Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Ông già và biển cả

Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Ông già và biển cả giúp học sinh soạn bài dễ dàng, chính xác.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Tóm tắt Bài 1

Xan-ti-a-gô - Ông lão đánh cá người Cu-Ba, sống cô độc và nghèo khổ trong túp lều cạnh bờ biển ngoại ô La-ha-ba-na. Vận đen đang bám riết lấy ông khi suốt 84 ngày không bắt được con cá nào ra hồn. Những người xung quanh chẳng còn tin vào cơ may của Xan-ti-a-gô, còn cậu bé Ma-nô-lin cũng bị cấm không được giao du với lão nữa. Ông quyết định ra khơi xa một mình, ông đến vùng nguy hiểm nhưng nhiều cá lớn. Một con cá kiếm khổng lồ mắc câu và ông lão bắt đầu cuộc săn đuổi con cá trong ba ngày liền. Đó là con cá kiếm lớn nhất và đẹp nhất ông từng thấy trong đời. Suốt mấy ngày, Xan-ti-a-gô tìm mọi cách để bám trụ và giữ con cá cho kì được. Cuối cùng, lão cũng cắm được mũi lao vào tim con cá và chinh phục được nó. Xan-ti-a-gô phấn chấn nghĩ đến những gì mà chiến lợi phẩm này mang lại khi trở về. Tuy vậy, mùi máu của con cá kiếm đã thu hút cả đàn cá mập đến rỉa mồi. Khi ông đuổi được chúng, con cá kiếm chỉ còn là bộ xương trắng khổng lồ phía sau đuôi thuyền. Về đến túp lều, Xan-ti-a-gô hoàn toàn kiệt sức và ngủ thiếp đi.

Tóm tắt Bài 2

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Xan-ti-a-gô một “ông già” đánh cá người Cuba, 74 tuổi. Suốt 84 ngày liền, ông lão không bắt được một mống cá nào, dân làng chài cho rằng lão đã “đi đứt” vì vận rủi. Cậu bé Ma-nô-lin cũng bị cha mẹ không cho đi câu chung với lão nữa. Vào ngày thứ 85, lão quyết định ra khơi trước khi trời sáng. Lần này lão đi thật xa, đến tận vùng Giếng Lớn. Khoảng trưa, một con cá lớn cắn câu, kéo thuyền về hướng tây bắc. Sáng ngày thứ hai, con cá nhảy lên. Đó là một con cá kiếm, lớn đến nỗi trước đây lão chưa từng nhìn thấy. Con cá lại lặn xuống, kéo thuyền chạy về hướng đông. Sang đến ngày thứ ba, con cá bắt đầu lượn vòng. Dù đã kiệt sức, lão kiên trì thu ngắn dây câu, rồi dốc toàn lực phóng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền để đưa về. Nhưng chẳng bao lâu nhiều đàn cá mập đánh hơi được đã lăn xả tới. Từ đó đến đêm, lão lại đem hết sức tàn chống chọi với lũ cá mập - phóng lao, vung chày, thậm chí dùng cả mái chèo để đánh, giết được nhiều con, đuổi được chúng đi, nhưng lão biết con cá kiếm của mình chỉ còn trơ lại một bộ xương. Đến khuya, đưa được thuyền vào cảng, về đến lều, lão vật người xuống giường và chìm vào giấc ngủ, rồi mơ về những con sư tử.

Tóm tắt Bài 3

Suốt tám mươi tư ngày liền, ông già Xan-ti-a-gô không kiếm được con cá nào. Mọi người dân trong làng chài ấy xem lão đã “đi đứt” vì gặp vận rủi. Vào ngày thứ tám mươi lăm, ông lão chèo thuyền ra khơi trước khi trời sáng. Lần này lão đi thật xa. Thế rồi, một con cá lớn tính khí kỳ quặc mắc mồi. Đây là một con cá kiếm khổng lồ mà ông hằng mong ước. Khi mặt trời mọc vào ngày thứ ba, con cá bắt đầu lượn vòng. Sau cuộc vật lộn cực kỳ căng thẳng và nguy hiểm, Xan-ti-a gô giết được con cá. Con cá dài hơn chiếc thuyền của lão. Lão nghĩ nó sẽ mang lại vận may cho mình. Nhưng lúc ông già quay vào bờ, từng đàn cá mập hung dữ đuổi theo rỉa thịt con cá kiếm. Ông lão phải đơn độc chiến đấu đến kiệt sức với lũ cá mập. Khi ông già mệt rã rời quay vào bờ thì con cá kiếm chỉ còn trơ lại bộ xương.

Bố cục

Văn bản chia thành 2 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến "nước bắn tung, trùm lên cả ông lão lẫn con thuyền": Cuộc chiến đấu của Xan-ti-a-go

- Phần 2: Còn lại: Hành trình Xan-ti-a-gô đưa con cá về bờ.

Nội dung chính

Hình ảnh ông lão đánh cá đơn độc dũng cảm săn đuổi con cá lớn nhất đời là một biểu tượng về vẻ đẹp của ước mơ và hành trình gian khổ của con người để biến ước mơ thành hiện thực. Sự chuyển hóa từ bức tranh với những nét trần trụi, chân thực, giản dị sang một lớp nghĩa hàm ẩn, rộng lớn - đó chính là phong cách của Hê-minh-uê và cũng là sư thể hiện nguyên lí sáng tác của ông: tác phẩm nghệ thuật như một "tảng băng trôi".

close