĩa vụ học tập của công dân.

Luật Giáo dục năm 2019

Nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Câu 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 86 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Em hãy xác định quyền học tập của công dân được đề cập đến trong trường hợp 1 và 2.

Phương pháp giải:

Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Trường hợp 1 đề cập đến quyền học tập không giới hạn từ tiểu học đến trung học, cao đẳng, đại học và sau đại học, quyền lựa chọn học ngành phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình.

Trường hợp 2 đề cập đến quyền quyền học tập thường xuyên, học tập suốt đời; quyền học tập học tập thực hiện bằng hình thức phù hợp

Câu 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 86 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Em có nhận xét gì về việc thực hiện quyền học tập của công dân trong trường hợp 3? Nếu là N, em sẽ làm gì để thực hiện quyền học tập của mình?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Quyền học tập của N trong trường hợp này chưa được đảm bảo do không được lựa chọn học ngành phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình.

Nếu em là N em sẽ nói chuyện với bố mẹ, trình bày năng lực của bản thân, cùng bố mẹ lựa chọn ngành học phù hợp

Câu 3

Trả lời câu hỏi 3 trang 86 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Theo em, những hành vi xâm phạm quyền học tập của công dân có thể dẫn tới hậu quả gì?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Những hành vi xâm phạm quyền học tập của công dân có thể dẫn tới hậu quả:

Bị ảnh hưởng đến kết quả học tập, mất cơ hội học tập.

Gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Gây tổn thương tâm lý, mất niềm tin vào cuộc sống, học tập.

Ảnh hưởng đến gia đình

Có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục

Câu 4

Trả lời câu hỏi 1 trang 87 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Trong các trường hợp trên, chủ thể nào đã vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập? Vì sao?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Trường hợp 1, bạn S đã vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập vì đã thờ ơ trong việc học, không tôn trọng  quyền học tập của người khác và không tạo môi trường học tập an toàn, tích cực.

Trường hợp 2, gia đình D và O đã vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập vì đã ngăn cản quyền học tập, không tạo điều kiện để D và O hoàn thành việc học

Câu 5

Trả lời câu hỏi 2 trang 87 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Theo em, hành vi vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập có thể dẫn đến những hậu quả gì?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Hành vi vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập có thể dẫn đến những hậu quả:

Ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển bản thân

Ngăn cản người học được lựa chọn ngành học và hình thức học phù hợp

Gây mất bình đẳng trong giáo dục

Người vi phạm cũng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật

Luyện tập 1

Trả lời câu hỏi Luyện tập 1 trang 88 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Những nhận định dưới đây về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân là đúng hay sai? Vì sao?

a. Công dân có quyền được tuỳ ý học ở bất cứ trường đại học nào theo sở thích của mình.

b. Học sinh người dân tộc thiểu số được ưu tiên cộng điểm trong các kì xét tuyển đại học là thể hiện quyền bình đẳng trong học tập.

c. Công dân có quyền học ở các bậc học theo quy định của pháp luật là thể hiện quyền học tập thường xuyên.

d. Học sinh chỉ có nghĩa vụ tôn trọng quyền học tập của bản thân.

Phương pháp giải:

Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. Đúng vì công dân có quyền lựa chọn học ngành phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình.

b. Đúng vì việc cộng điểm cho học sinh dân tộc thiểu số giúp họ có thêm cơ hội tiếp cận học tập, thể hiện quyền bình đẳng trong học tập

c. Đúng vì công dân có quyền học ở các bậc học theo quy định của pháp luật, từ tiểu học đến trung học, cao đẳng, đại học và sau đại học mà không bị giới hạn tuổi tác. Đây là biểu hiện quyền học tập thường xuyên

d. Sai vì học sinh còn có nghĩa vụ tôn trọng quyền học tập của người khác, hông được cản trở, ngăn cấm người khác thực hiện quyền học tập của mình và phải tạo môi trường học tập an toàn, tích cực cho mọi người.

Luyện tập 2

Trả lời câu hỏi Luyện tập 2 trang 88 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Các chủ thể trong mỗi trường hợp dưới đây đã thực hiện quyền và nghĩa vụ nào của công dân trong học tập? Giải thích vì sao.

a. Năm lớp 12, T đoạt giải Nhất môn Toán trong kì thi Học sinh Giỏi cấp Quốc gia nên sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, T được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học B.

b. Dù đã có hai bằng đại học nhưng cô giáo Y vẫn quyết tâm theo đuổi việc học để lấy thêm một bằng đại học ngoại ngữ

c. Chị K (là nhân viên hành chính của một công ty luật) đã đăng kí tham gia xét tuyển hệ đào tạo vừa làm vừa học của Trường Đại học N để nâng cao trình độ chuyên môn.

d. Suốt 12 năm học, A luôn chăm chỉ học tập, nghiêm túc tuân thủ nội quy của trường học và các quy định của pháp luật, tôn trọng giáo viên, hoà đồng với bạn bè.

Phương pháp giải:

Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. T đã thực hiện quyền học tập không giới hạn từ tiểu học đến trung học, cao đẳng, đại học và sau đại học, quyền lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình.

b. Cô giáo Y đã thực hiện quyền quyền học tập thường xuyên, học tập suốt đời, quyền lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình.

c. Chị K đã thực hiện quyền quyền học tập thường xuyên, học tập suốt đời; quyền lựa chọn hình thức học tập phù hợp

d. A đã thực hiện nghĩa vụ học tập để hoàn thành phổ cập giáo dục bắt buộc, nghiêm túc tuân thủ nội quy của trường học và các quy định của pháp luật, tôn trọng giáo viên, hoà đồng với bạn bè.

Luyện tập 3

Trả lời câu hỏi Luyện tập 3 trang 88 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Em hãy đọc các tình huống sau và trả lời câu hỏi:

a. Gần đây, Trường Đại học C tổ chức kì thi kết thúc học phần nhưng do không nắm vững kiến thức các môn học nên M (sinh viên Trường Đại học C) quyết định tìm người thi hộ. Thông qua mạng xã hội, M thuê B (sinh viên một trường đại học khác trên địa bàn) thì hộ hai môn chuyên ngành với giá 600.000 đồng/môn. Tuy nhiên, khi B đang sử dụng giấy tờ giả để tham dự kỳ thi hộ M thì đã bị giám thị phát hiện.

1/ Em có nhận xét gì về việc làm của M và B?
2/ Theo em, hành vi của B và M sẽ dẫn tới hậu quả gì?

b. Trước đây, điều kiện gia đình khó khăn nên ông Đ phải nghỉ học giữa chừng để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Mỗi khi nhìn bạn bè theo đuổi con đường học tập, ông luôn cảm thấy tiếc nuối. Khi lập gia đình và có con, ông Đ đặt hết mọi kì vọng của bản thân lên các con của mình. Vì vậy, ông luôn cố gắng tạo điều kiện về kinh tế để các con yên tâm học tập nhưng lại luôn so sánh, tạo sức ép, bắt các con phải tập trung học tập, ngăn cấm các con tham gia những hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và những hoạt động xã hội khác. Gần đây, khi nhận tin con trai cả không thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, ông Đ vô cùng tức giận. Ông dùng nhiều lời lẽ tiêu cực để so sánh con với các bạn học khác và tuyên bố không cho con đi học.

1/ Em có nhận xét gì về suy nghĩ và việc làm của ông Đ trong tình huống trên?
2/ Nếu là con trai cả trong gia đình ông Đ, em sẽ làm gì?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a.

1/ M và B đã không thực hiện đúng nghĩa vụ học tập khi không chăm chỉ học tập, không tuân thủ quy định của nhà trường khi sử dụng giấy tờ giả đi thi.

2/ Điều này có thể dẫn đến việc trượt môn của bạn M, cả M và B sẽ đều phải chịu hình thức kỷ luật và cảnh cáo từ nhà trường.

b.

1/ Việc làm của ông Đ là vi phạm quyền học tập của con khi so sánh, tạo sức ép và ngăn cấm các con tham gia các hoạt động ngoại khóa đã vi phạm quyền học tập toàn diện của các con, tuyên bố không cho con đi học vì không đỗ trường chuyên

2/ Nếu em là con trai cả ông Đ, em sẽ thẳng thắn nói chuyện với bố giải thích rằng việc tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng quan trọng như việc học tập và việc không đỗ trường chuyên không phải là thất bại và em vẫn có thể tiếp tục học tập và thành công trong tương lai.

Vận dụng

Trả lời câu hỏi Vận dụng trang 88 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 KNTT

Em đã làm gì để thực hiện quyền và nghĩa vụ trong học tập của công dân trong cuộc sống hằng ngày? Thời gian tới, em dự định sẽ làm gì để tiếp tục thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ đó?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Em đã thực hiện quyền và nghĩa vụ trong học tập của công dân trong cuộc sống hằng ngày bằng cách:

Tham gia đầy đủ các lớp học, các hoạt động ngoại khoá trải nghiệm

Chăm chỉ, cố gắng, tập trung học tập

 Tôn trọng quyền học tập của bạn bè, tôn trọng thầy cô và tuân thủ quy định của nhà trường

Em dự định sẽ:

Cố gắng học tập để đỗ được trường đại học mong muốn

Trau dồi thêm các kỹ năng mềm, ngoại ngữ

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close