Soạn bài Phiếu học tập số 1 SGK Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiếtNhận định nào sau đây đúng với bài thơ Chiều hôm nhớ nhà?
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Chọn phương án đúng 1 Câu 1 (trang 125, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Nhận định nào sau đây đúng với bài thơ Chiều hôm nhớ nhà? A. Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. B. Đây là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. C. Đây là bài thơ ngũ ngôn bát cú Đường luật. D. Đây là bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật. Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ để trả lời. Lời giải chi tiết: A. Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Chọn phương án đúng 2 Câu 2 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Yếu tố nào sau đây không có tác dụng giúp ta nhận biết thể thơ của Chiều hôm nhớ nhà? A. Cách gieo vần, ngắt nhịp trong bài thơ B. Tính chất đối của một số cặp câu thơ C. Biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ D. Số tiếng trong mỗi câu thơ và số câu trong bài thơ Phương pháp giải: Dựa vào cách nhận biết thể thơ để trả lời. Lời giải chi tiết: C. Biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ Chọn phương án đúng 3 Câu 3 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Nghệ thuật đối được thể hiện ở những cặp câu thơ nào? A. Cặp câu 1 – 2 và 7 – 8 B. Cặp câu 1 – 2 và 3 – 4 C. Cặp câu 3 – 4 và 5 – 6 D. Cặp câu 5 – 6 và 7 – 8 Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ để trả lời. Lời giải chi tiết: C. Cặp câu 3 – 4 và 5 – 6 Chọn phương án đúng 4 Câu 4 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Những câu nào trong bài thơ có tiếng hiệp vần? A. Các câu 1 – 3 – 5 – 7 – 8 B. Các câu 1 – 2 – 4 – 6 – 8 C. Các câu 1 – 2 – 3 – 4 – 5 D. Các câu 4 – 5 – 6 – 7 – 8 Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ để trả lời. Lời giải chi tiết: B. Các câu 1 – 2 – 4 – 6 – 8 Chọn phương án đúng 5 Câu 5 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng ở hai câu thơ sau? Gác mái ngư ông về viễn phố, Gõ sừng mục tử lại cô thôn. A. Biện pháp tu từ so sánh B. Biện pháp tu từ nhân hoá C. Biện pháp tu từ đảo ngữ D. Biện pháp tu từ nói quá Phương pháp giải: Dựa vào kiến thức về biện pháp tu từ để trả lời. Lời giải chi tiết: C. Biện pháp tu từ đảo ngữ Chọn phương án đúng 6 Câu 6 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Trong bài thơ, cảnh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt của con người có mối liên hệ như thế nào? A. Cảnh thiên nhiên làm nền để tôn lên vẻ đẹp bức tranh sinh hoạt của con người. B. Cảnh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt hoà điệu với nhau, cùng thể hiện nỗi niềm của nhà thơ. C. Cảnh thiên nhiên có sắc thái riêng, không liên quan gì đến bức tranh sinh hoạt của con người. D. Bức tranh sinh hoạt làm nền để tôn lên vẻ đẹp đượm buồn của bức tranh thiên nhiên. Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ để trả lời. Lời giải chi tiết: B. Cảnh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt hoà điệu với nhau, cùng thể hiện nỗi niềm của nhà thơ. Trả lời câu hỏi 1 Câu 1 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Dựa vào đâu để có thể khẳng định Chiều hôm nhớ nhà là một bài thơ trữ tình? Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ và dựa vào đặc điểm thơ trữ tình để trả lời. Lời giải chi tiết: Chiều hôm nhớ nhà là một bài thơ trữ tình vì: - Nhan đề bài thơ - Cảnh vật in đậm dấu ấn tâm trạng của con người - Lời thổ lộ tâm tình ở hai câu kết của bài thơ Trả lời câu hỏi 2 Câu 2 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Những hình ảnh nào trong bài thơ có tác dụng làm nổi bật nhan đề Chiều hôm nhớ nhà? Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ để trả lời. Lời giải chi tiết: Những hình ảnh trong bài thơ có tác dụng làm nổi bật nhan đề Chiều hôm nhớ nhà: - Bóng hoàng hồn trên nền trời chiều - Những âm thanh báo hiệu một ngày tàn (tiếng tù và, tiếng trống dồn) - Sinh hoạt của con người vào thời điểm cuối ngày (người đánh cá và trẻ chân trâu đều đang trên đường về nhà sau một ngày làm việc) - Người đi trên đường xa đang nhớ về quê nhà, mong có người để chia sẻ nỗi niềm Trả lời câu hỏi 3 Câu 3 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Em cảm nhận như thế nào về phong cảnh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt của con người được khắc họa trong bài thơ? Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ để trả lời. Lời giải chi tiết: Cảm nhận về phong cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt được khắc họa trong bài thơ: - Về phong cảnh thiên nhiên: hiện ra vào thời điểm buổi chiều tà, không gian khoáng đạt nhưng đượm vẻ tiêu sơ, hoang vắng - Về cảnh sinh hoạt: diễn ra vào thời điểm cuối ngày, nơi trở về là bến xa, thôn vắng. Đặc biệt, chủ thể trữ tình – hình ảnh trung tâm của bài thơ – đang bơ vơ trên đường xa vắng, trông về quê nhà với bao nhớ nhung Trả lời câu hỏi 4 Câu 4 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Tâm trạng của tác giả thể hiện như thế nào trong bài thơ? Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ để trả lời. Lời giải chi tiết: Tâm trạng của tác giả thể hiện trong bài thơ: nỗi niềm cô quạnh, nhớ nhung của một “lữ khách” đang “bước dồn” trên những “dặm liễu” dưới “sương sa” Trả lời câu hỏi 5 Câu 5 (trang 126, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Đọc các chú thích trong văn bản, em có nhận xét gì về cách dùng từ ngữ của tác giả? Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ để trả lời. Lời giải chi tiết: Nhận xét về cách dùng từ ngữ của tác giả trong bài thơ: mật độ dày đặc của từ ngữ Hán Việt là một đặc điểm nổi bật trong cách sử dụng từ ngữ của Bà Huyện Thanh Quan. Viết (trang 127, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Hãy viết đoạn văn (khoảng 10 – 15 câu) phân tích cảnh và tình trong bài thơ Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan. Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ và viết đoạn văn phân tích theo yêu cầu. Lời giải chi tiết: Đọc thơ của Bà Huyện Thanh Quan, ta thấy nỗi buồn man mác, tâm trạng hoài cổ thật thanh cao đượm sự cô đơn, trống vắng. Một trong những bài thơ đó là tác phẩm Chiều hôm nhớ nhà. Ở hai câu đề, khoảng thời gian là trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn. Ánh sáng vẫn còn đó, nhưng chỉ còn là ánh lờ mờ của ngày tàn và đêm sắp tới. Câu thơ chỉ giới thiệu thời gian mà người đọc như cảm thấy cả không gian một vùng quê rộng lớn. Trước thiên nhiên ấy, giữa trời và đất, có một cái gì đó tràn ngập con người nhạy cảm. Buổi chiều là thời gian dễ buồn nhất và đó cũng là khoảng thời gian thường xuất hiện trong thơ của bà Huyện Thanh Quan. Con người trong cuộc sống hỗn độn, ồn ào vẫn có một lúc nào đó trở về với cái bình yên muôn thuở của thiên nhiên, về với chính lòng mình. Âm thanh từ xa vẳng đến như thúc giục, nhưng vẫn có cái trầm lặng trong đó báo hiệu cho mọi người: ngày sắp hết. Tâm trạng của tác giả đã phần nào được ngầm hiểu trong cách lựa chọn thời gian, không khí và thanh âm. Câu thơ với nhịp 2/5 làm cho ta có cảm giác hoạt động con người đang giảm dần, đang đi tới kết thúc. Phép đối rất chuẩn cùng với những từ Hán Việt đã góp phần tạo nên vẻ trang nhã, cổ kính của hai câu thơ gợi tả này. Trước cảnh thiên nhiên to lớn, con người thật nhỏ, yếu thế và có phần đơn độc. Và con đường trước mắt bà thì sao, hai câu luận đã vẽ ra khung cảnh khoảng đường trước mắt như vô tận. Chim bay mỏi mà chưa tới nơi, khách bước dồn mà chưa tới chốn. Con đường đi hay con đường đời đang dàn trải? Phép đối từng cặp hình ảnh ngàn mây dặm liễu, gió cuốn - sương sa, chim bay mỏi - khách bước dồn làm ý thêm nhấn mạnh. Những từ ngữ bước dồn, bay mỏi cho thấy tâm trạng chán chường, mỏi mệt của nhà thơ. Tâm trạng ấy tất dẫn đến hai câu thơ kết thúc. Không có ai để tâm sự, trời đất thì bao la, vắng lặng, trống trải, khiến tác giả quay về với nội tâm, với lòng buồn sẵn có của mình. Câu thơ cuối, vừa như một câu cảm, vừa như một câu hỏi. Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan mãi mãi đưa đến cho chúng ta những cảm xúc chân thành, đậm đà trước nét buồn thanh tao, đưa đến những suy nghĩ sâu xa hơn về con người và xã hội. Một bài thơ đóng lại nhưng còn mở ra, tạo nên một dư âm trong lòng người đọc. Nói và nghe (trang 127, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Giữ gìn tiếng nói của cha ông phải chăng cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước? a. Chuẩn bị nội dung để thảo luận về đề tài trên. b. Tập luyện thảo luận trên cơ sở các nội dung đã chuẩn bị. Phương pháp giải: a. Chuẩn bị nội dung để thảo luận về đề tài trên. b. Tập luyện thảo luận trên cơ sở các nội dung đã chuẩn bị. Lời giải chi tiết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại. Thế nhưng, hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, bên cạnh tiếp thu và Việt hóa được nhiều cái hay, cái đẹp của tiếng nói, chữ viết nước ngoài, thì sự trong sáng của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Đáng quan tâm nhất là sự lai căng tiếng nói, chữ viết của nước ngoài ngày một tăng. Dường như ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, khi nói và viết tiếng Việt thường chen tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong sự phát triển mau lẹ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là tin học và công nghệ thông tin, nhiều thuật ngữ mới ra đời mà chưa có trong tiếng Việt, nên phải dùng những thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài khi nói và viết tiếng Việt như Internet, trang web…, song đáng chê trách nhất vẫn là việc dùng chữ viết nước ngoài (chủ yếu là chữ Anh) thay cho chữ Việt vốn đã có sẵn, đủ nghĩa, dễ hiểu, trong sáng như show (biểu diễn), live-show (biểu diễn trực tiếp), nhạc classic (nhạc cổ điển), nhạc country (nhạc đồng quê), nhạc dance (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ)… một cách tự nhiên như thể đó là những từ tiếng Việt mà ai cũng hiểu. Có ý kiến ngụy biện cho rằng hiện tượng này nên khuyến khích vì đấy là một cách học và thực hành tiếng Anh, một công cụ không thể thiếu để hội nhập quốc tế. Nhưng thực ra, muốn thực hành ngoại ngữ, chúng ta hoàn toàn có thể nói, viết hẳn bằng tiếng nước ngoài mà mình học ở các lớp học ngoại ngữ, các lớp đại học dạy bằng tiếng nước ngoài, hoặc tạo cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài ở Việt Nam… Còn khi nói và viết tiếng Việt thì tránh dùng tiếng lai, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Các cụ xưa gọi người sính dùng chữ gốc Hán là người “hay chữ lỏng” và có câu nói “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”. Hồi nước ta còn thuộc Pháp, thói quen dùng chen tiếng Pháp cũng khá phổ biến và được gọi là nói “tiếng lai”. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, phong trào cứu quốc, nâng cao tinh thần dân tộc thôi thúc sinh viên, học sinh từ bỏ cách nói chen tiếng Pháp. Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây thường tự mình nêu gương sáng và thường nhắc nhở mọi người tránh bệnh nói chữ, sính dùng từ gốc Hán khi có thể diễn đạt bằng tiếng Việt. Ví dụ như vì sao báo chí, hay thậm chí cả trong văn bản chính thức của nhà nước, thường dùng cụm từ “người tham gia giao thông” thay cho “người đi đường”? Thực tế, người dân không bao giờ sử dụng từ “tham gia giao thông”. Người ta thường dặn dò nhau “đi đường phải cẩn thận” chứ chẳng ai nói “tham gia giao thông phải cẩn thận” bao giờ! Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo tấm gương Bác Hồ, Nhà nước nên có quy định chặt chẽ và Viện Ngôn ngữ học phải có trách nhiệm đề xuất, xây dựng quy định chuẩn về việc dùng từ tiếng nước ngoài trong các văn bản, nhất là văn bản chính thức của Nhà nước. Các trường học cũng phải chú trọng, đẩy mạnh giáo dục học sinh giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Loại trừ sự lố bịch trong việc dùng tiếng lai cũng là một khía cạnh thể hiện niềm tự hào và tôn trọng ý thức dân tộc trong ngôn ngữ, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
|