Văn bản Miền châu thổ sông Cửu Long cần chuyển đổi từ sống chung sang chào đón lũKhi “lũ” không về hoặc về ít đi trong nhiều năm liền, các nhà quản lí mới nhận ra Đồng bằng sông Cửu Long không thể “sống” thiếu lũ, điều mà người nông dân ở đây đã nhận ra từ hàng trăm năm nay và đặt cho mùa đặc biệt này cái tên “mùa nước nổi”. Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
MIỀN CHÂU THỔ SÔNG CỬU LONG CẦN CHUYỂN ĐỔI TỪ SỐNG CHUNG SANG CHÀO ĐÓN LŨ (Lê Anh Tuấn) Khi “lũ” không về hoặc về ít đi trong nhiều năm liền, các nhà quản lí mới nhận ra Đồng bằng sông Cửu Long không thể “sống” thiếu lũ, điều mà người nông dân ở đây đã nhận ra từ hàng trăm năm nay và đặt cho mùa đặc biệt này cái tên “mùa nước nổi”. Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi về tư duy đối với vùng đất quan trọng này, từ “sống chung với lũ” mang nặng hàm ý chấp nhận và chịu đựng sang “chào đón” lũ. Tất cả các vùng châu thổ của vùng hạ lưu sông thường được hình thành và phát triển hình thể từ các trận lũ hàng năm của con sông mà giới khoa học thường gọi là quá trình kiến tạo đồng bằng. Hàng trăm năm, hàng ngàn năm tại các đứt gãy địa chất của các thung lũng sông và các dòng rãnh ở những sườn dốc của đồi, núi,… nước mưa từ trời rơi xuống thấm vào lòng đất, cây rừng và các thảm thực vật hấp thu và chảy tràn theo nguyên tắc trọng lực xuống các đường rãnh hình thành nên các mạch nước, dòng suối, nhánh sông và tụ tập ra sông lớn xuôi về hạ lưu rồi đổ ra biển cả như một phần của chu trình thủy văn. Trên quá trình xuôi chảy theo những sườn dốc, các mạch ngầm, dòng nước âm thầm hòa tan những chất vi lượng, các thành phần hữu cơ phân hủy, cuốn theo đất, cát, sỏi cuội đưa dần về phía nơi thấp hơn. Hiện tượng lũ lụt lớn hay nhỏ sẽ tạo nên những đợt trầm tích bùn cát khác nhau. Một quy luật thủy văn là dòng chảy ở trên cao sẽ có lưu tốc lớn, sức nước mạnh đi trên những dải hẹp sẽ mang những vật liệu trầm tích đi xa, nhưng khi dần xuống vùng thung lũng và đồng bằng, địa hình dần thoải hơn, khu vực ngập nước càng mở rộng, dòng sông chia thành nhiều nhánh nhỏ và lưu tốc chậm dần, khi gần ra đến biển, tác dụng của thủy triều ngược lại sẽ gia tăng khả năng tích tụ trầm tích, các chất bùn cát dần dần tích lũy tạo nên những vùng đồng bằng trù phú và những châu thổ điển hình. Vùng châu thổ sông Cửu Long cũng không ngoài quy luật đó và càng đặc biệt hơn với vùng địa mạo có tuổi địa chất trẻ, nằm tận cùng của một lưu vực sông rộng nhất Đông Nam Á, chảy qua nhiều vùng địa chất khác nhau đổ dài từ các rặng của dãy Hi-ma-lay-a (Hymalaya) cao nhất thế giới, băng qua vùng cao nguyên Tây Tạng, bổ sung nước từ hai phía tả ngạn và hữu ngạn của các khu rừng mưa nhiệt đới rậm rạp hình thành ở các vùng đồi núi dãy Trường Sơn, tiếp nối với cao nguyên trung phần Việt Nam hùng vĩ và tiếp tục xuôi về phía đồng bằng của đất nước Chùa Tháp, kết nối với Biển Hồ bao la và cuối cùng đổ về vùng châu thổ sông Cửu Long thấp và phẳng của Việt Nam trước khi hòa mình với Biển Đông. Quá trình trầm tích vùng châu thổ xảy ra liên tục hơn 5000 – 7000 năm và theo quy luật vật lí của sự phân bố bùn cát, những hạt vật chất lớn như đá, sỏi cuội to, sỏi nhỏ và cát thô sẽ trầm tích ở phía trên trong khi các hạt cát trung, cát mịn và phù sa lơ lửng xuôi về vùng châu thổ tiếp giáp với biển, giúp cho vùng châu thổ nâng dần cao độ và mở rộng ra phía nam của thềm lục địa Tổ quốc. Vùng châu thổ sông Cửu Long nghèo nàn về vật liệu xây dựng và khoáng sản kim loại, ngoại trừ vài vùng núi của tỉnh An Giang và Kiên Giang. Cát xây dựng và san lấp cũng khá ít ỏi so với nhu cầu, trong khi nền địa chất yếu về kết cấu, nhưng bù lại về thổ nhưỡng và sinh thái vùng châu thổ lớn nhất Việt Nam có lớp đất mặt giàu dinh dưỡng với thành phần chính là đất sét và đất thịt, có thêm nguồn nước dồi dào giúp cho việc sản xuất nông nghiệp và thủy sản phát triển mạnh, với năng suất sinh học vô cùng lớn. Khó tìm đâu ra một vùng đồng bằng nào trên thế giới mà chỉ trong vòng 100 ngày, người dân ở đây có thể sản xuất ra một lượng lúa đến 7 – 8 triệu tấn. Với một vụ mùa mưa 3 – 4 tháng, người nông dân có thể thu hoạch xấp xỉ 5 triệu tấn rau củ và trái cây các loại. Đặc biệt, những năm có lũ lớn, người dân đầu nguồn sông Cửu Long có thể đánh bắt 1,2 – 1,5 triệu tấn cá tôm và các loài thủy sản khác nhau. Những vị lão nông tri điền vùng đồng bằng khẳng định, năm nào có lũ lướn là năm đó cá nhiều, chim nhiều, sản vật mùa lũ (rùa, rắn, ếch, ốc,…) nhiều và chắc chắn năm sau canh tác sẽ trúng mùa, sản lượng cao và lượng phân bón, nông dược sử dụng ít đi vì lũ mang lại phù sa màu mỡ, làm vệ sinh đồng ruộng và bổ sung nguồn nước tại chỗ. Cuối mùa lũ cũng là mùa thu hoạch vụ mùa cuối năm, lúc đó những đàn chim én tụ về, bay lượn kiếm ăn trên những cánh rừng, theo các hàng cây cối vườn tược xanh tươi ở vùng đất ngập nước và những khu đất trũng lung bàu. Ngập lụt đã tạo nên ít nhất là ba kết nối quan trọng cho hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm dòng nước, phù sa và dòng sinh vật. Thứ nhất là kết nối dòng chảy giữa đoạn sông thượng lưu và đoạn sông hạ lưu trong quá trình chuyển nước, cá và phù sa. Thứ hai là sự kết nối giữa sông và hai bên bờ: mùa mưa lũ, nước theo các sườn dốc, cuốn các chất hữu cơ (thực vật và động vật) và các khoáng vô cơ (đất đá, chất khoáng vi lượng) xuống dòng sông, chảy mạnh xuống hạ lưu, đến vùng thấp hơn và xuống đồng bằng thì nước sông đủ lớn và nhiều, “nước nhảy” lên bờ tràn ngập nhiều vùng rộng lớn, mang theo phù sa màu mỡ và tôm cá. Cuối cùng, thứ ba, là sự kết nối thủy vực từ dòng sông và cửa sông ra vùng ven biển, thềm lục địa và biển cả tạo nên nguồn dinh dưỡng cho sinh vật vùng cửa sông và cung cấp vật liệu bồi đắp nuôi dưỡng cho hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Nếu không có sự kết nối thứ ba này, vùng cửa sông sẽ nghèo nàn tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng ngập mặn khó tồn tại. Khoảng những năm sau mùa lũ lịch sử năm 2000, vùng châu thổ dấy lên khẩu hiệu “sống chung với lũ”. Thật ra, điều này không mới, ít nhất vài trăm năm trước, các cư dân đầu tiên đến vùng hoang địa châu thổ, họ đã quen với cách sống với mùa nước nổi hàng năm. Ngược dòng lịch sử, vùng hạ lưu sông Mê Kông đã từng có nhiều trận lũ lớn. Ngày nay, thỉnh thoảng khi đào nền nhà, đào kinh, đào móng công trình, người ta gặp những hòn đá tròn lẳn, hình ô-van, có màu xanh trắng hoặc xanh đen như đá gra-nít, đường kính trung bình khoảng 10 – 15 xen-ti-mét hoặc đôi khi xấp xỉ 20 xen-ti-mét giống như các hòn đá tròn ngoài bãi biển, nhưng ở đây chìm sâu trong lớp đất nội đồng. Nhiều người thấy lạ, đặt trên bàn thờ “ông Thiên” gọi đó là “đầu ông Địa, ông Tà”. Thực chất, những trận lũ lớn lịch sử đã cuốn những hòn đá to từ thượng nguồn. Lúc đầu đá có sắc cạnh, sau được dòng nước nhiều năm bào mòn và đi đáy, dần dần “trôi”’ xuống đồng bằng. Tình trạng lũ thấp và trung bình trong mùa mưa lũ có xu thế gia tăng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong thập niên vừa qua, trong khi mùa khô ngày càng kéo dài và căng thẳng, tương ứng với sự gia tăng sâu hơn mức độ xâm nhập mặn vào đồng bằng. Điều này dẫn đến chiến lược điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa và gia tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, nhằm sử dụng hợp lí nguồn nước, bảo đảm cấp nước sinh hoạt ở các thời đoạn khó khăn. Mùa nước nổi xưa kia hay mùa lũ theo cách gọi hiện nay, không là mối lo ngại cho nông dân vùng châu thổ Cửu Long, một mùa nước lũ lớn, như một niềm itn tâm linh, sẽ đem lại sự giàu có, sung túc cho vùng đất. Có lũ lớn, sẽ có phù sa, sẽ có nguồn cá và sau lũ, chim chóc, cây cỏ, cá tôm vẫy mình chào đón một vòng chu kì Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Người dân châu thổ mong được đón lũ là vậy. |